Báo Đồng Nai điện tử
En

Tình người trong mưa

08:10, 05/10/2017

San lấp đường ở nơi nước chảy gây xói mòn, dọn rác ở nắp cống, sửa xe bị chết máy do nước ngập... là những việc tốt đẹp mà nhiều người đang chung tay giúp đỡ nhau khi các cơn mưa lớn gây ngập nước. Những việc làm trên tưởng chừng bình thường, nhưng không phải ai cũng thực hiện.

San lấp đường ở nơi nước chảy gây xói mòn, dọn rác ở nắp cống, sửa xe bị chết máy do nước ngập... là những việc tốt đẹp mà nhiều người đang chung tay giúp đỡ nhau khi các cơn mưa lớn gây ngập nước. Những việc làm trên tưởng chừng bình thường, nhưng không phải ai cũng thực hiện.

Không ít người đẩy xe giúp người đi đường vượt qua điểm ngập.
Không ít người đẩy xe giúp người đi đường vượt qua điểm ngập.

TP.Biên Hòa đang giữa mùa mưa nên trong tuần xuất hiện nhiều đợt mưa to. Điều khiến người dân ngán ngại nhất là chuyện đường sá ngập nước, phương tiện giao thông đi lại khó khăn.

* Ra đường canh ngập

Ngoài những hành động đẹp của người dân, mỗi lần mưa lớn gây ngập đường, lực lượng cảnh sát giao thông luôn có mặt kịp thời, đứng hàng giờ giữa mưa to để điều tiết giao thông. Các chiến sĩ cảnh sát giao thông không ngại khó khăn, dắt xe giúp người đi đường vượt qua khu vực ngập nước an toàn.

Từ nhiều năm nay, người dân sống dọc tuyến quốc lộ 51 đoạn qua phường Long Bình Tân và xã An Hòa (TP.Biên Hòa) đã quá quen với cảnh mỗi khi có mưa lớn là ai nấy bì bõm trong dòng nước ngập ngang đầu gối. Thậm chí, có vị trí nước cao trên 1m, “nuốt chửng” luôn dải phân cách trên đường khiến giao thông bị chia cắt, xe chết máy, người dân đi lại khó khăn.

Những lúc như vậy, ông Võ Minh Hoàng (60 tuổi, ngụ phường Long Bình Tân) lại “đội mưa”, xắn quần ra đứng trước con hẻm 99 (gần Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh) để hướng dẫn mọi người vượt qua chỗ ngập nước an toàn. Bởi, tại đây có một cống thoát nước mất nắp đã lâu nhưng không được sửa chữa dẫn đến nước chảy xiết, có thể cuốn bất cứ thứ gì vào bên trong.

Ông Hoàng cho biết công việc hàng ngày của ông là phụ các con bán đồ ở chợ nên rất bận bịu. Dù vậy, khi trời vừa đổ mưa lớn là ông nhanh tay dọn hàng, tranh thủ chạy ra đường thu gom chai lọ, rác thải nằm chắn ngang, ken đặc trên những nắp đậy để tránh tình trạng cống bị nghẹt.

“Người sống ở gần cống thoát nước còn biết mà tránh. Còn người nơi khác đi qua đây không biết được chỗ nguy hiểm nên chỉ cần sơ sẩy, không để ý thì tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào. Ngoài chuyện canh chừng nước ngập, tôi cũng sẵn sàng đẩy xe bị chết máy giúp người đi đường qua khu vực nước ngập mà không ngại tuổi già, sức yếu” - ông Hoàng thủ thỉ chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Bảy (51 tuổi, ngụ KP.Bình Dương, phường Long Bình Tân) chạy xe ôm ở khu vực ngã tư Vũng Tàu đã gần 10 năm nay. Đối với người dân nơi đây, ông là người nhiệt tình và dễ gần. Mọi người biết đến ông không phải vì việc chạy xe mà mấy năm qua, mỗi khi trời mưa ông đều ra đường nhặt rác ở các nắp cống để nước thoát nhanh.

Lúc mới thấy ông Bảy ra đường nhặt rác, ai cũng nghĩ ông làm chuyện không đâu, mưa gió không ở nhà mà lặn lội trên đường cho cực thân. Thế nhưng, bác xe ôm vẫn cặm cụi làm “chuyện không đâu” ấy cho đến khi các cống thoát nước trên đường hoạt động tốt mới nghỉ ngơi.

Ông Bảy tâm niệm bản thân phải góp một phần nhỏ bé để giúp mọi người không phải vất vả lội mưa rồi té ngã giữa đường ngập nước. Làm nhiều càng thấy yêu công việc này nên mỗi khi trời mưa ông lại đến dọn, làm sạch nắp cống. Những lúc như thế, đường không còn bị ngập nước, các phương tiện lưu thông đỡ chật vật hơn khiến ông cũng thấy vui lây.

“Nếu ai cũng ý thức được việc vứt bỏ rác lung tung gây ảnh hưởng dòng chảy thì những chuyện này sẽ ít xảy ra, đường phố lúc nào cũng sạch sẽ. Lúc bận bịu tôi không làm được, nhưng mỗi khi rảnh lại chạy ra các điểm ngập nước để dọn rác. Không riêng gì tôi, việc nhỏ và không tốn nhiều thời gian như vậy ai cũng có thể làm được. Mỗi người cùng chung tay, góp sức thì cuộc sống thêm ý nghĩa” - ông Bảy bộc bạch.

Đường ngập, người dân đội áo mưa móc rác ở miệng cống để dòng nước nhanh chóng thoát đi.
Đường ngập, người dân đội áo mưa móc rác ở miệng cống để dòng nước nhanh chóng thoát đi.

* Mong mọi người đi lại thuận lợi

Trong những đợt mưa lớn gây ngập nước, nhiều người còn chủ động phối hợp cùng lực lượng chức năng tăng cường phân luồng, điều tiết giao thông để giảm thiểu tình trạng kẹt xe và ùn tắc trên đường.

Anh Nguyễn Thành Vinh (32 tuổi, ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) chia sẻ cơn mưa ngày 2-10 khiến đường Võ Nguyên Giáp (gần vòng xoay Cổng 11) nước cao trên 1m, xe nhỏ qua đây hầu như đều chết máy, phải xếp hàng dài. Anh Vinh cùng một số người dân trong xóm phải dầm mình trong nước, đứng giữa đường để hướng dẫn xe cộ vượt qua chỗ nước ngập nặng.

Lúc nước dâng cao, anh Vinh vừa sợ xe của người đi đường bị chết máy, vừa lo những xe lớn chạy qua với tốc độ cao gây ra các đợt sóng lớn cuốn trôi đồ đạc, hư hỏng nhà cửa của người dân ở 2 bên đường. Từ đầu mùa mưa đến nay, khu vực Cổng 11 thường xuyên xảy ra tình trạng ngập nặng, chính anh cũng không nhớ mình đã bao nhiêu lần dầm mưa, lội nước trên đường.

Làm “cọc tiêu” giao thông hàng giờ giữa trời, áo quần ướt sũng, bụng cũng đói meo, nhưng không vì vậy mà anh Vinh bỏ cuộc. Chỉ đến khi nước rút xuống thấp thì anh Vinh và mọi người mới yên tâm nghỉ ngơi.

Đường Thân Nhân Trung nối giữa phường Hố Nai với phường Trảng Dài có lượng phương tiện qua lại rất đông, nhưng đoạn từ UBND phường Hố Nai đến cầu Lộc Lâm mặt đường xuống cấp trầm trọng từ nhiều năm nay. Trời nắng bụi bay mịt mù, mưa thì nước cuốn trôi đất, đá tạo nên các ổ gà, rãnh sâu. Dù không dẫn đến vụ tai nạn thương tâm nào, nhưng việc người đi đường bị ngã xe ở đây xảy ra thường xuyên.

Thấy được điều đó, mỗi lần trời mưa, đất đá dồn thành đống, bà Nguyễn Thị Hoàng (71 tuổi, ngụ KP.8, phường Hố Nai) lại mang cuốc, xẻng  ra “vá” đường. Thầm lặng với công việc không tên chỉ để mong mọi người đi lại được an toàn. Điều này làm tuổi già của bà trở nên ý nghĩa và tốt đẹp hơn.

“Nhiều nhà trong xóm chung tay mua đá dăm về đắp đường, nhưng sau cơn mưa nước lại cuốn trôi đất, đá xuống suối, đường xấu vẫn xấu, thậm chí ngày càng xuống cấp. Vì vậy, tôi mong chính quyền địa phương sớm làm lại đường để người dân đi lại bớt khổ và an toàn” - bà Hoàng tâm sự.

Thanh Hải

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích