Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi thay ở ấp Cây Da

07:11, 06/11/2017

Trong ký ức của Bí thư Chi bộ ấp Cây Da (xã Bình Lộc, TX.Long Khánh) Bùi Văn Xuân, mấy chục năm trước, cuộc sống của người dân trong ấp chỉ mong ngày 2 bữa cơm no bụng đã thấy vui.

Trong ký ức của Bí thư Chi bộ ấp Cây Da (xã Bình Lộc, TX.Long Khánh) Bùi Văn Xuân, mấy chục năm trước, cuộc sống của người dân trong ấp chỉ mong ngày 2 bữa cơm no bụng đã thấy vui. Bởi, khi rừng già được khai khẩn thành ruộng (rẫy), người nông dân ở đây chỉ biết trồng cây lúa, hoa màu, rau củ để giải quyết cái đói trước mắt chứ chưa ai nghĩ tới chuyện làm giàu.

Cây bưởi được nông dân ấp Cây Da trồng xen với nhiều loại cây trồng khác trong vườn theo mô hình đa cây, đa con.
Cây bưởi được nông dân ấp Cây Da trồng xen với nhiều loại cây trồng khác trong vườn theo mô hình đa cây, đa con.

Nay ấp Cây Da của ông Xuân chẳng còn bóng dáng ngôi nhà tranh, nhà gỗ xập xệ và khu đất bỏ hoang cho cỏ mọc để lưu lại ký ức nghèo. Tất cả đã biến mất, chỉ còn hiện diện những ngôi nhà xây, những con đường bê tông, vườn rẫy xanh màu nông thôn mới.

Thời cơ cực…

Ấp Cây Da sau ngày đất nước thống nhất vẫn là rừng tre, bằng lăng... bạt ngàn. Năm 1976, ông Bùi Văn Xuân cùng mấy chục hộ dân ở TX.Long Khánh bắt đầu về đây khai khẩn đất trồng lúa, hoa màu… theo chính sách giãn dân của địa phương.

Bí thư Chi bộ ấp Cây Da Bùi Văn Xuân với vườn mít và các cây trồng, vật nuôi khác cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
Bí thư Chi bộ ấp Cây Da Bùi Văn Xuân với vườn mít và các cây trồng, vật nuôi khác cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.

Ngày mới về, ông Xuân cùng 3 hộ dân: Dũng, Son và Lập dựng chung một cái chòi tranh nơi khu đất cao ven suối Cây Da để ở. Cuộc sống “sáng cuốc bộ vào rừng Cây Da làm rẫy, tối mịt lội bộ về nhà” ngày càng bất tiện nên ông Xuân và nhiều hộ dân khác quyết định bám trụ tại đất Cây Da.

Nhóm giãn dân của ông Xuân bám suối Cây Da để khai khẩn đất trồng lúa, hoa màu. Các nhóm di dân từ tỉnh Bình Dương và các huyện trong tỉnh Đồng Nai chậm chân hơn, không chiếm được các vùng đất ven suối Cây Da làm ruộng nước nên khai khẩn đất cao trồng bắp, đậu, khoai…

Người đến trước sớm thu hoạch được lúa, hoa màu nên no bụng. Kẻ đến sau phải cậy nhờ sự giúp đỡ của người đến trước để chờ cây trồng cho thu hoạch. Tuy vậy, người đến trước, đến sau vẫn chung cảnh chòi tranh leo lét ánh đèn dầu, nông sản làm ra muốn bán lại gặp trở ngại đường đi, sự kiểm soát nghiêm ngặt thời bao cấp.

Làm được nhiều lúa, khoai, đậu, bắp..., dân ấp Cây Da tạm giải quyết được cái ăn; nhưng cái mặc, học hành, giao lưu hàng hóa... vẫn thua kém bên ngoài đủ điều. Tuy vậy, những người dân ở ấp Cây Da vẫn hoan hỉ với cuộc sống họ hiện có, không để ý nhiều với cuộc sống phố thị họ đã rời xa.

Trưởng ấp Cây Da Phu Cắm Sáng cho biết là thế hệ thứ 2 của ấp Cây Da, nhưng ông vẫn nhớ cảnh nhà tranh, đường đất lầy lội, đèn dầu leo lét của mấy chục năm về trước. Hồi đó, lũ trẻ con như ông hễ nghe thấy tiếng xe máy của người dân bên ngoài chạy vào ấp thì ùa ra đường đứng nhìn với vẻ thích thú.

Nay thấy ô tô nhìn quen mắt

Cái thời khó khổ của dân ấp Cây Da sớm lùi vào quá khứ khi xã Bình Lộc bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Nông thôn mới đem lại niềm vui lớn nhất cho người dân ấp Cây Da là tuyến đường Bình Lộc - Cây Da được đổ nhựa. Từ tuyến đường này, người dân ấp Cây Da lựa chọn tuyến đi ngắn nhất để ra trung tâm xã, TX.Long Khánh và các xã giáp ranh ở huyện Xuân Lộc.

Trưởng ấp Cây Da Phu Cắm Sáng (bìa phải).
Trưởng ấp Cây Da Phu Cắm Sáng (bìa phải).

Nông thôn mới kết nối các tuyến giao thông nội bộ, kết nối vườn rẫy càng thúc đẩy dân ấp Cây Da chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây nhà biệt thự để ở. Cũng theo lời Trưởng ấp Sáng, xe ô tô tải, ô tô con, xe máy đời mới ngày càng tấp nập trên các tuyến đường làm bọn trẻ con trong ấp nhìn riết thấy chán.

Trong khi đó, Bí thư Chi bộ ấp Cây Da Bùi Văn Xuân nhận xét tỉ mỉ theo kiểu người già rằng dân ấp Cây Da phát triển thêm một bước khi chuyển cây lúa, hoa màu sang cây cà phê. Chính cây cà phê vào những năm 1988-2000 đã giúp dân ấp Cây Da sống đỡ hơn một bước.

Bí thư Chi bộ ấp Cây Da Bùi Văn Xuân tâm sự dù nhà chỉ có hơn 1 hécta đất sản xuất, nhưng ông vẫn nuôi được 3 con ăn học đại học và nay các con ông đều có công ăn việc làm ổn định.

Sau cây cà phê, nông dân trong ấp tiếp tục chuyển đổi sang trồng cây chôm chôm và các loại cây ăn trái khác, kết hợp với chăn nuôi dê, bò, heo, gà..., giúp đời sống nông dân ấp Cây Da tăng thêm một bậc nữa.

“Nông dân ấp Cây Da tạo ra cú đột phá mạnh nhất vào thời điểm năm 2012, khi địa phương khởi động xây dựng nông thôn mới. Từ nông thôn mới, rồi nông thôn mới kiểu mẫu, ấp Cây Da trở nên trù phú, nông dân giàu lên thấy rõ” - ông Xuân cho biết.

Ấp Cây Da có 356 hộ, 325 hécta đất sản xuất nông nghiệp; tính trung bình mỗi người trong ấp có gần 1 hécta đất sản xuất (trừ các hộ làm thương mại, dịch vụ). Theo Trưởng ấp Phu Cắm Sáng, ấp Cây Da hiện không còn hộ nghèo, số hộ khá giàu nhiều hơn số hộ có mức sống trung bình (toàn ấp có 50 hộ có mức sống trung bình). Đó là nhờ nông dân ấp Cây Da, nhất là giới trẻ trong ấp biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gồm những cây, con thị trường tiêu thụ mạnh.

Đi lên từ sự vất vả, khá giàu lên từ vườn cây, vật nuôi..., nông dân ấp Cây Da càng thấy cái lợi từ chủ trương nông thôn mới của xã, huyện, tỉnh nên sẵn sàng hiến đất, góp tiền làm đường, kéo điện tới rẫy, tới chuồng trại.

Trưởng ấp Sáng tâm sự trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, người dân ấp Cây Da đã bỏ ra hơn 5 tỷ đồng để cùng với địa phương xây dựng hạ tầng. Đổi lại, nông dân trong ấp được tiểu thương đánh xe đến tận vườn mua nông sản với giá cao nên không khá giàu sao được.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều