Báo Đồng Nai điện tử
En

Nơi thắm tình thầy trò

07:11, 20/11/2017

Được nhà trường tặng thưởng chiếc xe đạp mới vào đầu năm học, em Thục Nhi (học sinh lớp 9/2 Trường THCS Lê Lợi, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) thêm phấn khởi với chuyện học, chuyện nhà. 8 năm liền là học sinh giỏi, nay được thầy cô tặng xe đạp, học bổng động viên, Thục Nhi càng quyết tâm học giỏi ở năm cuối cấp trước khi rời mái Trường THCS Lê Lợi nhiều kỷ niệm.

Được nhà trường tặng thưởng chiếc xe đạp mới vào đầu năm học, em Thục Nhi (học sinh lớp 9/2 Trường THCS Lê Lợi, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) thêm phấn khởi với chuyện học, chuyện nhà. 8 năm liền là học sinh giỏi, nay được thầy cô tặng xe đạp, học bổng động viên, Thục Nhi càng quyết tâm học giỏi ở năm cuối cấp trước khi rời mái Trường THCS Lê Lợi nhiều kỷ niệm.

Cô giáo Lê Thị Kim Chung cùng học sinh lớp 9/5 Trường THCS Lê Lợi trong giờ học toán.
Cô giáo Lê Thị Kim Chung cùng học sinh lớp 9/5 Trường THCS Lê Lợi trong giờ học toán.

Trường THCS Lê Lợi được xây dựng trên khu đất trũng. Qua các đời hiệu trưởng dày công tôn nền, sửa chữa và nâng cấp, ngôi trường trở nên cao ráo, xanh đẹp, khang trang. Được thừa hưởng thành quả của phong trào nông thôn mới, các thế hệ giáo viên Trường THCS Lê Lợi thêm đoàn kết, nhiệt huyết với trách nhiệm trồng người.

* Tiếp sức trò nhỏ

Dù bận rộn với việc dạy học và các hoạt động chuẩn bị cho Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 -11, cô Tổng phụ trách Đoàn - Đội Trường THCS Lê Lợi Thanh Nga vẫn nhiệt tình tiếp chuyện chúng tôi. Cô Thanh Nga cho biết ngày 20-11 ngoài tôn vinh thầy cô giáo, nhà trường còn dành sân chơi và những phần quà ý nghĩa cho những học sinh vượt khó học giỏi, chăm ngoan.

Phó chủ tịch HĐND xã Xuân Trường Lương Minh Tân (vốn là học trò cũ của Trường THCS Lê Lợi) bày tỏ có dịp thăm lại các thầy cô giáo cũ tóc đã thêm nhiều sợi bạc nhưng vẫn còn đứng trên bục giảng với bầu nhiệt huyết cháy bỏng như thuở ông còn ngồi dưới dãy bàn học ọp ẹp ngày nào, ông càng hiểu hơn tình thầy trò và càng trân quý hơn tấm lòng của các thầy cô giáo với học trò.

Trường THCS Lê Lợi được chia tách từ Trường PTCS Xuân Trường vào năm 1994. 23 năm qua, bao thế hệ thầy, trò ở ngôi trường này vẫn cần mẫn, nhiệt huyết với việc dạy và học; các giáo viên vẫn miệt mài dạy dỗ con em xã Xuân Trường khi các em rời mái trường tiểu học rồi chuyển cấp vào Trường THCS Lê Lợi với những bước chân còn lạ lẫm.

Thầy Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi Trần Đức Dũng cho hay học sinh của trường đa phần là con em nông dân, tiểu thương và cán bộ, công chức, người lao động ở xã Xuân Trường nên điều kiện kinh tế của các bậc phụ huynh tác động rất lớn đến việc học của học sinh.

Không để học sinh nghèo, khó khăn về kinh tế bỏ dở ước mơ đến trường, các giáo viên ở Trường THCS Lê Lợi ngoài việc bận bịu chuyện giảng dạy còn tranh thủ kết hợp với chính quyền địa phương, Ban đại diện cha mẹ học sinh và các mạnh thường quân, tổ chức xã hội vận động quyên góp sách vở, quần áo, tiền... giúp cho học trò nghèo hiếu học, vượt khó học giỏi.

Các phong trào: kế hoạch nhỏ, ngàn việc tốt, đôi bạn cùng tiến, nuôi heo đất, cây mùa xuân... bao năm nay đã thành nếp ở Trường THCS Lê Lợi. Cũng nhờ đó, rất nhiều học sinh nghèo được tiếp thêm nghị lực đến trường bằng những món quà đầy ý nghĩa từ bạn bè, thầy cô, phụ huynh học sinh và cộng đồng xã hội, như: chiếc xe đạp, học bổng, tập vở...

Em Thục Nhi bày tỏ nhờ chiếc xe đạp thầy cô tặng và những phần quà vào dịp đầu năm, cuối năm hay lễ, tết mà em được tiếp thêm động lực đến trường, vượt qua hoàn cảnh khó khăn để cố gắng đạt kết quả học tập tốt nhất.

Mỗi năm, Trường THCS Lê Lợi lại huy động sự đóng góp từ học sinh, phụ huynh, cộng đồng xã hội… trên 100 triệu đồng để cùng với nguồn ngân sách giáo dục tôn tạo ngôi trường thêm khang trang, xanh đẹp, để bước chân tới trường của các trò nhỏ thêm vững chắc. “Một ít đóng góp của nhiều người góp lại sẽ là món quà lớn và ý nghĩa với học trò nghèo” - thầy Trần Đức Dũng tâm sự.

* Đoàn kết là tài sản

Qua thời gian và sự tận tụy của các đời hiệu trưởng vun đắp, Trường THCS Lê Lợi ngày càng khang trang. Cái nền đất sân trường lầy lội, thấp lè tè so với mặt đường khi thầy Trần Đức Dũng còn là giáo viên mới được nhận về trường, dần được nâng cao cả mét và tráng xi măng cao bằng mặt đường. Những lớp học dựng bằng tôn, gạch tạm bợ ngày nào nay đã được thay bằng những dãy lầu với phòng học, phòng thí nghiệm... đạt chuẩn quốc gia.

Thầy Đoàn Văn Thành vẫn tràn đầy nhiệt huyết với học trò khi hỗ trợ đồng nghiệp trong giờ thể dục.
Thầy Đoàn Văn Thành vẫn tràn đầy nhiệt huyết với học trò khi hỗ trợ đồng nghiệp trong giờ thể dục.

Tự hào là thế hệ tiếp nối, Trần Đức Dũng bộc bạch đó là nhờ tập thể ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên nhà trường bao năm nay luôn đoàn kết, tận tâm với nghề, trách nhiệm với học sinh. Cho nên, tài sản quý nhất mà các thầy, cô hiệu trưởng của trường khi về hưu hoặc chuyển trường khác để lại vẫn là đội ngũ giáo viên đoàn kết, các thế hệ học trò hiếu đạo.

Là thế hệ đàn anh vẫn còn sát cánh bên đàn em trẻ tuổi đời và tuổi nghề, thầy Đoàn Văn Thành (57 tuổi, giáo viên môn Lịch sử và Địa lý) cho hay ở tuổi gần về hưu thầy không bì kịp các giáo viên trẻ trong việc đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào các bài giảng. Nhưng với kinh nghiệm 32 năm đứng trên bục giảng và bầu nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục, thầy Thành vẫn còn hoạt bát, cất giọng sang sảng trước học sinh về đất nước, con người Việt Nam qua các tiết giảng Lịch sử, Địa lý.

Thầy Khoa (dạy môn Giáo dục công dân), thầy Long (dạy môn Toán), cô Thanh Nga (Tổng phụ trách Đội)..., tuy còn trẻ tuổi nghề và tuổi đời, nhưng tinh thần nhiệt huyết vẫn được lớp đàn anh như thầy Thành đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng. Thầy Thành kể rằng lớp giáo viên của thầy trước kia chưa thực hiện các phong trào: nuôi heo đất, cây mùa xuân, tiếp sức đến trường..., mà thầy nghèo giúp trò nghèo bằng những lời động viên, những cây bút, cuốn vở chứ không có được xe đạp, học bổng, quà giá trị như bây giờ.

Trống trường liên hồi báo giờ tan lớp, các học sinh: Thục Nhi, Thúy (học sinh lớp 7/2), Thành Công (học sinh lớp 7/4)... hãnh diện với những chiếc xe đạp mới được tặng tung tăng với “bạn cùng tiến” ra về. Trong khi đó, thầy Hiệu trưởng Trần Đức Dũng, cô Hiệu phó Nguyễn Thị Xuân, cô Tổng phụ trách Đội Thanh Nga, thầy Phó chủ tịch Công đoàn Trần Anh Khoa,... vẫn ngồi lại bàn về việc chuẩn bị cho Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 sao cho ý nghĩa với thầy, thấm đẫm tình yêu trò khi nghề giáo được xã hội tôn vinh.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều