Báo Đồng Nai điện tử
En

Rèn quân dưới chân núi Mây Tàu

07:11, 04/11/2017

Hơn 15 năm qua, dưới chân núi Mây Tàu (huyện Xuân Lộc), các cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 3 (Sư đoàn 9, Quân đoàn 4) đã vượt qua bao khó khăn, vất vả để rèn luyện bản thân, xây dựng đơn vị tinh nhuệ.

Hơn 15 năm qua, dưới chân núi Mây Tàu (huyện Xuân Lộc), các cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 3 (Sư đoàn 9, Quân đoàn 4) đã vượt qua bao khó khăn, vất vả để rèn luyện bản thân, xây dựng đơn vị tinh nhuệ.

Chiến sĩ Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3 rèn luyện thể lực hàng ngày
Chiến sĩ Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3 rèn luyện thể lực hàng ngày

Vừa xong giờ tập luyện chiều, các chiến sĩ thuộc Trung đoàn 3 lại tập hợp để thực hiện bài chạy bộ 3 ngàn méy trước khi nghỉ ngơi.

Có sức khỏe là có tất cả

Ngày nào cũng vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ thuộc các trung đội, đại đội, tiểu đoàn của Trung đoàn 3 đều phải chạy bộ 3 ngàn mét cùng các bài tập khác và cả lao động tăng gia ngoài giờ... Việc rèn luyện thể lực giúp cán bộ, chiến sĩ có trái tim khỏe, cơ bắp dẻo dai,  đáp ứng cường độ vận động liên tục mỗi lần hành quân, tham gia diễn tập.

Chiến sĩ Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3 chuẩn bị quân tư trang trước khi hành quân luyện tập
Chiến sĩ Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3 chuẩn bị quân tư trang trước khi hành quân luyện tập

Ngoài ra, các cán bộ, chiến sĩ còn có những cuộc hành quân hàng tuần, hàng tháng với độ dài thay đổi từ 10km, 20km mỗi ngày cho đến 100km trong 5 ngày liên tục. Tất cả nhằm mục đích đặt người lính trong trạng thái sẵn sàng lên đường làm bất cứ nhiệm vụ gì, đi bất kỳ nơi đâu khi Tổ quốc cần.

Trung tá Kiều Xuân Thanh, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 3, cho biết: “Chúng tôi rất coi trọng công tác huấn luyện, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của Trung đoàn đủ quân, trong đó chú trọng huấn luyện thể lực, bởi huấn luyện thể lực để có sức khỏe dẻo dai và tăng sức chịu đựng của cán bộ, chiến sĩ. Thông qua huấn luyện thể lực có thể nâng cao khả năng cơ động của đơn vị, đáp ứng tốt các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của trung đoàn”.

Ngay từ đầu năm, những cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện thể lực đã được đơn vị chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng thời xây dựng kế hoạch, tiến trình biểu. Hiện nay, các chiến sĩ của trung đoàn đều có sức khỏe dẻo dai, thể hiện qua những lần hành quân trú quân diễn tập ai cũng vượt qua 100km trong 5 ngày, tiếp tục tham gia diễn tập rồi đi bộ 100km về lại đơn vị. Để có thể làm được những điều này, đòi hỏi các chiến sĩ từ khi mới nhập ngũ đã phải nỗ lực rèn luyện theo nề nếp, tác phong quân đội.

Đại úy Lê Tuấn Anh, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3, cho hay là đơn vị nhận tân binh huấn luyện từ những ngày đầu nhập ngũ và đưa vào biên chế số chiến sĩ này, đơn vị đã áp dụng những biện pháp cụ thể, đa dạng để có thể giúp tân binh sớm hòa nhập với môi trường quân ngũ trong điều kiện rèn luyện, học tập liên tục. Đơn vị tập cho chiến sĩ làm quen với 3 tiếng nổ (lựu đạn, súng và thuốc nổ) để luyện tinh thần vững vàng, bắn giỏi, đánh trúng. Song song đó là những hoạt động vừa nâng cao thể chất vừa thêm màu sắc cho cuộc sống quân ngũ, như: làm công tác dân vận hay những hoạt động kết nghĩa của đơn vị. Chỉ khi mỗi chiến sĩ thực sự hòa mình vào nếp sống, sinh hoạt trong đơn vị thì kết quả huấn luyện mới đạt chất lượng.

Vai trò của những chỉ huy trẻ

Khi tiếp nhận tân binh, người sâu sát, gần gũi với các tân binh và cả chiến sĩ năm thứ 1, năm thứ 2 chính là các cán bộ trung đội. Họ là những người tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm, suy nghĩ và tình trạng gia đình, sức khỏe của mỗi người. Chỉ khi nắm bắt được tất cả những điều đó, các trung đội trưởng, phó trung đội trưởng mới có thể hoàn thành tốt vai trò chỉ huy, kề vai sát cánh cùng mỗi chiến sĩ.

Chiến sĩ Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3 nghe chỉ huy phổ biến trước khi làm nhiệm vụ
Chiến sĩ Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3 nghe chỉ huy phổ biến trước khi làm nhiệm vụ

Đại úy Võ Thanh Hiệp, Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3, cho biết anh về Trung đoàn 3 vào năm 2010, từng làm Trung đội trưởng 3 năm. Anh chia sẻ khi tiếp xúc với các tân binh người cán bộ phải biết đả thông tư tưởng mỗi tân binh, tìm cách giúp họ vượt qua nỗi nhớ nhà, hòa nhập với môi trường mới, làm việc gì cũng đặt tinh thần tập thể, đơn vị lên hàng đầu.

Tại đơn vị, các chiến sĩ từng bước đượccrèn luyện vào khuôn khổ rồi mỗi ngày siết dần kỷ luật hơn để thực hiện 11 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần. Đặc biệt, cán bộ phải nắm bắt được hoàn cảnh gia đình từng chiến sĩ, nếu có việc nảy sinh thì vừa động viên vừa gặp cấp trên đề xuất hỗ trợ tân binh khi cần thiết.

“Tôi nhớ vào năm 2015, có một chiến sĩ thuộc Trung đội 1, Đại đội 9 trong quá trình nhập ngũ thì mẹ ở nhà (ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) bị bỏng trên 80% do nổ bình gas, phải đưa đi bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh cấp cứu. Khi biết tin, tập thể đơn vị đã góp tiền ủng hộ chiến sĩ này. Tôi đã đề nghị tiểu đoàn trích quỹ ủng hộ thêm và đề nghị trung đoàn giải quyết phép đặc biệt cho chiến sĩ về thăm mẹ, giúp chiến sĩ lúc quay về đơn vị yên tâm hơn khi làm nhiệm vụ” - Đại úy Hiệp kể lại.

Giữ vai trò quản lý trung đội khi Trung đội trưởng vắng mặt, vừa sâu sát, cùng ăn ở, cùng tập luyện với chiến sĩ, các phó trung đội trưởng (chiến sĩ nghĩa vụ quân sự được đào tạo qua Trường quân sự quân đoàn) là cánh tay mặt giúp các chỉ huy cấp trên hiểu sâu sát từng chiến sĩ trong đơn vị.

Thượng sĩ Nguyễn Thành Bắc, Phó trung đội trưởng Trung đội 6, Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3, cho hay trong suốt quá trình tập luyện, hành quân, bản thân mỗi cán bộ trung đội đều mang theo khối lượng ngang với một chiến sĩ, đồng thời luôn phải quan sát, động viên chiến sĩ và chia sẻ gánh nặng quân trang nếu có ai đó bị đuối sức. Dù đã hành quân, chạy bộ rèn luyện đều đặn nhưng việc hành quân đường dài vẫn có người mệt, có người đau chân vì không phải sức khỏe chiến sĩ nào cũng tốt như nhau.

“Quân tư trang, vũ khí gần 30kg, mỗi khi hành quân đường dài có những chiến sĩ thể lực không tốt so với đồng đội nên thường đi chậm dần và tụt lại, hoặc bị phồng chân. Lúc đó, những phó trung đội trưởng như chúng tôi sẽ là người nắm bắt tình hình đầu tiên và yêu cầu người cùng tiểu đội san sẻ hành lý cùng chiến sĩ đuối sức. Nói ra thấy nhẹ nhàng, nhưng trong lúc hành lý của mình mang theo cũng trĩu nặng, người đẫm mồ hôi, chân cũng phồng, nhưng người chỉ huy phải giữ vững tinh thần, làm chỗ dựa cho anh em… mới thấy vai trò đầu tàu khó khăn đến mức nào. Tuy nhiên, đã được cấp trên tín nhiệm giao cho quản lý trung đội khi Trung đội trưởng vắng mặt thì tôi phải làm tròn chức trách, đảm bảo đơn vị luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao” - Thượng sĩ Bắc bộc bạch.

“Xa nhà ai chẳng nhớ, ai chẳng có lúc buồn, nhưng đã nhập ngũ thì phải hoàn thành nhiệm vụ với đất nước trước tiên. Tôi cũng là chiến sĩ, từng là tân binh lên đường nhập ngũ như các chiến sĩ nên tôi hiểu và có thể chia sẻ, lắng nghe tâm tư của các tân binh, để cùng các cấp chỉ huy giải quyết vấn đề. Các cán bộ của đơn vị phải là người để các chiến sĩ tâm sự, gửi gắm niềm tin khi chung vai sát cánh với họ” - Thượng sĩ Nguyễn Thành Bắc, Phó trung đội trưởng Trung đội 6, Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3, chia sẻ.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều