Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo sinh cảnh cho bò tót

07:11, 30/11/2017

Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) hiện có khoảng 200 cá thể bò tót; sống chủ yếu ở những nơi thưa thoáng, ven rừng, trảng cỏ...

Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) hiện có khoảng 200 cá thể bò tót; sống chủ yếu ở những nơi thưa thoáng, ven rừng, trảng cỏ... Giám đốc Khu bảo tồn Trần Văn Mùi cho biết để mở rộng sinh cảnh, bảo vệ tốt đàn bò tót và các loài thú móng guốc, đơn vị đã triển khai đồng loạt các đề án di dân và xây dựng các điểm cung cấp nước, khoáng...

Bò tót xuất hiện tại khu vực rừng Rang Rang, suối Sai.(Ảnh do Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cung cấp)
Bò tót xuất hiện tại khu vực rừng Rang Rang, suối Sai.(Ảnh do Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cung cấp)

Sau gần 11 tháng di dời 58 hộ dân sống ở khu vực Rang Rang, suối Sai (ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) ra khỏi rừng, bò tót liên tục xuất hiện tại khu vực này. Kiểm lâm viên Trần Công Trường (Trạm Kiểm lâm Rang Rang, thuộc Khu bảo tồn) cho biết trước đây đi tuần rừng cả ngày mới tìm ra dấu chân bò tót, giờ bò tót liên tục xuất hiện ở trạm và ở khu vực các hộ dân vừa được di dời.

* Tín hiệu vui

Kiểm lâm viên Trần Công Trường khoe trong chuyến tuần rừng mới đây cùng đồng nghiệp tại khu vực suối Sai, ông đã thấy 14 cá thể bò tót, trong đó có 4 con non. Dù nhìn thấy bóng dáng kiểm lâm, đàn bò tót vẫn chậm rãi tìm thức ăn và di chuyển trên các tuyến đường dân sinh, phòng chống cháy.

Qua khảo sát, Khu bảo tồn có các loài thú móng guốc, gồm: heo rừng, cheo cheo kanchil, hươu vàng, mang thường, nai đen, bò tót. Giám đốc Khu bảo tồn Trần Văn Mùi cho hay nghiên cứu của các nhà khoa học thời gian qua khẳng định có sự hiện diện của 6 loài thú móng guốc ở Khu bảo tồn và vùng lân cận, chiếm tỷ lệ 31,6% tổng số loài thú móng guốc hiện biết ở Việt Nam.

Cũng theo kiểm lâm viên Trường, sau khi chính quyền địa phương và Khu bảo tồn có kế hoạch di dời 58 hộ dân sống ở khu vực rừng Rang Rang, suối Sai ra khỏi rừng; đồng thời đóng con đường qua lại bằng phà giữa tỉnh Bình Phước và ấp 5, xã Mã Đà thì bò tót liên tục xuất hiện quanh khu vực trạm vào lúc sáng sớm và chiều tối.

Để kiểm chứng cho lời nói của kiểm lâm Trường, ông Nguyễn Mạnh Điệp (cán bộ Phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác, Khu bảo tồn) và kiểm lâm viên Tạ Quang Tân (Trạm Kiểm lâm Rang Rang) dẫn chúng tôi đến khu vực 58 hộ dân đã được di dời để xem dấu chân, phân bò tót để lại.

Chỉ vào những dấu chân mới, cũ còn in trên mặt đất, ông Điệp cho chúng tôi biết đâu là dấu chân con bò tót đực, bò tót cái, con trưởng thành và con non. Qua dấu chân bò tót để lại hiện trường, ông Điệp phân biệt được nơi di chuyển của đàn bò tót với cấu trúc ổn định và phát triển, gồm: bố mẹ, con trưởng thành, chưa trưởng thành và con non, hoặc đàn đơn lẻ chỉ có mẹ và con non...

Xung quanh Trạm Kiểm lâm Rang Rang giờ in dấu chân bò tót và không còn xuất hiện cảnh người dân tấp nập vào ra rừng như trước đây.

Trao đổi với chúng tôi, kiểm lâm viên Tạ Quang Tân cho biết khi các hộ dân sinh sống trong rừng được di dời ra khỏi rừng vào tháng 4-2017 và bến đò ngang tại đây ngưng hoạt động, khu vực này trở thành nơi cấm người qua lại. Môi trường sống không còn bị tác động của con người nên bò tót xuất hiện ngày càng nhiều và thường xuyên.

Cũng vì bò tót xuất hiện nhiều tại khu vực rừng do Trạm Kiểm lâm Rang Rang quản lý, các kiểm lâm trong trạm vui vì sớm tìm lại môi trường sống lý tưởng cho bò tót. Bên cạnh đó, các anh cũng tăng thêm trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ rừng, bảo vệ đàn bò tót trong khu vực rừng do mình quản lý.

* Tạo sinh cảnh cho bò tót

“Bò tót không ưa sống ở rừng rậm, chúng sử dụng rừng rậm chủ yếu để tránh kẻ thù và con người. Bò tót hoạt động chủ yếu ở những nơi thưa thoáng, rừng thưa, ven suối, đồi cây, trảng cỏ, đặc biệt ưa thích các khu vực có bãi cỏ và bàu sình ngập nước theo mùa... là sinh cảnh lý tưởng để bò tót trú ẩn, tìm thức ăn, giao phối” - ông Nguyễn Mạnh Điệp nói.

Các hố nước và nơi bổ sung khoáng cho thú móng guốc vào mùa khô tại khu vực suối Sai.
Các hố nước và nơi bổ sung khoáng cho thú móng guốc vào mùa khô tại khu vực suối Sai.

Thấy chúng tôi có vẻ chưa hiểu đúng 2 từ sinh cảnh, ông Điệp nói vui sinh cảnh là thuật ngữ của dân kỹ thuật rừng, còn chúng tôi chỉ cần hiểu nôm na đó là môi trường sống của động vật móng guốc, bò tót là được.

Cũng theo ông Điệp, các điểm sinh cảnh đặc biệt quan trọng đối với thú móng guốc và bò tót chính là các điểm khoáng, điểm uống nước, các bãi kiếm ăn. Qua khảo sát, toàn Khu bảo tồn có 4 điểm khoáng, 10 nguồn nước, 4 bãi kiếm ăn quan trọng của thú móng guốc, bò tót.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác (thuộc Khu bảo tồn) Nguyễn Văn Hiệp cho biết đa phần đàn bò tót trong Khu bảo tồn đều có con đực, con cái, con non và con trưởng thành. Điều đó chứng tỏ quần thể bò tót ở Khu bảo tồn có liên hệ trực tiếp với các quần thể bò tót lân cận ở Vườn quốc gia Cát Tiên và huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước).

“Kết quả nghiên cứu của dự án bò hoang dã Việt Nam và của các nhà khoa học xác định ở Vườn quốc gia Cát Tiên có đàn bò tót từ 86-120 cá thể, cùng với tổng diện tích trên 100 ngàn hécta của Khu bảo tồn. 2 nơi này có quần thể bò tót lớn nhất Việt Nam. Quần thể bò tót ở Khu bảo tồn có quan hệ mật thiết với quần thể bò tót ở Vườn quốc gia Cát Tiên, tạo thành quần thể bò tót với số lượng khoảng 200 cá thể” - ông Hiệp nói.

Để tạo sinh cảnh tốt cho bò tót sinh sống, Giám đốc Khu bảo tồn Trần Văn Mùi cho rằng việc di dời dân ra khỏi rừng, tạo môi trường sống an toàn, đa dạng cho bò tót là cấp thiết. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền cho mọi người hiểu giá trị nguồn gen quý hiếm của bò tót cần được bảo tồn nghiêm ngặt; tăng cường bảo vệ rừng, thú rừng; trồng các loại cây rừng nhằm bổ sung nguồn thức ăn; xây dựng các điểm chứa nước, khoáng... cho thú rừng.

Trời đã ngả chiều, ông Nguyễn Mạnh Điệp đề nghị chúng tôi nán lại xem bò tót xuất hiện nơi những cánh rừng do Trạm Kiểm lâm Rang Rang quản lý, nhất là nơi ở cũ của 50 hộ dân vừa được di dời ra khỏi rừng. Ông Điệp khẳng định bò tót thường xuất hiện từ lúc 5-8 giờ, hoặc từ 17-20 giờ, nhưng vì việc cơ quan đột xuất, chúng tôi đành lỗi hẹn với ông Điệp mà lòng luyến tiếc vô cùng...

Đoàn Phú

Tin xem nhiều