Báo Đồng Nai điện tử
En

Anh Khoa không gục ngã

08:12, 07/12/2017

Một vụ tai nạn giao thông vào cuối năm 2015 đã khiến anh Võ Đăng Khoa (ngụ ấp 1, xã An Phước, huyện Long Thành) bị nứt hộp sọ, mù 2 mắt, gãy mũi và mất đi khứu giác. Với nghị lực sống mãnh liệt của một vận động viên võ thuật, anh Khoa đã học chữ nổi braille, hoàn thành chương trình đại học.

Một vụ tai nạn giao thông vào cuối năm 2015 đã khiến anh Võ Đăng Khoa (ngụ ấp 1, xã An Phước, huyện Long Thành) bị nứt hộp sọ, mù 2 mắt, gãy mũi và mất đi khứu giác. Với nghị lực sống mãnh liệt của một vận động viên võ thuật, anh Khoa đã học chữ nổi braille, hoàn thành chương trình đại học, chinh phục những thử thách trong cuộc sống.

Anh Võ Đăng Khoa sử dụng máy tính nhờ phần mềm hỗ trợ người khiếm thị.
Anh Võ Đăng Khoa sử dụng máy tính nhờ phần mềm hỗ trợ người khiếm thị.

Gặp chúng tôi vào một buổi trưa đầu tháng 12-2017, anh Võ Đăng Khoa chống gậy dò từng bước, vừa đi cùng chúng tôi vào quán cà phê vừa nói: “Tôi mới đi chơi ở Khu du lịch Suối Tiên cùng một số bạn khiếm thị vào hôm qua. Mấy tuần trước, tôi cũng có chuyến đi chơi ở tỉnh Tây Ninh. Đến giờ, sau 2 năm bị mù, tôi thấy mình còn đi chơi, thăm thú bạn bè nhiều hơn trước đây, dù bây giờ phải nhờ người khác chở hoặc đi xe buýt”.

* Ước mơ gãy gánh giữa đường

Khi còn là sinh viên Trường đại học thể dục - thể thao TP.Hồ Chí Minh, anh Khoa thường xuyên tham gia các đội tuyển võ cổ truyền đi thi đấu và có giải thưởng tại nhiều hội thi võ thuật trong nước. Nhưng rồi cái duyên với võ đài của anh gần như chấm dứt sau một vụ tai nạn giao thông.

Anh Võ Đăng Khoa chia sẻ: “Tôi có một ước mơ chắc chắn là rất khó thành hiện thực, đó là đôi mắt có thể sáng lại, có thể nhìn thấy mẹ, bà ngoại và ba một lần nữa. Bởi trong lúc tôi gặp khó khăn nhất, đau đớn nhất, chính những người thân của tôi đã tất tả ngược xuôi để giúp tôi thoát khỏi bàn tay của tử thần, để có thể làm lại cuộc đời một lần nữa”.

Anh Khoa kể lại, rạng sáng 23-11-2015, trên đường đi xe máy từ nhà đến Trường đại học thể dục - thể thao TP.Hồ Chí Minh cho kịp buổi chào cờ sáng thứ hai đầu tuần, trong lúc bất cẩn anh Khoa đã điều khiển xe tông vào đuôi chiếc xe tải chạy cùng chiều. Vụ tai nạn đã khiến anh nằm viện hơn 1 tháng và hơn 1,5 năm phải liên tục ra vào bệnh viện tái khám.

Được các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) ra sức cứu chữa, anh Khoa đã thoát khỏi bàn tay tử thần, nhưng hộp sọ bị nứt và phải thay một phần sọ nhân tạo, 2 mắt bị mù hoàn toàn, mũi không thể ngửi được, một phần lưỡi bị đứt. Vụ tai nạn đã khiến cuộc đời anh Khoa rẽ sang một lối khác, cuộc sống gia đình và việc học hoàn toàn bị đảo lộn.

“Từ một thanh niên khỏe mạnh, chạy nhảy liên tục, tham gia thi đấu thể thao, chơi nhạc hết giải này đến hội kia..., giờ tôi chỉ có thể di chuyển chậm rãi, cử động nhẹ nhàng. Sau hơn nửa năm nằm nhà và đi tái khám, trong một lần nghe radio, tôi biết đến Mái ấm Thiên Ân (do thầy giáo khiếm thị Nguyễn Quốc Phong lập ra tại quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh) nên đã xin vào học nội trú ở đó. Quá trình học kéo dài khoảng 1 năm, tôi được học chữ nổi braille, cách dùng máy tính với phần mềm hỗ trợ cho người mù, cách di chuyển với gậy, xác định các loại âm thanh... Thậm chí, tôi còn quay lại học tiếp chương trình đại học bỏ dở và vừa tốt nghiệp cách đây vài tháng” - anh Khoa tâm sự.

Khi đã quen với bóng tối và sự bất tiện khi di chuyển, anh Khoa đã nhanh chóng tham gia vào các hoạt động thể chất, văn nghệ như thời gian trước khi xảy ra sự cố; từ chỗ tham gia cố vấn cho lớp dạy võ cổ truyền của một người anh, đến tham gia đánh trống trong ban nhạc tại các buổi tiệc cưới. Ngoài ra, anh còn tham gia thi đấu điền kinh dành cho người khuyết tật tại hội thao “Năng động người khuyết tật” lần 4, tổ chức ở TP.Hồ Chí Minh vào tháng 4-2017.

Anh Khoa cho hay cuộc sống của anh hiện tràn đầy niềm vui nhờ những người bạn mới, từ những người cùng hoàn cảnh và cả những lần tham gia thi đấu thể thao, âm nhạc dành cho người khuyết tật.

* Cho đi là nhận lại

Hiện anh Khoa sống cùng cha mẹ (nhà có tiệm sửa xe), người em trai học lớp 11 và bà ngoại. Anh cũng tham gia sinh hoạt trong Hội Người mù huyện Long Thành.

Anh Võ Đăng Khoa (bìa trái) tham gia hội thi võ cổ truyền khi chưa bị tai nạn.
Anh Võ Đăng Khoa (bìa trái) tham gia hội thi võ cổ truyền khi chưa bị tai nạn.

Anh Khoa cho hay chỉ có việc đi lại xa, vận chuyển đồ đạc trong nhà là anh không thể tự làm, còn lại từ việc tự chăm sóc bản thân đến nấu ăn một số món đơn giản, như: luộc, xào…, anh đều có thể làm được, miễn là đồ đạc được sắp xếp đúng thứ tự.

“Trước đây, tôi mơ ước được làm huấn luyện viên võ cổ truyền, nhưng giờ tôi chỉ mong được trở thành một giáo viên dạy máy tính cho các bạn có cùng hoàn cảnh giống tôi. Vì tôi biết, muốn vượt qua những khó khăn cần phải có sự giúp đỡ rất nhiều từ cộng đồng, gia đình và những người cùng hoàn cảnh đi trước. Tôi biết có những thầy giáo khiếm thị hiện đang dạy cho những trẻ khiếm thị và khuyết tật khác và tôi cũng muốn làm giống như họ để gieo niềm tin yêu vào cuộc sống cho những đứa trẻ kém may mắn. Sau khi bị tai nạn, tôi được giúp đỡ nhiều lắm, đi đường ai cũng chỉ dẫn rõ, thậm chí đưa đi, lên xe buýt thì được nhường chỗ, bạn bè trong trường đại học còn đến thăm, gom góp cho tôi hơn 20 triệu đồng hỗ trợ viện phí” - anh Khoa chia sẻ.

Vụ tai nạn là cú sốc rất lớn với anh Khoa và gia đình, nhưng không vì thế mà anh nản chí hay có ý buông xuôi trong cuộc sống. Ngược lại, hiện anh hăng hái tham gia nhiều hoạt động xã hội hơn, gặp gỡ nhiều người khuyết tật khác. Dù 2 mắt không còn nhìn thấy, nhưng bù lại anh có đôi tay và đôi chân khỏe mạnh do chơi thể thao đều đặn nên trong những lần tham gia sinh hoạt tập thể, anh thường cõng hoặc dìu những người bị khuyết tật ở chân hoặc không đi lại được. Bên cạnh đó, nhờ 3 năm là sinh viên tham gia nhiều giải thi đấu võ thuật nên anh có mối quan hệ tốt với các huấn luyện viên, giảng viên võ thuật ở TP.Hồ Chí Minh, từ đó anh đã giúp lớp dạy võ của người anh họ trong việc ngoại giao, tổ chức thi đấu giao hữu, học hỏi kinh nghiệm.

“Tôi mê thể thao, văn nghệ từ thời tiểu học, lớn lên thì tham gia thi đấu thể thao, còn bây giờ chuyển qua thể thao người khuyết tật và tôi xem đó là một trong những động lực sống của tôi hiện nay. Tôi quan niệm cho đi là nhận lại nên luôn cố gắng tham gia nhiều hoạt động xã hội, giúp đỡ mọi người. Ở nhà, tôi cố gắng không làm phiền mọi người trong nhà, không tạo cảm giác nặng nề khi thấy tôi không còn như xưa. Tôi mong sau này, nếu có điều kiện sẽ giúp được nhiều người khuyết tật khác, không phải bằng cách cho tiền bạc mà giúp họ hòa nhập với cuộc sống, tự khẳng định bản thân và góp phần phát triển xã hội” - anh Khoa tâm sự.

Minh Thành

Tin xem nhiều