Báo Đồng Nai điện tử
En

Ao cá dân quân

07:12, 25/12/2017

Một số ban chỉ huy quân sự xã thuộc huyện Xuân Lộc đang thực hiện mô hình nuôi cá tăng gia sản xuất đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm được thời gian và sử dụng tốt diện tích đất để không.

Một số ban chỉ huy quân sự xã thuộc huyện Xuân Lộc đang thực hiện mô hình nuôi cá tăng gia sản xuất đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm được thời gian và sử dụng tốt diện tích đất để không.

Dân quân xã Suối Cao câu cá ao cải thiện bữa ăn.
Dân quân xã Suối Cao câu cá ao cải thiện bữa ăn.

“Mô hình ao cá dân quân vừa đem lại bữa ăn đa dạng cho bếp ăn dân quân vừa có thể phát huy được nguồn lực từng địa phương trong việc tăng gia tại các ban chỉ huy quân sự xã” - Thiếu tá Lê Ngọc Chánh, Chính trị viên phó, Ban Chỉ huy quân sự huyện Xuân Lộc cho biết.

* Tận dụng đất để không

Ao cá dân quân của Ban Chỉ huy quân sự xã Suối Cao nằm sâu trong con đường nhỏ thuộc ấp Phượng Vỹ, cách UBND xã khoảng 300m. Ao rộng hơn 2 sào, nuôi nhiều loại cá nước ngọt, như: lóc, trê, tra và được bao quanh bởi các vườn điều, tiêu, tràm của người dân.

Thiếu tá Lê Ngọc Chánh, Chính trị viên phó, Ban Chỉ huy quân sự huyện Xuân Lộc cho biết, toàn huyện Xuân Lộc hiện có ban chỉ huy quân sự 3 xã: Xuân Tâm, Suối Cao và Xuân Phú có ao cá do dân quân tăng gia. Những ao cá này tận dụng được các khu đất để không của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế, giúp cải thiện bữa ăn cho dân quân và tăng thêm nguồn kinh phí hoạt động cho ban chỉ huy quân sự xã.

Theo lời Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Suối Cao Nguyễn Phương Tùng, ao cá này của Trưởng ấp Gia Lào để không, Ban Chỉ huy quân sự xã mượn nuôi cá tăng gia. Từ giữa năm 2017, đơn vị mua cá giống thả vào, tận dụng nguồn thức ăn thừa xin từ các quán ăn và nguồn thức ăn tự nhiên trong ao. Hàng tuần, dân quân thường trực của xã xuống ao để bắt, hoặc câu một ít cá phục vụ bữa ăn hàng ngày, còn lại sẽ thu hoạch đem bán lấy tiền làm nguồn quỹ hoạt động.

“Do đất xung quanh khu vực trụ sở Ban Chỉ huy quân sự xã toàn sỏi, đá nên đơn vị phải mua đất màu mỡ đổ vào các ô xi măng để trồng rau xanh hiệu quả được. Chúng tôi làm thêm mô hình tăng gia nuôi cá cải thiện bữa ăn và tận dụng tốt thời gian trống trong ngày của dân quân. Ao này nước tù, không thông với sông suối nào nên khi nước cạn, bắt hết cá, anh em dân quân làm vệ sinh ao để tránh nhiễm bệnh cho lứa cá sau” - ông Tùng cho hay.

Còn tại xã Xuân Tâm, ao cá đã có từ lâu, nằm ngay phía sau trụ sở UBND xã, có diện tích khoảng 1 hécta và được giao cho Ban Chỉ huy quân sự xã nuôi cá từ năm 2010. Hiện trong ao thả nuôi các loại cá thông dụng, như: trôi, mè, chép... Trung bình mỗi năm thu hoạch ao được gần 2 tấn cá, chưa kể cá câu hàng tuần sử dụng cho bếp ăn.

Mỗi ngày, khi công việc đã xong, dân quân thường đến một số nhà làm đậu hũ trong xã xin bã đậu và thức ăn thừa từ các quán ăn để tận dụng nuôi cá nên kinh phí đầu tư cho ao cá không tốn kém nhiều.

Tuy vậy, để việc nuôi cá đạt hiệu quả, Ban Chỉ huy quân sự xã và các dân quân trực tiếp nuôi cá phải học hỏi kinh nghiệm từ một số nông dân có thâm niên nuôi cá ở các xã, huyện khác, từ việc cho cá ăn, đến vệ sinh ao, thời gian thả cá giống, thời gian kéo cá, nguồn cá giống...

Phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Xuân Tâm Vũ Minh Hiếu chia sẻ: “Xung quanh đây rất ít nhà dân có ao cá, đất chủ yếu để làm ruộng, chúng tôi lại nuôi cá theo hướng tự nhiên nên cá do đơn vị nuôi được nhiều thương lái tin tưởng, tìm đến mua vào tháng 3 hàng năm. Trước thời điểm đó, nhiều thương lái cũng tìm đến chúng tôi mua cá; họ tự cho xe và người đến kéo cá, cân ký, trả tiền rồi chở đi nên chúng tôi không mất nhiều thời gian thu hoạch”.

* Đam mê ao cá

Hầu hết mọi người trong ban chỉ huy quân sự các xã: Suối Cao, Xuân Tâm... đều phải có trách nhiệm chăm sóc ao cá hàng ngày vì đây là một trong những hoạt động tăng gia của đơn vị. Tuy nhiên, một số dân quân trẻ đã yêu thích ao cá ngay từ lúc mới nuôi và sự yêu thích đó khiến họ chăm sóc ao cá tận tâm vượt qua cả trách nhiệm với công việc.

Dân quân xã Xuân Tâm cho cá ăn sau giờ làm việc chiều.
Dân quân xã Xuân Tâm cho cá ăn sau giờ làm việc chiều.

Do ao cá thường nằm ven đường hoặc gần các vườn rẫy nên khó tránh khỏi việc bị câu trộm, rà điện trộm bất chấp có biển cảnh báo ao cá quân sự. Vì vậy, Ban Chỉ huy quân sự 2 xã Suối Cao và Xuân Tâm đã cử người đi kiểm tra ao cá vào ban đêm; một số dân quân ngày cuối tuần mắc võng nằm gần ao vừa canh ao vừa thảnh thơi câu cá, có thu hoạch lại đưa vào cải thiện bếp ăn.

Dân quân thường trực xã Suối Cao Lê Thanh Sang tâm sự: “Tôi chăm ao cá hàng ngày nên rành từng khu vực ở ao, trong ao có bao nhiêu đàn cá, con cá nào dẫn đầu đàn và hay hoạt động ở mé nào của ao... Mấy lần có người câu trộm cá, chúng tôi chủ yếu la lên để đuổi họ đi là chính”.

Mỗi ngày, cứ sau 17 giờ dân quân 2 xã Xuân Tâm và Suối Cao lại đến các quán ăn trên địa bàn xin thức ăn thừa về nuôi cá. Dần dần thành một nếp quen trong sinh hoạt, mọi người thay phiên nhau nên công việc không quá nặng. Mỗi khi cho cá ăn, thấy cá thi nhau đớp mồi ai nấy đều thích thú và mong đợi đến ngày thu hoạch cá để thấy thành quả.

Dân quân thường trực xã Xuân Tâm Phạm Quốc Hải cho biết anh đã quen với công việc ở nông thôn từ nhỏ nên việc chăm sóc ao cá không thành vấn đề với anh. Hơn nữa, đây là ao cá tăng gia của đơn vị, không đặt nặng vấn đề lời lỗ, cá không phải cho ăn thức ăn công nghiệp nên ít tốn chi phí. “Với sự nỗ lực suốt năm qua, có lẽ sau Tết Nguyên đán 2018 chúng tôi sẽ có một mẻ cá bội thu” - dân quân thường trực Phạm Quốc Hải bộc bạch.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều