Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Tùng giàu nghị lực

07:12, 16/12/2017

Khởi nghiệp với nghề trồng nấm mèo ở tuổi 42, 7 năm sau cựu chiến binh  Vũ Viết Tùng (ngụ tổ 9, ấp Bàu Trâm, xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) đã tạo lập kinh tế gia đình ổn định, nhà cửa khang trang nhờ sự nỗ lực lao động.

Khởi nghiệp với nghề trồng nấm mèo ở tuổi 42, 7 năm sau cựu chiến binh  Vũ Viết Tùng (ngụ tổ 9, ấp Bàu Trâm, xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) đã tạo lập kinh tế gia đình ổn định, nhà cửa khang trang nhờ sự nỗ lực lao động.

Ông Vũ Viết Tùng (xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) nâng niu những bọc nấm đã giúp ông đổi đời.
Ông Vũ Viết Tùng (xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) nâng niu những bọc nấm đã giúp ông đổi đời.

Trại nấm mèo của ông Vũ Viết Tùng nằm giữa khu vườn rộng 4 sào với đủ loại cây: điều, tiêu, chuối... xanh mướt. Gọi là trại, nhưng 3 gian trồng nấm chỉ được dựng bằng các cây gỗ, lợp lá dừa và có các ô lấy ánh sáng, đảm bảo các điều kiện để 50 ngàn bịch nấm mèo phát triển tốt.

* Khởi nghiệp ở tuổi 42

Ông Vũ Viết Tùng quê ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1983, ông Tùng đăng ký tòng quân và được biên chế vào Binh chủng Thông tin liên lạc. Năm 1985, ông cùng đồng đội làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc và đến năm 1987 thì được xuất ngũ.

Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bàu Trâm Nguyễn Sỹ Toàn đánh giá hội viên cựu chiến binh Vũ Viết Tùng là một con người giàu nghị lực, chịu thương chịu khó. Không chỉ vươn lên làm giàu chính đáng, ông Tùng còn tham gia nhiều hoạt động của Hội, như: từng có 10 năm làm Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh ấp và hiện là Chi hội trưởng. Cựu chiến binh Tùng còn là thành viên Câu lạc bộ cựu chiến binh làm kinh tế giỏi của xã, là tấm gương vượt khó để các hội viên khác noi theo.

Là con thứ 3 trong gia đình nông dân có đến 6 anh em, từ nhỏ ông Tùng đã quen với những nỗi vất vả của nghề nông chân lấm tay bùn. Sau khi xuất ngũ, trở lại quê nhà, ông Tùng lại tiếp tục làm nông cùng gia đình.

Khi đã có vợ con, ông Tùng vẫn lặn lội ra các tỉnh phía Bắc làm công nhân than, theo tàu biển đi đánh bắt cá, làm ở ngành vận tải đường biển…, nhưng làm mãi vẫn không dư dả bao nhiêu.

“Gần 20 năm sống cảnh long đong, vất vả, vợ chồng tôi quyết định theo chân anh em họ hàng vào miền Nam lập nghiệp” - ông Tùng kể lại.

Tháng 6-2005, khi đã 42 tuổi, theo lời khuyên của nhiều người thân, ông Tùng đưa mẹ, vợ và 3 người con trai vào xã Bàu Trâm lập nghiệp. Tại đây, vợ chồng ông thuê 7,3 sào đất có sẵn cây ăn trái của một người dân địa phương với giá 7 triệu đồng/năm để sản xuất và dựng tạm căn nhà làm chỗ che nắng, che mưa cho cả gia đình.

Khi đã ổn định được nơi ở, vợ chồng ông Tùng bắt đầu đi làm thuê cho các cơ sở trồng nấm mèo trong vùng để kiếm thu nhập. Với công việc đóng bịch nấm thuê và thu hoạch chôm chôm có sẵn trên mảnh đất thuê, cuối năm vợ chồng ông Tùng có đủ tiền trả cho chủ đất và dành dụm được chút ít.

Ông Tùng cho hay: “Năm đầu tiên đưa gia đình vào đây, tới mùa thu hoạch chôm chôm nhờ các anh em cựu chiến binh trong xã chở đi bán giúp nên tôi đỡ vất vả. Quá trình làm thuê cho các cơ sở trồng nấm, vợ chồng tôi tranh thủ học hỏi kinh nghiệm rồi về nhà mở trại trồng nấm để kiếm thêm thu nhập”.

Những ngày đầu khởi nghiệp trồng nấm, trại nấm của gia đình ông Tùng chỉ được dựng sơ sài bằng những cây gỗ tạp mà ông chắt mót được, lợp lá rồi mua các bịch chứa bào tử nấm về treo lên. Với kinh nghiệm có được từ lúc làm thuê cho các cơ sở trồng nấm và học hỏi thêm ở các hội viên cựu chiến binh đã trồng nấm trước đó, ông Tùng đầu tư làm 7 ngàn bịch nấm. Dần dần, nhờ tích lũy kinh nghiệm trồng nấm và dành dụm vốn, đến năm 2012 thì gia đình ông Tùng đã có tiền mua mảnh đất đầu tiên rộng 4 sào ở ấp Bàu Sầm để trồng nấm, tiêu, điều…

Đến năm 2017 vợ chồng ông mua thêm được 3,5 sào đất ở ấp Bàu Trâm trồng cây ăn trái.

* Đổi đời

Khi vào định cư ở TX.Long Khánh, ông Vũ Viết Tùng đem theo giấy chuyển sinh hoạt Hội Cựu chiến binh ở quê. Nhờ đó, ông được các hội viên cựu chiến binh ở đây giúp đỡ, san sẻ và sớm làm quen với mảnh đất, con người nơi đây, nhất là kinh nghiệm trong sản xuất, trồng trọt. Không có kinh nghiệm trồng tiêu hay trồng nấm…, ông Tùng lại tìm đến các hội viên cựu chiến binh học hỏi và được mọi người giúp đỡ nhiệt tình, từ cách dựng trại nấm, cách chăm sóc nấm, thu hoạch, phòng bệnh… đến hỗ trợ vốn ban đầu.

Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bàu Trâm Nguyễn Sỹ Toàn (phải), người có kinh nghiệm trồng nấm lâu năm, đến thăm trại nấm của ông Vũ Viết Tùng.
Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bàu Trâm Nguyễn Sỹ Toàn (phải), người có kinh nghiệm trồng nấm lâu năm, đến thăm trại nấm của ông Vũ Viết Tùng.

“Ngày tôi mới vào đây, nguồn quỹ của chi hội cựu chiến binh nhiều lắm chỉ hơn 20 triệu đồng, nhưng tôi được xét cho vay vốn 11 triệu đồng để đầu tư trồng nấm. Sau này, tôi chuyển sang vay vốn ngân hàng, nhưng nếu không có số tiền vay đầu tiên ấy để đầu tư sản xuất, có lẽ tôi sẽ khó có đà vươn lên sau vài năm định cư ở đây” - ông Tùng chia sẻ.

Ở TX.Long Khánh có nhiều hộ hội viên cựu chiến binh trồng nấm các loại nên việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trồng nấm giữa ông Tùng với các hội viên cựu chiến binh khá dễ dàng. Cộng thêm bản tính chịu khó và tiết kiệm của 2 vợ chồng, đến nay gia đình ông Tùng đã có 3 trại nấm mèo với 50 ngàn bịch, cho thu hoạch khoảng 2 tấn/năm. Nếu giá cả thị trường ổn định, mỗi năm gia đình ông sẽ lời khoảng 100 triệu đồng từ việc trồng nấm.

Thấy được sự vất vả của cha mẹ, 3 người con trai của ông Tùng từ nhỏ đã có ý thức phụ giúp cha mẹ; vợ chồng ông cũng không phải tốn chi phí quá nhiều cho việc học hành của con cái. Bởi, sau khi tốt nghiệp THPT, 2 người con trai lớn của ông Tùng khăn gói lên TP.Biên Hòa học nghề và tự kiếm việc làm để lo tiền ăn học; con trai út chọn vào Trường sĩ quan lục quân 2 (Trường đại học Nguyễn Huệ) nên vợ chồng ông không phải lo lắng gì, chỉ tập trung làm kinh tế.

Nghĩ lại cuộc sống cơ cực trước đây, vợ chồng ông Tùng cảm thấy những gì họ đang có quá tuyệt vời, hơn hẳn những mong ước ngày họ mới đặt chân đến đất Long Khánh định cư.

“Tôi thường tâm sự với các hội viên cựu chiến binh khác rằng ở đất Long Khánh màu mỡ này rất nhiều cách làm giàu từ nghề nông, miễn là mình phải chịu khó, nhìn thấy cơ hội là có thể vươn lên làm giàu chính đáng. Chuyện gì chứ việc làm kinh tế giỏi hiện nay đang được các cấp Hội Cựu chiến binh khuyến khích mà” - ông Tùng vui vẻ chia sẻ.

Minh Thành

Tin xem nhiều