Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Chuyện kể sau chiến trận

07:01, 30/01/2018

Đợt 1 Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại mặt trận Long Khánh, quân giải phóng phải đối mặt với nhiều đơn vị của quân đội Sài Gòn, quân đội Mỹ và chư hầu với quân số, vũ khí áp đảo.

[links()]Đợt 1 Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại mặt trận Long Khánh, quân giải phóng phải đối mặt với nhiều đơn vị của quân đội Sài Gòn, quân đội Mỹ và chư hầu với quân số, vũ khí áp đảo. Giữa nơi chiến trận đầy hiểm nguy ấy, tình cảm của người dân địa phương với quân giải phóng đã được thể hiện rất rõ ràng.

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Nơi đây, bao tấm gương dũng cảm nổi lên như một minh chứng sắc nét cho cuộc đấu tranh vì độc lập của cả dân tộc.

* Quên mình

Ngày nổ súng tiến công vào tỉnh lỵ tỉnh Long Khánh, mũi tấn công do Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 440 Nguyễn Hồng Châu (thường gọi Tư Châu, ngụ phường Xuân Thanh, TX.Long Khánh) chỉ huy gồm 2 đại đội được trang bị gọn nhẹ, chỉ có cơ số đạn quy định; đạn chống tăng còn chưa tới 10 quả.

“Đáng tiếc là đã 50 năm trôi qua, trí nhớ nhiều người đã kém, nhiều người đã mất nên tư liệu, hình ảnh trận đánh không tập hợp được. Vả lại, ngày đó chỉ lo chiến đấu, không ai quan tâm đến việc lưu lại hình ảnh nên các thế hệ sau này không biết được ngày xưa chúng tôi đã trải qua những điều gì, cuộc đấu tranh của quân dân Long Khánh gian khổ ra sao” - ông Nguyễn Ngọc Thanh (xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh) chia sẻ.

Ông Châu kể, theo kế hoạch đơn vị của ông sẽ tấn công chớp nhoáng, lợi dụng sự bất ngờ của địch để chiếm các cứ điểm, rồi dùng vũ khí, lương thực thu được của địch để tiếp tục đánh ra, cùng quần chúng chiếm giữ đô thị. Tuy nhiên, việc tấn công địch ở mặt trận Long Khánh chậm so với các nơi khác hơn 1 ngày nên địch đã được cảnh báo và có sự chuẩn bị trước. Khi quân giải phóng tiến vào được một số điểm thì bị kìm chân ở đó.

Đến chiều mùng 3 Tết Mậu Thân 1968, sau hơn 12 giờ tấn công, nhiều tổ đã hết đạn, đến đạn chống tăng cũng nhanh chóng bắn hết khi đối đầu với xe tăng Mỹ từ Suối Râm ra.

“Lúc 4 giờ sáng mùng 4 tết, nhận được lệnh rút lui, tôi chỉ huy các đơn vị chia nhỏ ra để đến được điểm tập kết, nhưng có một tiểu đội bị kẹt lại và hy sinh đến người cuối cùng” - ông Tư Châu bùi ngùi nhớ lại.

Cùng với sự tấn công của các mũi chính vào các căn cứ địch, tại khu vực ấp Bảo Vinh A, xã Bảo Vinh còn được sự giúp đỡ của một trung đội dân vệ phản biến, theo cách mạng. Qua công tác binh vận của chi bộ địa phương, Trung đội phó dân vệ đóng ở đồn Bảo Vinh A là Nguyễn Công Đoan (thường gọi Hai Đoan, đã mất) đã hợp sức những người cùng chí hướng trong đồn tiến hành phản biến. Cả đồn chia làm 4 tổ để chặn đường tiếp viện của địch từ ấp Bảo Vinh B, đón lực lượng giải phóng bên ngoài đưa vào ấp đánh địch, chặn viện binh địch từ Căn cứ Hoàng Diệu.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh (Năm Thanh, ngụ xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh, khi đó hoạt động mật trong nội thành) kể: “Lúc quân giải phóng còn chiến đấu, người dân ở ấp Bảo Vinh A đã treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cổ vũ tinh thần du kích, biệt động. Ở Bảo Vinh B, người dân xuống đường khua thùng uy hiếp tinh thần địch, treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, phao tin địch thua trận khắp nơi để làm nao núng các đơn vị địch còn bám trụ. Sau nhiều ngày giao tranh, du kích xã kiên trì chiến đấu bất chấp sự tấn công mãnh liệt của địch, nhiều anh đã hy sinh khi còn rất trẻ và từ đó thắp lên ngọn lửa dũng cảm truyền cho đồng đội tiếp tục chiến đấu các trận sau này”.

* Những người mẹ Bảo Vinh

Trong suốt năm Mậu Thân 1968, các trận đánh lớn, nhỏ của quân giải phóng trên địa bàn TX.Long Khánh đều được sự giúp đỡ của người dân địa phương, đặc biệt là những người chị, bà mẹ có con em theo cách mạng.

Tại khu vực xã Bảo Vinh, nơi tập kết các đơn vị đánh vào TX.Long Khánh và Bà Rịa, người dân đã nhường cơm sẻ áo, bán gạo cho quân giải phóng với giá rẻ, chia sẻ một phần hoa màu; đặc biệt là can đảm vượt qua nỗi sợ để bảo vệ, che giấu cán bộ cách mạng không bị địch bắt.

Như câu chuyện Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Duyên vào đêm mùng 6 tết đã dũng cảm chặn chân địch, cứu chỉ huy du kích Võ Văn Trụ (Tư Trụ, từng được trao tặng Huân chương Độc lập hạng ba).

Lúc đó, Đội du kích xã Bảo Vinh quyết định đánh 1 trận bất ngờ tiêu diệt đồn bảo an địch ở ấp Bảo Vinh B, nhưng một tổ du kích có trách nhiệm đặt mìn chặn đánh ngay ngã ba ấp không hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch bại lộ. Lúc này, ông Tư Trụ không thoát đi được mà còn ẩn nấp trong hầm nhà bà Duyên. Khi lính bảo an từ đồn kéo vào khu vực nhà bà Duyên, tên lính Năm nhất định đòi bà cho xét hầm vì nghi ngờ bà che giấu “Việt cộng”, do con trai của bà (ông Võ Văn Mừng) đang là Xã đội trưởng Bảo Vinh.

“Lúc đó ông Tư Trụ thủ sẵn cây súng ngắn rồi. Hầm có 2 nắp, nếu ông Tư Trụ bỏ chạy mà tên Năm còn sống sẽ nguy hiểm cho mẹ con bà Duyên đang ở trong nhà. Khi tên Năm xuống hầm lần đầu, bà Duyên giả vờ làm những hành động mạnh để đèn cầy tắt. Không bỏ cuộc, hắn đòi xuống lần nữa. Lần này, hắn đi đầu, tay lăm lăm súng. Khi hắn bước đến gần chỗ ông Tư Trụ núp thì ông bóp cò, viên đạn trúng ngay đầu tên Năm. Ông Tư Trụ đạp cửa hầm phía cuối nhảy lên. Lính bảo an tràn vào nhưng không bắt được, chỉ có thể áp giải mẹ con bà Duyên lên đồn. Tuy nhiên, bà chỉ khai giấu thanh niên trốn lính chứ không phải “Việt cộng”, nên sau cùng địch phải thả 2 mẹ con bà về” - ông Nguyễn Ngọc Thanh kể.

Đến tháng 6-1968, khi địch mở một cuộc càn lớn vào ấp Bảo Vinh B, bà Nguyễn Thị Nhâm lúc này đang làm rẫy và chuẩn bị đi tiếp tế cho một đơn vị du kích. Thấy 13 xe tăng địch tiến tới, bà nhanh chóng chôn lương thực và quyết định chặn xe tăng lại. Tới gần đoàn xe, bà la lớn không được đi qua, cốt để đánh động du kích trong rẫy tìm đường thoát. Chỉ huy của đoàn xe tăng ra tranh cãi với bà Nhâm một hồi, bà vẫn quyết không cho xe đi qua rẫy với lý do phá hư hoa màu, bắt phải đi lối khác.

Sau một hồi tranh cãi, 13 chiếc xe tăng phải vòng qua lối khác theo sự chỉ dẫn của bà Nhâm. Đoàn xe đi một lúc lâu, du kích mới từ trong rừng chạy ra lấy lương thực và nghe bà kể chuyện chặn đoàn xe tăng địch. Từ đó, bà Nhâm được du kích đặt biệt danh “Má Tư chặn xe tăng”.

Suốt những năm sau đó, cho đến khi thống nhất đất nước, TX.Long Khánh đã xuất hiện nhiều gương quần chúng nhân dân giúp đỡ cách mạng, che giấu cán bộ, dẫn đường cho quân chủ lực tiến công thị xã năm 1975. Những hành động quên mình ấy đã khiến cho quân địch lung lay từ gốc, góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân 1975 vang dội, thống nhất nước nhà.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều