Báo Đồng Nai điện tử
En

Ở phía đường biên Tổ quốc

07:01, 13/01/2018

Thời điểm đón năm mới cận kề, nhưng những người lính hải quân chưa một phút ngơi tay súng, buông tay lái. Họ chiến đấu, cống hiến vì trách nhiệm của một công dân, vì bình yên, thiêng liêng của biển đảo Tổ quốc.

Thời điểm đón năm mới cận kề, nhưng những người lính hải quân chưa một phút ngơi tay súng, buông tay lái. Họ chiến đấu, cống hiến vì trách nhiệm của một công dân, vì bình yên, thiêng liêng của biển đảo Tổ quốc.

Ngư dân bị tai nạn lao động được bộ đội hải quân cứu và đưa vào đất liền. ảnh: Tuấn Anh
Ngư dân bị tai nạn lao động được bộ đội hải quân cứu và đưa vào đất liền. ảnh: Tuấn Anh

* Cứu dân - mệnh lệnh không lời

Năm 2017 được coi là năm thành công nhất của bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam trong nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn ngư dân gặp nạn trên biển và giúp đỡ nhân dân khắc phục bão lũ, thiên tai.

 Bộ đội Trường Sa cõng ngư dân bị nạn trong cơn bão số 12. ảnh: Phương Chi
Bộ đội Trường Sa cõng ngư dân bị nạn trong cơn bão số 12. ảnh: Phương Chi

Điển hình là việc cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Lát (Trường Sa) cứu 5 ngư dân tàu KH96658-TS của huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) bị chết máy trôi dạt trên biển đêm 10-11-2017.

 Đã qua rồi những đêm cả đảo thức trắng cứu 5 ngư dân ấy, song nhắc đến sự kiện, Đại úy Phạm Minh Đức, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát, vẫn bồi hồi xúc động: “Giữa đêm tối sóng gió mịt mùng, biết là khó khăn gian khổ nhưng chúng tôi không ngần ngại. Khi nhận lệnh cứu ngư dân, tôi đã chỉ huy hạ xuồng khẩn cấp cơ động ra tàu cá, nơi có 5 ngư dân đang chới với cầu cứu. Do tàu chết máy, trôi dạt và bị san hô đâm thủng đáy tàu, nước tràn vào khoang nên các ngư dân rất hoảng loạn. Khi thấy chúng tôi đến, ông Trần Văn Mây là chủ tàu đã khóc. Giọng ông lạc đi trong sóng gió: “Nếu không có các anh, chắc chắn chúng tôi đã chìm dưới đại dương”, rồi ông ôm chầm lấy tôi. Sau khi đưa 5 ngư dân lên xuồng, chúng tôi chuyển vào đảo. Gần 1 tuần ở với chúng tôi chờ tàu đưa về đất liền, 5 ngư dân rất xúc động, nhiều lần cảm ơn. Bộ đội với ngư dân ăn cơm chung, tăng gia chung trên đảo rất đầm ấm, thân thiết” - Đại úy Đức kể lại.

Vào ngày 2-7-2017, cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn đã được huy động hiến máu ngay trong đêm để cứu sống ngư dân Lê Văn Lại (47 tuổi, quê ở xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), ngư dân của tàu cá BĐ98128-TS, bị xuất huyết tiêu hóa cấp. Do không đủ lượng máu để truyền cho bệnh nhân, ngay trong đêm cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn được huy động hiến máu nhân đạo để cứu ngư dân. Hơn 30 chiến sĩ khỏe mạnh từ các tiểu đoàn được cử tới bệnh xá của đảo. Dưới bóng đèn
nê-ông, giữa tiếng sóng biển cả vọng về, những cánh tay trần đưa ra hiến máu. Sau một đêm thức trắng tổ quân y khá mệt mỏi, song tất cả đều vui vẻ bởi ngư dân Lại đã được cứu sống, sau đó được chuyển về đất liền theo tàu 960 của Lữ đoàn 125 Vùng 2 Hải quân, đưa đến Bệnh viện quân y 175 (Bộ Quốc phòng) tiếp tục điều trị.

Hàng trăm tàu cá vào đảo Song Tử Tây tránh bão. ảnh: Phương Chi
Hàng trăm tàu cá vào đảo Song Tử Tây tránh bão. ảnh: Phương Chi

Còn các bác sĩ đảo Sinh Tồn đã cứu ngư dân Lê Văn Hai (26 tuổi, quê ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), lao động trên tàu Đá Tây bị liệt não ngày trung tuần tháng 11-2017. Cuối chiều 16-11, bộ đội đang chuẩn bị bữa cơm chiều thì nhận được mệnh lệnh cấp cứu ngư dân Lê Văn Hai. Chủ tàu cá cho biết ngư dân Hai trước đó 2 ngày ăn cá hồng câu lên từ biển, sau đó tím tái, nghẹt thở và liệt nửa người. Sau khi cấp cứu, trình trạng bệnh nhân vẫn không chuyển biến.

Nhận được lệnh cấp cứu khẩn cấp, máy bay trực thăng Mi171-SAR02 của Sư đoàn Không quân 370 khẩn trương bay ra đảo Sinh Tồn. Chuyến bay cất cánh lúc 8 giờ 55 ngày 16-11 tại Sân bay Tân Sơn Nhất đến đảo Trường Sa Lớn tiếp nhiên liệu, sau đó bay đến đảo Sinh Tồn đưa ngư dân Hải đến Trường Sa Lớn và tiếp tục cấp cứu tại đây. Sáng 17-11, máy bay đã đưa bệnh nhân vào đất liền, chuyển đến Bệnh viện quân y 175 điều trị.

* Giúp dân bằng cả tấm lòng người lính

Năm 2017 cũng được coi là năm của thiên tai bão lũ. Qua rồi những cột sóng cao 10-13m đánh tràn lên cầu cảng Trường Sa, trùm lên các nhà giàn cũ DK1, song những việc làm giúp ngư dân của bộ đội Trường Sa trong cơn bão số 16 (Tembin) thật đáng khâm phục kiên cường.

Máy bay EC225 ra Trường Sa cứu nạn ngư dân.ảnh: Mai Thắng
Máy bay EC225 ra Trường Sa cứu nạn ngư dân.ảnh: Mai Thắng

Trước khi bão Tembin vào Trường Sa, bộ đội đảo Song Tử Tây đã đón 21 tàu cá với gần 200 ngư dân các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi vào âu tàu tránh, trong đó quân y của đảo đã băng bó vết thương cho ngư dân Nguyễn Văn Quả bị gãy chân, tay khi đang lao động trên tàu cá. Cũng thời điểm này, tại âu tàu đảo Đá Tây, bộ đội đón 27 tàu cá với hơn 200 ngư dân các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa vào trú tránh. Trong khi đó, tại Âu tàu đảo Sinh Tồn có 11 tàu cá của các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và 97 ngư dân vào trú tránh, đảo hỗ trợ 97 suất ăn, khám và cấp thuốc cho 4 ngư dân. Tại âu tàu đảo Trường Sa Lớn có 3 tàu cá và 27 ngư dân các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa vào trú tránh.

Chính ủy Vùng 4 Hải quân, Chuẩn đô đốc Nguyễn Đức Vượng cho biết: “Vượt lên sự cứu giúp với tinh thần trách nhiệm cao ấy là tình người, tình quân dân trong bạt ngàn bão tố. Đó là phẩm chất bộ đội Cụ Hồ luôn hết lòng vì dân của Hải quân Việt Nam. Giúp dân phải bằng cả tinh thần vật chất, bằng cả tấm lòng và trách nhiệm thiêng liêng của người lính biển”.

Nơi chân trời vững vàng tay súng

Trước yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới, hơn lúc nào hết những người lính Trường Sa, DK1 luôn vững vàng tay súng, vững chắc tay lái canh biển giữ đảo, chuẩn bị mọi tâm thế đón một năm mới với nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vinh quang. Ở chân trời Tổ quốc phía ngàn khơi ấy, tất cả đều có chung mục đích lý tưởng bảo vệ vững chắc từng tấc đảo, từng sải sóng thiêng liêng và sẵn sàng hiến dâng tuổi xanh của mình cho bình yên biển, đảo.

   Mai Thắng

Tin xem nhiều