Báo Đồng Nai điện tử
En

Thanh long ruột đỏ chờ tết

07:02, 05/02/2018

Tết đã cận kề, đây cũng là lúc các nhà vườn trồng thanh long ruột đỏ trái vụ bước vào đợt thu hoạch. Những ngày này nhiều người quên cả ăn, bỏ ngủ túc trực tại vườn để chong đèn "đốc thúc" thanh long kịp chín bán tết.

Tết đã cận kề, đây cũng là lúc các nhà vườn trồng thanh long ruột đỏ trái vụ bước vào đợt thu hoạch. Những ngày này nhiều người quên cả ăn, bỏ ngủ túc trực tại vườn để chong đèn “đốc thúc” thanh long kịp chín bán tết.

Thanh long được mùa, được giá là niềm vui với người trồng sau 1 năm chăm sóc vất vả.
Thanh long được mùa, được giá là niềm vui với người trồng sau 1 năm chăm sóc vất vả.

Theo quan niệm của nhiều người, trái thanh long vỏ đỏ, tai xanh khi chưng lên mâm trái cây ngày tết có ý nghĩa mang đến sự may mắn trong năm mới; nếu ruột thanh long có màu đỏ lại càng được khách hàng ưu tiên lựa chọn. Vì vậy, vào dịp tết, thị trường rất chuộng loại trái cây này.

* Chong đèn sáng đêm

Ở Đồng Nai, thanh long ruột đỏ trồng nhiều tại các huyện Xuân Lộc và Trảng Bom. Thanh long thường cho hoạch từ tháng 5-9, nhưng do vào chính vụ nên giá không cao. Không ít bà con nông dân chuyển sang trồng thanh long trái vụ, thu hoạch vào dịp tết để bán với giá tốt hơn.

Những nhà vườn trồng thanh long ruột đỏ cho hay do trồng trái vụ nên sản lượng thanh long thu hoạch không đáp ứng đủ nhu cầu, lượng hàng thu gom không đủ cung cấp cho các đơn hàng xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc.

Ông Đoàn Văn Minh (ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) cho hay đến thời điểm này vỏ trái thanh long đã ướm màu đỏ, trái nào cũng to hơn nắm tay với trọng lượng khoảng 0,6-0,8kg; nếu trời nhiều nắng và không lạnh như những ngày qua thì chỉ khoảng mấy hôm nữa sẽ cho thu hoạch.

Để chuẩn bị cho lứa thanh long bán tết, cách đây 2 tháng, ông Minh đã tiến hành xử lý để bắt cây ra hoa trái vụ. Khi thanh long bắt đầu đậu trái thì việc chăm sóc, tưới tắm được thực hiện thường xuyên để phòng chống sâu bệnh cho cây. Quá trình chăm sóc phải cẩn thận, bón phân hợp lý thì cây thanh long mới cho trái đẹp và đảm bảo chất lượng.

Những nông dân có kinh nghiệm trồng thanh long đều cho rằng khó khăn và gặp nhiều rủi ro nhất vẫn là trồng nghịch vụ. Thời điểm này trời lạnh kéo dài, gặp sương mù và mưa trái mùa sẽ khiến cây thanh long dễ gặp sâu bệnh, tỷ lệ đậu trái không cao. Chưa kể, trồng thanh long ruột đỏ đòi hỏi nhiều kỹ thuật trong quá trình chăm sóc, chỉ một sơ suất nhỏ trong khâu vuốt tai cho trái cũng có thể bỏ đi cả đợt trái.

“Gặp năm thời tiết không thuận lợi, người nào non kinh nghiệm thì khả năng mất mùa rất lớn. Vì vậy, với 2 hécta thanh long, tôi chỉ xử lý ra trái vụ một nửa để bán tết chứ không dám làm hết. Khoảng 3 năm trở lại đây trời lạnh nhiều, ít nắng cũng khiến người trồng thanh long trái vụ bao phen lao đao” - ông Minh thủ thỉ chia sẻ.

Vào ban đêm, khi nhiệt độ xuống thấp, người trồng thanh long phải chong đèn suốt đêm nhằm giữ độ ấm, kích thích cây phát triển. Nếu để nhiệt độ xuống thấp và trời lạnh kéo dài, cây khó phát triển vì thanh long vốn ưa khí hậu khô, nóng.

Ghé thăm những vườn thanh long ruột đỏ dịp tết, đêm xuống bóng đèn điện được bật lên thắp sáng cả một góc trời. Vì vậy, chi phí bỏ ra cho một vụ thanh long dịp tết không hề nhỏ. Nhiều người mạnh dạn đầu tư cả bình hạ thế đến vài trăm triệu đồng để xông thanh long với hy vọng cây cho năng suất cao.

Nhà trồng hơn 5 hécta thanh long ruột đỏ, bà Nguyễn Thị Tuyết (ngụ xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) chia sẻ do thời tiết thất thường, dù đã chong đèn nhưng một số nhà vườn vẫn không đạt; vỏ thanh long bị mốc, trái không đồng đều. Người nông dân rất vất vả, mất ăn quên ngủ với vụ thanh long tết.

“Trồng thanh long ruột đỏ trái vụ cực như chăm con mọn; ngơi tay, bỏ chăm sóc vài ngày là thất thu. Kinh nghiệm của tôi là mỗi cây chỉ để khoảng 20-25 trái, chấp nhận bỏ các trái xấu để nuôi những trái còn lại. Vì vậy, vụ tết năm nào vườn cây của tôi cũng cho chất lượng trái đồng đều, đẹp mắt” - bà Tuyết nói.

* Khấp khởi chờ tết

Cách tết chừng nửa tháng, nhiều thương lái phải vào tận vườn đặt cọc trước. Giá mua tại vườn có năm được đẩy lên cao khoảng 60-70 ngàn đồng/kg loại 1, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, giá giảm chỉ còn 40-50 ngàn đồng/kg khiến người trồng thấp thỏm, lo âu. Ai cũng mong bán được giá cao để bù lại một năm chăm sóc vất vả và tốn nhiều chi phí.

Thu hoạch trái thanh long ruột đỏ tại một nhà vườn ở xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom.
Thu hoạch trái thanh long ruột đỏ tại một nhà vườn ở xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom.

Ông Lê Văn Nhớ (ngụ xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) chia sẻ nhiều nơi trong tỉnh đang đổ xô trồng thanh long ruột đỏ, khiến giá cả lên xuống thất thường, nhưng so với bán chính vụ giá vẫn cao hơn rất nhiều. Gặp những năm được giá, nhiều nhà vườn ăn tết to vì lãi cả trăm triệu đồng.

Thời điểm này, nhiều vườn trồng thanh long ruột đỏ đã bắt đầu thu hoạch. Một số chủ vườn đang đợi giá nhích lên thêm chút nên còn đắn đo giữ lại vườn, đợi đến sau 23 tháng Chạp mới bán. Tuy nhiên, ông Nhớ chia sẻ việc này cũng lắm rủi ro, chỉ có những vườn nhỏ, số lượng ít mới để lại, còn các vườn lớn đều xuất bán để thương lái kịp gom hàng xuất đi nước ngoài.

“Làm cả năm, bao công sức, tiền bạc đều dồn vào vụ tết. Ăn tết vui hay buồn phụ thuộc vào giá cả mà thương lái đưa ra. Thông thường, nếu trước tết giá thấp thì ra tết mặt hàng này lại rất chạy, giá bán có khi lên đến 60-70 ngàn đồng/kg không chừng. Vì vậy, sau tết nhà vườn nào còn thanh long để bán coi như thắng lớn” - ông Nhớ bộc bạch.

Những ngày cuối năm, vào các buổi sáng sớm, xe tải của thương lái từ khắp nơi đổ về các vườn thanh long lấy hàng nên không khí ở các nhà vườn rất nhộn nhịp. Thanh long hái ngay tại vườn, trái nào cũng xanh tươi, tròn đều trông rất hấp dẫn. Tất cả được chọn lựa, đóng gói kỹ để bắt đầu theo các chuyến xe tải đi khắp nơi tiêu thụ, phục vụ nhu cầu chưng tết của người dân.

Thanh Hải

Tin xem nhiều