Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuân về trên huyện đảo Trường Sa

07:02, 06/02/2018

Mặt trời vừa lên khỏi mặt biển cũng là lúc đoàn chúc tết của tỉnh Đồng Nai đến huyện đảo Trường Sa. Sau màn chào hỏi trang nghiêm của người lính, các chiến sĩ trẻ ở huyện đảo Trường Sa nở nụ cười rạng rỡ...

Mặt trời vừa lên khỏi mặt biển cũng là lúc đoàn chúc tết của tỉnh Đồng Nai đến huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Sau màn chào hỏi trong tư thế trang nghiêm của người lính, các chiến sĩ trẻ ở huyện đảo Trường Sa nở nụ cười nồng hậu trên khuôn mặt rạng rỡ.

Đại tá Huỳnh Thanh Liêm, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, chúc tết cán bộ, chiến sĩ ở huyện đảo  Trường Sa.
Đại tá Huỳnh Thanh Liêm, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, chúc tết cán bộ, chiến sĩ ở huyện đảo Trường Sa.

* Xuân này con không về

Chúng tôi vẫn còn nhớ ngày những thanh niên Đồng Nai mặt còn non nớt bước lên chiếc cầu vinh quang để lên đường đi làm nghĩa vụ quân sự. Ngoài nụ cười hạnh phúc vì được góp sức cho đất nước, vẫn còn đâu đó giọt nước mắt nhớ thương gia đình.

Ấy vậy mà chưa tròn 1 năm sau, những chàng trai ấy đã thực sự trưởng thành và hiểu được mình mang trên người bộ quân phục và vác khẩu súng trên vai là gánh trọng trách lớn của cả giang sơn. Những người lính đảo không còn trắng trẻo, non trẻ như những ngày mới nhập ngũ, thay vào đó là ánh mắt kiên định sáng rực trên làn da sạm đen bởi nắng và gió biển.

Hạ sĩ Trần Minh Tú (22 tuổi, ngụ huyện Nhơn Trạch) rối rít hỏi chúng tôi: “Các anh chị có mệt không? Chúng tôi nghe nói đoàn chúc tết của Đồng Nai ra thăm đảo nên sáng giờ cứ bồi hồi, mong được gặp mặt”.

Hạ sĩ Tú là con trai duy nhất trong nhà, anh cũng chưa từng xa gia đình nên lúc ra đóng quân ở Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân (huyện đảo Trường Sa), anh đã mong nhớ gia đình khôn nguôi. Điện thoại khó có thể liên lạc về nhà, ít bạn bè cùng quê ra đảo đóng quân nên thời gian đầu anh cứ khóc rồi lủi thủi một mình.

“Hồi mới ra đảo, trời ban ngày nắng, đêm về lại lạnh khiến tôi chẳng thể ngủ được. Còn bây giờ, nếu không nghe tiếng sóng biển, không ngửi được vị mặn của biển vào mỗi sáng thức dậy, tôi lại thấy khó chịu” - anh Tú hồ hởi chia sẻ.

Đưa ánh mắt nhìn chúng tôi như thể muốn nói, muốn hỏi rất nhiều nhưng Hạ sĩ Lê Ngọc Hảo (21 tuổi, ngụ huyện Nhơn Trạch) lại rụt rè không dám mở lời. Chúng tôi vừa hỏi Hạ sĩ Hảo ra biển công tác có vui không thì anh kể cho chúng tôi nghe cuộc sống của người lính biển như không muốn bỏ sót một chi tiết nào.

“Hồi trước tôi không thích biển lắm. Giờ càng gần biển càng thấy yêu và tự hào vì nước ta có biển thật đẹp” - Hạ sĩ Hảo chia sẻ.

Không còn vẻ ngây ngô của tuổi mới lớn, Hạ sĩ Hảo giờ đã là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, Trung đội 7, Đại đội 3, Tiểu đoàn 862, Lữ đoàn 146. Nghe anh nói vanh vách nhiệm vụ và đơn vị đóng quân trong niềm phấn khởi, chúng tôi biết anh đã trưởng thành dù chỉ mới khoác áo lính 1 năm. Trông anh thật rắn rỏi trong bộ quân phục lính biển.

“Tôi sắp được hướng dẫn các tân binh rồi. Lâu nay, những gì đã rèn luyện, học tập được tôi sẽ truyền đạt cho lứa tân binh tiếp theo, không bỏ sót bài học nào đâu… Tôi sẽ đón tết cùng đồng đội và đây có lẽ là cái tết đáng nhớ nhất trong đời tôi. Mong gia đình và mọi người ở đất liền có cái tết sung túc, ấm no, hạnh phúc” - Hạ sĩ Hảo nói trong niềm vui sướng.

Hay tin chuyến thăm những người lính đảo của đoàn Đồng Nai sắp đến, Hạ sĩ Hảo dậy sớm phụ mọi người chuẩn bị hội trường và mặc bộ quân phục đẹp nhất để lãnh đạo tỉnh thấy được và tự hào về người lính quê mình.

Ngoài niềm vui của những người lính biển đến từ Đồng Nai, những chàng lính đảo đến từ các địa phương khác cũng thể hiện niềm vui rất rõ trên khuôn mặt khi được đoàn Đồng Nai ra thăm.

Trung sĩ Dư Công Chung (20 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Hễ có đoàn khách ra thăm, chúng tôi đều phấn khởi chờ đợi. Mỗi lần gặp những người ra thăm đảo, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh và nghị lực để học tập, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu nhằm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Càng nghĩ đến sự quan tâm và lòng tin yêu của mọi người dành cho mình, lính đảo chúng tôi càng ra sức rèn luyện và học tập hăng say hơn”.

Khoe với chúng tôi về thành tích rèn luyện loại giỏi và nhận giấy khen từ đơn vị, Trung sĩ Chung nói: “Tôi thật sự may mắn khi có cơ hội làm người lính biển. Từ nhỏ, tôi đã thích các anh bộ đội. Giờ được mặc bộ đồ lính, được bắn súng, ném lựu đạn…, tôi mới cảm nhận được trọng trách thật sự của một người thanh niên đối với đất nước”.

* “Cả nước vì Trường Sa”

Hàng năm, tỉnh Đồng Nai đều tổ chức đoàn đi thăm các cán bộ, chiến sĩ ở huyện đảo Trường Sa nhằm mang hơi ấm đất liền ra vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Để Tết Mậu Tuất 2018 của những người lính biển thêm niềm vui và thêm sắc xuân, đoàn công tác tỉnh Đồng Nai đã có chuyến thăm và tặng quà cho nhân dân và chiến sĩ huyện đảo Trường Sa.

Chụp ảnh lưu niệm giữa đoàn chúc tết của Đồng Nai và các cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa
Chụp ảnh lưu niệm giữa đoàn chúc tết của Đồng Nai và các cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa

Đại tá Huỳnh Thanh Liêm, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, cho biết hàng năm tỉnh Đồng Nai đều có những chuyến thăm lính đảo với các phần quà tặng ý nghĩa.

“Lãnh đạo và nhân dân Đồng Nai luôn sát cánh và quan tâm đến những người lính làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mùa xuân tới, chúng tôi muốn là người đem tình yêu và chút hương sắc ra biển đảo để góp thêm niềm vui, tăng thêm nghị lực, truyền lửa yêu thương, đoàn kết cho những người lính của Đồng Nai nói riêng và của cả nước nói chung ở trên đảo” - Đại tá Liêm chia sẻ.

Món quà mang từ đất liền ra vùng biển đảo tặng những người lính hải quân mang theo cả tấm lòng của nhân dân tỉnh Đồng Nai. Đại tá Liêm đã thay mặt lãnh đạo và nhân dân Đồng Nai chúc các chiến sĩ nơi miền biển đảo đón một cái tết xa nhà nhưng ấm cúng.

“Là người lính thì phải xem đồng đội là người thân, xem đơn vị là gia đình và phải đặt trọng trách bảo vệ Tổ quốc lên trên hết. Có như thế thì đất nước mới trường tồn và chúng ta mới đáng để tự hào vì là người lính”.

Trước tình cảm của lãnh đạo và nhân dân Đồng Nai, Đại tá Đào Giang Hải, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 146 Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Chủ tịch HĐND huyện đảo Trường Sa, xúc động cho biết những chuyến thăm từ đất liền sẽ tiếp thêm sức mạnh và động lực để người lính hải quân hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.

“Với những chuyến thăm của tỉnh Đồng Nai nói riêng và của cả nước nói chung, cuộc sống ở Trường Sa sẽ càng thay da đổi thịt, khoảng cách giữa Trường Sa với đất liền sẽ ngày càng gần hơn; “cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”. Chúng tôi nguyện làm hết sức mình, làm tròn trách nhiệm của những người giữ biển, nguyện hy sinh để bảo vệ từng tấc đất, hòn đảo, từng mét biển của Tổ quốc. Chúng tôi sẽ làm tất cả để “hình sông, dáng núi, bóng hình Tổ quốc” mãi mãi trường tồn” - Đại tá Hải nói trong sự quyết tâm.

Mặt trời khuất dạng, chúng tôi bịn rịn chào nhau bằng những cái nắm tay thật chặt và những cái ôm ấm áp. Đoàn rời đi, các chiến sĩ đứng giơ tay chào chúng tôi một cách trang nghiêm theo điều lệnh; bộ quân phục mang màu trắng của mây và màu xanh của biển bay phần phật trong gió. Chúng tôi gọi đó là điệu chào mang dáng hình Tổ quốc...

Tố Tâm

Tin xem nhiều