Báo Đồng Nai điện tử
En

Cựu chiến binh có "bàn tay vàng"

07:03, 08/03/2018

Là thế hệ thứ 3 của một gia đình đã 3 đời gắn bó với Nông trường cao su Ông Quế (xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ), anh Lê Hoài Anh đã có gần 10 năm công tác tại nông trường. Khởi đầu từ công nhân cạo mủ, sau nhiều lần tham gia các cuộc thi và đoạt giải, đến tháng 6-2017 Hoài Anh được cất nhấc làm Tổ trưởng sản xuất.

Là thế hệ thứ 3 của một gia đình đã 3 đời gắn bó với Nông trường cao su Ông Quế (xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ), anh Lê Hoài Anh đã có gần 10 năm công tác tại nông trường. Khởi đầu từ công nhân cạo mủ, sau nhiều lần tham gia các cuộc thi và đoạt giải, đến tháng 6-2017 Hoài Anh được cất nhấc làm Tổ trưởng sản xuất.

Anh Lê Hoài Anh với công việc của một công nhân cạo mủ cao su. Ảnh: Đăng Tùng
Anh Lê Hoài Anh với công việc của một công nhân cạo mủ cao su. Ảnh: Đăng Tùng

Cha của Lê Hoài Anh (ông Lê Văn Hùng) là cựu chiến binh, từng làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Đến thế hệ mình, anh Hoài Anh lại lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc. Sau 2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, năm 2007 anh xuất ngũ về nhà và xin vào làm việc tại Nông trường cao su Ông Quế.

* Theo cha học cạo mủ

Anh Lê Hoài Anh kể ông bà nội anh quê ở quận Thanh Khê (TP.Đà Nẵng ngày nay), vào miền Nam làm công nhân đồn điền cao su từ thời Pháp thuộc. Sinh ra và lớn lên tại Cẩm Mỹ, cha mẹ Hoài Anh cũng trở thành công nhân cạo mủ cao su. Đến giờ, khi đã nghỉ hưu, cha của anh vẫn đi cạo mủ thuê cho những hộ trồng cao su tại địa phương.

Hội thi bàn tay vàng khai thác mủ ngành cao su Việt Nam năm 2016 có 39 đoàn với 210 thí sinh tham gia. 210 thí sinh dự thi đều là những thợ cạo mủ xuất sắc, đạt thành tích cao tại hội thi cấp công ty và là đại diện của gần 70 ngàn công nhân khai thác mủ trong toàn ngành cao su Việt Nam. Tại hội thi này, anh Lê Hoài Anh là một trong số 56 thí sinh đoạt danh hiệu kiện tướng.

Anh Hoài Anh cho hay: “Tại khu vực này, cạo mủ cao su là nghề truyền thống; gia đình nào nhiều thì 4 đời, nhà ít cũng 2 đời làm nghề cạo mủ. Vì vậy, bọn trẻ con ở đây thường theo chân cha mẹ ra lô cao su chơi, hoặc gia đình có rẫy trồng cao su nên cũng quen việc. Tuy nhiên, giữa việc biết cạo mủ cao su và cạo đúng, cạo đẹp là 2 việc khác nhau, bởi người thợ cạo mủ cao su ngoài sự khéo tay còn nhờ vào cái duyên với nghề”.

Từ nhỏ, Hoài Anh đã cùng bạn bè vào các lô cao su chơi. Lớn lên một chút, anh lại đi phụ giúp cha mẹ tại các lô cao su. Dần dà, trong anh lớn lên một tình yêu đối với cây cao su và anh nảy ra ý muốn làm việc, gắn bó với những lô cao su. Để rồi trong khoảng 1 năm, ngày nào anh cũng theo cha học nghề cạo mủ, ngày nào cũng tập cạo mới nhận được sự đồng ý của cha.

Dù anh Hoài Anh có sự ham thích, nhưng thời gian đầu, để cạo được mủ đúng cách rất khó, chưa kể phải biết cách điều khiển dao theo ý muốn.

Hoài Anh cho biết vì gia đình nào cũng có truyền thống mấy đời làm nghề cạo mủ cao su nên mỗi gia đình có cách hướng dẫn con em khác nhau. Từ đó, khi vào nông trường làm, mỗi công nhân lại có một cách tập luyện khác nhau, cốt làm sao đường cạo đều, đẹp, sản lượng mủ đạt yêu cầu.

“Tôi thấy mình có duyên với nghề cạo mủ; nghề chọn tôi chứ tôi không chọn nghề. Hồi nhỏ khi theo cha ra lô cao su, thấy cha cạo ra những đường dăm đều và đẹp, tôi cứ thắc mắc sao chỉ nhờ con dao nhỏ mà người thợ có thể cạo khéo léo và đẹp như vậy. Thấy tôi tò mò, cha khuyên đừng theo nghề cạo mủ của gia đình vì cực lắm. Sau này vì ham thích quá và một phần vì được làm việc gần nhà nên tôi dần bước theo nghề mà gia đình đã gắn bó 2 đời trước” - anh Hoài Anh tâm sự.

* Trưởng thành từ các cuộc thi

Từ lúc làm công nhân cạo mủ cao su đến tháng 6-2017, khi được đề bạt làm Tổ trưởng sản xuất, anh Lê Hoài Anh đã tham gia nhiều cuộc thi cạo mủ cao su các cấp và đã 2 lần đoạt giải nhất ở đội, 2 lần đoạt giải khuyến khích ở nông trường và đến tháng 11-2016 thì anh đoạt giải nhất cá nhân cấp tổng công ty và danh hiệu “Bàn tay vàng” của tổng công ty. Ngoài ra, tháng 12-2016, khi tham gia hội thi “Bàn tay vàng khai thác mủ ngành cao su Việt Nam” lần thứ 10-2016, Hoài Anh là một trong 56 thí sinh đạt danh hiệu kiện tướng (đạt từ 95,5 điểm trở lên).

Anh Lê Hoài Anh (bục số 1) đoạt giải nhất cá nhân tại hội thi “Bàn tay vàng khai thác mủ cao su cấp tổng công ty” vào năm 2016.
Anh Lê Hoài Anh (bục số 1) đoạt giải nhất cá nhân tại hội thi “Bàn tay vàng khai thác mủ cao su cấp tổng công ty” vào năm 2016.

“Làm công nhân cao su, ai cũng gắn bó với cây cao su mỗi ngày nên khi dự thi các thí sinh đều là những người xuất sắc. Trải qua các cuộc thi cấp đội, nông trường, tổng công ty các địa phương rồi mới ra cấp tập đoàn, vì vậy điểm được tính rất kỹ, ban giám khảo xem từng đường cạo. Nếu không đủ bản lĩnh, phạm phải một sơ sót nhỏ là tuột danh hiệu. Khi đó xem như mất cơ hội vì không mấy khi được đại diện tổng công ty đi thi ở cấp tập đoàn” - anh Hoài Anh kể.

Trên cương vị  Tổ trưởng sản xuất (tổ của anh có 40 người, kể cả tổ trưởng). Không chỉ làm tốt vai trò quản lý, anh còn hướng dẫn, chỉ bảo công nhân mới vào nghề hoặc tay nghề còn yếu.

Thời gian qua nông trường có tổ chức lớp tập huấn hàng năm cho những công nhân yếu tay nghề, chỉ cần nhìn vào đường cạo, cách cạo, mặt cây là biết tay nghề người thợ. Qua đó, những người thợ tay nghề yếu dần được khắc phục, làm việc có bài bản hơn, chứ không đơn thuần là được truyền nghề từ các thế hệ cha anh trong gia đình.

“Mỗi lần đi thi là một lần được “bơi” ra biển lớn, được học hỏi đồng nghiệp ở các nông trường trong tỉnh, khắp mọi miền Tổ quốc. Qua đó, tôi có thể học hỏi được nhiều điều, kết hợp với kinh nghiệm bản thân để trau dồi kỹ năng chuyên môn; đồng thời hướng dẫn công nhân mới vào nghề. Hầu như mọi người làm việc trong lô cao su đều quen biết nhau, thậm chí tuổi ngang lứa còn lớn lên cùng nhau, vì ở cùng địa phương. Từ đó, việc hướng dẫn cũng dễ hơn” - anh Hoài Anh tâm sự

10 năm gắn bó với nghề cạo mủ cao su, Lê Hoài Anh trải qua những thăng trầm với nghề cạo mủ và với nông trường. Tuy vậy, anh vẫn luôn giữ một tình yêu với cây cao su và muốn gắn bó lâu dài với nghề.

Anh Hoài Anh bộc bạch công việc nào cũng có lúc khó khăn, nhưng chính kỹ năng nghề nghiệp và những danh hiệu chuyên môn sẽ là dấu mốc để tự đánh giá sự phát triển của bản thân. Hơn hết, nó còn là điểm nhấn, đánh dấu sự trưởng thành trong quá trình làm việc của mỗi người khi có dịp nhìn lại.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều