Báo Đồng Nai điện tử
En

Khát vọng về cánh đồng lớn

07:03, 26/03/2018

Nhiều năm qua, nông dân ở 2 cánh đồng 7-8A và 7-8B (thuộc ấp 1 và 2, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) đã quen sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ bắp hoặc hoa màu. Từ ngày địa phương có chủ trương xây dựng cánh đồng lớn, nông dân canh tác trên 2 cánh đồng này khấp khởi niềm vui chờ dự án hình thành.

Nhiều năm qua, nông dân ở 2 cánh đồng 7-8A và 7-8B (thuộc ấp 1 và 2, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) đã quen sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ bắp hoặc hoa màu. Từ ngày địa phương có chủ trương xây dựng cánh đồng lớn, nông dân canh tác trên 2 cánh đồng này khấp khởi niềm vui chờ dự án hình thành.

Nông dân Nguyễn Văn Tư (ngụ ấp 1, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) với vụ bắp đông - xuân chủ động được nguồn nước tưới từ giếng khoan và suối Sông Nhạn.
Nông dân Nguyễn Văn Tư (ngụ ấp 1, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) với vụ bắp đông - xuân chủ động được nguồn nước tưới từ giếng khoan và suối Sông Nhạn.

Để triển khai dự án cánh đồng lớn 7-8A và 7-8B, xã Lộ 25 đã đầu tư hệ thống điện trung và hạ thế cho cánh đồng. Hiện địa phương tiếp tục triển khai hệ thống đập tràn, kênh mương, đường nội đồng kinh phí khoảng 47 tỷ đồng.

* Cánh đồng “công binh”

Trước năm 1975, 2 cánh đồng 7-8A và 7-8B là khu rừng già được đơn vị bộ đội công binh trú đóng và khai khẩn những vạt rừng để trồng lúa, bắp làm lương thực. Sau ngày đất nước thống nhất, đơn vị công binh không còn đóng quân ở đây nên bỏ ruộng, rẫy hoang.

2 cánh đồng 7-8A và 7-8B có diện tích khoảng 150 hécta, nằm trên địa bàn ấp 1 và 2, xã Lộ 25. Khi chưa triển khai dự án cánh đồng lớn, nông dân nơi đây đã quen với việc sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ bắp hoặc hoa màu trong năm với năng suất tương đối ổn định. Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộ 25 Trịnh Công Quyên cùng nhà nông kỳ vọng rằng cánh đồng lớn được triển khai sẽ sớm hình thành vùng chuyên canh về bắp, lúa, hoa màu ở 2 cánh đồng 7-8A và 7-8B. Việc thông thương hàng hóa thuận lợi cũng sẽ mở ra cơ hội làm giàu cho nhà nông.

Trước phong trào di dân, giãn dân khai khẩn đất hoang để tìm nguồn lương thực, dân địa phương và dân từ nhiều vùng miền trong cả nước lần lượt về đây xây dựng vùng kinh tế mới. Ruộng, rẫy bỏ hoang của đơn vị bộ đội công binh, từng bước được người dân khai khẩn, mở rộng thành ruộng, vườn.

Người đến trước khai khẩn được nhiều ruộng lúa tốt, người đến sau khai khẩn những khoảnh ruộng cao, ruộng gò nên chỉ vài năm sau toàn bộ 2 cánh đồng 7-8A và 7-8B của bộ đội công binh bỏ hoang thành ruộng lúa, rẫy hoa màu của người dân và những nếp nhà được mọc lên nơi cánh đồng.

Vốn là dân xã Bình Sơn (huyện Long Thành) về đây khai khẩn đất rừng làm ruộng, nông dân Tư Hổ (ngụ ấp 2) kể ruộng của bộ đội công binh lúc đó không liền vùng, liền thửa mà lởm chởm từng miếng nhỏ như “da beo”. Tuy vậy, những khu ruộng của bộ đội công binh là ruộng tốt, nhiều nước nên cây lúa không cần phân bón vẫn xanh tốt.

Cả 2 cánh đồng 7-8A và 7-8B và các khu vực quanh đó, thời kỳ mới khai khẩn nông dân chỉ sản xuất được 1 vụ lúa hoặc 1 vụ bắp, đậu. Phần do việc sản xuất phụ thuộc vào nguồn nước thiên nhiên, không có hệ thống kênh mương thủy lợi, máy móc, nông dân dù rất cần đất nhưng đành để ruộng, vườn khô cháy vào mùa khô. Năm nào mưa thuận gió hòa thì nông dân chủ động sản xuất, thu hoạch mùa vụ. Gặp năm mưa nắng thất thường, nhiều cánh đồng bị khô héo hoặc ngập úng dẫn đến mùa màng thất thu, đói kém.

Sống lâu và hiểu được đặc tính của 2 cánh đồng 7-8A và 7-8B, nông dân địa phương bắt đầu tạo hệ thống thủy lợi cho ruộng, vườn của mình để tiêu nước về các con suối, khu đất trũng. Nhờ vậy, họ từng bước chủ động trong sản xuất, bảo vệ mùa vụ khi đến kỳ thu hoạch và tiến tới gieo sạ được 2 vụ lúa hoặc 1 vụ lúa, 1 vụ hoa màu. Đến năm 2000, nhiều nông dân đã tiến tới sản xuất được 2 vụ lúa, 1 vụ bắp, hoa màu nhờ hệ thống giếng đào, giếng khoan và máy bơm nước tưới.

Cánh đồng công binh 7-8A và 7-8B bắt đầu xanh màu lúa, bắp, hoa màu quanh năm, thách thức cả mưa gió, còn đời sống nhà nông ở đây khấm khá lên theo thời gian. Ruộng trũng nhà nông cải tạo thành ao cá, ruộng cao cải tạo thành vườn rẫy trồng cây lâu năm, như: cà phê, chôm chôm, chuối, nhãn, xoài...

Nhờ vào nguồn vốn vay ngân hàng, vốn tín chấp các hội, đoàn thể, nhất là hệ thống điện lưới về cánh đồng, cùng với các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức, 2 cánh đồng 7-8A và 7-8B ngày thêm xanh tươi và trù phú với cuộc sống nông thôn mới.

* Kỳ vọng cánh đồng lớn

Ngoài hệ thống điện lưới sinh hoạt sản xuất hình thành trước đó, vào năm 2017, xã Lộ 25 và huyện Thống Nhất đầu tư thêm đường dây trung hạ thế 800m cho 2 cánh đồng 7-8A và 7-8B với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Dự án cánh đồng lớn 7-8A và 7-8B được huyện khởi động ngay từ đầu năm 2018 với tổng đầu tư 47 tỷ đồng, gồm có: đập tràn, hồ chứa nước, hệ thống kênh mương, đường nội đồng…, thật sự làm cho nông dân nơi đây phấn khởi.

Nông dân Nguyễn Văn Thanh (ngụ ấp 1, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, bìa trái) và các bạn nhà nông rất kỳ vọng vào cánh đồng lớn 7-8A và 7-8B đang thành hình.
Nông dân Nguyễn Văn Thanh (ngụ ấp 1, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, bìa trái) và các bạn nhà nông rất kỳ vọng vào cánh đồng lớn 7-8A và 7-8B đang thành hình.

Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Lộ 25 Lê Văn Chương cho hay quá trình xây dựng dự án cánh đồng lớn 7-8A và 7-8B, xã và huyện đã triển khai các bước làm nức lòng nông dân, như: tuyên truyền các chính sách hỗ trợ nông dân khi họ tham gia cánh đồng lớn; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt cho nông dân; thành lập, củng cố và phát triển hợp tác xã đủ năng lực làm đại diện cho nông dân tham gia cánh đồng lớn...

Xã Lộ 25 hiện có 3 hợp tác xã nông nghiệp và 6 tổ hợp tác. Trong đó, Hợp tác xã nông nghiệp Miền Đông với đề xuất bao tiêu bắp lai và hỗ trợ nông dân vùng dự án cánh đồng lớn trong việc trồng bắp lai vụ đông - xuân. Đây là tin vui của nông dân cánh đồng lớn 7-8A và 7-8B và các vùng khác trong việc chuyển đổi cây trồng cho phù hợp với thị trường, điều kiện canh tác theo từng mùa vụ.

Từ xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch) về cánh đồng 7-8A sinh sống từ năm 2000, nông dân Nguyễn Văn Tư tỏ bày dù ở cánh đồng chưa có hệ thống thủy lợi, mùa mưa ông cũng có cách dẫn nước ra suối Sông Nhạn để 9 sào ruộng có thể trồng 2 vụ lúa, 1 vụ bắp và hoa màu các loại. Riêng đường nội đồng mùa mưa lầy lội, ông vận động các hộ dân xung quanh tôn cao sau mỗi mùa mưa. Vì vậy, khi biết tin cánh đồng lớn được địa phương gấp rút đầu tư, ông Tư rất vui và đón chờ dự án cánh đồng lớn hình thành.

Để xây dựng hệ thống kênh mương, đường nội đồng, nông dân ở 2 cánh đồng 7-8A và 7-8B không ngại hiến đất để xã, huyện triển khai dự án. Nông dân Nguyễn Văn Thanh (ngụ ấp 1) tâm sự đường bờ lầy lội, trơn trượt và kênh mương nông dân tự tạo lập tức được thay bằng những con đường nội đồng, tuyến kênh mương to, thẳng bằng xi măng vững chắc và giá đất tăng cao thì nông dân ở đây không vui mừng sao được.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều