Báo Đồng Nai điện tử
En

Người lính già nặng tình với đồng đội

07:03, 01/03/2018

Trở về cuộc sống đời thường bên gia đình, cựu chiến binh Trần Mạnh Cường (75 tuổi, ngụ ở KP.Bình Dương, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) vẫn da diết nhớ về đồng đội trong những trận đánh ác liệt với quân thù đã anh dũng ngã xuống trên khắp các chiến trường từ các tỉnh miền Nam Trung bộ đến miền Đông Nam bộ.

Trở về cuộc sống đời thường bên gia đình, cựu chiến binh Trần Mạnh Cường (75 tuổi, ngụ ở KP.Bình Dương, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) vẫn da diết nhớ về đồng đội trong những trận đánh ác liệt với quân thù đã anh dũng ngã xuống trên khắp các chiến trường từ các tỉnh miền Nam Trung bộ đến miền Đông Nam bộ. “Ai đã được quy tập hài cốt vào các nghĩa trang liệt sĩ mà bị thất lạc họ tên và còn những ai đang nằm lại trên các cánh rừng, đồng ruộng”, câu hỏi đó luôn làm ông day dứt khôn nguôi.

Ông Trần Mạnh Cường cho biết ông đang nắm danh sách 500 liệt sĩ thuộc Trung đoàn 209 và các đơn vị thuộc Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Ông sẽ lần lượt cùng Ban Liên lạc truyền thống và bạn chiến đấu... tìm kiếm thông tin về những liệt sĩ này.
Ông Trần Mạnh Cường cho biết ông đang nắm danh sách 500 liệt sĩ thuộc Trung đoàn 209 và các đơn vị thuộc Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Ông sẽ lần lượt cùng Ban Liên lạc truyền thống và bạn chiến đấu... tìm kiếm thông tin về những liệt sĩ này.

Nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209, Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4), từng chỉ huy đơn vị tham gia nhiều trận đánh ác liệt với kẻ thù cả ở trong nước và trên đất bạn Campuchia, do sức khỏe và thương tật nên ông Cường được về nghỉ chế độ khá sớm vào năm 1981.

* Muôn Nẻo Đi Về

Hàng chục năm qua, với hành trang gọn nhẹ gồm: chiếc tăng, võng, con dao găm và đồ dùng cần thiết, ít bó nhang thơm, tấm bản đồ tác chiến của Mỹ với tỷ lệ 125/1.000..., cựu chiến binh Trần Mạnh Cường lầm lũi trở lại các địa bàn mà đơn vị của ông hoạt động, chiến đấu năm xưa, như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, rồi trở vào các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh gặp bạn chiến đấu, chính quyền địa phương, Hội Cựu chiến binh hoặc cơ quan quân sự... để tìm thông tin. Có những chuyến đi phải mất hàng chục ngày, địa hình rừng núi phức tạp, mất sóng điện thoại nên ông không liên lạc được với người thân.

Những chuyến đi gian nan, vất vả ấy đã đem lại kết quả thật đáng mừng. Ông đã tham gia tìm kiếm, quy tập được trên 200 hài cốt liệt sĩ, trong đó có nhiều hài cốt còn lưu giữ đầy đủ họ tên, quê quán và cả ngày, tháng, năm hy sinh. Trong số này, chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 209, Sư đoàn 7 dưới quyền chỉ huy của ông và một phần của các trung đoàn bạn thuộc Sư đoàn 9, cùng với liệt sĩ của Đại đội 246, Tiểu đoàn 24, Quân khu miền Đông…

Năm 2014, qua nghiên cứu sơ đồ và xác minh thực địa, kết hợp cung cấp thông tin của cơ quan quân sự huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), Đội K72 (chuyên trách tìm kiếm, quy tập, cất bốc hài cốt liệt sĩ) của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước quy tập được 3 hài cốt liệt sĩ đưa về quê nhà, đáp ứng nguyện vọng tha thiết hàng chục năm qua của gia đình mà nhiều lúc đã tưởng như vô vọng.

Sau mỗi chuyến gian nan tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ có kết quả, ông Trần Mạnh Cường cho hay: “Nói về cảm xúc thì nhiều lắm, khó mà diễn tả cho hết”, rồi ông dẫn chứng ra mấy trường hợp.

Đó là lần tham gia quy tập 14 hài cốt liệt sĩ trong một hố chôn tập thể, hy sinh ngày 24-12-1974 tại suối Nước Vàng (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương cũ, nay thuộc tỉnh Bình Phước) đưa vào nghĩa trang liệt sĩ huyện.

Qua thử ADN, kết hợp đối chiếu với danh sách mà ông còn lưu giữ, có 10 hài cốt thuộc cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 8; 3 hài cốt thuộc Tiểu đoàn 7 và bộ hài cốt còn lại của đại đội trinh sát; tất cả đều thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Có người trong số ấy từng ngủ chung hầm, chia nhau phong lương khô, mẩu thuốc lào, uống cùng bi-tông nước suối với ông, mà giờ đây chỉ còn là nắm xương hòa lẫn vào cát bụi, hỏi ông Cường không ngậm ngùi sao đặng.

Chờ qua cơn xúc động, ông Cường kể vào năm 2015, lục từ ký ức kết hợp thông tin đồng đội cung cấp, ông đi đến kết luận khu vực mà 20 đồng đội ở Đại đội trợ chiến của Trung đoàn 209 hy sinh tại lô cao su 95, xã Thanh An (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương), khi bị một đại đội xe tăng, xe thiết giáp Mỹ đánh úp vào địa điểm trú quân vào tháng 3-1969. Di vật khi khai quật cùng với hài cốt liệt sĩ còn có dép râu, hộp đựng thuốc lá, 1 khẩu cối 82 ly và khẩu súng B40…

Trước đó, vào năm 2012, ông Cường còn cung cấp thông tin quan trọng cho Ban Chỉ huy quân sự huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) quy tập được hố chôn tập thể có 80 hài cốt liệt sĩ.

* Giải tỏa nỗi oan gần 50 năm

Trong số thông tin ông Cường cung cấp và những chuyến đi tìm kiếm, khai quật hài cốt liệt sĩ có trường hợp khá đặc biệt. Đó là hoàn cảnh của liệt sĩ Đào Như Ý, sinh năm 1947, nhập ngũ năm 1967, chức vụ Đại đội phó chính trị, hy sinh tháng 3-1969 trong trận đánh đồn Mang Cải (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).

Lúc bấy giờ, không hiểu căn cứ từ đâu mà có thông tin “Quân nhân Đào Như Ý chạy theo giặc, phản bội Tổ quốc…”, làm cho cả gia đình, họ hàng liệt sĩ như bị chết đứng.

Từ đó, suốt gần 50 năm gia đình liệt sĩ Ý cay đắng mang tiếng thị phi của người đời, không được hưởng bất cứ một chế độ chính sách gì của Nhà nước. Đến nỗi, người em của liệt sĩ làm cán bộ cơ quan nhà nước cũng gian nan trầy trật, phấn đấu bền bỉ tới hơn 30 năm mới được kết nạp vào Đảng.

Đau đớn vì mất con, tủi nhục bởi nguồn tin thất thiệt, gia đình liệt sĩ Đào Như Ý đã gửi đơn kêu cứu khắp các cơ quan chức năng.

Từ thông tin các đồng đội liệt sĩ Đào Như Ý cung cấp, trong đó có đóng góp công sức đáng kể của ông Cường và sự chỉ dẫn của người dân địa phương, hài cốt liệt sĩ đã được khai quật trong sự tràn đầy xúc động của thân nhân và đồng đội, bởi được giải tỏa nỗi oan mấy chục năm. Hài cốt liệt sĩ được đưa về quê nhà (quận Hà Đông, TP.Hà Nội) yên nghỉ vào ngày 7-8-2017. Tại buổi lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ Đào Như Ý, ngoài đông đảo họ hàng còn có mặt 9 vị tướng lĩnh tới dự, gồm: 1 thượng tướng, 1 trung tướng và 7 thiếu tướng.

Thời gian gần đây dù bận rộn, sức khỏe lại không được tốt, nhưng ông Cường vẫn dành thời gian cùng đồng đội, gia đình liệt sĩ di dời hài cốt các liệt sĩ: Đỗ Chí Công (hy sinh năm 1969 tại Campuchia) đưa về quê nhà ở huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội; Nguyễn Tiến Chi (hy sinh năm 1970 tại Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) đưa về huyện Thanh Oai (TP.Hà Nội) và cung cấp chính xác thông tin về 5 liệt sĩ khác để Đội K72 khai quật và bốc hài cốt...

Những hoạt động bền bỉ và hiệu quả của cựu chiến binh Trần Mạnh Cường đã góp phần tích cực vào thành tích của tập thể Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Đồng Nai, để được Trung ương Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tặng bằng khen. Bản thân ông đang được đề nghị Bộ Lao động - thương binh và xã hội tặng bằng khen trong hoạt động tri ân đối với những người con hy sinh vì Tổ quốc.

Còn với ông Trần Mạnh Cường, ông vẫn luôn đau đáu một tâm nguyện: “Mong có sức khỏe để tham gia đưa hài cốt những đồng đội còn lẩn khuất đâu đó về với quê nhà, gia đình hoặc vào các nghĩa trang liệt sĩ gần nhất để người đời chăm phần hương khói, đỡ tủi thân vong linh của liệt sĩ”...

Nguyễn Quốc Hoàn

Tin xem nhiều