Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuổi già vẫn nhiệt huyết

07:03, 10/03/2018

Về hưu đã 7 năm nhưng ông Trần Cao Định (64 tuổi, ngụ ấp Long Đức 1, xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) vẫn nhiệt tình tham gia công tác địa phương với tinh thần trách nhiệm cao. Hiện ông làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh Chi hội 4 và Tổ trưởng Tổ dân phố 7 của ấp.

Về hưu đã 7 năm nhưng ông Trần Cao Định (64 tuổi, ngụ ấp Long Đức 1, xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) vẫn nhiệt tình tham gia công tác địa phương với tinh thần trách nhiệm cao. Hiện ông làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh Chi hội 4 và Tổ trưởng Tổ dân phố 7 của ấp.

Ông Trần Cao Định (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) với hình ảnh kỷ niệm thời còn công tác tại Trường sĩ quan lục quân 2.
Ông Trần Cao Định (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) với hình ảnh kỷ niệm thời còn công tác tại Trường sĩ quan lục quân 2.

Là con lớn trong gia đình có 6 anh em ở huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh), vào tháng 1-1972, khi vừa học xong lớp 10 (khi đó miền Bắc áp dụng hệ thống trường phổ thông 10 năm, chia thành 3 cấp), như bao thanh niên khác, ông Trần Cao Định đã lên đường nhập ngũ. Noi gương ông, 3 người em trai cũng lần lượt đi bộ đội.

* Ký ức mùa Xuân cao nguyên

Ông Trần Cao Định kể từ khi còn là học sinh, anh em của ông và các bạn bè trong làng được phân công phụ giúp bộ đội lúc hành quân, vượt sông và chứng kiến những cảnh đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Từ đó, ông ấp ủ ý định lên đường vào miền Nam chiến đấu.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tam Phước Phạm Thế Minh đánh giá ông Trần Cao Định là một cựu chiến binh gương mẫu. Dù đã về hưu, nhưng ông Định vẫn nhiệt huyết tham gia công tác tại địa phương, dám làm dám chịu và trở thành tấm gương sáng của phong trào thi đua cựu chiến binh gương mẫu của Hội Cựu chiến binh xã Tam Phước.

Tháng 7-1972, ông Định có mặt ở mặt trận Tây Nguyên trong đội hình Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3. Trong trận đánh đầu tiên vào tháng
10-1972, ông bị thương vì hỏa lực của địch tập trung vào ông là người sử dụng B40.

Gần 3 năm sau, vào tháng 3-1975, khi tham gia trận đánh địch tại ngã ba Đắk Song (nay thuộc huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông), ông Định tiếp tục bị thương phải điều trị 1 tháng. Đến cuối tháng 4-1975, ông tiếp tục cùng đơn vị tiến đánh Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn.

“Khi đó tôi là Tiểu đội trưởng, chịu trách nhiệm cùng đồng đội đánh phá 4 hàng rào kẽm gai, làm bàn đạp cho các đơn vị phía sau tiến vào bên trong đồn địch. Tiểu đội của tôi giữ vững cửa mở, sau đó cùng các đơn vị khác đánh vào các lô cốt. Lúc đó, tôi dính mảnh đạn bị thương và được chuyển về tuyến sau. Mãi hơn 1 tháng sau, khi vết thương lành, đơn vị mới cho người về đón tôi và các chiến sĩ khác tiếp tục hành quân, tham gia giải phóng Sài Gòn. Sau giải phóng, đơn vị tôi tiếp tục ở lại giữ vững những điểm đã chiếm được và tham gia giữ gìn trật tự của thành phố” - ông Trần Cao Định kể.

Tháng 8-1975, ông Định được cử tuyển đào tạo tại Trường sĩ quan lục quân 1. Tháng 8-1979, ông công tác tại Trường sĩ quan lục quân 2 (nay là Trường đại học Nguyễn Huệ) cho đến khi về hưu.

Suốt quá trình công tác và cống hiến, ông Định nổi tiếng là một người nghiêm khắc với bản thân và luôn nhiệt tình, trách nhiệm với mỗi công việc được giao. Đến lúc về hưu, ông vẫn giữ được đức tính đó và những người sống xung quanh tiếp tục tín nhiệm, bầu ông làm Tổ trưởng Tổ nhân dân.

* Nhiệt tình công tác địa phương

Hiện nay, trong Chi Hội Cựu chiến binh Chi hội 4 do ông Trần Cao Định làm Chi hội trưởng có một tổ an ninh tự quản (ông Định làm Tổ trưởng) do Hội Cựu chiến binh xã Tam Phước thành lập năm 2015. Tổ hiện có 7 tổ viên độ tuổi từ 55-64, được đánh giá là tổ an ninh tự quản có số tổ viên cao tuổi nhưng rất hăng hái làm nhiệm vụ. Vào những dịp lễ, tết hoặc những ngày cao điểm, các thành viên trong tổ chia nhau đi tuần, hỗ trợ công an, dân phòng, dân quân xã trong việc đảm bảo an ninh trật tự địa phương.

Ông Trần Cao Định (điều khiển xe máy thứ 2 từ trái qua) đi tuần tra cùng Tổ trưởng Tổ An ninh tự quản Chi hội 4, ấp Long Đức 1.
Ông Trần Cao Định (điều khiển xe máy thứ 2 từ trái qua) đi tuần tra cùng Tổ trưởng Tổ An ninh tự quản Chi hội 4, ấp Long Đức 1.

Để tổ an ninh tự quản làm tốt nhiệm vụ, vai trò của ông Định rất lớn; hầu hết các chuyến đi tuần, tham gia điều tiết giao thông hay những lúc cần hỗ trợ công an xã, dân quân…, ông Định đều trực tiếp có mặt. Ông đã linh động áp dụng các phương pháp từng giảng dạy trong Trường sĩ quan lục quân 2 vào các hoạt động tuần tra, nhận diện kẻ xấu. Mỗi lần đi tuần tra địa bàn, các tổ viên tập trung tại một điểm, sau khi nhận thông báo, tổ mới tiến hành hoạt động. Giờ giấc, phương tiện thực hiện nhiệm vụ không cố định nên các đối tượng xấu không thể lường trước để đề phòng.

Ông Định chia sẻ: “Quá trình vận động sinh hoạt Hội và gia nhập tổ an ninh tự quản, tôi không hề gặp khó khăn. Nhiều hội viên của chúng tôi rất nhiệt huyết, không quản khó khăn, dù ngày xưa từng làm tới thượng tá, đại tá, nay tuổi đã cao nhưng vẫn thường xuyên tham gia đi tuần. Tôi thường động viên mọi người làm việc bằng cái tâm, dùng sức lực bản thân hỗ trợ các lực lượng khác đảm bảo an ninh trật tự ngay tại nơi mình sinh sống”.

Bên cạnh đó, ông Định còn làm tốt các hoạt động vận động đóng góp quỹ Hội để hỗ trợ các hội viên khó khăn vay vốn phát triển kinh tế, số tiền lời từ vay vốn lại dùng để thăm hỏi hội viên, gia đình hội viên mỗi khi có người ốm đau. Và để làm gương, ông luôn đóng góp nhiều hơn số tiền định mức đề ra. Ông cũng đến nhà các hội viên từng công tác tại Trường sĩ quan lục quân 2 vận động đóng quỹ. Hiện nay, số tiền quỹ của Chi hội 4 lên đến gần 100 triệu đồng, tăng gần gấp đôi kể từ khi ông Định về làm Chi hội trưởng.

Trong mỗi lần họp tổ nhân dân, ông Định lại hăng hái đóng góp ý kiến hoặc tìm cách giải quyết, hòa giải các mối bất hòa giữa các hộ dân với nhau. Với tác phong của một anh “bộ đội Cụ Hồ” và uy tín của bản thân, ông đã được bà con trong ấp yêu mến và tin tưởng.

“Trong công việc và cuộc sống hàng ngày, tôi quan niệm cần phải nói được làm được, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Không chỉ trong tổ nhân dân mà ngay cả các cuộc họp giữa chính quyền địa phương và Hội Cựu chiến binh, tôi luôn phát biểu thẳng thắn và sẵn sàng nêu ra mặt chưa làm tốt để mọi người cùng sửa đổi. Gần 40 năm tham gia lực lượng vũ trang, tôi vào sinh ra tử không ít lần để đánh đổi lấy cuộc sống yên bình như bây giờ. Vì vậy, tôi rất trân quý và vẫn luôn cố gắng đóng góp chút sức già để giữ lấy cuộc sống yên bình đó” - ông Trần Cao Định bộc bạch.

Minh Thành

Tin xem nhiều