Báo Đồng Nai điện tử
En

Bám sông kiếm sống

08:06, 19/06/2018

Trên một số khúc sông, mặt nước hồ thủy điện, thủy lợi trong tỉnh vẫn còn nhiều người dân tha hương đến sinh cơ lập nghiệp. Họ sống ở những chiếc bè bồng bềnh trên mặt nước với cá vẫy dưới sàn, gió sông, gió hồ lồng lộng cùng tình đồng hương thân thiết...

Trên một số khúc sông, mặt nước hồ thủy điện, thủy lợi trong tỉnh vẫn còn nhiều người dân tha hương đến sinh cơ lập nghiệp. Họ sống ở những chiếc bè bồng bềnh trên mặt nước với cá vẫy dưới sàn, gió sông, gió hồ lồng lộng cùng tình đồng hương thân thiết...

Ông Nguyễn Văn Hùng (làng bè Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) lặn bắt tôm tại các bãi đá ngầm, chân cầu trên sông Đồng Nai.
Ông Nguyễn Văn Hùng (làng bè Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) lặn bắt tôm tại các bãi đá ngầm, chân cầu trên sông Đồng Nai.

Tiếng đàn vọng cổ mùi mẫn từ chiếc bè của ông Năm Hơn (ở khu Suối Tượng, ấp 3, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) theo gió bay xa. Ông Năm Hơn vốn là dân mê đờn ca tài tử xứ Bạc Liêu, về Mã Đà làm “nghề” khai thác gỗ khi công trình thủy điện Trị An chưa đóng đập, tích nước.

* Coi bè cá là nhà

Năm 1987, công trình thủy điện Trị An đóng đập tích nước thì ông Năm Hơn bỏ luôn nghề rừng lên bờ cất chòi, sắm xuồng, vài tay lưới đánh bắt tôm cá mưu sinh. Tôm cá dồi dào, ít người đánh bắt nên thu nhập từ nghề chài lưới của ông Năm Hơn không thua kém so với nghề rừng trước đây mà còn giúp ông được giấc ngủ ngon hơn.

* Hồ còn nước thì còn tôm cá…

Xóm bè Suối Tượng (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) đến nay vẫn vững chãi trước sóng gió mùa mưa. Mấy chục năm gắn chặt với luồng suối này để neo bè, ông Hai Nhì (60 tuổi, quê tỉnh Trà Vinh) chẳng giàu sang hơn lúc vợ chồng ông mới về đây lập bè, kết bạn với nhóm ngư dân đến trước. Ông Hai Nhì tâm sự, hồ thủy điện Trị An còn nước thì trong lòng hồ còn tôm cá. Đó cũng là lý do để ông, ông Năm Hơn, ông Hai Thủy bám chiếc bè, tay lưới trong khi thế hệ trẻ lần lượt rủ nhau lên bờ mưu sinh.

Hồ thủy điện Trị An hình thành thì ông Năm Hơn chuyển đổi cái chòi thành cái bè nổi bồng bềnh trên mặt hồ. Từ đó, ông trở thành ngư dân làng bè Suối Tượng cho đến ngày nay. Ông Năm Hơn cho biết cá tôm nơi lòng hồ thủy điện Trị An cứ thưa thớt dần theo thời gian cùng cách thức đánh bắt táo tợn của một số ngư dân như dùng kích điện, đáy... Dù vậy, ông và nhiều ngư dân lớn tuổi khác vẫn cố bám sông để kiếm sống.

30 năm bám lòng hồ Trị An, ông Năm Hơn thay đổi trên chục xác bè. Mỗi lần thay xác bè mới, cái chòi nổi của gia đình ông đẹp, vững chãi hơn. Với ông, bè cũng là nhà. Vì vậy, khi làm được nơi ở mới vững chắc, ông vui vẻ, yêu đời hơn, không còn lo sợ khi sống trên chiếc bè cũ, ọp ẹp, mục nát, dễ bị sóng gió hồ nhấn chìm bất cứ lúc nào. Từ đó, tiếng hát, tiếng đàn của ông mới được cất lên hàng đêm.

Cách bè của ông Năm Hơn vài chục mét mặt nước là bè của vợ chồng Việt kiều Campuchia Hai Thủy (68 tuổi). Vợ chồng ông Hai Thủy có tới 4 người con nên  trước kia bè của vợ chồng ông Hai Thủy to, dài hơn bè ông Năm Hơn. Từ ngày các con ông Hai Thủy bỏ bè lên bờ làm ăn thì bè của vợ chồng ông cũng thu gọn lại. Như quy luật tự nhiên của khúc sông, bè càng gọn, làng bè giảm số lượng đồng nghĩa với việc đánh bắt, nuôi cá bè gặp nhiều khó khăn hơn.

Mặt hồ thủy điện Trị An khu vực Suối Tượng mùa này thường nổi sóng lớn nên vợ chồng ông Hai Thủy phải neo bè vào gần mép bờ cho an toàn. Nay tuổi cao sức yếu, vợ chồng ông không còn khỏe như chục năm trước, đều đặn mỗi ngày dong xuồng đi thả lưới từ chiều muộn đến sáng hôm sau. Bù lại, sông nước đã ngấm vào máu ngư dân Hai Thủy nên ông vẫn đủ dẻo dai kèm mái chèo thả vài tay lưới một mình vào ban ngày hoặc cả 2 vợ chồng hợp sức vượt sóng, đêm khuya thả lưới khi hồ Trị An rộ mùa đánh bắt.

* Kiếm sống khó hơn xưa...

Mùa mưa đến, sông Đồng Nai mang màu phù sa đổ về các làng bè ở TP.Biên Hòa như: làng bè Sông Cái (ở các xã Hiệp Hòa, phường Thống Nhất, phường Tân Mai) và làng bè Long Bình Tân dồn dập. Mỗi lần phù sa về, dân làng bè Sông Cái, Long Bình Tân lại phập phồng đối phó với sự ô nhiễm nguồn nước, lượng oxy trong nước thấp... dẫn đến chuyện cá dễ bị thiếu oxy, bị ngộp chết hoặc chậm phát triển.

Ông Tám Minh (ở ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa) chăm sóc cá dưới bè.
Ông Tám Minh (ở ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa) chăm sóc cá dưới bè.

Gần 20 năm bám khúc Sông Cái nuôi cá bè, ông Tám Minh (ở ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa) từng bước làm được 5 lồng bè của gia đình (rộng trên 200m2) liên kết với bờ thêm vững chắc. Chiếc bè dùng để sinh hoạt rộng 50m2 với tiện nghi sinh hoạt không thua kém nhà trên bờ, ông Tám Minh chỉ dùng để sinh hoạt, dứt khoát không nuôi cá phía dưới vì bất tiện cho khâu chăm sóc, sinh hoạt.

Dù thăng trầm qua những vụ nuôi cá bè, ông Tám Minh vẫn cùng nhóm đồng hương quê tỉnh Thái Bình (khoảng 20 bè trong tổng số trên 100 bè của làng bè Sông Cái) vẫn tạo lập được cuộc sống tươm tất. Ông Tám Minh cho biết thu nhập từ nuôi cá bè, thu mua cá, đại lý thức ăn cho cá của gia đình ông cũng đạt 20 triệu đồng/tháng. Đó là những lúc người nuôi cá bè suôn sẻ, làng bè không xảy ra vấn đề cá chết hàng loạt. Một khi dân nuôi cá bè gặp “sự cố” này thì công việc kinh doanh, nuôi cá của ông Tám Minh bị trì trệ, lâm vào cảnh nợ nần…

Trong khi đó, dân làng bè Long Bình Tân bấy lâu nay lại quen việc bám sông nước đánh bắt nhiều hơn lo việc nuôi cá bè. Cũng chính vì cuộc sống chủ yếu dựa vào tôm cá tự nhiên nên chuyện lên bờ của dân làng bè Long Bình Tân hiện bị kẹt lại dưới nước ngày càng khó có cơ hội.

Những người già ở làng bè Long Bình Tân vẫn nhẫn nại bám theo con nước, khúc sông quen để thả lưới, quăng chài, thả cào. Ông Bảy Long (56 tuổi, ở làng bè Long Bình Tân) tâm sự: “Bây giờ lớn tuổi rồi, đất đai, nhà cửa không có, lên bờ biết làm gì mà sống. Tuy ngày nay cá, tôm... ở sông ít hơn nhưng luôn là thứ đặc sản, bán ra chợ cũng được giá nên còn kiếm được chút đỉnh”.

Phần lớn lớp trẻ ở làng bè Long Bình Tân đều lên bờ làm công nhân, buôn bán. Vì nguồn tôm, cá... đặc sản ở khúc sông này sẽ ngày càng khan hiếm và họ cũng không muốn mãi sống một cuộc sống lênh đênh sông nước như cha mẹ mình làm bao nhiêu năm nghèo vẫn hoàn nghèo. Đối với nhiều người dân sống trên bè cá, việc bám sông kiếm sống là việc làm “bất đắc dĩ” nên họ không muốn các con tiếp tục trụ lại như mình mà hầu hết đều muốn con lên bờ làm ăn, ở đó mới là tương lai...

Đoàn Phú

Tin xem nhiều