Báo Đồng Nai điện tử
En

Sức sống mới trên vịnh Xuân Đài

08:06, 09/06/2018

Vịnh Xuân Đài (TX.Sông Cầu) được các du khách chọn đến khi tham quan Phú Yên không chỉ vì biển xanh, cát trắng, xen lẫn những bãi đá có hình thù kỳ thú, mà du khách còn được tận mắt chứng kiến và tìm hiểu cách nuôi tôm hùm nổi tiếng của người dân địa phương.

Vịnh Xuân Đài (TX.Sông Cầu) được các du khách chọn đến khi tham quan Phú Yên không chỉ vì biển xanh, cát trắng, xen lẫn những bãi đá có hình thù kỳ thú, mà du khách còn được tận mắt chứng kiến và tìm hiểu cách nuôi tôm hùm nổi tiếng của người dân địa phương.

Ngư dân trên vịnh Xuân Đài (TX.Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) phấn khởi với mùa thu hoạch tôm hùm mới.
Ngư dân trên vịnh Xuân Đài (TX.Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) phấn khởi với mùa thu hoạch tôm hùm mới.

Nuôi tôm, bám biển đã trở thành truyền thống lâu đời của ngư dân nơi đây. Nghề nuôi tôm hùm cũng trải qua nhiều thăng trầm. Tuy nhiên, sau bao khó khăn nhiều người vẫn bám trụ với nghề bởi từ lâu nghề này đã thành tổ nghiệp của nhiều người dân địa phương.

* Từng điêu đứng vì tôm

Ngồi gỡ từng con cá nhỏ trong chiếc lưới mới thu về được, ông Trần Ngọc Thoại (ngụ TX.Sông Cầu) với giọng buồn rầu kể cho chúng tôi nghe vụ mùa thất bát trong năm vừa qua.

Từ giữa năm 2017, tình trạng tôm hùm chết rất nhiều trên vịnh Xuân Đài khiến cho nhiều gia đình điêu đứng. Nuôi tôm hùng là nghề được ông cha để lại từ xưa, giúp nhiều ngư dân trong đó có gia đình ông Thoại có cuộc sống sung túc lâu nay. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, các con ông Thoại phải đi tìm việc khác để làm, chỉ còn vợ chồng ông trụ lại công việc với quy mô rất nhỏ chỉ vài chục lồng tôm.

“Lúc trước tôi có hơn 70 lồng nuôi tôm hùm nhưng vì bị mất mùa nên mọi vốn liếng đi hết. Công sức lâu nay coi như đổ sông đổ biển chỉ trong phút chốc. May nhờ cầm sổ đỏ vay được số vốn từ ngân hàng tôi đã xoay xở gầy dựng lại được gần 20 lồng” - ông Thoại tâm sự.

Theo ông Lâm Khắc Huynh, ngư dân tại TX.Sông Cầu, các hộ dân bắt đầu nuôi lại tôm hùm từ tháng 7-2017,  đúng chuẩn thì phải khoảng 14 tháng mới thu hoạch nhưng thời gian này kinh tế khó khăn nên chỉ cần 10-12 tháng là đã có thể thu hoạch. Khi cần tiền là bà con lựa chọn những con lớn để bán dần. Thời điểm này loại tôm hùm rẻ nhất có giá 700 ngàn đồng/kg, cũng có loại 1,8-2 triệu đồng/kg. Lúc trước mỗi năm các hộ nuôi tôm hùm ở đây thu lợi từ 200 triệu đồng đến cả tỷ đồng (tùy quy mô nuôi).

Chẳng khá gì mấy so với ông Thoại, ông Lê Hoàng Nam (ngụ TX.Sông Cầu) vừa nhanh tay bỏ thức ăn vào ống nhựa thả xuống cho tôm ăn vừa cho hay ông mới nuôi tôm hùm được hơn 5 năm nay. Những mùa trước đều có của ăn của để nhưng sau mùa vừa rồi thì ông quay về là người trắng tay.

Ông Nam kể lại: “Mùa màng thất bát vốn là chuyện thường của nhà nông nhưng đợt vừa rồi chúng tôi mất mát quá nặng nề nên cũng phải đợi một thời gian nữa may ra cầm cự được với nghề. Tôi phải “cắm” sổ đỏ vào ngân hàng vay tiền để gầy dựng lại hơn chục lồng tôm thôi”.

Từ ngày tôm hùm chết hàng loạt, gần 100 lồng nuôi tôm của ông Nguyễn Văn Tiến (ngụ TX.Sông Cầu) không còn một con sống sót. Gia đình vốn khá giả nay ông lại phải chạy vạy khắp nơi để mượn tiền mong làm lại từ đầu. Theo ông Tiến, lúc trước cả nhà đều bám vào nghề nuôi tôm sinh sống và cho con ăn học nhưng sau khi sự cố xảy ra thì mỗi người tản ra đi tìm công việc khác để có thu nhập.

Từng được xem là thủ phủ nuôi tôm hùm của Phú Yên với hơn 29 ngàn lồng nuôi (mỗi lồng từ 50-70 con) nhưng khoảng tháng 5-2017, ngư dân nuôi tôm trên vịnh Xuân Đài phải rớt nước mắt vì tôm chết hàng loạt. Cách đây 5 năm, vịnh Xuân Đài chỉ có khoảng hơn 13 ngàn lồng tôm nhưng do số lồng nuôi đột ngột tăng, thức ăn tôm hùm đều là con vật sống như ốc, cá... nên gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nỗi buồn chưa nguôi thì đến cuối năm 2017, ngư dân nơi đây hứng chịu cơn bão số 12 khiến cuộc sống trở nên khốn khó với tình trạng tôm chết, dân lại mất mùa.

* Vịnh Xuân Đài ngày trở lại

Chở chúng tôi đi tham quan vịnh Xuân Đài một vòng để xem ngư dân nuôi tôm hùm, ông Lam Khắc Huynh (ngư dân tại TX.Sông Cầu) cho biết nỗi đau nào cũng có lúc dừng lại để bắt đầu mùa vụ mới với niềm tin với nghề. Ông nói: “Người không phụ biển thì biển không phụ lòng người đâu. Chỉ cần làm cho biển sạch thì chúng tôi lại có thể có cuộc sống tươi đẹp trở lại. Chúng tôi vẫn cứ bảo nhau thế để tiếp tục bám biển”.

Giọng nói đặc sệt dân Phú Yên của ông Huynh khiến cho chúng tôi nghe câu được câu mất, nhưng đôi mắt biết cười, giọng cười hào sảng hiện lên trên khuôn mặt có nước da sạm đen của ông Huynh cho thấy ông thật sự đang đầy tràn niềm hy vọng. Cơn bão đi qua để lại cho người dân nơi đây sự hoang tàn và điêu đứng nhưng không vì thế họ buông xuôi.

Những tưởng hơn 100 lồng tôm của ông Huynh mất đi sẽ không bao giờ có cơ hội vực dậy nhưng rồi ông lại gạt những giọt nước mắt, đứng dậy chèo thuyền ra vịnh biển, làm lồng, mượn tiền mua giống tôm hùm để gầy lại.

“Ai nghỉ thì nghỉ nhưng tôi cứ phải sống chết với nghề nuôi tôm hùm. Không có tiền nuôi thì tôi làm thuê cho người ta, khi nào có tiền lại tiếp tục nuôi tôm hùm. Nghề gì rồi cũng có lúc này khi khác. Quan trọng mình mê biển, yêu nghề” - ông Huynh vừa chèo thuyền vừa cười sảng khoái.

Đang mải mê với công việc làm sạch lồng nuôi tôm nhưng khi nghe tiếng máy nổ thuyền chạy qua, ông Trần Văn Phương (ngư dân nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài) vẫy tay mời chào chúng tôi với nụ cười chân chất, đậm đà. Ông Phương chia sẻ người dân nơi đây ai cũng nuôi tôm hùm: “Người tiền ít nuôi ít, người tiền nhiều nuôi nhiều. Cứ rạng sáng khoảng 4-5 giờ là chúng tôi bắt đầu ngày mới bằng việc cho tôm ăn, vệ sinh lồng. Đến mùa thu hoạch lại càng tấp nập người ra vào mua tôm khiến ai nấy đều phấn khởi. Có người siêng năng hơn thì đi thả lưới bắt thêm con cá để ăn hoặc làm thức ăn cho tôm”.

Những ngư dân nuôi tôm hùm nơi vịnh Xuân Đài vẫn còn nhớ như in từng giọt nước mắt mặn chát trong vụ mùa năm 2017 nhưng rồi bước sang năm mới họ lại gạt những giọt nước mắt ấy đi để gầy dựng lại nghề nghiệp bao đời. Những ngư dân có làn da đen sạm vì nắng vẫn cứ bừng sáng nụ cười, nuôi hy vọng và đặt niềm tin trong tương lai. Đôi tay họ vẫn thoăn thoắt kéo lồng, thả thức ăn mặc cho sóng biển, sóng đời cứ dồn dập. Ngọn sóng càng lên cao thì con thuyền lại càng vượt lên như chính niềm tin của họ vào ngày mai tươi sáng...

Tố Tâm

Tin xem nhiều