Báo Đồng Nai điện tử
En

Hương bồ kết ở ngã ba huyền thoại

08:07, 24/07/2018

Cùng người bạn, chúng tôi lái chiếc xe Volvo "hai chấm tư" cũ rích khởi hành từ Đồng Nai đến tận miền Tây Nghệ An, vùng giáp biên giới Việt - Lào là Quỳ Châu, Quỳ Hợp, rồi quay về Ngàn Sâu, Ngàn Trươi, Hương Sơn của Hà Tĩnh để ghé nơi phải đến là ngã ba Đồng Lộc (xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Cùng người bạn, chúng tôi lái chiếc xe Volvo “hai chấm tư” cũ rích khởi hành từ Đồng Nai đến tận miền Tây Nghệ An, vùng giáp biên giới Việt - Lào là Quỳ Châu, Quỳ Hợp, rồi quay về Ngàn Sâu, Ngàn Trươi, Hương Sơn của Hà Tĩnh để ghé nơi phải đến là ngã ba Đồng Lộc (xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Tượng đài Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc.
Tượng đài Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc.

Hồ Đức Bình - người bạn đồng hành của tôi, quê gốc Nghệ An đã chu đáo chuẩn bị sẵn hương hoa để vào cung kính thắp nhang lên từng phần mộ của 10 “chị” thanh niên xung phong (TNXP) đã hy sinh vào chiều 24-7-1968 tại ngã ba Đồng Lộc.

* Chiến trường ác liệt

Sự việc xảy ra cách đây 50 năm vậy mà hôm nay đến Khu di tích ngã ba Đồng Lộc, lặng yên đứng dưới những đồi thông xanh lộng gió, bên bia mộ của các nữ liệt sĩ TNXP, không một ai tránh được sự bùi ngùi xúc động.

Trong dòng người đến viếng bia mộ, tôi nhìn thấy có đủ sắc màu trang phục, bên cạnh sự sáng tươi màu áo xanh Đoàn viên thanh niên còn hòa lẫn màu áo bộ đội của các cựu chiến binh. Tôi bắt chuyện với một cựu chiến binh trên ngực lấp lánh mấy hàng huân, huy chương và bất ngờ khi biết ông cũng từng chiến đấu ở chiến trường ngã ba Đồng Lộc năm xưa.

Vị cựu binh pháo cao xạ Trung đoàn 210 Lê Chí Cương kể lại, lúc ông tới ngã ba Đồng Lộc là cậu lính pháo mới 21 tuổi, bây giờ đã ngoài tuổi 70, nhưng không bao giờ quên được sự ác liệt, tang tóc và niềm tin chiến thắng mãnh liệt tại “tọa độ lửa” này.

“1 tháng có 30 ngày thì quân Mỹ đến thả bom 28 ngày. Có ngày phản lực Mỹ nhào tới 103 lần và thả 800 quả bom thì đá cũng bị xay thành bột, chứ chưa nói ngô, lúa trên đồng. Thế nhưng, dân Đồng Lộc vẫn bám trụ, sát cánh hiệp đồng chiến đấu cùng với lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội pháo cao xạ Trung đoàn 210 với tinh thần xe chưa qua, nhà không tiếc” -  ông Cương cho biết.

Gặp một thanh niên trong trang phục xanh, đầu đội mũ tai bèo, chân mang dép cao su, không ngờ đó là anh Đào Anh Tuấn, Phó trưởng ban Quản lý Khu di tích ngã ba Đồng Lộc. Anh sôi nổi giới thiệu về địa danh máu lửa và hào hùng về ngã ba huyền thoại từng được mệnh danh là “túi bom khổng lồ nhất hành tinh” mà các nhà nghiên cứu quân sự tính ra mỗi mét vuông đất ở Đồng Lộc hứng chịu 3 quả bom cày xới.

Theo đó, ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Trường Sơn, có diện tích 50 hécta nằm gọn trong một thung lũng nhỏ hình tam giác, 2 bên là đồi núi trọc; giữa là giao điểm của đường 15 nối với quốc lộ 1. Từ đầu năm 1968, không quân Mỹ đánh sập toàn bộ cầu cống, triệt phá quốc lộ 1 thì đường 15 chạy ngang qua ngã ba Đồng Lộc là tuyến huyết mạch duy nhất cho mọi nẻo đường chi viện từ miền Bắc vào Nam nên đế quốc Mỹ dồn lực tập trung đánh phá khu vực ngã ba Đồng Lộc cả ngày lẫn đêm.

* 10 “bông hoa” bất tử

Thực hiện khẩu hiệu “địch đánh, ta sửa ta đi” với quyết tâm đảm bảo huyết mạch giao thông để chi viện cho miền Nam, 1 ngàn TNXP Hà Tĩnh đã cùng cán bộ, công nhân ngành giao thông lập ra các tổ quan sát, đếm bom, ứng cứu đường, điều hành xe… để kịp thời thông suốt tuyến đường bất kể ngày đêm.

Người dân thắp hương tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong  ngã ba Đồng Lộc.
Người dân thắp hương tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc.

Tôi đã thực sự xúc động khi nghe ông Nguyễn Thế Linh, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 552 TNXP Hà Tĩnh kể lại, vào khoảng 15 giờ 30 ngày 24-7-1968, có 3 chiếc máy bay F4 kéo đến gầm rú trên bầu trời ngã ba Đồng Lộc. Chừng 30 phút sau, một chiếc bất ngờ vòng lại và thình lình dội bom. Một quả bom đã rơi trúng ngay phía trước căn hầm đang đào dở nằm sát bên đường 15 thuộc núi Trọ Voi và là nơi trú ẩn của 10 cô gái TNXP thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552. Tiếng nổ rung chuyển núi đồi.

 Khi máy bay vừa rút đi, ông Linh vội chạy đến nơi quả bom vừa nổ, ông bàng hoàng nhìn thấy trong mịt mù khói bom, một hố sâu vùi lấp cả căn hầm, 10 nữ TNXP không còn một ai. “Tôi hét lên, kêu tên từng người nhưng không nghe tiếng ai trả lời. Tôi chạy đến, dùng hai tay bới đất đá trước miệng hầm, bới một lúc thì phát hiện được 2 người, nhưng không ai còn sống” - ông Linh nói trong nghẹn ngào.

Thi thể của 9 nữ TNXP được tìm thấy sau đó, đều trong ngày. Riêng thi thể Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc phải 3 ngày sau mới tìm thấy trong tư thế đang cố bươi đất tìm lối thoát...

* Chuyện về 2 cây bồ kết chớm nụ

Nữ anh hùng La Thị Tám từng làm nhiệm vụ đứng trên đài quan sát đếm bom rơi kể lại: “Chúng tôi chỉ có một mục tiêu lớn nhất lúc đó, hãy bằng mọi giá bảo đảm cho mạch máu giao thông được thông suốt. Bởi chỉ cần mươi phút tắc nghẽn, xe có thể bị cháy vì bom đạn Mỹ ném, quân lương và hàng hóa sẽ bị thiêu rụi, nên lúc đó chẳng ai sợ cả, dẫu có chết cũng thấy thanh thản vô cùng”.

Hè 1995, nhà thơ Vương Trọng đến thăm Nghĩa trang 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã phát hiện ra tất cả “chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu” và “Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo/ Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường” nên Vương Trọng có bài thơ Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc, gây rúng động tâm can người đọc.

Trong đó có những câu được khắc lên bia đá: “Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được/ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang”.

Đọc được bài thơ này, Anh hùng - Đại tá Nguyễn Tiến Tuẫn, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, nguyên cảnh sát giao thông thời chống Mỹ trên đường 15 qua ngã ba Đồng Lộc rất xúc động, đã lặn lội lên Hương Sơn tìm cho được 2 cây bồ kết đem vào trồng trong Nghĩa trang ngã ba Đồng Lộc bên cạnh mộ 10 liệt nữ TNXP. Đến nay, 2 cây bồ kết này đã bắt đầu chớm nụ.

Từ đó hình thành thêm tập tục đặt hoa và vài trái bồ kết khô lên mộ các liệt nữ mỗi khi thắp hương để tưởng nhớ đến chuyện những cô gái TNXP ở ngã ba Đồng Lộc suốt ngày đêm áo quần, mặt mũi, tóc tai bám đầy khói bụi; chỉ đến đêm về lán trại mới tranh thủ gội đầu, nâng niu mái tóc dài con gái bằng hương bồ kết...

Bùi Thuận

Tin xem nhiều