Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Giải pháp kéo giảm tội phạm ma túy

09:08, 04/08/2018

Mặc dù công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm ma túy được lực lượng Công an tỉnh thực hiện quyết liệt nhưng tình hình tội phạm ma túy vẫn còn gia tăng. Vì vậy, chỉ riêng lực lượng công an không thể đủ sức chống lại loại tội phạm này mà cần có sự chung tay của toàn xã hội.

[links()]Mặc dù công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm ma túy được lực lượng Công an tỉnh thực hiện quyết liệt nhưng tình hình tội phạm ma túy vẫn còn gia tăng. Vì vậy, chỉ riêng lực lượng công an không thể đủ sức chống lại loại tội phạm này mà cần có sự chung tay của toàn xã hội.

Giám đốc Công an tỉnh Huỳnh Tiến Mạnh trao vốn vay từ Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự tỉnh cho những người hoàn lương ở huyện Định Quán.
Giám đốc Công an tỉnh Huỳnh Tiến Mạnh trao vốn vay từ Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự tỉnh cho những người hoàn lương ở huyện Định Quán.

Trong hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, Trưởng ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh 3 giải pháp trọng tâm phòng chống tội phạm ma túy cần tập trung thực hiện là: tăng cường đấu tranh với tội phạm ma túy, quản lý chặt chẽ người nghiện và nâng cao hiệu quả công tác điều trị ma túy.

* Tăng cường đấu tranh

Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết trong thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh đấu tranh quyết liệt và xử lý kiên quyết đối với tội phạm ma túy. Trước tình hình số vụ, số đối tượng tội phạm ma túy bị phát hiện, xử lý gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2018, trong thời gian tới Công an tỉnh tiếp tục tăng cường lực lượng đấu tranh phòng ngừa loại tội phạm này, tập trung ở những địa bàn “nóng”, quán bar, karaoke, nhà nghỉ...

Xây dựng mới cơ sở điều trị cai nghiện ma túy

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai xây dựng mới Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai tại xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc); triển khai thành lập các cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng ở các địa phương trong tỉnh.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Kim, đây không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng công an mà của cả các ngành chức năng từ khâu cấp phép đến quản lý sau cấp phép kinh doanh, phát hiện tội phạm lợi dụng những địa điểm kinh doanh nhạy cảm như: quán bar, karaoke, nhà nghỉ để hoạt động; nhất là ngăn ngừa các tụ điểm tổ chức mua bán, tàng trữ và sử dụng ma túy núp bóng cơ sở kinh doanh; kiên quyết xử lý, rút giấy phép đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ giải trí để xảy ra tình trạng sử dụng và mua bán ma túy...

Thượng tá Nguyễn Văn Hoàn, Phụ trách Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an tỉnh cũng cho biết trong thời gian tới lực lượng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy tiếp tục tập trung nâng cao công tác nghiệp vụ, thành lập các chuyên án để đấu tranh với tội phạm ma túy, kịp thời ngăn chặn các đường dây ma túy lớn thâm nhập vào địa bàn. Công an cũng thường xuyên mở các cao điểm đấu tranh, trấn áp, kiềm chế sự gia tăng của loại tội phạm này.

 “Phương châm của đơn vị là ngăn chặn, xử lý các vụ ma túy ngay từ đầu, không để hình thành các tụ điểm ma túy lớn, phức tạp. Để thực hiện tốt nội dung này, thời gian vừa qua PC47 phối hợp với công an các địa phương đánh mạnh vào các địa bàn phức tạp để xử lý các tụ điểm ma túy nhỏ, lẻ, không để hình thành các tụ điểm lớn” - Thượng tá Nguyễn Văn Hoàn nhấn mạnh.

Việc đấu tranh với tội phạm ma túy ngoài các biện pháp mạnh, đánh trực diện vào các đối tượng tội phạm còn có những giải pháp “mềm” là tuyên truyền. Theo đó công tác tuyên truyền phải cụ thể, rõ ràng, phải nhắm tới đối tượng có nguy cơ cao hoặc các cơ sở kinh doanh thường được tội phạm ma túy ẩn náu, lợi dụng để hoạt động... Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, không chỉ lực lượng công an mà các ban, ngành, đoàn thể cũng phải chung tay mới đem lại hiệu quả cao.

* Ngăn ngừa tái nghiện

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những giải pháp cơ bản nhất để kéo giảm tội phạm ma túy là còn phải làm tốt công tác cai nghiện, quản lý, giám sát chặt chẽ người nghiện, ngăn ngừa tái nghiện. Việc này không chỉ có lực lượng công an mà phải có sự phối hợp của gia đình, xã hội và ý thức, quyết tâm của người nghiện.

Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, hiện nay công tác cai nghiện ma túy bắt buộc, tự nguyện và cai tự nguyện tại gia đình và cộng đồng của tỉnh đều vượt chỉ tiêu đã đề ra. Để nâng cao hiệu quả của công tác cai nghiện, trong thời gian tới Sở Lao động - thương binh và xã hội tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai.

Cụ thể sẽ đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, nâng cao chất lượng dịch vụ chữa bệnh và tiếp nhận cai nghiện ma túy cho cả người nghiện ma túy không có nơi ở ổn định; tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự tại Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai; đẩy mạnh mô hình sản xuất, đào tạo, dạy nghề cho học viên nhằm giải quyết vấn đề lao động sau cai nghiện.

Trong thời gian qua, ngành y tế cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone ở các địa phương trong tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 7 cơ sở điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone, đã điều trị cho hơn 1,2 ngàn bệnh nhân; qua đó giúp nhiều người nghiện ngừng sử dụng, từ bỏ ma túy, hòa nhập cộng đồng. Trong năm 2018, ngành y tế dự kiến mở thêm 1 cơ sở ở huyện Cẩm Mỹ.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh bày tỏ băn khoăn: “Công tác cai nghiện ma túy được thực hiện đạt hiệu quả tốt. Trong vòng 2 năm, học viên nào tiến bộ sẽ cắt được cơn nghiện và được về với gia đình, nhưng có thực tế là chỉ một thời gian sau lại tiếp tục tái nghiện. Tỷ lệ tái nghiện ma túy vẫn còn cao là vấn đề cần có giải pháp khắc phục”.

Về vấn đề này, ông Đặng Xuân Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - thương binh và xã hội) cho rằng công an và chính quyền địa phương phải nắm bắt, quản lý tốt đối tượng nghiện ở địa phương thì sẽ kiểm soát được tình trạng mua bán ma túy. Đối với các bậc phụ huynh và gia đình, nếu phát hiện con em mình có có sử dụng ma túy thì phải có biện pháp quản lý. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nếu xác định địa bàn có người nghiện mới thì cũng đưa ngay vào diện quản lý để theo dõi.

Một giải pháp mang tính bền vững mà ông Hòa rất đề cao đó là chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể phải lập chương trình, kế hoạch giúp người nghiện, người sau cai nghiện có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống và phòng ngừa tái nghiện. Khi giải quyết tốt vấn đề quản lý người nghiện sau cai thì mới mong kéo giảm được tệ nạn và tội phạm ma túy.

Tố Tâm

Tin xem nhiều