Báo Đồng Nai điện tử
En

Những ngày Quốc khánh không quên

09:09, 01/09/2018

Từ ngày Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - ngày 2-9-1945 đến nay đã 73 năm. Và trong hành trang ký ức của nhiều người, trong 73 năm đó vẫn lưu giữ những ngày Quốc khánh đặc biệt không thể nào quên.

Từ ngày Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - ngày 2-9-1945 đến nay đã 73 năm. Và trong hành trang ký ức của nhiều người, trong 73 năm đó vẫn lưu giữ những ngày Quốc khánh đặc biệt không thể nào quên.

Khu vực chứa vũ khí của Tổng kho Long Bình bị phá hủy sau trận đánh của quân giải phóng.
Khu vực chứa vũ khí của Tổng kho Long Bình bị phá hủy sau trận đánh của quân giải phóng.

Là cán bộ lão thành, tham gia cách mạng ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công và gắn bó với quê hương Nhơn Trạch suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bà Phan Thị Chi (94 tuổi, ngụ xã Long Thọ) vẫn nhớ mãi không quên về ngày Quốc khánh 2-9-1947 ở chiến khu Phước An.

* Quốc khánh trong chiến khu

Bà Chi kể, cuối năm 1946 khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ huyện Long Thành (lúc đó bao gồm cả địa bàn Nhơn Trạch) có chủ trương vừa xây dựng tổ chức lực lượng, vừa đẩy mạnh hoạt động để bước vào cuộc chiến đấu trường kỳ, xây dựng căn cứ kháng chiến, phát triển chiến tranh du kích. Khu “lòng chảo” ở xã Phước An với vị trí chiến lược đã được chọn làm căn cứ kháng chiến của huyện. Đầu năm 1947, Ủy ban Hành chính kháng chiến, Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể huyện Long Thành và nhiều đơn vị của tỉnh, khu như: Khu ủy Khu 3, lực lượng vũ trang Bình Xuyên, liên quân Hoàng Thọ, chi đội 7, chi đội 6, bộ đội Sài Gòn - Chợ Lớn, công binh xưởng, quân y viện... đã tập trung về căn cứ Phước An. Trụ sở của các cơ quan là những dãy nhà lợp lá dừa nước suốt từ rẫy thơm đầu sân banh ấp Bàu Bông đến xóm Ngọn. Phước An lúc đó có cả chợ, người dân khắp nơi về đây buôn bán, trao đổi hàng hóa rất nhộn nhịp. Bà Chi lúc đó công tác ở Đoàn Phụ nữ cứu quốc của huyện, cũng đóng chân ở căn cứ Phước An. Giữa vòng vây của giặc Pháp, Phước An trở thành “trái tim” của phong trào kháng chiến ở địa phương.

Sau trận đánh Sân bay Biên Hòa ngày 10-9-1972, Bộ Tư lệnh Miền tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng nhất cho Đoàn Đặc công 113; Đại úy Nguyễn Văn Thôn được trao Huân chương Quân công giải phóng hạng nhì, đồng thời được kết nạp Đảng và đưa về Miền.

Để động viên khí thế kháng chiến trong toàn huyện, ngày 2-9-1947 Huyện ủy Long Thành tổ chức lễ kỷ niệm 2 năm ngày Quốc khánh tại chiến khu Phước An. Tất cả các cơ quan, đơn vị, kể cả chợ Phước An đều treo cờ đỏ rực, một số đơn vị còn tập luyện văn nghệ khiến không khí trong chiến khu càng sôi động, náo nhiệt. Không riêng các xã trong huyện cử đại biểu về dự lễ mà đồng bào khắp nơi, kể cả trong vùng địch chiếm đóng cũng tìm mọi cách vượt qua đồn bót, lớp đi đường bộ, lớp chèo thuyền đổ về chiến khu. Một số người dân còn đến trước mấy ngày, đem theo lương thực, thực phẩm, bánh tét, bánh ú ủng hộ kháng chiến, có bà má đem cả con heo đến ủng hộ. Nhiều xã đưa đội văn nghệ cùng tham gia hội diễn mừng ngày độc lập.

Khoảng 15 giờ ngày 2-9, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và người dân Long Thành đã bắt đầu mít tinh biểu dương tại Phước An. Đường Bàu Bông, Bà Trường rộn ràng tiếng trống, tiếng người cười nói vui vẻ. Sau các bài phát biểu ôn lại truyền thống, nêu ý nghĩa ngày Quốc khánh và động viên cán bộ, chiến sĩ, người dân vững vàng trong cuộc kháng chiến của lãnh đạo huyện, các tiết mục tham gia hội diễn văn nghệ mừng Quốc khánh đã kéo dài suốt đêm trong sự hân hoan, phấn khởi của mọi người.

“Lễ kỷ niệm Quốc khánh tại Phước An năm ấy là buổi lễ lớn nhất trong 9 năm kháng chiến chống Pháp ở Long Thành, có tác dụng động viên khí thế kháng chiến rất lớn không chỉ đối với cán bộ, chiến sĩ như chúng tôi mà còn củng cố niềm tin cho nhân dân trong huyện” - bà Chi nhận định. Sau dịp lễ, giặc Pháp đã tổ chức một trận càn lớn vào Phước An nhằm tiêu diệt phong trào kháng chiến nhưng đã bị quân dân huyện Long Thành chống trả quyết liệt nên trận càn thất bại.

* “Quà mừng” Quốc khánh

Một trong những dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh đáng nhớ của Đoàn Đặc công 113 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đó là trận đánh vào Tổng kho Long Bình và Sân bay Biên Hòa (nay thuộc TP.Biên Hòa) năm 1972. Trong hồi ký của mình, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cố Đại tá Trần Công An - người được ví là “ông Tổ” của lối đánh đặc công thời kháng chiến, đã mô tả tỉ mỉ về 2 chiến công đáng nhớ này.

Theo cố Đại tá Trần Công An, Đoàn Đặc công 113 được thành lập ngày 3-6-1972 tại khu vực Bà Hào trong Chiến khu Đ (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu), thời điểm đó đoàn mới có khung tiểu đoàn, còn trung đoàn bộ thì “góp” cán bộ lại. Bộ Chỉ huy Miền đã giao cho đơn vị nhiệm vụ: là tấn công Sân bay Biên Hòa và Tổng kho Long Bình, vì đây là 2 căn cứ chiến lược quan trọng của quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Để kỷ niệm 27 năm Ngày Quốc khánh, Đoàn Đặc công 113 bàn bạc, xin ý kiến lãnh đạo và quyết định đánh cả 2 địa điểm trên. 54 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đã tham gia điều nghiên chuẩn bị cho trận đánh.

Đêm 13-8-1972, nhóm cán bộ, chiến sĩ tham gia trận đánh do đồng chí Đỗ Văn Ninh chỉ huy “chui lỗ chó” vào khu vực Tổng kho Long Bình. Tổng kho được xem là kho vũ khí lớn nhất miền Nam, có hơn 300 gian kho, các cửa kho đều bằng thép tấm dày hàng chục li lại có khóa mở bằng điện, nếu phá khóa cũng không mở được cửa kho, còn đánh bộc phá cũng chỉ được một số dãy kho. Rất may, đêm đó địch cho mở cửa xả hơi thông gió các dãy kho. Các chiến sĩ đã đặt mìn hơn 100 gian khiến kho bom đạn nổ liên tục 3 ngày đêm liền, rung chuyển cả tỉnh lỵ Biên Hòa. Sau trận này, đồng chí Đỗ Văn Ninh được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau trận đánh lẫy lừng vào Tổng kho Long Bình, Đoàn bàn bạc với nhau quyết định “đánh bồi” vào Sân bay Biên Hòa vào đúng ngày 2-9. Đồng chí Phan Văn Trang (Năm Trang nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) gợi ý sử dụng Đại úy Nguyễn Văn Thôn - một sĩ quan quân khí của chế độ Sài Gòn làm việc trong sân bay đã được ta binh vận, có bí danh H.16, phụ trách lắp kíp bom hẹn giờ từ 12 giờ khuya trên đường băng để khoảng 10 giờ sáng hôm sau bom nổ hoặc trên đường băng, hoặc trên máy bay ném bom nhằm bảo đảm an toàn cho cơ sở, địch không nghi ngờ.

Đến gần ngày 2-9 thì gặp trục trặc: quân Mỹ ở sân bay dọn kho để bàn giao cho Sư đoàn 3 Không quân Sài Gòn nên H.16 không thể thực hiện kế hoạch. Đến đêm 9-9, kế hoạch mới được thực hiện. 9 giờ sáng 10-9-1972, trái bom cài sẵn phát nổ. Để phối hợp nghi binh, Tiểu đoàn 14 pháo đặc công của Đoàn 113 bắn từ dốc Ông Hoàng (nay thuộc xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) vào sân bay. Trận đánh này phá hủy 175 máy bay các loại đậu trên sân, làm nổ lớn 4 kho chứa bom hơn 1 ngàn quả, diệt hàng trăm tên địch trong đó có hơn 20 cố vấn cao cấp Mỹ, sân bay phải ngừng hoạt động 7 ngày đêm.

Hà Lam

Tin xem nhiều