Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng gia sản xuất ở hồ Sông Mây

10:12, 21/12/2018

Từ cuối tháng 11 trở đi, Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, thuộc Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh) lại hoạt động "hết công suất" để khai thác cá cung ứng cho các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn và bán ra thị trường.

Từ cuối tháng 11 trở đi, Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, thuộc Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh) lại hoạt động “hết công suất” để khai thác cá cung ứng cho các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn và bán ra thị trường.

Ban chỉ huy Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) theo dõi vận chuyển cá đông lạnh.
Ban chỉ huy Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) theo dõi vận chuyển cá đông lạnh.

* Niềm vui lưới cá đầy

Trời vừa hửng sáng, gần 20 thành viên Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây đã tập trung chuẩn bị lưới, ghe và các dụng cụ để ra hồ Sông Mây (là hồ tự nhiên cung cấp nước tưới cho một số xã ở huyện Trảng Bom) lưới cá. Những người làm nhiệm vụ dò luồng cá khởi động ghe máy, di chuyển đến các vị trí được dự đoán có nhiều cá để chọn nơi thả lưới.

Trung úy Lê Minh Tấn, Đội trưởng Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây cho biết đội là đơn vị đặc thù làm kinh tế cho Bộ CHQS tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống cho lực lượng vũ trang tỉnh. Không chỉ cung cấp ra cho thị trường mà đội còn cung cấp thực phẩm sạch cho các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn tỉnh với tổng số lượng trên 3,5 tấn cá/năm.

Đứng trên bờ, ông Nguyễn Dũng, Phó đội trưởng Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây, người có trên 20 năm kinh nghiệm chỉ huy đánh bắt cá, thỉnh thoảng dùng 2 tay làm loa, hét lớn chỉ dẫn cho những thành viên tổ đánh bắt vào đúng vị trí. Đúng 6 giờ, 2 ghe máy lướt trên mặt hồ tĩnh lặng bắt đầu buông lưới bao quanh luồng cá nơi vị trí đã chọn; phía trong bờ, tổ đánh bắt chia thành 2 tốp bắt đầu kéo lưới vào.

Dựa vào kinh nghiệm, những người kéo cá có thể đoán được mẻ lưới lần này có bội thu hay không. Khi sức người không kéo nổi, họ chuyển sang dùng trục quay (4 người/trục) để kéo lưới vào.

“Mỗi tuần, chúng tôi tổ chức đánh bắt cá từ 3-4 ngày, mỗi lần kéo cá khoảng 90-120 phút. Từ khi bắt đầu mùa kéo cá đến nay là khoảng 20 ngày, mẻ nhiều nhất chúng tôi thu được trên 1 tấn cá trắm, mè, chép, tra, rô phi... Như hôm nay, nhìn tốc độ kéo của anh em, tôi ước chừng được khoảng 500kg cá, như vậy là đạt mức thu hoạch trung bình” - ông Dũng cho biết.

Hơn 1 giờ thả lưới, mẻ cá nặng trĩu đầu tiên được đưa dần vào bờ. Đây là lúc các thành viên trong tổ đánh bắt đang căng sức làm việc, họ dùng cả thân người ngả về sau làm lực để kéo lưới vào sát bờ. Khi đáy lưới nâng lên, cá đầy ắp khiến ai cũng phấn khởi. Trong đó có những con cá tra nặng đến 8-10kg.

Ông Nguyễn Quy (nhân viên tổ đánh bắt, có trên 20 năm kinh nghiệm) chỉ huy buổi kéo cá cho hay: “Cá được phân làm 2 loại, tùy theo kích thước, trọng lượng. Thường cá khoảng từ 300-800g sẽ dùng làm chả cá, được phân loại riêng sang một ghe. Cá lớn hơn thì thả vào khu vực riêng để thương lái đến mua. Lần nào kéo được từ 500kg - 1 tấn cá coi như bữa đó bội thu”.

* Nuôi cá trên hồ tự nhiên

Mỗi năm, vào thời gian dưỡng cá bắt đầu từ tháng 6, Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây lại đổ thêm 12-14 tấn cá giống (cá trắm, cá mè, cá tra, cá chép...) xuống hồ. Vì khi đó, vào mùa mưa, lượng nước trong hồ dồi dào, cá khỏe, ăn nhiều nên mau phát triển. Để cá đạt chất lượng tốt nhất, Ban chỉ huy đội chỉ cho cá ăn khoảng 40% là cám công nghiệp, còn lại là bèo, rau muống nên từ nhiều năm nay khách đến hồ câu cá luôn đánh giá thịt cá rất chắc, gần giống với cá câu tự nhiên ở sông, suối.

Kết quả đánh bắt cá của các thành viên Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây.
Kết quả đánh bắt cá của các thành viên Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây.

Trung úy Lê Minh Tấn, Đội trưởng Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây chia sẻ, năm 2017 lượng cá thu hoạch được khoảng 650 tấn, ngoài cung ứng cho các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn, còn xuất đi chợ đầu mối Bình Điền (TP.Hồ Chí Minh) hoặc tỉnh Bình Thuận... Đội còn phối hợp với các trường đại học có chuyên ngành thủy sản để nghiên cứu các phương pháp cải tiến kỹ thuật để giúp tăng hiệu quả nuôi trồng. Năm nào cũng có sinh viên về hồ thực tập thực tế để nắm bắt quy trình nuôi trồng thủy sản quy mô lớn.

Hiện nay, tổ đánh bắt của Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây có 22 người, tổ bảo vệ là 26 người, trong đó có gần 10 chiến sĩ xuất ngũ xin về đây làm việc. Mỗi năm, đội lại nhận khoảng 3-4 chiến sĩ xuất ngũ về làm việc, năm cao điểm có khi lên đến gần 15 người cùng xin, tuy nhiên không phải ai cũng trụ lại được lâu.

Anh Nguyễn Đăng Khoa (nhân viên tổ đánh bắt) tâm sự: “Công việc đánh bắt cá này không phải ai cũng có thể gắn bó lâu dài được. Công việc đòi hỏi thể lực tốt, lại ngâm nước mỗi ngày vài giờ đồng hồ. Vì vậy, yêu cầu khi tuyển nhân viên cho tổ khai thác chủ yếu là sức khỏe”. 

Sau khi xuất ngũ, anh Khoa tự nhận thấy công việc đánh bắt ở đây phù hợp với bản thân và mức thu nhập tốt nên xin ở lại làm nhân viên đánh bắt được gần 1 năm nay. Hiện nay, thu nhập trung bình hằng tháng của nhân viên của đội vào khoảng 7 triệu đồng. Dịp tết, Ban chỉ huy đội hỗ trợ cho mỗi nhân viên thêm 1 tháng lương để mọi người yên tâm gắn bó với công việc.

“Công tác tại đây nên tôi dần yêu sự tĩnh lặng và không khí thoáng mát của hồ Sông Mây, đó cũng chính là lý do tôi chọn gắn bó tiếp tục với công việc này. Hiện nay do còn trẻ, khỏe nên tôi sẽ tiếp tục kéo cá với anh em trong tổ. Với tôi cảm giác vui sướng nhất vẫn là khi kéo được mẻ cá to, vì nghĩ tới cán bộ - chiến sĩ sẽ có những bữa cơm tươi, ngon từ mẻ cá mà chúng tôi đánh bắt được.”

Đăng Tùng

Tin xem nhiều