Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghĩa tình với nước bạn Campuchia

09:01, 04/01/2019

40 năm trước, để hỗ trợ nước bạn Campuchia đánh bại chế độ Pol Pot và thoát khỏi thảm họa diệt chủng, xây dựng lại đời sống mới, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ quân đội, chính quyền nước bạn bằng cả tấm lòng và niềm tin vào chính nghĩa.

40 năm trước, để hỗ trợ nước bạn Campuchia đánh bại chế độ Pol Pot và thoát khỏi thảm họa diệt chủng, xây dựng lại đời sống mới, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ quân đội, chính quyền nước bạn bằng cả tấm lòng và niềm tin vào chính nghĩa.

Chiến sĩ Trung đoàn 88, Sư đoàn 302, Quân khu 7 chăm sóc khu di tích Đoàn 125 tại huyện Cẩm Mỹ.
 

Tại Đồng Nai, khu di tích Đoàn 125 (tiền thân của lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia, thành lập ngày 12-5-1978) khánh thành đầu năm 2012 với khu nghĩa trang, nhà lưu niệm và đài tưởng niệm (ở xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ), là minh chứng hùng hồn cho tình hữu nghị, đoàn kết của 2 dân tộc trong những giờ phút khó khăn, đau thương nhất.

* Sát cánh khi gian khó

Sống và gắn bó với vùng đất Cẩm Mỹ hàng chục năm, từ khi nơi đây còn là những cánh rừng bạt ngàn chỉ lác đác vài nhà dân, ông Đào Ngọc Sơn (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Cẩm Mỹ, từng công tác tại Lữ đoàn 874, Quân khu 7) là một trong những người trực tiếp tuyển quân để gầy dựng Đoàn 125 ngay từ thời gian đầu thành lập.

Ngày 12-5-1978, tại Căn cứ Suối Râm, xã Long Giao (nay thuộc huyện Cẩm Mỹ), Đoàn 125 (lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia) được thành lập gồm hơn 200 cán bộ, chiến sĩ do ông Hun Sen làm chỉ huy trưởng. Đến tháng 12-1978, Đoàn 125 đã phát triển thành 22 tiểu đoàn. Đầu năm 1979, sau khi Đoàn 125 về Campuchia thực hiện sứ mệnh lịch sử thì căn cứ này tiếp tục làm nơi tiếp nhận, huấn luyện cho các đơn vị vũ trang của Campuchia.

Ông Sơn kể lại, năm 1978 đơn vị ông được giao nhiệm vụ tuyển quân, giúp nước bạn Campuchia xây dựng lực lượng để đánh trả quân Pol Pot. Hoạt động tuyển quân được đơn vị ông thực hiện ở các vùng biên giới với Campuchia. Nhiều người là nông dân, người chạy nạn quân Pol Pot sang Việt Nam và có cả người Campuchia sang Việt Nam từ những năm 1960, 1970 cũng tình nguyện đầu quân về lực lượng này.

Những người tình nguyện tham gia được nhanh chóng đưa từ biên giới về Khu căn cứ Suối Râm (xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ) để huấn luyện. Ông Sơn cho biết đây là giai đoạn đầy gian khó, không chỉ thiếu thốn về lương thực, thực phẩm mà còn đối diện với bệnh sốt rét rừng. Trong lúc huấn luyện đã có nhiều chiến sĩ Campuchia ngã bệnh rồi không qua khỏi vì sốt rét nặng đã được chôn cất tại nghĩa trang trong Khu căn cứ Suối Râm. Khó khăn trùng trùng là thế, nhưng mọi người lính Campuchia ở căn cứ đã cố gắng hết sức để học hỏi, rèn luyện, chờ ngày trở về giải phóng quê hương Campuchia.

Cũng trực tiếp tham gia huấn luyện cho Đoàn 125, ông Trần Hồng Thể (ngụ quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) cho biết, ông là cán bộ phụ trách huấn luyện đặc công cho chiến sĩ Campuchia. Ông Thể kể không khí luyện tập rất hăng say. Dù thời điểm luyện tập là giai đoạn nửa đầu mùa mưa, thời tiết khá khó chịu, rừng ẩm ướt, nhiều muỗi nhưng không một chiến sĩ Campuchia nào than khó. Ai cũng bảo rằng khó khăn mấy cũng chịu đựng được, chỉ mong sớm huấn luyện xong để về lại giải phóng quê nhà.

* Giúp bạn bằng cả tấm lòng

Từ ngày 23-12-1978 đến 7-1-1979, quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã tiêu diệt toàn bộ quân Pol Pot, giải phóng thủ đô Phnom Penh, cứu trên 4 triệu dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Chiến sĩ Trung đoàn 88, Sư đoàn 302, Quân khu 7 chăm sóc khu di tích Đoàn 125 tại huyện Cẩm Mỹ.
Chiến sĩ Trung đoàn 88, Sư đoàn 302, Quân khu 7 chăm sóc khu di tích Đoàn 125 tại huyện Cẩm Mỹ.

Chiến thắng bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng đã góp phần bảo vệ độc lập chủ quyền, tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; khẳng định tinh thần quốc tế cao cả, mối quan hệ gắn bó thủy chung, lâu đời; sự giúp đỡ trong sáng, chí tình, chí nghĩa của Việt Nam đối với Campuchia.

Sau ngày chiến thắng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng nhân dân Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng (7-1-1979), nhiều đoàn chuyên gia từ các địa phương của Việt Nam, trong đó có Đồng Nai được cử sang giúp các tỉnh của nước bạn xây dựng lại chính quyền, xây dựng đời sống mới từ năm 1980 cho đến năm 1989. 

Khi đó, tỉnh Đồng Nai kết nghĩa với tỉnh Kampong Thom. Theo lời kể của một số thành viên trong đoàn chuyên gia của Đồng Nai, thời điểm đó dù đời sống của đoàn chuyên gia Đồng Nai còn nhiều khó khăn nhưng không ít lần đã cùng chính quyền địa phương của Campuchia tổ chức cứu tế gạo, thuốc men cho gia đình người Campuchia có người già yếu.

Một trong những câu chuyện cảm động mà đoàn chuyên gia của Đồng Nai nhớ mãi, đó là vào gần cuối mùa mưa 1985, trong lần cấp gạo, thuốc ở TX.Kampong Thom, có một cụ già đến nhận đồ và bày tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ của đoàn chuyên gia của Đồng Nai. Sau này, mọi người mới biết đó là mẹ của Xà Rương, Sư đoàn trưởng 801 của quân Pol Pot. Chính tấm chân tình ấy đã lay động suy nghĩ của Xà Rương. Năm 1987, khi Xà Rương ra đầu hàng và kể rằng vì thấy cảnh mẹ già được giúp đỡ nên nhiều lần không nổ súng dù thấy đoàn chuyên gia Đồng Nai đi vào vị trí đơn vị của Xà Rương đang phục kích.

Ông Nguyễn Văn Thông (nguyên Trưởng đoàn chuyên gia của Đồng Nai được cử sang tỉnh Kampong Thom từ năm 1984-1988) trong hồi ký Đất Mẹ có viết: “Cuối năm 1988, trước khi rút về nước, chúng tôi đi khảo sát hết vùng sâu, vùng xa, xác định những điểm địch sẽ đánh chiếm và lên phương án cụ thể, khả thi giúp lực lượng vũ trang đối phó lúc cần. Chúng tôi tiếp tục làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kampong Thom quanh vấn đề đánh giá đúng mặt mạnh, mặt yếu của lãnh đạo, phân tích nguyên nhân rồi cũng xác định phương hướng phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm”.

Cùng với đoàn chuyên gia Đồng Nai là những chiến sĩ cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ đoàn, dù quy định cứ mỗi năm được thay quân một lần nhưng nhiều chiến sĩ xin tình nguyện ở lại phục vụ lâu dài như ông Nguyễn Tài Sắc (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) ở lại 5 năm, ông Lê Quang Tâm (xã An Phước, huyện Long Thành) ở lại 3 năm... Với họ, đó là những năm tháng tuổi trẻ “cháy” hết mình vì nhiệm vụ, vì tình cảm với nước bạn Campuchia. Những ký ức, những tình cảm đẹp về đất nước và con người Campuchia sẽ luôn còn mãi trong trái tim những người lính tình nguyện Việt Nam năm xưa. 

Đăng Tùng

Tin xem nhiều