Báo Đồng Nai điện tử
En

Ở xứ sở kiwi...

10:01, 18/01/2019

Khi nhắc đến New Zealand, xứ sở của trái kiwi, mọi người nghĩ ngay đến một đất nước xinh đẹp có nền văn hóa đa dạng, nền giáo dục hiện đại cũng như những con người rất thân thiện và gần gũi. Tôi đã có dịp trải nghiệm những điều này sau hơn nửa năm học tập tại Trường đại học Lincoln ở TP.Christchurch.

Bài 1: Lạ lẫm Christchurch

Cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở Botanic gardens.
Cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở Botanic gardens.

Khi nhắc đến New Zealand, xứ sở của trái kiwi, mọi người nghĩ ngay đến một đất nước xinh đẹp có nền văn hóa đa dạng, nền giáo dục hiện đại cũng như những con người rất thân thiện và gần gũi. Tôi đã có dịp trải nghiệm những điều này sau hơn nửa năm học tập tại Trường đại học Lincoln ở TP.Christchurch.

Christchurch là thành phố lớn nhất ở Đảo Nam (South Island) của New Zealand với dân số đông thứ 3 chỉ sau TP.Auckland và thủ đô Wellington. Chú Truyền, chủ nhà hàng Hello Việt Nam, một trong những người Việt đầu tiên học tập và sinh sống ở Christchurch cho biết, khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước ở đây chỉ có một vài người Việt Nam, đến nay số lượng người Việt Nam đến thành phố này lập nghiệp càng nhiều, lên đến khoảng 300 người cùng nhau tạo nên cộng đồng người Việt để giúp đỡ, nương tựa lẫn nhau, cùng nhau giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam để lưu truyền cho thế hệ con cháu mai sau.

* Thành phố vườn

Là thành phố được công nhận lâu đời nhất tại New Zealand, kiến trúc ở Christchurch mang đậm phong cách châu Âu vừa cổ kính vừa hiện đại. Nơi đây cũng tập trung các trường đại học danh tiếng như Trường đại học Lincoln, Trường đại học Canterbury nên được nhiều du học sinh quốc tế chọn lựa, trong đó có Việt Nam. Tính đến tháng 6-2018, dân số của Christchurch chỉ vào khoảng 400 ngàn người, chưa bằng một nửa dân số ở TP.Biên Hòa trong khi diện tích thì gần gấp đôi Biên Hòa.

Đất rộng người thưa, được bao bọc bởi cây xanh và những công viên xanh mát khắp thành phố, Christchurch được mệnh danh là “thành phố vườn” có không khí rất trong lành, thoáng đãng. Nổi bật nhất trong hàng chục công viên ở Christchurch là Botanic gardens nằm ngay trung tâm thành phố và có dòng sông Avon hiền hòa mát rượi chảy qua. Nơi đây có hàng trăm cây cổ thụ với tuổi đời vài trăm năm, nhiều cây khổng lồ phải đến 5, 6 vòng tay người ôm mới hết thân cây. Dưới những tán cây cổ thụ đó là những thảm cỏ xanh, ghế đá. Rất nhiều người dân bản địa, du khách vào khu vườn rộng lớn này để tham quan, vui chơi, thư giãn, đọc sách trên những thảm cỏ xanh.

Christchurch vào mùa đông nhiệt độ xuống thấp nhất khoảng 4OC và hy hữu lắm trong vài chục năm mới có vài ngày tuyết rơi. Do độ ẩm không khí thấp nên dù nhiệt độ xuống thấp, cái lạnh ở đây cũng dễ chịu hơn so với Hà Nội. Ngoài ra, do New Zealand nằm ở Nam bán cầu nên các mùa trong năm cũng ngược so với Việt Nam. Từ tháng 6 đến tháng 8 là mùa đông ở New Zealand và giữa tháng 12 lạnh lẽo ở Việt Nam thì lại là mùa hè ở đây. Trẻ con ở New Zealand thường hài hước nói rằng: “Tôi sinh ra/ đi chơi trong dịp Giáng sinh ấm áp”, bởi lễ Noel nơi đây rơi vào mùa hè. Ở đây cũng có cụm từ “tuyết rơi mùa hè”, bởi trong lúc phần lớn các nước châu Âu, châu Mỹ có tuyết rơi thì New Zealand lại là mùa hè. Tôi nhớ, ở Biên Hòa có đoạn đường gần Văn miếu Trấn Biên trồng khá nhiều hoa anh đào, khoảng trước Tết Nguyên đán cả nhà tôi thích đi trên đoạn đường này để ngắm hoa. Có lần sau tết Nguyên đán gia đình tôi đi Tuyên Quang và Thái Nguyên chơi cũng được ngắm hoa anh đào nở rực núi rừng. Trong khi hoa anh đào ở quê nhà nở rộ trong dịp tết, thì ở New Zealand hoa anh đào thường nở vào tháng 9, là mùa xuân ở New Zealand.

So với quê nhà Biên Hòa thì thời tiết ở Christchurch thay đổi rất thất thường. Vừa nắng vẫn có thể mưa ngay, đang nóng cũng có thể có gió lạnh thổi về. Mùa nào trong năm cũng có mưa. Vì vậy để tiện lợi, người dân ở đây thường có quần áo chống thấm nước, trời mưa cứ khoác áo, đội mũ mà đi chứ hiếm khi mang dù. Nhiệt độ trong ngày cũng thay đổi thất thường, đang mùa đông lạnh giá bỗng nhiên trời trong xanh, không một áng mây thì ngày hôm đó nhiệt độ lại ấm như mùa hè. Chính vì thế khi ra ngoài, người dân địa phương thường mang nhiều lớp quần áo, trời lạnh thì mặc thêm vào, trời nóng thì thay bớt ra. Đây là điều du học sinh Việt Nam chúng tôi thường truyền kinh nghiệm cho “người mới” chưa quen với thời tiết địa phương.

* Văn hóa giao thông

Xe hơi là phương tiện giao thông phổ biến nhất ở Christchurch. Nếu không biết lái xe hơi, người sinh sống ở đây sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại. Du học sinh ở đây được phép làm việc bán thời gian với một số giờ quy định. Vì vậy sau khi ổn định việc học tập, sinh viên thường tìm việc làm thêm. Tuy nhiên trong các mục quảng cáo việc làm thường có yêu cầu ứng viên có bằng lái xe, ai không có bằng lái sẽ khó tìm được cơ hội việc làm tốt.

Đường phố ở Christchurch.
Đường phố ở Christchurch.

Lái xe hơi ở New Zealand rất khác so với Việt Nam. Phải kể đến đầu tiên, xe ở đây đều là tay lái nghịch. Nếu ở Việt Nam ta lái về bên phải thì ở New Zealand sẽ lái về bên trái. Tôi phải mất 3 tháng trời để quên với cảm giác “ngược ngạo” này.

Điểm khác biệt và thú vị không kém là văn hóa nhường đường của lái xe ở đây. Chỉ cần thấy người đi bộ chuẩn bị sang đường, tài xế sẽ dừng xe lại từ khá xa, ra hiệu và đợi họ sang đường mới tiếp tục lái đi. Tôi và bạn bè người Việt ở đây hay nói đùa: “Chắc họ sợ mình nhào ra ăn vạ”. Thật ra, việc nhường đường cho người đi bộ được quy định rõ trong Luật Giao thông ở New Zealand. Và trong lúc thi sát hạch lái xe, người thi sẽ rớt ngay lập tức nếu không nhường đường hay dừng xe chắn phần đường của người đi bộ. Nhớ hồi còn ở Việt Nam, bài học đầu tiên khi học lái ô tô cũng là nhường đường cho người đi bộ, nhưng thực tế nhiều người không chấp hành.

Điểm khác biệt cuối cùng mà tôi muốn đề cập đến là sự thuận tiện khi mua bán xe hơi. Xe hơi ở đây rất rẻ, thậm chí rẻ hơn cả xe máy ở Việt Nam. Nhờ người bạn giới thiệu, tôi mua một chiếc Honda Fit với giá 1.500 NZD (khoảng 23 triệu đồng). Thủ tục mua bán sang tay cũng chỉ mất 5 phút. Tôi và chủ xe ra bưu điện điền một số thông tin cá nhân, sau đó nhân viên cấp cho tôi thẻ tạm thời. Vài ngày sau, Chính phủ gửi thư xác nhận sở hữu của tôi đối với “Jimmy The Red” (đây là nickname chiếc xe mà ông chủ cũ đã ưu ái đặt).   

Quang Huy

Bài 2: Đất ấm tình người

Tin xem nhiều