Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyết tâm bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng

09:02, 15/02/2019

Ngay từ những năm đầu sau khi Việt Nam vừa thống nhất đất nước, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự, xâm lấn đất đai gây tình hình căng thẳng, phức tạp trên vùng biên giới phía Bắc của Việt Nam. Đỉnh điểm vào 3 giờ 30 ngày 17-2-1979, Trung Quốc dùng pháo binh bắn phá và huy động trên 600 ngàn quân tràn sang lãnh thổ Việt Nam ở các tỉnh phía Bắc, từ Quảng Ninh đến Lai Châu.

Ngay từ những năm đầu sau khi Việt Nam vừa thống nhất đất nước, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự, xâm lấn đất đai gây tình hình căng thẳng, phức tạp trên vùng biên giới phía Bắc của Việt Nam. Đỉnh điểm vào 3 giờ 30 ngày 17-2-1979, Trung Quốc dùng pháo binh bắn phá và huy động trên 600 ngàn quân tràn sang lãnh thổ Việt Nam ở các tỉnh phía Bắc, từ Quảng Ninh đến Lai Châu.

Ông Nguyễn Nhỡ ôn lại những năm tháng khốc liệt bảo vệ biên giới phía Bắc qua tấm bản đồ kỷ vật của ông
Ông Nguyễn Nhỡ ôn lại những năm tháng khốc liệt bảo vệ biên giới phía Bắc qua tấm bản đồ kỷ vật của ông

Trước tình hình “nước sôi lửa bỏng” ở biên giới phía Bắc, nhiều đơn vị quân đội của Việt Nam khi đó đang làm nghĩa vụ quốc tế truy quét tàn quân Pol Pot trên đất nước Campuchia đã được điều động cấp tốc lên đường ra Hà Nội để kịp chi viện, bổ sung lực lượng bảo vệ biên giới nơi tuyến đầu Tổ quốc.

 * Ký ức không quên

Cựu chiến binh Nguyễn Quốc Hoàn (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) kể lại, lúc đó ông là Chính trị viên Tiểu đoàn 198, Trung đoàn Đặc công 113 (nay là Lữ đoàn Đặc công 113) cùng đồng đội nhận lệnh di chuyển bằng ô tô từ tỉnh Takeo (Campuchia) về Sân bay Tân Sơn Nhất để bay ra Hà Nội, sau đó được đưa lên chiến đấu tại khu vực vùng núi Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn).

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (từ ngày 17-2 đến 18-3-1979), quân dân Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến hơn 62,5 ngàn quân địch, diệt và đánh thiệt hại 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, phá hủy 550 xe quân sự (280 xe tăng, thiết giáp), hủy 115 khẩu pháo, cối hạng nặng...

Ông Nguyễn Quốc Hoàn cho hay: “Nhận lệnh hành quân vào ngày 17-2-1979 thì ngày 21-2-1979, chúng tôi đã có mặt tại Mẫu Sơn. Khi lên đến nơi, các bản làng ở đây trống trải, tan hoang, người dân đã được đưa đi sơ tán hết, chỉ có các đơn vị quân đội từ tuyến sau được chi viện lên. Ngày đó, những người lính chúng tôi vẫn còn vương mùi thuốc súng của mặt trận biên giới Tây Nam, không ngại gian khó, hiểm nguy tiếp tục ra trận chiến đấu bảo vệ biên cương, vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi nhanh chóng nhận nhiệm vụ tổ chức tác chiến, đánh vào nhiều cơ sở hậu cần trọng yếu của địch”.

40 năm trôi qua, cựu chiến binh Nguyễn Nhỡ (ngụ phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) vẫn còn nhớ như in những ngày chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt trên mặt trận Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang) của ông và đồng đội thuộc Sư đoàn 314, Quân khu 2. Trước khi được điều động ra chiến trường phía Bắc, cựu chiến binh này cũng đang làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia.

“Khi đơn vị tôi đến nơi, Trung Quốc đang rút dần quân về nước. Chúng tôi được nhận nhiệm vụ tiếp tục bảo vệ tuyến biên giới, giữ chặt các chốt, cao điểm không cho kẻ địch chiếm đóng. Sau này, vào giai đoạn 1984-1989, tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 881 đóng giữ điểm cao Đồi Đài, bảo vệ ngã ba Thanh Thủy nay thuộc huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang). Những năm đó, Trung Quốc vẫn còn có hành vi xâm lấn đất đai của nước ta, ban ngày vẫn cho tấn công bằng pháo, đêm lại cho lính đột kích các chốt canh của bộ đội. Cuộc chiến đấu giành giật từng thước đất, từng mỏm đá diễn ra rất quyết liệt. Pháo Trung Quốc bắn vào núi đá vôi khiến cả dãy núi trắng xóa, anh em đóng tại Vị Xuyên năm đó gọi vùng này là lò vôi thế kỷ hay đồi thịt băm” - cựu chiến binh Nguyễn Nhỡ kể lại.

Cũng là người đóng quân tại tuyến lửa Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang) khi ấy, cựu chiến binh Lê Ngọc Tình (ngụ xã Tam Phước, TP.Biên Hòa, nguyên cán bộ Trung đoàn 877, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tuyên) cho biết, đơn vị của ông không ít lần đối mặt tử thần. Các chiến sĩ đóng trên chốt có những khi 6 tháng không tắm gội, không cắt tóc vì phải bảo vệ chốt suốt 24/24 đề phòng quân địch đột kích. Nhiều hang đá tự nhiên được chiến sĩ cải tạo làm nơi trú quân, khi quân Trung Quốc bắn pháo, một số hang bị sập khiến rất nhiều chiến sĩ hy sinh.

* Bảo vệ biên giới đến cùng

Trung tướng Lê Nam Phong (ngụ phường Bình Thọ, quậnThủ Đức, TP.Hồ Chí Minh, Tư lệnh Quân đoàn 1 trong cuộc chiến bảo vệ biên giới năm 1979) cho biết, để phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, ngày 4-3-1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi quân và dân cả nước quyết tâm giữ vững biên cương của Tổ quốc; ngày 5-3-1979 Chủ tịch nước công bố lệnh Tổng động viên toàn quân, toàn dân kháng chiến.

Cầu Kỳ Lừa qua sông Kỳ Cùng (tỉnh Lạng Sơn) bị đánh sập sau trận chiến biên giới, người dân phải dùng cầu phao để qua sông
Cầu Kỳ Lừa qua sông Kỳ Cùng (tỉnh Lạng Sơn) bị đánh sập sau trận chiến biên giới, người dân phải dùng cầu phao để qua sông

Lúc này, trước các sư đoàn, xe tăng, xe cơ giới của Trung Quốc tràn ngập biên giới phía Bắc, Trung tướng Lê Nam Phong được lệnh cử một số đơn vị đánh thọc sâu 40km xuyên qua đội hình của Trung Quốc để nắm thực binh. Khi nhận định đúng chiến thuật của đối phương, cấp trên ra lệnh rút lui về tuyến sau và tổ chức phòng thủ là chủ yếu, khi thời cơ thuận lợi mới tổ chức phản công trên nhiều mặt trận.

Qua nhiều ngày chiến đấu, quân dân ta bẻ gãy các mũi tiến công, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện cơ giới của Trung Quốc. Tuy nhiên, do có ưu thế quân số và trang bị kỹ thuật nên Trung Quốc đã tiến sâu vào nội địa nước ta ở một số hướng như ở tỉnh Cao Bằng (từ 40-50km), Lạng Sơn, Lào Cai (từ 10-15km) và chiếm được một số thị xã, địa bàn biên giới.

Do không đạt được mục đích đánh nhanh, thắng nhanh đề ra từ đầu và bị dư luận trong và ngoài nước phản ứng, nên ngày 5-3-1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân trên mọi hướng. Đến ngày 18-3-1979, về cơ bản Trung Quốc đã rút quân khỏi Việt Nam. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc vẫn chiếm đóng trái phép một số điểm cao thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Tuyên, có nơi lấn sâu vào đến 500m, thường xuyên gây xung đột vũ trang, làm căng thẳng giữa 2 nước kéo dài đến năm 1989.

Khi kể lại những năm tháng liên tục đối mặt với tử thần ấy, cựu chiến binh Lê Ngọc Tình bộc bạch: “Gia đình tôi có 5 anh em trai đi bộ đội. Anh trai cả là liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Vì vậy hơn ai hết, tôi hiểu rõ những mất mát, đau thương do chiến tranh gây ra. Có sống, chiến đấu trong năm tháng ấy mới biết rõ được giá trị của hòa bình, giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc và khát vọng hòa bình lớn đến mức nào. Chính khát vọng đó đã khiến biết bao lớp thanh niên chúng tôi ngày ấy sẵn sàng chiến đấu đến cùng, không ngại gian khó, hy sinh để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân Việt Nam”.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều