Báo Đồng Nai điện tử
En

Người phụ nữ giàu nghị lực nơi "rốn lũ" Đắc Lua

09:03, 06/03/2019

Nhắc đến bà Đinh Thị Hạnh (51 tuổi, ngụ ấp 4, xã Đắc Lua, huyện Tân Phú), người dân nơi đây đều tấm tắc khen về nghị lực mạnh mẽ của một người phụ nữ vượt lên số phận để thoát nghèo, nuôi con nên người.

Nhắc đến bà Đinh Thị Hạnh (51 tuổi, ngụ ấp 4, xã Đắc Lua, huyện Tân Phú), người dân nơi đây đều tấm tắc khen về nghị lực mạnh mẽ của một người phụ nữ vượt lên số phận để thoát nghèo, nuôi con nên người.

Vượt qua nhiều khó khăn, hiện tại được chăm sóc con cháu là niềm vui của bà Đinh Thị Hạnh (ngụ xã Đắc Lua, huyện Tân Phú)
Vượt qua nhiều khó khăn, hiện tại được chăm sóc con cháu là niềm vui của bà Đinh Thị Hạnh (ngụ xã Đắc Lua, huyện Tân Phú)

Từ 2 bàn tay trắng, bà đã vươn lên khá giả nhờ chịu thương, chịu khó gầy dựng được đàn trâu, bò lên đến hàng chục con, xây dựng nhà cửa khang trang, tậu được nhiều hécta đất, lo cho con ổn định cuộc sống.

* Những năm tháng khốn khó

Cách đây 41 năm, bà Hạnh theo cha mẹ di cư vào “rốn lũ” Đắc Lua lập nghiệp. Năm 1987, bà Hạnh lập gia đình, lần lượt sinh 4 người con. Trong quá trình chung sống, vợ chồng bà Hạnh khai khẩn được 1 hécta đất ruộng nhưng do sản xuất nông nghiệp liên tục bị mất mùa khiến cuộc sống của họ ngày càng khó khăn. Chồng của bà nản chí, thường xuyên nhậu nhẹt say xỉn và hay đánh đập vợ.

Bà Nguyễn Thị Phúc, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đắc Lua (huyện Tân Phú) kể lại, nhiều người trong vùng vẫn nhớ như in hình ảnh mấy mẹ con bà Hạnh vừa chăn trâu, bò trên cánh đồng, vừa tranh thủ tìm nhặt ve chai để bán. Chính tấm lòng của người mẹ thương con đã tạo cho bà Hạnh một nghị lực “thép” để đương đầu, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Điều này không phải người phụ nữ nào cũng làm được và làm thành công.

Năm 2002, bà Hạnh quyết định ly thân để giải thoát cho mình và các con. Bà gạt nước mắt gửi 4 con thơ cho cha ruột chăm sóc, rồi một mình lên TP.Biên Hòa đi phụ quán ăn để gửi tiền về nuôi con. Làm được 4 tháng, thấy thu nhập thấp, cộng thêm nỗi nhớ con, bà Hạnh lại khăn gói trở về. Cuộc sống hằng ngày của 5 mẹ con bà đắp đổi qua ngày nhờ vào tiền công làm thuê, làm mướn của bà và tiền bán cua, bán cá do các con bà đi bắt tại các con suối trong rừng.

Sau 2 năm ly thân, bà Hạnh được chồng giao lại đất ruộng do ông đi làm ăn xa. Từ đó, bà Hạnh và các con cùng nhau cày cấy nên những vụ lúa xanh tốt bằng nhiều công sức, mồ hôi của chính mình. Nhờ trúng những vụ lúa, bà Hạnh dành dụm được số tiền mua 1 con nghé cái. Khi con nghé thành trâu và có thai, bà được Hội Phụ nữ xã trợ vốn mua thêm 1 con bò cái để nuôi chung.

Nhờ đôi trâu, bò sinh sản này, bà Hạnh đã dần gầy dựng được đàn trâu, bò 10 con, rồi phát triển thành 20, 30, 40 con. Bà Hạnh kể, trâu, bò sinh sản ra nếu là nghé, bê đực thì bà nuôi lớn rồi mới bán. Bán trâu, bò đực được bao nhiêu bà lấy tiền mua ngay những con trâu, bò cái giống để gầy đàn. Để tận dụng sức của mấy con trâu, bò giống khỏe, bà còn tập cho nó kéo xe, cày đất thuê cho người dân và ruộng nhà. Dù chỉ nặng có 39kg nhưng bà vẫn vác được bao lúa tươi hơn 50kg rồi chất lên chiếc xe trâu và hò hét cho đôi trâu hoặc bò băng đồng lầy chở về sân phơi.

* Vượt lên chính mình

Nhờ 2 con trâu và bò giống ban đầu, từ năm 2010-2017 chuồng trại của bà Hạnh lúc nào cũng duy trì 15 con bò giống và 25 con trâu giống. Nhờ siêng năng chăm sóc đàn trâu, bò này, bà Hạnh không chỉ thoát nghèo mà trở thành hộ khá, hộ có nhiều trâu, bò nhất ấp và tạo dựng được kinh tế vững chắc cho các con. Mỗi người con của bà Hạnh khi lập gia đình riêng đều được bà mua cho 1 hécta đất và tặng thêm đôi trâu hay bò làm vốn.

Dù cuộc sống khấm khá hơn nhưng hằng ngày bà Đinh Thị Hạnh (ngụ xã Đắc Lua, huyện Tân Phú) vẫn chăn trâu ngoài đồng
Dù cuộc sống khấm khá hơn nhưng hằng ngày bà Đinh Thị Hạnh (ngụ xã Đắc Lua, huyện Tân Phú) vẫn chăn trâu ngoài đồng

Đặc biệt, trong giai đoạn 2010-2015 bà Hạnh vinh dự ra huyện, lên tỉnh nhận bằng khen của UBND tỉnh, huyện tặng vì đạt thành tích xuất sắc trong phong trào phụ nữ sản xuất - kinh doanh giỏi. Nói về những bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, huyện, xã treo trang trọng trên tường nhà, bà Hạnh cho hay suốt bao năm tháng khổ cực, bà chỉ biết tới rẫy, đồng hoang, theo sau chân con trâu, con bò làm lụng. Lúc đó, bà Hạnh nghĩ đơn giản, bà lam lũ, cần kiệm với mục đích kiếm tiền lo cho con khỏi đói ăn, thiếu mặc chứ không dám nghĩ tới chuyện nhà có đàn trâu, đàn bò, nhiều đất sản xuất.

Khi chúng tôi đến thăm bà Hạnh, cái chòi lá của mẹ con bà ngày xưa giờ đã thay bằng ngôi nhà cấp 4 khang trang. Đàn trâu, bò từ 40 con bà đã bán 30 con để tậu 3 hécta đất.

 Bà Hạnh cho biết, năm 2017 nhận thấy sức khỏe có phần giảm sút so với trước, các con đã lập gia đình riêng hoặc đi làm ăn xa và đồng cỏ chăn thả không còn thuận lợi như trước nên bà Hạnh bán bớt trâu, bò để mua ruộng. Hiện tại bà chỉ giữ lại 10 con trâu giống để cày ruộng nhà và nhân giống. Dù cuộc sống đã khấm khá nhưng bà Hạnh vẫn chăm chỉ làm việc. Hằng ngày bà vẫn đội nắng mưa ra đồng chăn trâu “cho đỡ buồn”.

Điều đặc biệt, mặc dù ly thân với chồng gần 17 năm nhưng khi chồng đau yếu, bệnh tật trở về, bà và các con vẫn chăm sóc tử tế. Chính đức tính kiên nghị, chịu khó cùng tấm lòng bao dung, độ lượng ấy mà bà Hạnh được bà con trong ấp, xã ví như người đàn bà “thép” nơi vùng “rốn lũ” Đắc Lua này.

Chia tay Đắc Lua với ruộng lúa, nương dâu xanh rì dưới cái nắng tháng 3 chói chang, chia tay người phụ nữ chịu thương, chịu khó Đinh Thị Hạnh để về lại phố thị, chúng tôi thật sự cảm phục nghị lực của bà Hạnh khi đã vượt lên chính mình, từ 2 con trâu, bò giống, sau 7 năm bà đã gầy dựng thành đàn trâu, bò 40 con. Và từ đàn trâu, bò này bà đã mua thêm 5 hécta đất sản xuất, liên tục được chính quyền các cấp vinh danh trong phong trào phụ nữ sản xuất - kinh doanh giỏi từ năm 2010 đến nay.              

Đoàn Phú

Tin xem nhiều