Báo Đồng Nai điện tử
En

Sát cánh cùng người lao động

09:03, 11/03/2019

Nhiều năm qua, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) vẫn là một địa chỉ đáng tin cậy trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động (NLĐ).

Nhiều năm qua, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) vẫn là một địa chỉ đáng tin cậy trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động (NLĐ).

Luật sư Phạm Thế Phương (phải), Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn trao đổi với người lao động tại một phiên tòa bảo vệ quyền lợi cho người lao động
Luật sư Phạm Thế Phương (phải), Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn trao đổi với người lao động tại một phiên tòa bảo vệ quyền lợi cho người lao động

Những ngày đầu tháng 3 nóng bức, tại văn phòng nhỏ của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn vẫn có cả chục NLĐ ngồi trật tự chờ các luật sư tư vấn.

* Bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động

Chị T.T.M.L. (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, chị đang làm việc bình thường tại Công ty P. (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) thì đột nhiên công ty điều chuyển chị sang làm công việc khác không phù hợp. Sau đó, công ty ra quyết định xử lý kỷ luật chị theo hình thức sa thải, rồi tiếp tục ra quyết định cho chị thôi việc với lý do chị nhiều lần vi phạm quy định trong công ty.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn cho hay, để giúp người lao động tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình, trong thời gian tới trung tâm sẽ tăng cường giáo dục kỹ năng, tình huống xử lý cho người lao động nhằm tránh trình trạng doanh nghiệp hợp thức hóa các hành vi sai trái trong quá trình xử lý kỷ luật người lao động không đúng theo quy định pháp luật.

Được sự giới thiệu của bạn bè, chị đã tìm đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn để nhờ tư vấn. Khi được luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tư vấn, chị nắm vững hơn các quy định của pháp luật lao động để khẳng định việc công ty điều chuyển chị sang công việc khác là thiếu cơ sở.

“Theo quy định pháp luật, việc điều chuyển công việc nếu công ty gặp khó khăn đột xuất hoặc do nhu cầu sản xuất kinh doanh thì người sử dụng lao động có quyền tạm thời điều chuyển NLĐ sang làm công việc khác trái nghề, thời hạn không quá 60 ngày/năm. Hơn nữa, trước khi điều chuyển NLĐ phải báo trước 3 ngày theo quy định, báo rõ thời gian điều chuyển, bố trí công việc phù hợp với sức khỏe và giới tính của NLĐ. Nhưng ở đây, công ty đã không thực hiện đúng quy định” - luật sư Vũ Ngọc Hà phân tích.

Khi nắm chắc các quy định pháp luật, chị L. đã về trao đổi thẳng thắn với phía công ty. Cuối cùng, phía công ty đã rút lại quyết định xử lý kỷ luật chị L. và tiếp nhận chị L. làm việc trở lại bình thường.

Trong thời gian qua, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn đã tham gia tư vấn, bảo vệ quyền lợi giúp cho hàng trăm công nhân trở lại làm việc khi bị giới chủ sa thải trái luật, được chủ doanh nghiệp trả lương làm thêm giờ, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội... theo đúng quy định của pháp luật về lao động.

Đơn cử như trường hợp của ông Nguyễn Văn Sơn (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa), dưới sự tư vấn hỗ trợ của các luật sư của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn, sau 8 năm kiên trì đòi quyền lợi cuối cùng ông Sơn đã thắng kiện.

Tháng 4-2008, ông Sơn được Công ty TNHH A.L Việt Nam (có trụ sở chính ở tỉnh Bắc Ninh) nhận thử việc tại chi nhánh Khu công nghiệp Phú Mỹ 1 (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Sau 2 tháng thử việc, ông được công ty ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với tổng mức lương hơn 11 triệu đồng/tháng. Trong quá trình làm việc, ông Sơn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và không vi phạm nội quy công ty. Tuy nhiên, ngày 4-1-2011 công ty bất ngờ ra quyết định kỷ luật sa thải đối với ông Sơn vì lý do ông vi phạm nội quy của công ty như: sử dụng tài sản và thời gian làm việc của công ty để tham gia các hoạt động kinh doanh tương tự như ngành nghề kinh doanh của công ty, gây xung đột lợi ích với công ty. Đồng thời, công ty cáo buộc ông Sơn tổ chức bán thiết bị cho công ty từ cửa hàng của gia đình nhằm trục lợi cá nhân mà không hề có báo cáo với công ty. Nhận thấy việc công ty đưa ra lý do nêu trên để đuổi việc mình là thiếu căn cứ nên ông Sơn tìm đến Trung tâm tư vấn Công đoàn nhờ hỗ trợ pháp lý.

Ông Sơn trình bày, vụ việc ông kiện công ty cứ vậy kéo dài hết năm này đến năm khác vẫn không được giải quyết, vì các cơ quan chức năng cứ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và không chịu thụ lý hồ sơ vụ án. Nhờ các luật sư Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tư vấn ông đã làm đơn gửi đến Tòa án nhân dân Tối cao. Nhờ Tòa án nhân dân Tối cao can thiệp, ngày 2-8-2018, Tòa án nhân dân huyện Tân Thành đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên bố ông Sơn thắng kiện. Hội đồng xét xử cho rằng việc công ty căn cứ vào các điều mục trong nội quy lao động làm cơ sở diễn giải để áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với ông Sơn là không phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.

* Nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động

Trong năm 2018, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn đã tư vấn pháp luật cho hơn 3,4 ngàn công nhân, lao động; trực tiếp hỗ trợ pháp lý cho 616 trường hợp... Bên cạnh hoạt động tư vấn pháp luật tại văn phòng, trong thời gian qua, trung tâm còn tổ chức dự án là tư vấn pháp luật lao động cho NLĐ nhập cư phường Long Bình (TP.Biên Hòa) và dự án tăng cường tiếp cận thông tin và tư vấn pháp luật lưu động cho NLĐ nhập cư tỉnh Đồng Nai. 2 dự án này được Tổ chức Oxfam (tổ chức phi chính phủ nhằm xây dựng một tương lai không có đói nghèo và bất công) tài trợ. Hiện nay, một số hoạt động của dự án vẫn được trung tâm duy trì.

 Người lao động đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn nhờ hỗ trợ pháp lý
Người lao động đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn nhờ hỗ trợ pháp lý

Theo đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh, NLĐ nhập cư ở Đồng Nai khá đông. Trong số hơn 1,2 triệu lao động đang làm việc trong tỉnh có khoảng 60% là lao động nhập cư. Cuộc sống của nhiều người còn khó khăn cần được quan tâm, hỗ trợ, Liên đoàn Lao động tỉnh đã giao cho Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn triển khai dự án Nâng cao năng lực cho NLĐ nhập cư tỉnh Đồng Nai (do Tổ chức Oxfam tài trợ).

Luật sư Vũ Ngọc Hà cho biết: “Dự án này nhằm giúp nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp luật cho NLĐ nhập cư, đặc biệt là quyền và nghĩa vụ của NLĐ để họ luôn tuân thủ các quy định pháp luật trong lao động cũng như biết bảo vệ quyền lợi của mình khi cần thiết”.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích