Báo Đồng Nai điện tử
En

Cái tâm của người hội thẩm nhân dân

09:04, 15/04/2019

Để chủ tọa phiên tòa tuyên một bản án công bằng, thấu tình đạt lý thì vai trò của người hội thẩm nhân dân rất quan trọng. Với nhiệm vụ là những người đại diện cho tiếng nói của nhân dân trong việc giải quyết vụ án, vụ việc nên đòi hỏi các hội thẩm nhân dân phải là người có đạo đức, có uy tín và có tinh thần dũng cảm, kiên quyết bảo vệ công lý.

Để chủ tọa phiên tòa tuyên một bản án công bằng, thấu tình đạt lý thì vai trò của người hội thẩm nhân dân rất quan trọng. Với nhiệm vụ là những người đại diện cho tiếng nói của nhân dân trong việc giải quyết vụ án, vụ việc nên đòi hỏi các hội thẩm nhân dân phải là người có đạo đức, có uy tín và có tinh thần dũng cảm, kiên quyết bảo vệ công lý.

Các hội thẩm nhân dân tỉnh (thứ nhất và thứ 5 từ trái qua) tham gia Hội đồng xét xử trong một phiên tòa xét xử lưu động tại huyện Nhơn Trạch
Các hội thẩm nhân dân tỉnh (thứ nhất và thứ 5 từ trái qua) tham gia Hội đồng xét xử trong một phiên tòa xét xử lưu động tại huyện Nhơn Trạch

Kết thúc phiên hòa giải tại Trung tâm hòa giải, đối thoại TP.Biên Hòa, gương mặt của bà Trương Thị Thìn, Trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân TP.Biên Hòa rạng rỡ hẳn ra vì bà vừa tham gia hàn gắn thành công cho một cặp vợ chồng muốn ly hôn. Trước khi đôi vợ chồng trẻ dắt tay nhau ra về, bà không quên dặn dò họ phải biết hy sinh và nhường nhịn nhau trong cuộc sống để giữ gìn hạnh phúc gia đình.

* Niềm vui gắn kết

Ở tuổi 80, bà Thìn vẫn gắn bó với công việc hội thẩm nhân dân và miệt mài nghiên cứu chính sách pháp luật để giải thích cho đương sự trong các phiên tòa. Bà Thìn kể lại, vào năm 1977 khi còn công tác tại Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Biên Hòa, bà được đề cử làm hội thẩm nhân dân. Ban đầu bà chỉ nghĩ đơn thuần là muốn bênh vực cho người phụ nữ yếu thế nhưng khi vào vị trí hội thẩm nhân dân bà mới biết rõ không chỉ người phụ nữ cần được bảo vệ mà cả đối với những người yếu thế trong xã hội, sự thật, công lý cũng cần được bảo vệ.

Đánh giá về hoạt động của Hội thẩm nhân dân 2 cấp tỉnh và huyện, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Võ Văn Phước cho biết, trong thời gian qua hầu hết các hội thẩm nhân dân luôn thực hiện công tác tốt, nêu cao tinh thần trách nhiệm và thực hiện đúng vai trò của người đại diện cho tiếng nói của nhân dân trong việc giải quyết các vụ án.

Luôn thực thi tinh thần thượng tôn pháp luật và đặt lương tâm mình để đánh giá vấn đề trong các phiên tòa xét xử nên trong suốt 42 năm làm hội thẩm nhân dân, bà Thìn luôn được sự tín nhiệm và yêu mến của mọi người. Bà Thìn không chỉ “có duyên” trong việc giải quyết các vụ tranh chấp dân sự hoặc ly hôn phức tạp, mà tại các phiên tòa hình sự, bà Thìn vẫn thể hiện cái tình trong khi giáo dục các bị cáo.

Bà Thìn kể, vào đầu năm 2019 sau khi xét xử một bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản, dù trước đó bị cáo rất hỗn láo, thường trách cứ cha mẹ nhưng sau khi nghe bà phân tích, khơi gợi tình cảm gia đình thì bị cáo đã rơi nước mắt, tự nói lời xin lỗi cha mẹ và hứa sẽ không phạm sai lầm thêm một lần nào nữa. Cha mẹ bị cáo đã cảm ơn bà vì qua cách phân tích của bà, họ cũng thấy những thiếu sót của mình trong việc quan tâm, dạy dỗ con.

Ghi nhận tại nhiều phiên tòa xét xử, chúng tôi rất ấn tượng với hình ảnh các hội thẩm nhân dân thường có những lời khuyên, lời động viên rất chân thành gửi đến các bị cáo, qua đó chỉ ra cho bị cáo nhận thấy được sai trái của bản thân và giúp họ hiểu được tính nhân văn của pháp luật.

Vừa kết thúc phiên tòa vào sáng 13-4, khi bị cáo phải tra tay vào còng vì tội cướp tài sản để quay về trại giam, bà Nguyễn Thị Kim Yến, Hội thẩm nhân dân TP.Biên Hòa liền vội lại gần bị cáo nói: “Hãy cố gắng cải tạo tốt. Sau đợt này về hãy làm ăn và sống đàng hoàng. Chỉ làm người lương thiện thì sống mới an yên được con à”.

Bà Yến tâm sự: “Có những bị cáo có hoàn cảnh đáng thương và hành vi phạm tội đôi khi chỉ là do bộc phát nên rất cần những vị hội thẩm nhân dân khuyên răn, dạy bảo. Theo tôi, giúp bị cáo nhận ra cái sai và biết sửa sai mới là sự thành công của một người hội thẩm nhân dân”.

* Thấu tình đạt lý

Cũng là một trong những vị hội thẩm nhân dân có thâm niên hơn 10 năm, hiện đang làm Trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân tỉnh nên bà Vũ Thị Ngọc Tươi, hiểu rất rõ vai trò của mình trong mỗi bản án mà bà tham gia Hội đồng xét xử. Theo bà Tươi, để thể hiện đúng trách nhiệm thì hội thẩm nhân dân phải thường xuyên cập nhật quy định pháp luật, trau dồi kiến thức về chuyên môn, xã hội để nhìn nhận sự việc công bằng, khách quan, minh bạch hơn.

Bà Trương Thị Thìn (thứ 2 từ trái qua), Trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân TP.Biên Hòa tham gia hòa giải cho các đương sự. Ảnh: T.TÂM
Bà Trương Thị Thìn (thứ 2 từ trái qua), Trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân TP.Biên Hòa tham gia hòa giải cho các đương sự. Ảnh: T.TÂM

Bà Tươi cho biết, ngoài việc đọc hồ sơ vụ án được phân công giải quyết thì hội thẩm nhân dân cũng cần dành nhiều thời gian để tìm hiểu những vụ việc liên quan đến pháp luật khác. Việc này không chỉ giúp hội thẩm nhân dân tự trau dồi thêm kiến thức mà còn rút kinh nghiệm cho bản thân khi xử lý, áp dụng pháp luật vào những tình huống tương tự. Một trong những vấn đề khó khăn nhất trong công tác hội thẩm nhân dân là đối với những vụ việc phức tạp người hội thẩm nhân dân phải dành thời gian và công sức nghiên cứu hồ sơ vụ việc kỹ hơn để có cái nhìn đúng đắn về bản chất sự việc và đưa ra lời khuyên có ý nghĩa.

Ông Đinh Ngọc Hùng, Trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân huyện Trảng Bom tâm sự, ông luôn cố gắng làm sao để mỗi vụ việc được đưa ra xét xử phải thấu tình đạt lý. “Có những vụ án sau khi tòa xét xử xong rồi tôi vẫn lật lại hồ sơ để xem mình có thiếu sót hoặc bỏ lọt chi tiết nào không. Hội thẩm nhân dân phải nắm vững kiến thức pháp luật để nhìn nhận vấn đề chính xác và đưa ra ý kiến, quan điểm đúng pháp luật nhưng vẫn đảm bảo được chữ tình trong các phiên tòa” - ông Hùng trao đổi.

Theo ông Hùng, đã là Hội thẩm nhân dân phải thể hiện được tiếng nói của nhân dân nên không chỉ cần người vững chuyên môn, hiểu rõ pháp luật, mà phải có cái tâm và nhiệt huyết với nghề.

Trong thời gian qua, sau khi thành lập được 6 trung tâm hòa giải, đối thoại trên địa bàn tỉnh thì vai trò, trách nhiệm của các hội thẩm nhân dân nặng nề hơn. Bởi trước khi đưa các vụ án dân sự, hành chính ra xét xử thì đều thông qua công tác hòa giải. Việc thành bại của buổi hòa giải phụ thuộc rất nhiều từ cách phân tích và tuyên truyền của người hội thẩm nhân dân.

Do đó, để nâng cao trình độ và trách nhiệm của hội thẩm nhân dân, theo ông Hùng thời gian tới ngành Tòa án tăng cường tập huấn, cập nhật các kiến thức pháp luật; đồng thời các hội thẩm nhân dân phải tự nghiên cứu nâng cao năng lực công tác để có phương thức giáo dục, cảm hóa hữu hiệu với người phạm tội và đưa ra lời khuyên ý nghĩa, thực sự có tác động đối với đương sự.        

Tố Tâm

Tin xem nhiều