Báo Đồng Nai điện tử
En

Gian nan nghề huấn luyện chó nghiệp vụ

09:04, 01/04/2019

Cảnh khuyển (chó nghiệp vụ) thường được lực lượng công an sử dụng khi tham gia phá các vụ án phức tạp, nhất là ở những nơi nguy hiểm không thể sử dụng cán bộ thì thường phải nhờ chó nghiệp vụ làm tiên phong để vào hiện trường. Để huấn luyện được những chú chó giỏi nghiệp vụ đánh hơi được tội phạm, ma túy, thuốc nổ... là cả một quá trình gian nan, vất vả.

Cảnh khuyển (chó nghiệp vụ) thường được lực lượng công an sử dụng khi tham gia phá các vụ án phức tạp, nhất là ở những nơi nguy hiểm không thể sử dụng cán bộ thì thường phải nhờ chó nghiệp vụ làm tiên phong để vào hiện trường. Để huấn luyện được những chú chó giỏi nghiệp vụ đánh hơi được tội phạm, ma túy, thuốc nổ... là cả một quá trình gian nan, vất vả.

Các chiến sĩ Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh và những chú chó nghiệp vụ lên đường làm nhiệm vụ.Ảnh: T.TÂM
Các chiến sĩ Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh và những chú chó nghiệp vụ lên đường làm nhiệm vụ.Ảnh: T.TÂM

Có những vụ án phức tạp đôi khi tưởng chừng như bế tắc nhưng nhờ sự vào cuộc kịp thời của cảnh khuyển,  tội phạm đã lộ diện.

* Những chiến công thầm lặng

Điển hình như vụ cướp tài sản tại Trạm thu phí đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây vào ngày 7-2. Trung tá Lê Thanh Bình, Đội phó Đội Quản lý và sử dụng động vật nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh kể lại, sau khi nhận được thông tin có đối tượng cướp tại trạm thu phí, lãnh đạo Công an tỉnh đã điều động 4 chú chó nghiệp vụ tham gia phá án.

Theo Trung tá Hà Nguyễn Thanh Phong, Phó trưởng phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, Đội Quản lý và sử dụng động vật nghiệp vụ được xây dựng từ năm 2005 và hiện chỉ có 8 con chó nghiệp vụ nhưng đã lập được nhiều chiến công trong nhiều vụ án quan trọng; đồng thời tham gia trấn áp có hiệu quả các vụ bạo động, biểu tình trên địa bàn tỉnh. Sự góp sức của cán bộ, chiến sĩ huấn luyện và những chú chó nghiệp vụ dù thầm lặng nhưng rất đáng trân trọng.

“Tất cả những hướng đối tượng bỏ chạy đều được chó nghiệp vụ tìm rất chính xác. Tuy nhiên, do lực lượng tiếp cận hiện trường trễ nên kẻ cướp đã bắt xe bỏ trốn trước khi bị phát hiện. Dù không trực tiếp bắt được các đối tượng nhưng nhờ chó nghiệp vụ mà cơ quan điều tra xác định được hướng tẩu thoát của chúng” - Trung tá Bình cho biết.

Không những truy tìm dấu vết hung thủ mà đôi khi ở những nơi nguy hiểm không thể sử dụng cán bộ thì thường phải nhờ chó nghiệp vụ làm tiên phong để vào hiện trường. Kể lại vụ án cướp tiệm vàng Kim Hồng (huyện Nhơn Trạch) vào năm 2006, một cán bộ Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh cho biết, sau khi 2 tên cướp Đinh Văn Thắng (40 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) cùng Hà Văn Thành (39 tuổi, quê tỉnh Quảng Bình) dùng súng giết chết chủ tiệm vàng rồi bỏ chạy đến xã Long An (huyện Long Thành) thì chúng bỏ của, ôm súng trốn vào rẫy sâu. Nhận thấy các đối tượng liều lĩnh, lực lượng không xác định được điểm ẩn náu của bọn cướp nên những chú chó nghiệp vụ được tung ra tìm dấu vết.

“Khi chó nghiệp vụ phát tín hiệu đối tượng đang núp trong một bụi tre, ngay lập tức 50 họng súng tiểu liên của lực lượng truy tìm cùng chĩa vào mục tiêu và bắt giữ thành công kẻ giết người, cướp tài sản. Nếu không nhờ chó nghiệp vụ thì có thể cán bộ, chiến sĩ sẽ bị các đối tượng nã súng bị thương vì lúc này khẩu súng trong tay chúng vẫn còn 16 viên đạn” - một cán bộ Phòng Cảnh sát cơ động kể lại.

* Công việc vất vả

Vừa nhìn thấy Trung úy Nguyễn Đức Hùng, cán bộ Đội Quản lý và sử dụng động vật nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh mở cửa cổng khu huấn luyện, chú chó tên Bank đã nhảy cẫng lên mừng rỡ. Bank là cái tên mà Trung úy Hùng đặt cho chú chó do anh huấn luyện.

Trung úy Nguyễn Đức Hùng, cán bộ Đội Quản lý và sử dụng động vật nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh huấn luyện “lính” cảnh khuyển của mình.Ảnh: T.TÂM
Trung úy Nguyễn Đức Hùng, cán bộ Đội Quản lý và sử dụng động vật nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh huấn luyện “lính” cảnh khuyển của mình.Ảnh: T.TÂM

Nhìn chú chó Bank hiền lành, dễ thương, nhưng theo Trung úy Hùng thì chỉ có chủ nhân mới đến gần nó được chứ nếu gặp người lạ thì nó tấn công không thương tiếc. Ngày đem Bank về, nó vô cùng bướng bỉnh và khó bảo, những ngày đầu huấn luyện Trung úy Hùng hầu như thường xuyên bị nó cắn chảy máu. Thậm chí có những ngày Bank “đình công” rồi nằm dài giả bệnh, không chịu ra sân tập luyện, mãi đến khi Trung úy Hùng thủ thỉ tâm sự thì nó mới hết “nhõng nhẽo” và nghe hiệu lệnh.

“Thời gian đầu huấn luyện một khuyển cảnh cứng đầu thì gian nan lắm, nhưng khi đã vào nề nếp thì nó lại nghiêm túc và làm đúng chỉ dẫn. Đã hơn 2 năm huấn luyện cho Bank, chúng tôi đã trở nên rất thân thuộc. Nó hiểu tôi qua lời nói và cử chỉ trên khuôn mặt còn tôi nhìn ánh mắt nó là biết nó muốn gì rồi” - Trung úy Hùng tâm sự.

Thượng úy Huỳnh Anh Tuấn, cán bộ Đội Quản lý và sử dụng động vật nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh cho biết, tai nạn nghề nghiệp sau hơn 10 năm huấn luyện chó nghiệp vụ của anh là một vết sẹo dài trên lưng. Khi nhận chú chó đầu tiên về nuôi dạy, do chưa quen nên khi tiếp cận nó, anh bị nó tấn công từ phía sau làm rách mảng da lớn. Theo anh Tuấn, việc bị chó tấn công không mấy xa lạ với các cán bộ huấn luyện. Mỗi chú chó nghiệp vụ có đặc điểm, tính cách khác nhau nên phải biết vỗ về, chăm sóc tỉ mẩn từ khâu ăn uống, vệ sinh đến giấc ngủ, khi thấy đủ an toàn và thân thiết thì chó mới nghe lời người huấn luyện.

“Với chó nghiệp vụ thì mỗi người chỉ được nhận chăm sóc và huấn luyện được một con cho đến lúc nó chết. Sau đó,  nếu muốn nuôi tiếp thì sẽ phải đi học lại và nhận một chú chó khác về huấn luyện từ đầu” - Thượng úy Tuấn phân tích thêm.

Theo Thượng úy Tuấn, các chú chó được chọn huấn luyện thường thuộc giống Rottweiler, Berger, Cocker...Thời gian để đào tạo thành chó nghiệp vụ sẽ mất từ 3-6 tháng và khó khăn nhất là giai đoạn làm quen từ 7-10 ngày... Ban đầu chỉ làm công tác tắm rửa, chải lông, cho ăn uống và tập những động tác nằm, ngồi đơn giản. Sau khi quen dần thì những cán bộ bắt đầu huấn luyện chó mỗi ngày theo giáo trình và từng khoa nghiệp vụ khác nhau.

Mỗi chú chó với tính cách khác nhau sẽ được đào tạo với chuyên khoa khác nhau như: khoa giám biệt mùi hơi (chó hình sự), chuyên khoa giám biệt nguồn hơi (các chất như ma túy, thuốc nổ...), chuyên khoa bảo vệ và truy vết. Huấn luyện chó nghiệp vụ là một quá trình hết sức gian nan, vất vả, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải đam mê, yêu nghề và có tính kiên nhẫn cao. Công việc huấn luyện chó nghiệp vụ là “nuôi quân 3 năm, dụng 1 giờ”. Tuy nhiên mỗi một giờ sử dụng mà có ý nghĩa quan trọng trong việc phá án thành công thì chiến công đó của họ rất đáng tự hào.

Tố Tâm

Tin xem nhiều