Báo Đồng Nai điện tử
En

Mở "cánh cửa thép", tiến công giải phóng Sài Gòn

09:04, 19/04/2019

44 năm trôi qua nhưng trong ký ức của nhiều cán bộ, chiến sĩ cùng sát cánh trong Chiến dịch Xuân Lộc vẫn không thể quên những trận đánh ác liệt với nhiều diễn biến bất ngờ tạo nên chiến thắng vang dội ở Xuân Lộc - Long Khánh. Thắng lợi của chiến dịch kéo dài 12 ngày đêm này đã mở "cánh cửa thép" Xuân Lộc cho các binh đoàn chủ lực tiến công vào giải phóng Sài Gòn từ hướng Đông.

44 năm trôi qua nhưng trong ký ức của nhiều cán bộ, chiến sĩ cùng sát cánh trong Chiến dịch Xuân Lộc vẫn không thể quên những trận đánh ác liệt với nhiều diễn biến bất ngờ tạo nên chiến thắng vang dội ở Xuân Lộc - Long Khánh. Thắng lợi của chiến dịch kéo dài 12 ngày đêm này đã mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc cho các binh đoàn chủ lực tiến công vào giải phóng Sài Gòn từ hướng Đông.

Chiến sĩ Quân đoàn 4 tiến vào tiếp quản tỉnh lỵ Long Khánh vào sáng 21-4-1975. Ảnh: Tư liệu
Chiến sĩ Quân đoàn 4 tiến vào tiếp quản tỉnh lỵ Long Khánh vào sáng 21-4-1975. Ảnh: Tư liệu

Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) cho biết, Xuân Lộc - Long Khánh là tuyến phòng thủ quan trọng của quân đội chế độ cũ với hệ thống phòng ngự dày đặc, được mệnh danh là “cánh cửa thép” Xuân Lộc. Địch nhận định “mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn” nên đã tập trung một lực lượng lớn để phòng thủ Xuân Lộc.

* 12 ngày đêm “giằng co” với địch

Có mặt tại Xuân Lộc ngay ngày đầu tiên của Chiến dịch Xuân Lộc (9-4-1975), ông Nguyễn Nhớ (ngụ phường Bửu Long, TP.Biên Hòa, Trung đoàn 165, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4) kể lại, đúng 5 giờ 45 phút sáng 9-4, pháo của bộ đội chủ lực bắn cấp tập vào các tuyến phòng thủ của địch mở màn Chiến dịch Xuân Lộc. Khoảng 1 tiếng sau, các cánh quân giải phóng bắt đầu ồ ạt tiến công.

Xe tăng Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng tỉnh lỵ Long Khánh vào sáng 21-4-1975. Ảnh Tư liệu.
Xe tăng Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng tỉnh lỵ Long Khánh vào sáng 21-4-1975. Ảnh Tư liệu.

“Sau 1 ngày đồng loạt tiến công từ các hướng, địch bị thiệt hại nặng nề. Hệ thống phòng thủ ở trung tâm tỉnh Long Khánh khi ấy bị phá vỡ. Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên một số vị trí quan trọng của địch, ngay cả hậu cứ Sư đoàn 18 địch (đơn vị chủ lực của tuyến phòng ngự) cũng bị tấn công” - ông Nhớ cho biết.

Tuy nhiên, khi phát hiện ra ý đồ chiến thuật của quân giải phóng, lập tức quân đội Sài Gòn điều chỉnh lực lượng phòng thủ và dồn quân, tiếp viện liên tục từ Biên Hòa về Long Khánh với quyết tâm bảo vệ bằng được “cánh cửa thép” Xuân Lộc.

Trong Chiến dịch Xuân Lộc, ta tiêu diệt 2.056 tên, bắt sống 2.731 tên địch, tiêu diệt Chiến đoàn 52, đánh thiệt hại nặng Sư đoàn Bộ binh 18 và Lữ đoàn dù số 1 của địch, phá hủy 48 xe quân sự và 1,5 ngàn súng (có 14 khẩu pháo).

Trung tướng Lê Nam Phong kể lại: “Trước sự kháng cự điên cuồng của đối phương nên sau 3 ngày nổ súng, chúng tôi vẫn không chọc thủng được phòng tuyến. Trước khó khăn ấy, cấp trên đã chỉ đạo thay đổi phương án tác chiến. Từ chỗ ban đầu tập trung lực lượng chủ lực tấn công trực diện vào những mục tiêu then chốt, chuyển sang bao vây, chia cắt, khống chế mọi ngả đường chi viện tiếp tế nhằm cô lập Xuân Lộc với Biên Hòa”.

Thực hiện chiến thuật mới, rạng sáng 13-4, toàn bộ lực lượng chủ lực của Quân đoàn 4 rút khỏi tỉnh lỵ Long Khánh. Những ngày tiếp theo, lực lượng này tập trung đánh các vùng xung quanh, chia cắt địch với hậu cứ, đánh bật các cuộc tăng viện từ phía Biên Hòa về Long Khánh, cắt đứt quốc lộ 1 ở Trảng Bom và giải phóng thông quốc lộ 20. Sau 1 tuần chuyển phương án tác chiến, quân giải phóng đã đánh gục các đơn vị chủ lực của địch, cắt mọi đường tiếp viện của địch khiến tinh thần binh sĩ Sài Gòn ở Long Khánh hoang mang cực độ.

Ngày 18-4, Quân đoàn 3 chế độ cũ phải dùng máy bay lên thẳng đưa một bộ phận từ phòng tuyến Xuân Lộc về Trảng Bom để cấp tốc củng cố tuyến phòng thủ mới. Đêm 20-4, quân đội Sài Gòn ở Long Khánh tháo chạy mạnh, tỉnh lỵ gần như bỏ trống. 1 giờ sáng 21-4, quân giải phóng tiến vào tiếp quản Long Khánh, phòng tuyến Xuân Lộc chính thức bị phá vỡ, mở đường cho đại quân ồ ạt tiến về giải phóng Sài Gòn.

* Quân dân đoàn kết

Trong 12 ngày đêm lịch sử đập tan phòng tuyến Xuân Lộc, ngoài các đơn vị chủ lực của Quân đoàn 4, còn có sự góp sức không nhỏ của quân dân Long Khánh, nhất là các đơn vị bộ đội địa phương, du kích, biệt động - những người trực tiếp đưa trinh sát quân chủ lực đi nắm tình hình, dẫn đường cho quân giải phóng đến đúng mục tiêu.

Lãnh đạo Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) nhận quân kỳ quyết thắng trước Chiến dịch Xuân Lộc
Lãnh đạo Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) nhận quân kỳ quyết thắng trước Chiến dịch Xuân Lộc

Đặc biệt, Đội biệt động Long Khánh đã chia nhau trinh sát nắm tình hình địch. Khi mở màn chiến dịch, họ còn ngồi ngay trên tháp pháo xe tăng đi đầu, dẫn đường cho quân chủ lực đánh vào các mục tiêu đã chọn.

Ông Đào Bá Lượng, nguyên Đội trưởng Đội biệt động Long Khánh kể lại, ngày đó ông dẫn đường cho một cánh quân trọng yếu đi vào trung tâm tỉnh Long Khánh từ hướng xã Bảo Vinh ngày nay. Tình hình khi đó rất ác liệt, địch trong các cứ điểm chống trả quyết liệt với tinh thần tử thủ theo lời kêu gọi của tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 chế độ cũ và là người chỉ huy cao nhất tuyến phòng ngự Xuân Lộc.

Trước chiến dịch hơn 1 tháng, Thị ủy Long Khánh đã hạ quyết tâm dùng lực lượng tại chỗ, kết hợp giữa vũ trang, chính trị và binh vận, buộc địch đầu hàng, tạo địa bàn cho đại quân tiến công đập tan tuyến phòng thủ phía Đông Sài Gòn của địch ở ngay tại Long Khánh. Bằng nhiều biện pháp tấn công vũ trang, gây áp lực tinh thần, loan truyền tin giả về các cánh quân lớn và liên tục kêu gọi đầu hàng tại các đồn, khu vực phía Bắc Long Khánh... đến ngày 31-3-1975, quân dân Long Khánh đã giải phóng và làm chủ một số ấp vùng ven của tỉnh lỵ Long Khánh. Tuyến phòng thủ khu vực quanh trung tâm tỉnh Long Khánh bị đập tan, tạo điều kiện cho quân chủ lực áp sát và mở đầu Chiến dịch Xuân Lộc sau đó.

Ông Trần Tấn Một, nguyên Xã đội trưởng Bình Lộc cho biết: “Các chiến sĩ dưới quyền của tôi được cắt cử đi cùng các đơn vị chủ lực, dẫn đường cho họ tiến vào các cứ điểm địch. Sau khi giải phóng Long Khánh, các chiến sĩ biệt động, cơ sở mật lại làm nhiệm vụ tiếp quản cơ sở của địch và hướng dẫn quân chủ lực xuôi theo quốc lộ 1 về Biên Hòa, Sài Gòn”.

Sau ngày 21-4-1975, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh, bộ máy lãnh đạo của TX.Long Khánh được hình thành. Thị ủy, Ủy ban Quân quản Long Khánh được thành lập và bắt tay vào việc xây dựng chính quyền cách mạng các cấp, ổn định đời sống của nhân dân, khắc phục hậu quả chiến tranh, trấn áp bọn phản cách mạng, giữ vững tình hình trật tự, an toàn xã hội.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích