Báo Đồng Nai điện tử
En

"Bác sĩ" xe tăng ở Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 22

09:05, 27/05/2019

Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 22 là đơn vị hỏa lực mạnh của Quân đoàn 4 đóng tại TP.Biên Hòa. Để đảm bảo các phương tiện, vũ khí, nhất là các xe tăng luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, các cán bộ Đại đội sửa chữa, Phòng Kỹ thuật lữ đoàn luôn làm hết trách nhiệm, vượt qua các khó khăn để đảm bảo phương tiện hoạt động tốt.

Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 22 là đơn vị hỏa lực mạnh của Quân đoàn 4 đóng tại TP.Biên Hòa. Để đảm bảo các phương tiện, vũ khí, nhất là các xe tăng luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, các cán bộ Đại đội sửa chữa, Phòng Kỹ thuật lữ đoàn luôn làm hết trách nhiệm, vượt qua các khó khăn để đảm bảo phương tiện hoạt động tốt.

Cán bộ Đại đội sửa chữa, Phòng Kỹ thuật, Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 22 kiểm tra xe tăng để tìm ra lỗi hỏng. Ảnh: Đ.Tùng
Cán bộ Đại đội sửa chữa, Phòng Kỹ thuật, Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 22 kiểm tra xe tăng để tìm ra lỗi hỏng. Ảnh: Đ.Tùng

Đại đội sửa chữa, Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 22 có nhiệm vụ tiếp nhận và sửa chữa các loại xe được trang bị của Lữ đoàn, đặc biệt với các loại xe tăng đã sử dụng nhiều năm đòi hỏi thợ sửa chữa phải có kinh nghiệm, nắm bắt tốt các “bệnh” thường gặp của xe để nhanh chóng giúp các xe bị hỏng trở lại hoạt động bình thường.

* “Tập tạ” cùng xe tăng

Thông thường các xe tăng của đơn vị được chính các kíp xe bảo quản. Trong quá trình sử dụng, khi phát hiện các hư hỏng vượt quá khả năng sửa chữa của kíp phải báo lên cấp trên. Lúc đó xe sẽ được đưa về trạm sửa chữa để kiểm tra và sửa chữa.

Trung tá Hoàng Văn Phúc, Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 22 cho biết, thời gian qua Đại đội sửa chữa đã làm tốt nhiệm vụ sửa chữa các loại xe của lữ đoàn được trang bị, đặc biệt là xe tăng góp phần quan trọng vào công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Bên cạnh đó, trong quá trình sửa chữa cũng đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, không để xảy ra mất an toàn lao động.

Những ngày giữa tháng 5 nắng nóng, Trạm sửa chữa của Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 22 khá bận rộn. Bên trong trạm, các cán bộ, chiến sĩ của Đại đội sửa chữa miệt mài bên các cỗ xe đầy mùi dầu nhớt. Thiếu tá Nguyễn Văn Cần, có hơn 23 năm sửa chữa xe tăng cho biết, khó khăn trước tiên của nghề là các máy móc, thiết bị của xe tăng rất nặng. Mỗi xe tăng ở đây nặng khoảng 40 tấn, xe thiết giáp thì trên 10 tấn, kéo theo đó các chi tiết của xe cũng rất nặng, chỉ một mắt xích xe tăng đã hơn 10kg, hay như bánh chịu nặng cũng hơn 250kg... Do đó, trước khi sửa chữa phải nắm vững các quy tắc an toàn và sửa theo đúng phương án đề ra.

“Hiện nay chúng tôi chỉ sửa chữa ở mức độ nhỏ là thay các chi tiết lẻ và mức độ vừa là thay một số chi tiết trong cụm chi tiết của xe. Với các hư hỏng nặng hơn thì đơn vị sẽ liên lạc với các xưởng, nhà máy của Tổng cục Kỹ thuật để sửa chữa, như ở TP.Biên Hòa chúng tôi thường liên hệ với Xưởng X201 và Nhà máy Z751” - Thiếu tá Cần nói.

Vì xe đã sử dụng lâu năm nên nhiều xe có những “bệnh lạ”, đòi hỏi các thợ sửa chữa phải vận dụng linh hoạt kiến thức học ở trường và kinh nghiệm thực tiễn. Như có lần sửa chữa một xe tăng không sử dụng lâu ngày, có một trục đã bị gỉ và bám cứng với thân xe. Các cán bộ, chiến sĩ phải dùng nhiều cách, thậm chí dùng cả búa tạ đập mạnh vẫn không tháo ra được. Trong lúc đó, có một người nghĩ ra cách dùng một trục khác đã bỏ đi và đóng ép vào trục bị gỉ kia, đẩy nó ra khỏi thân xe và đã sửa chữa thành công.

Không chỉ sửa chữa trong đơn vị, hằng năm các thợ sửa chữa xe tăng phải đi cùng đơn vị lúc diễn tập bắn đạn thật ở núi Mây Tàu và không ít lần “ra tay” sửa chữa xe tăng ngay tại thao trường dưới cái nắng nóng gay gắt hoặc cơn mưa tầm tã. Đại úy Nông Việt Anh, Phó đại đội trưởng Đại đội sửa chữa nhớ lại, suốt 12 năm công tác tại đơn vị, nhiều lần ông cùng kíp xe đã mất nhiều giờ để sửa xe tăng, kịp thời đưa xe vào hoạt động theo kế hoạch. Có khi gặp lỗi phức tạp, do thời gian cấp bách, ông cùng kíp xe phải làm việc gần như ngoài trời suốt đêm để khắc phục.

* Tận tâm với nghề

Do cấu tạo của xe tăng phức tạp, nhiều chi tiết đòi hỏi những người thợ phải nỗ lực không ngừng, mỗi xe tăng thường được Đại đội sửa chữa kiểm tra, sửa trong 4-5 ngày với 3 người thợ chịu trách nhiệm. Trong quá trình sửa, nếu phát hiện có thêm các lỗi khác không nằm trong đề xuất của các tiểu đoàn, những người thợ sẽ báo cáo trực tiếp lên cấp trên và đề nghị giữ lại sửa cho xong.

Cán bộ Đại đội sửa chữa, Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 22 kiểm tra 1 động cơ xe tăng trước khi lắp vào. Ảnh: Đ.Tùng
Cán bộ Đại đội sửa chữa, Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 22 kiểm tra 1 động cơ xe tăng trước khi lắp vào. Ảnh: Đ.Tùng

Đại úy Nông Việt Anh kể: “Với nghề này, chúng tôi luôn phải tận tâm, tận lực. Ở đơn vị chúng tôi có nhiều máy móc, thiết bị hỗ trợ, còn ra thao trường diễn tập thì chỉ có một số thiết bị đem theo được, còn lại là phải tự khắc phục. Như việc tháo bánh xe, ở đơn vị thì có kích để nâng xe khỏi mặt đất, còn ra trường bắn thì đất đã mềm, kích không nâng xe được, chúng tôi phải dùng xẻng đào hố ngay dưới bánh cần tháo để tạo khoảng hở giữa bánh với đất, từ đó mới lấy ra được. Hay những khi thời tiết oi bức nhất, trong xe lại không có quạt, chúng tôi vẫn phải chui vào xe để tìm kiếm, phát hiện chỗ hư hỏng để sửa chữa nhanh chóng cho kíp xe tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ”.

Để trau dồi, nâng cao tay nghề, cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp của Đại đội sửa chữa còn thường xuyên được đi học, tập huấn, thi nâng bậc thợ theo định kỳ. Ngoài ra, mỗi lần các thợ của Nhà máy Z751 hay Xưởng X201 đến sửa, cán bộ, chiến sĩ của Đại đội sửa chữa cũng tranh thủ học hỏi thêm các kinh nghiệm áp dụng vào thực tế công tác của đơn vị.

Bên cạnh đó, các thế hệ cán bộ đi trước của đại đội cũng thường xuyên giúp đỡ, hướng dẫn các quân nhân trẻ mới về đơn vị để sớm bắt nhịp công việc. Đại úy Nguyễn Duy Minh, Đại đội trưởng Đại đội sửa chữa cho hay, khi có quân nhân mới về, chỉ huy đại đội sẽ phân công cho các cán bộ có thâm niên hướng dẫn, kèm cặp. Qua các lần sửa chữa trực tiếp và thi nâng bậc thợ, các quân nhân trẻ sẽ sớm có kinh nghiệm và tự tin khi làm nhiệm vụ sau này.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều