Báo Đồng Nai điện tử
En

Ấn tượng sâu đậm về vị Đại tướng tài ba, bình dị

10:05, 03/05/2019

Một trong những điều vinh dự nhất đối với nhiều cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ chính là được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu năm xưa.

Một trong những điều vinh dự nhất đối với nhiều cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ chính là được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu năm xưa.

Ông Trịnh Công Thành (thứ 2 bên phải) trong dịp thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2001. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ông Trịnh Công Thành (thứ 2 bên phải) trong dịp thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2001. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trung tướng Lê Nam Phong (93 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân 2, nguyên chiến sĩ Đại đoàn Bộ binh 308 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ), là một trong những chiến sĩ Điện Biên có nhiều kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp vì ông được nhiều lần gặp gỡ, làm việc với Đại tướng từ Chiến dịch Điện Biên Phủ đến khi hòa bình lập lại.

* Nhớ vị Đại tướng tài ba

Cách đây 65 năm, Trung tướng Lê Nam Phong (khi ấy là Đại đội trưởng Đại đội 225 thuộc Đại đoàn Bộ binh 308 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ) từng được tham dự buổi họp giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cấp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông còn nhớ, chính Đại tướng là người đưa ra sáng kiến phải đào hầm ngầm dưới đất để tiến sát đồn địch cho an toàn và nhấn mạnh nếu bộ đội chạy trên bãi trống thì thương vong sẽ rất lớn.

Trung tướng Lê Nam Phong (nguyên chiến sĩ Đại đoàn Bộ binh 308 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ) kể lại, trong khoảng năm 1961-1962, ông được giao nhiệm vụ đưa Đại tướng thăm một số đơn vị ở Quảng Bình và một số tỉnh khác. Trong những chuyến đi ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chú trọng đầu tiên là vấn đề đời sống vật chất và tinh thần của chiến sĩ; đồng thời kiểm tra kỹ lưỡng, nhắc nhở cụ thể về vấn đề sẵn sàng chiến đấu. Đại tướng còn dành thời gian phân tích về thế trận chiến tranh nhân dân.

“Ai nấy đều nhận thấy đó là một sáng kiến lớn và tự nguyện chấp hành. Quả thực, khi xung phong chiếm các đồn địch, chính các hầm ngầm này đã hạn chế được hỏa lực của địch bắn vào chiến sĩ, giảm tổn thất về người khá lớn” - Trung tướng Lê Nam Phong cho biết.

Trung tướng Lê Nam Phong kể lại: “Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tất cả các chiến sĩ tại Điện Biên đều được đọc thư của Đại tướng nói về 2 vấn đề là đào hào giao thông và quyết tâm đè bẹp sức phản kháng của quân Pháp. Nhiều năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ nội dung lá thư rất dễ hiểu và cụ thể. Trong đó, Đại tướng giúp cho hàng vạn người lính nông dân như chúng tôi hiểu ra tầm quan trọng của nhiệm vụ đào hào tiến sâu vào các điểm cao, khu trung tâm của địch; đồng thời phải bẻ gãy sự phản kháng của không quân và pháo binh Pháp”.

Dưới sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm lên chiến thắng lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Có mặt tại Điện Biên trong ngày chiến thắng lịch sử ấy, ông Vũ Bộ (87 tuổi, ngụ xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa, nguyên chiến sĩ Đại đoàn Bộ binh 316 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ) đã may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Đại tướng đến thăm, chúc mừng các đơn vị tham gia chiến dịch ngay sau chiến thắng.

“Lúc đó, tôi đứng ở xa và thấy nhiều đồng đội phía trước hò reo tên Đại tướng. Cả biển người cứ dồn lên vì ai cũng muốn nhìn tận mắt người chỉ huy của chiến dịch năm ấy. Tôi còn nhớ như in cảnh Đại tướng tươi cười và bắt tay các chiến sĩ trẻ, hỏi han về gia đình, người thân rồi động viên tinh thần mọi người, ai nấy đều có cảm giác Đại tướng rất gần gũi, chân tình” - ông Vũ Bộ kể lại.

* Vị Đại tướng bình dị, gần gũi

Là cựu chiến binh may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp 2 lần, ông Trịnh Công Thành (86 tuổi, ngụ phường An Bình, TP.Biên Hòa, nguyên chiến sĩ Đại đoàn Công pháo 351 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ) cho biết, ấn tượng của ông về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong 2 buổi gặp gỡ đó chính là hình ảnh một vị Đại tướng tài ba nhưng hết mực bình dị, gần gũi.

Ông Vũ Bộ (hàng thứ hai, thứ 6 bên phải) vinh dự được chụp hình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (hàng đầu, thứ 4 bên phải) tại Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh vào năm 2003. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ông Vũ Bộ (hàng thứ hai, thứ 6 bên phải) vinh dự được chụp hình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (hàng đầu, thứ 4 bên phải) tại Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh vào năm 2003. Ảnh: Nhân vật cung cấp

 Ông Thành kể lại, lần đầu tiên ông được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 1952, lúc đó ông mới 19 tuổi, đang đóng quân tại một tiểu đoàn mới thành lập ở tỉnh Hải Dương. Khi Đại tướng đến, ông đề nghị với cấp trên được đứng lên bắt nhịp cho cả tiểu đoàn hát một bài để chào mừng. Khi hát xong, ông bất ngờ khi thấy Đại tướng đến bên ông cười rất tươi, nắm chặt tay ông rồi nói: “Chú bé này bao nhiêu tuổi rồi, nhìn bé thế mà hát khỏe nhỉ, cố gắng mau lớn để còn phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân...”.

 “Nghe lời Đại tướng động viên, tôi rất xúc động và cố gắng luyện tập thật tốt. Sau đó tôi được chọn vào Đại đoàn Công pháo 351 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vào năm 1954. Chính lời Đại tướng động viên đã giúp tôi luôn nỗ lực, không ngại gian khó, hy sinh, xông pha trên mặt trận, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao” - ông Thành bộc bạch.

 Đến năm 2001, ông Thành lại vinh dự được đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng ở Hà Nội. Ông Thành nhắc về kỷ niệm lúc gặp Đại tướng năm 1952, Đại tướng đã nhanh chóng nhớ lại và nắm tay ông hỏi thăm về những năm tháng chiến đấu sau này, thương tích, cuộc sống gia đình, tình hình các cựu chiến binh ở Đồng Nai...

“Tôi được nói chuyện với Đại tướng rất lâu, khi có Đại tá trợ lý vào nhắc ở phía ngoài còn có khách đang chờ thì Đại tướng nói, chú đây là người quen cũ của tôi, gần 50 năm mới gặp lại nhau, cứ để tôi với chú ấy nói chuyện thêm một lúc… Khi ra về, tôi đã ôm chặt lấy Đại tướng và khóc như một đứa trẻ do quá xúc động vì sau mấy chục năm nhưng Đại tướng vẫn còn nhớ đến mình, được Đại tướng hỏi han, quan tâm như người thân trong gia đình lâu ngày không gặp” - ông Thành xúc động kể lại.

Còn ông Vũ Bộ cũng bất ngờ được gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 2003 khi Đại tướng về thăm đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở TP.Biên Hòa. Khi biết ông Vũ Bộ là chiến sĩ Điện Biên, Đại tướng đã siết chặt tay ông như 2 người đồng đội cũ lâu ngày gặp lại và hỏi thăm quê quán ở đâu, ở đơn vị nào, cuộc sống hiện nay ra sao... Khi đó, ông Bộ không cầm được nước mắt vì xúc động trước sự quan tâm của Đại tướng. Đến nay, ông vẫn lưu giữ tấm hình tập thể chụp chung với Đại tướng trong dịp hội ngộ này như một kỷ niệm đẹp.         

Minh Thành

Tin xem nhiều