Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhớ mãi đường lên Điện Biên

09:05, 05/05/2019

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong 56 ngày đêm (từ ngày 13-3 đến 7-5-1954). Để giành được chiến thắng lịch sử vang dội, những chiến sĩ xuất thân từ nông dân đã mất hàng tháng trời chuẩn bị, nhất là việc hành quân từ nhiều địa phương khác nhau, tạo thế trận bao vây cụm cứ điểm của quân Pháp trước khi trận đánh mở màn bắt đầu.

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong 56 ngày đêm (từ ngày 13-3 đến 7-5-1954). Để giành được chiến thắng lịch sử vang dội, những chiến sĩ xuất thân từ nông dân đã mất hàng tháng trời chuẩn bị, nhất là việc hành quân từ nhiều địa phương khác nhau, tạo thế trận bao vây cụm cứ điểm của quân Pháp trước khi trận đánh mở màn bắt đầu.

Các chiến sĩ Đại đoàn 316 hành quân lên Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu
Các chiến sĩ Đại đoàn 316 hành quân lên Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Khi nhắc về những ngày dài hành quân năm ấy, tất cả các chiến sĩ Điện Biên hiện đang sinh sống ở TP.Biên Hòa đều cho biết trước khi đến chiến trường Điện Biên Phủ, mọi thông tin đều được bí mật tuyệt đối. Lúc đó, các cánh quân không biết sẽ đi đâu, đánh ở đâu, chỉ biết tiến về phía trước theo lệnh của cấp chỉ huy.

* “Lòng quyết tâm còn cao hơn núi”

Suốt nhiều năm nay, cứ vào những dịp gần ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Lê Thiếu Lang (91 tuổi, ngụ phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa, Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại Đồng Nai, nguyên chiến sĩ Đại đoàn 351 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ) lại đi thăm những chiến sĩ Điện Biên khác hiện đang sống ở TP.Biên Hòa. Những người lính Điện Biên năm xưa cùng nhau ôn lại kỷ niệm về những năm tháng chiến đấu trên Chiến trường Điện Biên Phủ và điều họ nhớ nhất vẫn là không khí khẩn trương, sôi nổi của hành trình hành quân, vận chuyển pháo lên Tây Bắc những năm 1953-1954.

Ngày 25-4 vừa qua, tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (7-5-1954 - 7-5-2019)” do Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh, thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm thất bại hoàn toàn Kế hoạch Nava, đập tan ý đồ xâm lược của thực dân Pháp, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneve, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, thừa nhận nền độc lập của nhân dân 3 nước Đông Dương.

Ông Lang vẫn còn nhớ vào cuối năm 1953, tiểu đoàn của ông khi ấy được trang bị sơn pháo 75mm và được lệnh hành quân từ tỉnh Tuyên Quang hướng về Tây Bắc. Pháo được kéo bằng ngựa, bò và đi ban đêm. Khi vượt sông, suối thì lại tháo pháo ra thành nhiều chi tiết. Cứ 2 người vác 1 chi tiết để trên bè vượt qua. Ngày đó, pháo được chiến sĩ tự vận chuyển đi trước, đạn do dân công hỏa tuyến đi ngay sau.

“Hành trình kéo pháo từ Tuyên Quang lên Điện Biên theo đường rừng dài hàng trăm cây số, lại  đi nhiều tháng ròng rã và phải vượt qua nhiều nguy hiểm với núi cao, vực sâu, bệnh tật, máy bay địch đánh phá... nhưng chúng tôi vẫn không sờn lòng vì lúc đó lòng quyết tâm cao lắm. Ai ai cũng hành quân với niềm tin mãnh liệt ngày mai quê hương sẽ sạch bóng quân xâm lược” - ông Lang tâm sự.

Với 8 năm kinh nghiệm nơi tuyến đầu đánh Pháp nên khi nhận lệnh hành quân từ tỉnh Phú Thọ lên Tây Bắc từ cuối năm 1953, ông Nguyễn Duy Đăng (93 tuổi, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa, nguyên chiến sĩ Đại đoàn 308 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ) đã có linh cảm sắp tham gia một trận đánh lớn. Ngày đó, hành trang mỗi chiến sĩ mang theo ngoài gạo, bộ quần áo, dép thì mỗi người còn tự mang theo nước đựng trong các ống bằng cây tre, cây bương. Nước được múc vội ở các con suối nằm ven đường nên có nhiều người bị đau bụng, phải chịu đựng bệnh tật kéo dài vì khi đó thuốc men rất thiếu thốn. 

 “Vũ khí ngày ấy cũng thiếu thốn lắm, phần nhiều là thu được của địch, ngay cả cán bộ chỉ huy Trung đội như tôi cũng chỉ có 1 khẩu súng và 24 viên đạn. Nhưng khó khăn bao nhiêu cũng không làm nản lòng chiến sĩ. Thậm chí khi đứng trên các điểm cao nhìn xuống lòng chảo thấy sân bay, cứ điểm của địch với cả pháo, xe tăng mà chúng tôi không hề run sợ, chỉ mong ngày nhận lệnh nổ súng tấn công đánh đuổi quân Pháp ra khỏi đất nước” - ông Đăng cho biết.

* Bất chấp bom đạn của quân thù

Ông Lê Thiếu Lang kể lại, vào đến gần Điện Biên Phủ thì tất cả các loại pháo sẽ có bộ binh hỗ trợ kéo lên khu vực. Pháo được đưa vào trận địa và được giấu trong hầm, ngoài ra còn có trận địa pháo giả. Khi có lệnh bắn thì pháo của một số đơn vị nổ súng, ở trận địa giả được lệnh đánh thuốc nổ để tạo cho quân Pháp trong cứ điểm cảm giác đang bị bao vây bằng rất nhiều pháo các loại.

Các chiến sĩ Điện Biên hiện đang sinh sống ở TP.Biên Hòa ôn lại những ngày chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ 65 năm trước. Ảnh: Đ.Tùng
Các chiến sĩ Điện Biên hiện đang sinh sống ở TP.Biên Hòa ôn lại những ngày chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ 65 năm trước. Ảnh: Đ.Tùng

“Ngay cả việc đào hầm, hào cũng hy sinh nhiều lắm. Hầm, hào được đào bằng xẻng cá nhân, bằng đôi bàn tay chai sạn của những người lính nông dân, đào âm thầm để dần áp sát các cứ điểm, bộ binh khi xung phong cũng tránh được làn đạn của địch. Chính những đường giao thông hào như gọng kìm vươn dài, đã giúp bộ đội Việt Minh áp sát và phá tan tập đoàn cứ điểm của Pháp” - ông Lang nói.

Khi phát hiện các vòng vây đang áp sát dần cụm cứ điểm Điện Biên Phủ, quân Pháp đã nhiều lần thực hiện các cuộc tấn công phá vây nhưng không thành. Không chỉ bộ binh mà dần dần các khẩu pháo cũng được đưa vào vị trí hướng về các mục tiêu đã định. Vùng trời ngay trên “lòng chảo Điện Biên” cũng “hẹp” theo, nhiều máy bay của Pháp mới vài tháng trước còn hạ cánh an toàn xuống Sân bay Mường Thanh, nhưng đến đầu tháng 3-1954 bị pháo của Đại đoàn 351 bắn hạ, quân Pháp chỉ còn có thể tiếp tế bằng cách thả dù.

65 năm trôi qua, ông Bùi Thanh Nghễ (85 tuổi, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa, nguyên chiến sĩ Đại đoàn 312 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ) vẫn nhớ rõ những ngày chiến đấu cuối cùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo của địch phản công rất dữ dội. Rất nhiều chiến sĩ  bị thương trong hào được đồng đội đưa ra tuyến sau. Ngay sát trận địa là các đơn vị dân công liên tục chuyển thương binh về nơi có quân y. Suốt 56 ngày đêm súng nổ vang trời, từ một cụm cứ điểm nằm xung quanh các khoảng rừng xanh tốt nhanh chóng trở nên tan hoang bởi đạn pháo.

“Cuộc chiến ác liệt đến mức nhiều chiến sĩ trẻ tuổi vừa về đơn vị chưa kịp biết tên thì đã hy sinh, nhiều đơn vị sau một đợt xung phong phải về tổ chức lại lực lượng vì hy sinh gần hết... Tuy nhiên không vì vậy mà các chiến sĩ nản lòng, vì mọi người hiểu rằng chỉ có đánh thắng quân xâm lược, đất nước mới có được hòa bình, độc lập thực sự” - ông Nghễ bộc bạch.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều