Báo Đồng Nai điện tử
En

Rượu, bia và ma túy - những "tử thần" lái xe

09:05, 22/05/2019

Chưa khi nào tình trạng lái xe nghiện ma túy, rượu, bia gây tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc gây bức xúc dư luận như hiện nay. Nếu không có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm, ma túy, rượu, bia sẽ tạo nên những "tử thần" lái xe trên đường phố.

[links()]Chưa khi nào tình trạng lái xe nghiện ma túy, rượu, bia gây tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc gây bức xúc dư luận như hiện nay. Nếu không có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm, ma túy, rượu, bia sẽ tạo nên những “tử thần” lái xe trên đường phố.

Bài 1: Ám ảnh những ma men

“Đã uống rượu, bia thì không lái xe”, lời cảnh báo đã quá quen thuộc với nhiều người đi đường. Tuy vậy, hiện nay không ít người vẫn xem thường.

Bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đang khám, theo dõi tình hình sức khỏe cho một bệnh nhân bị chấn thương nặng do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia
Bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đang khám, theo dõi tình hình sức khỏe cho một bệnh nhân bị chấn thương nặng do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia

Tại 2 bệnh viện lớn của Đồng Nai là Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, số vụ cấp cứu do TNGT trong các ngày lễ, tết đều tăng cao, trong đó có nhiều vụ TNGT có liên quan đến rượu, bia.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã tiếp nhận trên 2 ngàn trường hợp cấp cứu do TNGT. Trong đó, số trường hợp bị TNGT mà nguyên nhân xuất phát từ rượu, bia chiếm đến 20-30%. Riêng Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, số bệnh nhân đến cấp cứu do TNGT trong 4 tháng đầu năm lên đến hơn 1,8 ngàn trường hợp, số trường hợp bị TNGT mà nguyên nhân xuất phát từ rượu, bia chiếm khoảng 30%.

* Báo động từ bệnh viện

Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai - nơi thường xuyên cấp cứu những ca tai nạn nghiêm trọng, vào những dịp lễ, tết, số bệnh nhân cấp cứu do TNGT tăng cao. Nếu như ngày thường, bệnh viện chỉ tiếp nhận khoảng 20-40 ca thì dịp lễ, tết tăng 2-3 lần. Đáng lo ngại hơn, số ca tai nạn liên quan đến rượu, bia chiếm từ 50-60%.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, vào các ngày lễ, tết, số ca cấp cứu TNGT không chỉ tăng về số lượng mà tình trạng cũng nặng nề hơn.

Trong các dịp nghỉ lễ, tết vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị và chứng kiến nhiều trường hợp chấn thương sọ não, đa chấn thương, thậm chí tử vong do TNGT sau khi uống rượu, bia. Công tác cứu chữa cũng gặp nhiều khó khăn, bệnh nhân hôn mê sâu do chấn thương kết hợp với nồng độ cồn ảnh hưởng đến quá trình nhận định và cấp cứu ban đầu.

“Nhiều trường hợp nạn nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì đa chấn thương, hơi thở nồng nặc mùi rượu, bia. Điều đáng nói, khi bị chấn thương sọ não do TNGT, bệnh nhân say rượu thường nôn ói gây sặc đường thở dẫn đến nạn nhân bị thiếu ôxy não. Vì thế mà tình trạng chấn thương sọ não cũng nặng nề hơn” - bác sĩ Hoàng cho hay.

Tương tự, tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, số vụ TNGT trong các dịp lễ, tết cũng tăng 30-40% so với ngày thường. Đa số nạn nhân bị tai nạn giao thông là thanh, thiếu niên, có nồng độ rượu, bia trong máu cao. 

Ông Nguyễn Đăng Trường chăm sóc con trai là N.Đ.P. (21 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Trị) đang được điều trị chấn thương sọ não tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: T.Hải
Ông Nguyễn Đăng Trường chăm sóc con trai là N.Đ.P. (21 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Trị) đang được điều trị chấn thương sọ não tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: T.Hải

Bác sĩ Đặng Ngọc Quý Huệ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cũng cho biết, các trường hợp bị TNGT nằm điều trị tại khoa có xu hướng tăng về mức độ nặng, với nhiều ca có tiên lượng tử vong.

“Nhiều trường hợp đưa vào bệnh viện đã quá nặng, gần như không thể cứu được vì những tổn thương sọ não nghiêm trọng kèm đa chấn thương. Có những ca phức tạp, phải phẫu thuật nhiều lần nhưng tiên lượng rất xấu. Hậu quả của chấn thương sọ não thường nặng nề, dù có được cứu sống cũng để lại nhiều di chứng ảnh hưởng ít nhiều đến trí tuệ và khả năng lao động của bệnh nhân” - bác sĩ Huệ nhấn mạnh.

Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, rượu, bia sẽ ảnh hưởng và gây nguy hiểm cho người sử dụng khi tham gia giao thông tùy vào mức độ. Chỉ với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/l khí thở, người sử dụng rượu bia đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ. Nếu nồng độ 0,2mg/l khí thở, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông dễ bị ức chế, giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu ở các mức độ cao hơn, người uống có thể không tự chủ được hành vi cá nhân và có thể tự gây tai nạn cho bản thân hoặc gây thương tích cho những người tham gia giao thông khác.

* Tai nạn đi qua, tang thương để lại

Ai cũng có thể là nạn nhân của tình trạng uống rượu, bia vô tội vạ nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông. Từ người đang làm việc bên đường, dừng đèn đỏ trước giao lộ, chạy trên đường, thậm chí kể cả người đang ngủ trong nhà…

Trường hợp bệnh nhân T.T.Đ. (32 tuổi, ngụ phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) bị chấn thương sọ não đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất là một ví dụ. Lúc bị TNGT, anh Đ. không đội mũ bảo hiểm nên bị chấn thương đầu rất nặng. Hiện các bác sĩ vẫn chưa thực hiện được phẫu thuật và bệnh nhân buộc phải thở bằng máy. Qua xét nghiệm, nồng độ cồn trong máu của bệnh nhân cao gấp 3 lần so với mức bình thường.

Hay anh N.Đ.P. (21 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Trị) được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trong tình trạng chấn thương sọ não, tay chân bị thương do TNGT. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu rất cao. Tính đến nay, anh P. nhập viện đã hơn 10 ngày, trải qua 1 lần phẫu thuật nhưng vẫn chưa hồi tỉnh.

Ông Nguyễn Đăng Trường (cha của anh P.) lo lắng nói, sau cuộc nhậu khuya trên đường về nhà trọ ở xã Long An (huyện Long Thành) thì anh P. tông xe vào đống cát bên đường khiến đầu đập mạnh xuống đất, khuôn mặt biến dạng. Nghe tin con gặp nạn, ông bỏ công việc ở quê vào Đồng Nai chăm sóc. Nhìn con nằm vật vã trên giường bệnh, vết thương chằng chịt khắp người ông không khỏi xót xa.

Chiếc xe container lưu thông với tốc độ cao gây tai nạn giao thông trên quốc lộ 1 đoạn qua khu vực Amata, TP.Biên Hòa
Chiếc xe container lưu thông với tốc độ cao gây tai nạn giao thông trên quốc lộ 1 đoạn qua khu vực Amata, TP.Biên Hòa

Ông Trường vẫn chưa hết bàng hoàng vì tai nạn xảy đến với con mình. Gia cảnh khó khăn, giờ đây, con trai bị tai nạn, ông cũng không biết những ngày tháng tiếp theo sẽ sống ra sao khi chi phí điều trị ngày một tăng, kinh tế gia đình trở nên kiệt quệ mà tình hình sức khỏe của con trai ông vẫn rất xấu.

Với những gia đình có người thân tử vong do TNGT mà nguyên nhân xuất phát từ việc người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia thì nỗi đau đã trở thành ám ảnh không thể nào quên.

Hơn 1 năm sau vụ tai nạn khiến vợ và cháu nội mãi mãi ra đi, ông Lê Văn Bộ (ngụ xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) vẫn chưa hết bàng hoàng. Buổi chiều 3-2-2018, chiếc xe 7 chỗ từ xa lao tới với tốc độ cao đâm vào vợ ông và cháu nội khi đang dừng mua cháo ở bên đường.

Theo lời ông Bộ kể, ngay khi xảy ra tai nạn người lái xe ô tô bước xuống với hơi thở nặng mùi rượu. Người này nói năng, đi lại không vững vàng nên lúc cầm lái đã gây ra tai nạn đau lòng. Nỗi đau chồng lên nỗi đau, sự ra đi của người thân khiến ông vẫn chưa thể nguôi ngoai.

“Từ khi vợ mất, gia đình trở nên trống vắng. Tuổi già, sức khỏe ngày càng suy yếu, phải chi vợ tôi còn sống thì vợ chồng sớm tối có nhau cũng đỡ phần cô quạnh. Tôi mong rằng, những vụ TNGT đau lòng không còn xảy ra. Người điều khiển phương tiện một khi đã uống rượu, bia thì không lái xe” - ông Bộ nói.

Bài và ảnh: Thanh Hải

Xem tiếp bài 2: Tài xế nghiện ma túy - “tử thần” khi lái xe

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích