Báo Đồng Nai điện tử
En

Đánh sập nhiều đường dây "tín dụng đen"

09:05, 10/05/2019

Trước thực trạng diễn biến phức tạp của các tổ chức "tín dụng đen" hoạt động trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh và công an các địa phương đã vào cuộc, điều tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan.

[links()]Trước thực trạng diễn biến phức tạp của các tổ chức “tín dụng đen” hoạt động trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh và công an các địa phương đã vào cuộc, điều tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan.

Công an huyện Xuân Lộc thu giữ nhiều tờ rơi mà các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” phát, dán trên địa bàn. Ảnh: T.Tâm
Công an huyện Xuân Lộc thu giữ nhiều tờ rơi mà các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” phát, dán trên địa bàn. Ảnh: T.Tâm

Hàng chục đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đã bị khởi tố về hành vi cho vay lãi nặng. Sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an đã kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này.

* Triệt phá nhiều băng nhóm cho vay lãi nặng

Một trong những đường dây lớn liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” bị công an phát hiện, triệt phá trong thời gian gần đây phải kể đến vụ Công an TP.Biên Hòa khởi tố, bắt tạm giam 7 đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng do Nguyễn Văn Út (32 tuổi, quê TP.Hà Nội) cầm đầu vào đầu năm 2019.

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong năm 2018 lực lượng công an đã phát hiện 13 nhóm/ 92 đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng. Đặc biệt tại địa bàn TP.Biên Hòa, lực lượng công an xác định được 6 nhóm/43 đối tượng hoạt động chủ yếu tại các phường: Tân Hiệp, Long Bình và các xã: Tam Phước, Hóa An… Ngoài ra, Công an tỉnh còn phát hiện khoảng 20 đối tượng hoạt động riêng lẻ trên địa bàn TP.Biên Hòa. Đặc biệt lực lượng công an đã bắt 2 đối tượng về hành vi giết người xuất phát từ việc đòi nợ thuê.

Theo điều tra của cơ quan công an, đây là đường dây “tín dụng đen” hoạt động với quy mô lớn và bành trướng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Không chỉ cho vay ở TP.Biên Hòa mà nhóm của Út còn mở rộng hoạt động tại các huyện: Trảng Bom, Long Thành, Thống Nhất, Định Quán… Các đối tượng trong đường dây được Út quản lý, sắp xếp chỗ ăn, ở và có nhiệm vụ thông báo, phát tờ rơi khắp các địa phương để dụ người dân vay tiền.

Trong nhiều tháng hoạt động, đường dây này đã cho hàng trăm người dân vay số tiền từ 3-10 triệu đồng/người với lãi suất 50%/tháng. Để qua mặt cơ quan chức năng, Út cho vay tiền dưới hình thức hợp đồng mua hàng trả góp. Qua điều tra, cơ quan công an xác định được 570 người vay với số tiền vay hàng trăm triệu đồng trong số gần 1 ngàn hợp đồng mua hàng trả góp tịch thu được tại nhà của Út. Cơ quan công an cũng xác định thông qua hoạt động cho vay lãi nặng, nhóm của Út đã thu lợi bất chính hơn 170 triệu đồng.

Đặc biệt mới đây, Công an huyện Long Thành cũng đánh sập một đường dây “tín dụng đen” hoạt động ở khu vực Long Thành - Nhơn Trạch do Ngô Anh Tuấn (29 tuổi, quê tỉnh Ninh Bình) cầm đầu. Công an huyện đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Tuấn cùng 3 đối tượng khác để điều tra hành vi cho vay lãi nặng trên địa bàn huyện. Qua xác minh của công an, Tuấn cho gần 30 khách hàng vay số tiền hàng trăm triệu đồng với hình thức trả góp theo ngày và lãi suất khoảng 43%/tháng, thu lợi gần 200 triệu đồng.

Ngoài việc khởi tố 1 vụ/1 đối tượng, Công an huyện Xuân Lộc còn tiến hành rà soát, gọi hỏi răn đe và xử lý hành chính đối với 8 nhóm/35 đối tượng có dấu hiệu hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn. Việc kiên quyết đẩy đuổi các đối tượng này ra khỏi địa bàn đã khiến tình hình cho vay lãi nặng trên địa bàn huyện
không còn hoạt động rầm rộ.

Tại huyện miền núi Tân Phú, công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen” cũng rất được chú trọng. Từ đầu năm 2019, Công an huyện triệt xóa 6 vụ, bắt hàng chục đối tượng cho vay nặng lãi trên địa bàn huyện. Vào tháng 3-2019, từ nguồn tin báo của người dân Công an huyện đã xác minh, khởi tố Trần Kim Đại (23 tuổi) và Quách Văn Linh (24 tuổi, cùng ngụ xã Đắc Lua, huyện Tân Phú) để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

* Hoạt động có tổ chức

Theo nhận định của Công an tỉnh, trong thời gian qua, tình hình các băng nhóm tội phạm hoạt động khá phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi và có sự móc nối giữa các đối tượng trong và ngoài tỉnh. Hầu hết các băng nhóm đều tập hợp các đối tượng có tiền án, tiền sự, đối tượng nghiện ma túy… để hoạt động bảo kê, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản…

Nhóm đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng ở phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) bị bắt giữ. Ảnh: T.Danh
Nhóm đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng ở phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) bị bắt giữ. Ảnh: T.Danh

Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2019 của Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, phần lớn các băng nhóm, tổ chức chuyên cho vay lãi nặng đều từ các địa phương khác đến hoạt động. Trong một số băng nhóm đã bị cơ quan công an phát hiện, triệt phá có nhiều đối tượng đến từ các tỉnh, thành phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng… Những kẻ cầm đầu thường thuê nhà trọ, rủ rê một số đối tượng không có công ăn việc làm đi phát tờ rơi quảng cáo, thu tiền góp và sẵn sàng ra tay uy hiếp khi con nợ không có tiền trả…

Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, các đường dây, tổ chức tín dụng đen hoạt động trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để tránh bị phát hiện. Trong trường hợp bị phát hiện, đối tượng sẽ đối phó với cơ quan chức năng bằng những bản hợp đồng mua bán hàng trả góp hoặc hợp đồng thuê mượn xe tự lái, hợp đồng vay mượn nhưng không ghi lãi suất…

Thượng tá Cao Xuân Hoa, Phó trưởng Công an huyện Xuân Lộc cho biết, để “ngụy trang” hành vi cho vay lãi nặng, các đối tượng đã lập ra các hợp đồng mua hàng trả góp như điện thoại, máy tính hoặc hợp đồng vay không ghi lãi suất cụ thể mà chỉ ghi số tiền vay chính là số tiền phải trả cả gốc lẫn lãi…

Trong các bản hợp đồng này hoàn toàn không đề cập đến bất kỳ một điều khoản nào buộc người mua hàng phải trả lãi suất cao. Bằng những khoản vay cụ thể, các đối tượng sẽ tính toán mức lãi suất rồi áp vào cho một sản phẩm để buộc người vay phải trả dần trong thời gian nhất định (thông thường từ 1-2 tháng) với lãi suất khoảng 50%/tháng. Chính vì vậy, việc phát hiện và xử lý các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Trần Danh - Tố Tâm

Bài 3: Ngăn chặn “tín dụng đen” bành trướng

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích