Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Ngăn chặn "tín dụng đen" bành trướng

10:05, 12/05/2019

Mặc dù, hậu quả vay tiền của đường dây "tín dụng đen" rất nặng nề nhưng đến nay các băng nhóm cho vay nặng lãi vẫn còn hoạt động và tiếp tục có những nạn nhân "sập bẫy". Qua đó cho thấy, để ngăn chặn hoạt động "tín dụng đen" bành trướng không chỉ là trách nhiệm của ngành Công an...

 

[links()]Mặc dù, hậu quả vay tiền của đường dây “tín dụng đen” rất nặng nề nhưng đến nay các băng nhóm cho vay nặng lãi vẫn còn hoạt động và tiếp tục có những nạn nhân “sập bẫy”. Qua đó cho thấy, để ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen” bành trướng không chỉ là trách nhiệm của ngành Công an...

Công an các địa phương tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”
Công an các địa phương tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” Trong ảnh: Số tang vật của các đường dây “tín dụng đen”

 

Nói về tình trạng các tổ chức “tín dụng đen” hoạt động rầm rộ trong thời gian vừa qua, Trung tá Mai Đức Quang, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường Công an TP.Biên Hòa cho rằng một trong những nguyên nhân chính là do nhu cầu vay tiền của người dân rất lớn.

* Có thể khởi kiện yêu cầu tính lại lãi suất

Trung tá Mai Đức Quang cho biết, bên cạnh một số người dân do hoàn cảnh khó khăn cần tiền gấp để chữa bệnh hoặc làm ăn thì cũng có không ít người tìm đến các tổ chức “tín dụng đen” xuất phát từ những nhu cầu không chính đáng như để đánh bạc, tiêu xài phung phí..., khi không có tiền trả nợ lại tiếp tục vay của nhóm này để trả cho nhóm khác dẫn đến lãi mẹ chồng lãi con, mất khả năng chi trả dẫn đến mâu thuẫn và xảy ra xô xát ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương. Trong khi đó, hoạt động “tín dụng đen” đang biến tướng với nhiều thủ đoạn và hình thức hoạt động khác nhau nên cơ quan công an rất khó thu thập chứng cứ để xử lý hình sự.

Đại úy Nguyễn Văn Dũng, Đội phó Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Tân Phú phân tích, để khởi tố được bị can về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự phải hội đủ 2 điều kiện theo Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015 là: xác định được mức lãi suất cho vay gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự và phải chứng minh được hành vi thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên. Trong khi đó, hiện nay các đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng rất tinh vi, đã dùng mọi cách “biến hóa” việc vay nợ thành các loại hợp đồng khác nhau chỉ ghi số tiền nợ, không ghi lãi suất nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

 Đáng chú ý, nhiều người dân sau khi lỡ vay tiền của các đối tượng, tổ chức “tín dụng đen” đã không dám tố cáo vì nghĩ rằng đó là giao dịch dân sự, có sự thỏa thuận giữa hai bên nên phải cố chịu. Tuy nhiên, theo luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh), người vay vẫn có quyền khởi kiện ra tòa hoặc tố cáo đến cơ quan công an để yêu cầu tính lại mức lãi suất cho phù hợp với quy định của pháp luật. Mặc dù việc vay mượn tài sản là quan hệ dân sự nhưng trong Bộ luật Dân sự đã quy định rõ mức lãi suất vay tài sản không được vượt quá 20%/năm khoản vay.

Hơn nữa theo đại diện cơ quan điều tra, pháp luật quy định mức xử phạt đối với hoạt động cho vay lãi nặng chưa mang tính chất răn đe (mức xử phạt cao nhất 3 năm tù), trong khi lợi nhuận thu được rất “khủng” nên các đối tượng vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức các cơ quan pháp luật.

* Kiên quyết đẩy lùi “tín dụng đen”

Tại Hội nghị giao ban khối vận của tỉnh quý I-2019, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn yêu cầu các cơ quan liên quan phải tập trung tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại của “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể cũng cần phối hợp với Ngân hàng chính sách - xã hội tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các nguồn vốn từ ngân hàng để giảm tình trạng vay tiền ở bên ngoài.

 

Đại tá Bùi Hữu Danh, Phó giám đốc Công an tỉnh cho rằng nạn “tín dụng đen” hoành hành đang là tình trạng chung của cả nước chứ không riêng gì Đồng Nai. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Công an tỉnh đã yêu cầu các phòng nghiệp vụ và công an các địa phương tập trung rà soát, xác minh, điều tra, kiên quyết xử lý các vụ việc liên quan.

TP.Biên Hòa là địa bàn khá “nóng” về nạn “tín dụng đen”. Công an thành phố đã ra quân kiểm tra, xác định được 6 nhóm, 43 đối tượng hoạt động “tín dụng đen” chủ yếu tại các phường: Tân Hiệp, Long Bình và các xã Tam Phước, Hóa An... Ngoài ra, qua công tác rà soát, xác minh, Công an TP.Biên Hòa đã xác định được 226 đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng. Lực lượng công an đã lập danh sách các đối tượng hoạt động cho vay để theo dõi, khi có vụ việc xảy ra kịp thời điều tra, xử lý  nhằm kịp thời ngăn chặn, chủ động phòng ngừa hoạt động “tín dụng đen” hoành hành trên địa bàn.

Với những địa bàn vùng sâu, vùng xa như Tân Phú, Thượng tá Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Công an huyện cho biết, để ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen”, ngoài việc thường xuyên rà soát và xây dựng mạng lưới cộng tác viên nhằm sớm phát hiện hoạt động “tín dụng đen” thì phải chú trọng công tác tuyên truyền. “Người dân vùng sâu do thiếu hiểu biết nên dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo. Do đó, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền để người dân hiểu hơn về hoạt động cho vay lãi nặng và sớm trình báo khi có dấu hiệu bị đe dọa, đánh đập...” - Thượng tá Sơn cho hay.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng các tổ chức xã hội khác như: ngân hàng, tổ chức tín dụng... nên có chính sách hỗ trợ tốt để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay dễ dàng hơn. Về vấn đề này, ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, đơn vị đang tích cực, chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành có thẩm quyền để rà soát, chỉnh sửa và bổ sung những quy định về cho vay, xây dựng khuôn khổ pháp lý, góp phần hạn chế tối đa các hệ lụy do hoạt động “tín dụng đen” gây ra.

Gần nhất là việc Chính phủ đã nâng mức vay tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, đã quy định nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm của cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng. Với quy định này sẽ giúp người vay tiền có thể tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn với mức vay cao hơn.

Bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác đấu tranh, triệt xóa các băng nhóm tội phạm của lực lượng công an thì chính mỗi người dân cũng cần phải có những nhận thức, hiểu biết pháp luật để không rơi vào “bẫy” của các đường dây “tín dụng đen”, cùng góp sức ngăn chặn, đẩy lùi, không cho hoạt động “tín dụng đen” bành trướng trên địa bàn.

Trần Danh  - Tố Tâm

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích