Báo Đồng Nai điện tử
En

Những chuyến đò qua sông Cái

11:06, 02/06/2019

Hơn 2 năm nay, dù đã có cầu An Hảo nối cù lao Phố, xã Hiệp Hòa với phường An Bình (TP.Biên Hòa) nhưng ở hai bên bờ sông Cái, nhánh nhỏ của sông Đồng Nai vẫn còn những bến đò nhỏ đưa khách qua sông. Dù lượng khách đã ít dần nhưng một số người lái đò vẫn giữ bến, bám nghề để mưu sinh.

Hơn 2 năm nay, dù đã có cầu An Hảo nối cù lao Phố, xã Hiệp Hòa với phường An Bình (TP.Biên Hòa) nhưng ở hai bên bờ sông Cái, nhánh nhỏ của sông Đồng Nai vẫn còn những bến đò nhỏ đưa khách qua sông. Dù lượng khách đã ít dần nhưng một số người lái đò vẫn giữ bến, bám nghề để mưu sinh.

Ông Đỗ Trọng Công chở khách từ phường Tam Hiệp về bến đò Long Triển (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh: M.Thành
Ông Đỗ Trọng Công chở khách từ phường Tam Hiệp về bến đò Long Triển (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh: M.Thành

Hiện trên tuyến sông Cái còn 2 bến đò phục vụ khách là bến đò Kho và bến đò Long Triển nối từ xã Hiệp Hòa sang phường An Bình và phường Tam Hiệp. Khách đi đò (có sức chứa khoảng trên 20 người và vài xe máy) chủ yếu là người cao tuổi sinh sống ven bờ sông Cái vì gần hơn và không phải đi qua các cung đường đông người.

* Ít khách đi đò

Trước khi chưa có cầu An Hảo bắc qua sông Cái, khách đi đò, phà khá đông đúc, vì nếu đi đường bộ, người dân ở khu vực này phải chạy vòng khá xa. Là gia đình có 3 đời làm nghề lái đò ở bến đò Kho nên anh em ông Trần Văn Quang (ngụ xã Hiệp Hòa) cho biết cảnh chen lấn, xếp hàng chờ đò chỉ còn trong dĩ vãng. Nay bến vắng, người thưa nhưng với những người đưa đò, hễ còn khách thì họ còn chở.

Bến đò Kho là bến đò lâu đời ở xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa). Riêng bến đò Long Triển mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2018. Cả 2 bến đò này đều được cơ quan chức năng cấp giấy phép hoạt động, giúp người dân địa phương ở hai bờ sông Cái di chuyển nhanh chóng hơn.

Hiện tại mỗi ngày, bến đò Kho phục vụ khoảng 300-400 lượt khách, chỉ bằng khoảng 1/3 so với trước đây. Cao điểm cũng chỉ vào sáng sớm và buổi chiều khi học sinh đi học, công nhân đi làm, còn các cung giờ khác trong ngày, đò rất ít khách. Với giá qua đò mỗi lần chỉ vài ngàn đồng/người/lượt nên sau khi trừ chi phí thì mỗi ngày ông Quang và người em gái cũng có khoảng 600 ngàn đồng tiền lời.

Bà Trần Thị Lan (em gái ông Quang, hiện đang là lái đò ở bến đò Kho) cho biết so với trước đây thu nhập có kém hơn nhưng không vì vậy mà anh em của bà bỏ bến đò. Họ đã theo cha học lái đò từ nhỏ nên rất gắn bó với nơi đây. Dù đã qua thời hoàng kim của bến sông này nhưng anh em bà Lan vẫn cố gắng bám trụ với nghề.

“Khách qua đò của tôi khoảng hơn 100 người mỗi ngày nhưng tôi vẫn lái liên tục, cập bến bên này xong là quay lại bên kia ngay chứ không chờ đủ khách, dù chỉ có 1 người khách, tôi vẫn đón. Dù thu nhập cũng giảm đáng kể nhưng anh em tôi không ai muốn đi nơi khác làm vì đã quen nghề, quen con nước và hiện nay đã lớn tuổi, cũng không biết làm gì để sống” - bà Lan thổ lộ.

* Lênh đênh sông nước

Hơn 30 năm mưu sinh bằng việc chở khách qua lại giữa hai bờ sông Cái, ông Trần Văn Quang kể lại, trước đây bà nội của ông đã làm nghề đưa đò ở bến đò Kho, sau đó đến cha ông và hiện nay do 2 anh em ông đảm nhận. Trải qua các thế hệ, con đò cũng “lên đời” dần, từ đò nhỏ chở được 6-8 người và chèo bằng tay (từ thời của cha ông Quang trở về trước) nay đã được thay bằng đò máy, sức chứa gấp 3 lần con đò gỗ ngày xưa.

Khách qua sông Cái từ bến đò Kho (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh: M.Thành
Khách qua sông Cái từ bến đò Kho (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh: M.Thành

Nheo nheo đôi mắt trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió trên sông, ông Quang tâm sự: “Năm tôi 12 tuổi, tôi đã theo cha lái đò, tôi chèo đằng mũi, cha lái phía sau. Nghề này không có sức khỏe tốt thì không thể làm được. Cứ theo nhìn cha mà học làm riết rồi tôi thạo nghề, quen con nước, quen việc ngày ngày dậy sớm đưa đón khách qua đò. Sau này khi đổi sang đò máy thì tôi phải đi học, thi lấy bằng lái tàu để đủ điều kiện hoạt động. Đến giờ dù nắng hay mưa, con đò của tôi vẫn phục vụ bà con đi lại, nhiều khi khách bên này không có ai mà bên kia có người vẫy gọi, tôi cũng chạy qua chứ không để họ chờ”.

Cách bến đò Kho 200m là bến đò Long Triển mới hoạt động hơn 1 năm nay nối từ xã Hiệp Hòa sang phường Tam Hiệp. Phần lớn các lái đò ở đây từng lái phà An Hảo (hiện đã ngưng hoạt động) nên cũng thông thạo con nước khu vực này.

Ông Đỗ Trọng Công, lái đò của bến đò Long Triển cho biết, khi phà An Hảo ngưng hoạt động ông đã thử tìm việc khác nhưng không phù hợp nên quyết định quay lại “đầu quân” cho bến đò Long Triển với mức lương 6 triệu đồng/tháng. “Làm nghề nào quen nghề đó, tuy cực nhưng vui. Hôm nào không chở khách qua sông hoặc bến đò ít khách lại thấy buồn” - ông Công bộc bạch.

Trên sông Cái lượng phương tiện đường thủy di chuyển không nhiều bằng dòng chính của sông Đồng Nai, tuy nhiên công việc lái đò cũng gặp nhiều khó khăn, rủi ro tiềm ẩn. Các lái đò ở đây phải biết tránh các ca nô tốc độ cao, các ghe cào xuôi dòng và nhất là các túi ny-nông rác trôi trên sông mắc vào chân vịt...

“Lái đò ngang qua sông Cái đòi hỏi người lái phải quan sát rộng và kỹ, chủ động tránh các phương tiện khác từ xa. Vì điều khiển phương tiện trên sông muốn dừng, muốn đậu là phải dựa vào dòng chảy, không thể muốn là dừng lại được ngay. Do đó đòi hỏi người đưa đò phải thông thạo con nước, điều khiển đò nương theo dòng chảy sao cho khi cập bờ đúng vị trí và đảm bảo an toàn nhất cho hành khách” - ông Công cho biết.

Minh Thành

Tin xem nhiều