Báo Đồng Nai điện tử
En

Lên núi Chứa Chan chơi dù lượn

09:07, 14/07/2019

Khoảng 3 tháng nay, nhiều người đi ngang khu vực núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) tỏ ra thích thú khi bắt gặp một cánh dù lượn lớn có nhiều màu sắc chao lượn từ trên núi xuống. Người điều khiển cánh dù ấy chính là anh Cao Hà Tân (33 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần thể thao Chân Mây, văn phòng đặt tại huyện Xuân Lộc).

Khoảng 3 tháng nay, nhiều người đi ngang khu vực núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) tỏ ra thích thú khi bắt gặp một cánh dù lượn lớn có nhiều màu sắc chao lượn từ trên núi xuống. Người điều khiển cánh dù ấy chính là anh Cao Hà Tân (33 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần thể thao Chân Mây, văn phòng đặt tại huyện Xuân Lộc).

Anh Cao Hà Tân (trái) kiểm tra hệ thống dù cho các học viên trước khi nhảy. Ảnh: M.Thành
Anh Cao Hà Tân (trái) kiểm tra hệ thống dù cho các học viên trước khi nhảy. Ảnh: M.Thành

Anh Cao Hà Tân đang tiến hành thử nghiệm các chế độ bay, nghiên cứu gió và hoàn tất các thủ tục để thành lập điểm bay dù lượn trên núi Chứa Chan. Dự kiến vào đầu tháng 8, anh Tân sẽ chính thức triển khai hoạt động bay dù lượn dành cho những người đã có kinh nghiệm và huấn luyện bay.

* Đam mê bay dù lượn

Vào một ngày nắng đẹp đầu tháng 7, chúng tôi đã cùng anh Cao Hà Tân đi cáp treo lên núi Chứa Chan. Từ nhà ga trên núi, đi bộ khoảng 100m là đến bãi nhảy dù. Anh Tân còn vác theo lỉnh kỉnh dụng cụ và ba lô đựng dù nặng hơn 10kg.

Anh Tân cho biết, dù lượn được thiết kế để bay từ đỉnh núi và dựa vào sức gió lượn trên không. Thời gian lượn dài hay ngắn tùy thuộc vào độ cao của núi, sức gió và khả năng điều khiển dù của phi công. Dù lượn có giá từ 50 triệu đồng trở lên và tuổi thọ sử dụng khoảng 250-300 giờ phơi nắng. Do điều kiện tiêu chuẩn khắt khe của các hoạt động hàng không, kể cả thể thao hàng không nên các dây của dù được làm rất chắc, chịu trọng lượng lên đến vài tấn.

Năm nay là năm thứ 7 anh Tân chơi bộ môn thể thao dù lượn. Năm 2012, trong một dịp tình cờ, anh Tân biết đến và bắt đầu chơi dù lượn khi đang làm việc trong lĩnh vực dầu khí tại TP.Hà Nội. Cảm giác bay bổng giữa không trung khiến bao căng thẳng trong công việc, cuộc sống dường như “tan biến” nên anh quyết định theo đuổi bộ môn thể thao này. Anh đã đăng ký học ở một câu lạc bộ dù lượn ở miền Bắc. Nhiều lần anh qua Thái Lan để thực hành và đã thi lấy bằng phi công dù lượn.

“Để chơi môn dù lượn yêu cầu người chơi phải bình tĩnh, không nóng vội, không sử dụng các loại dù vượt quá khả năng điều khiển, không thực hiện các động tác mạo hiểm... Sau một thời gian bay đôi cùng huấn luyện viên, bay đơn có huấn luyện viên bay kèm khoảng 1 tháng tập liên tục mỗi ngày, người chơi có thể tự bay một mình” - anh Cao Hà Tân chia sẻ.

* Đưa môn dù lượn về núi Chứa Chan

Trong những lần đi nước ngoài chơi dù lượn, anh Cao Hà Tân nhận thấy đây là cách làm du lịch khá thú vị, nhất là với những địa phương có địa hình đồi núi. Tại Việt Nam, anh và bạn bè đã từng chơi dù lượn ở núi Lang Biang (tỉnh Lâm Đồng), núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh), tuy nhiên tất cả đều khá xa TP.Hồ Chí Minh. Vì vậy, anh đã rà soát tìm kiếm một điểm thuận lợi để chơi dù lượn gần TP.Hồ Chí Minh (nơi anh đang sinh sống). Sau khi khảo sát nhiều nơi, anh phát hiện núi Chứa Chan rất phù hợp nhất là tại đây có hệ thống cáp treo lên đỉnh núi, thị trấn đông đúc dân cư dưới chân núi và nhiều nơi có thể làm bãi đáp mà không vướng dây điện.

Dù lượn nhiều màu sắc tung bay trên núi Chứa Chan sẽ tạo điểm nhấn thu hút du khách về huyện Xuân Lộc. Ảnh: M.Thành
Dù lượn nhiều màu sắc tung bay trên núi Chứa Chan sẽ tạo điểm nhấn thu hút du khách về huyện Xuân Lộc. Ảnh: M.Thành

Đầu năm 2018, anh đã liên hệ UBND huyện Xuân Lộc và các cơ quan chức năng để xin phép thành lập bãi chơi dù lượn. Anh Cao Hà Tân cho biết thêm: “Khi nghe ý tưởng của tôi, lãnh đạo UBND huyện rất ủng hộ. Đơn vị quản lý cáp treo cũng hỗ trợ nhiều vì đây là hình thức làm du lịch “cộng sinh” mà nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện. Sau khoảng 1 năm xin cấp phép tất cả các thủ tục, tôi mua 3 hécta đất tại xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) làm bãi đáp. Đến tháng 3-2019, tôi mới bay thử và cuối tháng 6 vừa qua đã có giấy phép bay chính thức”.

Theo dự kiến đầu tháng 8, anh Tân sẽ đưa bộ môn dù lượn đi vào hoạt động chính thức dành cho những người đã có kinh nghiệm và huấn luyện bay. Riêng hoạt động bay đôi dành cho du khách trải nghiệm sẽ sớm được triển khai sau khi điểm bay dù lượn đi vào hoạt động ổn định.

Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho biết, dự kiến vào cuối năm 2019, UBND huyện Xuân Lộc sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức lễ hội dù lượn trên núi Chứa Chan để thu hút khách du lịch, tạo đà phát triển du lịch cho địa phương.

Hiện anh Tân và các học viên đã có kinh nghiệm bay dù lượn đang tiến hành bay thử nghiệm. Để hoạt động bay ở đây diễn ra an toàn, tất cả người tham gia đều phải tuân theo hướng dẫn của anh Tân. Phía bãi đáp tại xã Xuân Thọ cũng có sự theo dõi của cán bộ Ban Chỉ huy quân sự huyện Xuân Lộc.

Trong lúc nói chuyện với tôi, anh Tân ra phía vách núi và quan sát cờ gió, khi thấy thích hợp, anh ra hiệu cho học viên kéo dù, chạy ra vách núi để nhảy. Gió núi tháng 7 thổi phồng cánh dù và nâng người chơi lên cao, đưa ra phía không trung. Bằng cách điều khiển 2 dây lái, người chơi có thể điều khiển dù bay theo hướng đã định và hạ cánh dưới chân núi.

Anh Nguyễn Minh Trung, một học viên đang chờ bay dù lượn cho biết: “Tôi chơi môn này được 3 năm và hiện đang học để làm phi công bay đôi, sau đó ra TP.Đà Nẵng phục vụ du khách. Đây là môn thể thao mạo hiểm vì vậy an toàn phải đặt lên hàng đầu, người chơi khi bay trên không trung phải tuân theo sự hướng dẫn, phải tự điều khiển tránh các nơi nguy hiểm, nhất là dây điện và cây cối, vách núi. Nghe rất phức tạp, nhưng khi chơi được rồi thì mê lắm, cảm giác như chim bay giữa trời, tận hưởng gió núi táp vào mặt rất sảng khoái”.

Vừa theo dõi các học viên nhảy dù, anh Cao Hà Tân vừa bộc bạch: “Nếu gió tốt thì dù lượn có thể bay từ 6-18 giờ. Núi Chứa Chan lại không quá xa TP.Hồ Chí Minh, có thể đi về trong ngày nên nơi đây hứa hẹn là điểm hút du khách đến trải nghiệm môn thể thao mạo hiểm này. Từ đó tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương phát triển”.

Minh Thành

Tin xem nhiều