Báo Đồng Nai điện tử
En

Thầm lặng bác sĩ gây mê hồi sức

09:07, 22/07/2019

Một công việc thầm lặng nhưng lại góp phần quyết định thành công cho các ca phẫu thuật, quan trọng hơn là mang lại sự "hồi sinh" cho người bệnh, đó chính là những bác sĩ gây mê hồi sức.

Một công việc thầm lặng nhưng lại góp phần quyết định thành công cho các ca phẫu thuật, quan trọng hơn là mang lại sự “hồi sinh” cho người bệnh, đó chính là những bác sĩ gây mê hồi sức.

Bác sĩ Đỗ Thị Trang (Bệnh viện đa khoa Thống Nhất) thăm hỏi tình hình sức khỏe bệnh nhân sau mổ. Ảnh: S.MAI
Bác sĩ Đỗ Thị Trang (Bệnh viện đa khoa Thống Nhất) thăm hỏi tình hình sức khỏe bệnh nhân sau mổ. Ảnh: S.MAI

 * Nghề “đi trước về sau”

Mọi người thường gọi công việc gây mê hồi sức là nghề “đi trước về sau”. Bác sĩ Đỗ Thị Trang, Khoa Phẫu thuật - gây mê hồi sức Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho biết, trong mỗi cuộc phẫu thuật, ê-kíp gây mê luôn phải vào phòng mổ trước để làm các công việc chuẩn bị như: đánh giá tình trạng bệnh nhân có đủ sức khỏe mổ hay không, chuẩn bị phòng mổ và các bước tiền mê, khởi mê cho bệnh nhân. Sau khi gây mê xong, bệnh nhân đi vào giấc ngủ, lúc đó mới đến công việc của các bác sĩ phẫu thuật.

12 năm trong nghề, bác sĩ Nguyễn Văn Định, Trưởng khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chia sẻ, ngay cả khi kỹ thuật viên phẫu thuật cho bệnh nhân, ê-kíp gây mê hồi sức cũng luôn phải theo dõi sát để điều chỉnh liều lượng thuốc mê cho phù hợp; theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn: mạch, huyết áp của bệnh nhân.

“Sau một cuộc phẫu thuật, các phẫu thuật viên có thể ra khỏi phòng mổ, còn ê-kíp gây mê hồi sức vẫn miệt mài làm việc, giúp bệnh nhân thoát mê, thở tự nhiên không phụ thuộc vào máy thở và chờ đến lúc bệnh nhân tỉnh mới yên tâm” - bác sĩ Định bộc bạch.

Đối với bệnh nhân nhi, các bác sĩ gây mê hồi sức cũng đối diện với nhiều áp lực  không kém, nhất là khi gây mê hồi sức cho trẻ sơ sinh. Bác sĩ Bùi Văn Dương, Phó trưởng khoa Phẫu thuật - gây mê hồi sức Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai lý giải: “Cấu trúc cơ thể trẻ sơ sinh chưa phát triển bình thường như người lớn nên trước lúc phẫu thuật, chúng tôi phải khám rất cẩn thận. Bởi đối với trẻ sơ sinh trong quá trình gây mê rất dễ xảy ra co thắt thanh quản và nguy cơ tử vong rất cao. Có những ca mổ phải mất vài giờ để chờ bệnh nhi tỉnh lại, huyết áp ổn định. Lúc đó, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm”.

* Cứu nhiều trường hợp nguy kịch

Trong các ca phẫu thuật cứu sống bệnh nhân nặng trong thời gian qua tại Đồng Nai đều có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ bác sĩ gây mê hồi sức của các bệnh viện.

Bác sĩ Bùi Văn Dương (thứ 2 từ trái qua), Phó trưởng khoa Phẫu thuật - gây mê hồi sức Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đang bơm máu cấp cứu cho bệnh nhi L.Đ.N. Ảnh: S.MAI
Bác sĩ Bùi Văn Dương (thứ 2 từ trái qua), Phó trưởng khoa Phẫu thuật - gây mê hồi sức Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đang bơm máu cấp cứu cho bệnh nhi L.Đ.N. Ảnh: S.MAI

Cách đây 4 tháng, bác sĩ Nguyễn Văn Định đã tham gia cứu sống một bệnh nhân bị đa chấn thương nặng: vỡ gan, vỡ khung chậu, ngưng tim 3 lần do tai nạn giao thông. Bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện đại học y dược Shing Mark đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trong tình trạng mạch, huyết áp không đo được, tím tái. Anh đã cùng đồng nghiệp tham gia cấp cứu đặt ống nội khí quản, vừa nhồi tim vừa đẩy bệnh nhân lên phòng mổ. Sau khi tim, mạch và huyết áp bệnh nhân ổn định trở lại, các bác sĩ tiến hành mổ để cầm máu cứu sống bệnh nhân.

 “Trong quá trình đẩy bệnh nhân từ Khoa Cấp cứu lên phòng mổ, bệnh nhân ngưng tim 3 lần, đồng tử giãn do thiếu ôxy não thời gian quá lâu. Trường hợp này nếu không được hồi sức kịp thời trước khi lên bàn mổ, dù có phẫu thuật cầm máu cứu sống bệnh nhân thì khả năng hồi phục sức khỏe cũng rất thấp” - bác sĩ Định chia sẻ.

Là người đã có nhiều năm gắn bó với công việc gây mê hồi sức, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Loan, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho rằng, gây mê hồi sức là một công việc thầm lặng nhưng đóng vai trò quyết định trong thành công của một ca mổ. Các bác sĩ gây mê hồi sức luôn theo dõi và tham gia xuyên suốt quá trình phẫu thuật, sát cánh cùng phẫu thuật viên cứu sống bệnh nhân.

Hơn 11 năm “canh gác” ở ranh giới sinh tử trong nhiều ca phẫu thuật tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, bác sĩ Dương chưa để xảy ra một sự cố nào cho bệnh nhân dù mổ theo chương trình hay cấp cứu. Có nhiều ca mổ cấp cứu tưởng chừng như sự sống của bệnh nhi không còn nữa nhưng với sự quyết tâm và cố gắng, các bác sĩ gây mê hồi sức cùng với bác sĩ các chuyên khoa khác đã kịp thời cứu sống được nhiều ca bệnh trong tình trạng nguy kịch.

Cụ thể như việc cứu sống bé L.Đ.N. (13 tuổi, ngụ phường Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) bị đa chấn thương nặng khi chơi tàu lượn siêu tốc vào mùng 1 Tết Nguyên đán 2019. Bé N. nhập viện trong tình trạng đa chấn thương rất nặng: xuất huyết ổ bụng, vỡ gan lách, gãy hở xương cánh tay phải, xương đùi phải, xương chày phải, tay và chân phải bị lóc da diện rộng.

 Là người trực tiếp gây mê và hồi sức cho bé N., bác sĩ Dương cho biết: “Bệnh nhi mất rất nhiều máu, mạch và huyết áp không đo được. Các bác sĩ nhiều khoa cùng tiến hành phẫu thuật thì tôi và 2 bác sĩ gây mê nữa vừa hồi sức vừa bơm máu cho bệnh nhân. Đối với trường hợp này, chúng tôi phải bơm máu chứ không kịp truyền máu như những ca phẫu thuật khác, để kịp thời đảm bảo máu cung cấp ôxy cho các mô, nếu không bệnh nhân sẽ dễ bị chết não. Sau 6 giờ phẫu thuật, huyết áp của bệnh nhân tạm ổn, dịch ở ổ bụng loãng dần, khi đó chúng tôi mới nhẹ nhõm được phần nào”.

Theo bác sĩ Đỗ Thị Trang, trong bất cứ ca phẫu thuật lớn hay nhỏ, các bác sĩ gây mê hồi sức đều lo lắng, vì bất cứ sơ sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng tính mạng của bệnh nhân. Đặc biệt đối với những ca mổ tim hở thì càng căng thẳng và phức tạp hơn nhiều, vì mọi thao tác đều phải tính bằng giây và phải chính xác gần như tuyệt đối.

Để một ca phẫu thuật tim hở thành công, theo bác sĩ Trang vai trò của bác sĩ gây mê hồi sức rất quan trọng. Trước khi các kỹ thuật viên tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ gây mê hồi sức phải cho bệnh nhân ngưng tim, sử dụng máy tim phổi nhân tạo, điều chỉnh các thông số sao cho phù hợp với bệnh nhân để cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi.

“Trong quá trình phẫu thuật, nếu có tai biến xảy ra, chẳng hạn như: mạch giảm, huyết áp tụt... thì bác sĩ gây mê hồi sức luôn phải ở tuyến đầu để xử trí kịp thời để cuộc phẫu thuật được diễn ra an toàn, thuận lợi. Bởi trong lúc phẫu thuật tim hở chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể gây mất an toàn cho người bệnh. Do đó, mọi thao tác phải nhanh, chính xác và phải phối hợp nhịp nhàng giữa các ê-kíp phẫu thuật với nhau mới giúp một ca mổ thành công” - bác sĩ Trang cho biết.

Theo bác sĩ Trang, nghề nào cũng có cái hay, cái khó, khi đã chọn thì phải tận tâm, tận lực, phải coi tính mạng người bệnh lên trên hết. Với bác sĩ Trang cùng các đồng nghiệp làm công việc gây mê hồi sức, niềm vui lớn nhất chính là chứng kiến nhiều bệnh nhân khỏi bệnh và trở về với cuộc sống bình thường mà không có biến chứng nào xảy ra.

Sao Mai

Tin xem nhiều