Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp bước học sinh nghèo đến trường

10:08, 05/08/2019

Ngày tựu trường đã rất gần, nhiều phụ huynh đã chộn rộn mua sắm quần áo, sách bút cho con em mình sẵn sàng bước vào năm học mới. Thế nhưng tại huyện miền núi Xuân Lộc, nhiều học sinh vẫn còn phải vất vả mưu sinh cùng gia đình...

Ngày tựu trường đã rất gần, nhiều phụ huynh đã chộn rộn mua sắm quần áo, sách bút cho con em mình sẵn sàng bước vào năm học mới. Thế nhưng tại huyện miền núi Xuân Lộc, nhiều học sinh vẫn còn phải vất vả mưu sinh cùng gia đình...

Em Trần Thị Phương Liên, học sinh lớp 4/2 Trường tiểu học Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) phụ mẹ làm chuối sấy để bán trên núi Chứa Chan
Em Trần Thị Phương Liên, học sinh lớp 4/2 Trường tiểu học Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) phụ mẹ làm chuối sấy để bán trên núi Chứa Chan

Trong những ngày đầu tháng 8, cùng với việc tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp cho năm học mới thì giáo viên của nhiều trường học ở huyện Xuân Lộc đang tất bật với công tác vận động học sinh ra lớp, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

* Vất vả mưu sinh cùng gia đình

Theo chân một số giáo viên Trường tiểu học Lạc Long Quân (xã Xuân Phú) đi vận động học sinh ra lớp, chúng tôi có dịp ghé đến nhà em Lương Thị Trúc Đào (học sinh lớp 4/1 Trường tiểu học Lạc Long Quân, người dân tộc Tày ở xã Xuân Phú). Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, đã xuống cấp, 5 chị em Đào đang ngồi cạo hạt điều để phụ giúp mẹ kiếm thêm thu nhập. Cha của Đào mất sớm, hằng ngày mẹ đi làm công nhân để nuôi 5 chị em Đào ăn học.

“Sắp khai giảng năm học mới, thấy bạn bè có cặp mới, quần áo mới để chuẩn bị đến trường, tụi em cũng buồn. Mẹ em nói ráng cạo hết mẻ hạt điều này và chờ vài hôm nữa khi nhận được tiền lương, mẹ sẽ mua sách vở, quần áo cho đi học” - em Đào bày tỏ.

Bà Phí Thị Hợi, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Xuân Lộc cho biết, hằng năm, huyện đều huy động được từ 11-12 tỷ đồng cho công tác khuyến học - khuyến tài. Trong 6 tháng đầu năm 2019, huyện Xuân Lộc đã vận động được gần 8 tỷ đồng cho công tác khuyến học. Tùy theo từng hoàn cảnh của học sinh, địa phương sẽ có hình thức hỗ trợ phù hợp để các em có thể yên tâm học tập. Huyện Xuân Lộc luôn quyết tâm không để trường hợp học sinh nào phải bỏ học do điều kiện kinh tế khó khăn.

Không riêng gì em Đào, trên địa bàn xã Xuân Phú cũng còn nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thầy Lương Quang Huy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Long Quân cho hay, trường có trên 80% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Mường, Mán, Hoa, Khmer... Vị trí của trường lại nằm rất xa trung tâm hành chính xã.

“Những năm trước đây, do cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn nên cứ sau mỗi kỳ nghỉ hè, các em học sinh nơi đây không trở lại trường học mà theo cha mẹ lên nương làm rẫy, khiến cho tỷ lệ học sinh bỏ học nơi đây còn cao” - thầy Huy cho biết.

Tương tự, con đường đến trường  đi tìm cái chữ của các em nhỏ trên núi Chứa Chan cũng gặp rất nhiều gian nan. Cụ thể như trường hợp của em Trần Thị Phương Liên, học sinh lớp 4/2 Trường tiểu học Xuân Trường (xã Xuân Trường). Phải mất gần 30 phút, chúng tôi mới có thể vượt qua 2 con dốc cao để tìm đến căn chòi nằm cheo leo dọc sườn núi - nơi mấy mẹ con Liên ở để bán chuối sấy cho khách hành hương chùa Gia Lào. Cô học trò Phương Liên với dáng người nhỏ nhắn thoăn thoắt bào chuối phụ mẹ để chiên, sấy bán.

Bà Trịnh Nguyễn Đài Cát Phượng, mẹ em Liên cho hay, năm nào cũng vậy, thời điểm học sinh trở lại trường cũng là thời gian cao điểm của lễ hội chùa Gia Lào. Do vậy, trong những ngày này, hầu hết học sinh trên địa bàn đều phải tất bật phụ giúp cha mẹ bán hàng, làm việc nhà. “Sắp đến ngày trở lại trường rồi, mấy đứa nhỏ ở nhà cũng nôn nao chuyện mua sắm sách vở lắm nhưng chắc phải ít hôm nữa mới có điều kiện xuống núi mua cho con” - bà Phượng nói.

 Ông Cao Thái Phương, nhân viên bảo vệ tại Khu di tích - danh thắng núi Chứa Chan, chùa Gia Lào cho hay: “Mấy trẻ em trên này xuống núi đi học rất vất vả. Sáng sớm, các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 rồng rắn đi bộ xuống núi để đi học, chiều lại cùng nhau vượt qua các con dốc cao để trở về nhà. Hôm nào trời mưa to, gió lớn nhìn các em đội áo mưa xuống núi đi học thấy thương lắm. Khó khăn vậy, nhưng các em rất có ý chí vượt khó, có nhiều em  đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định”.    

* Nỗ lực không để học sinh bỏ học

Cô Vũ Thị Lan, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Xuân Lộc cho hay, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới 2019-2020 đã cơ bản hoàn thành. Toàn huyện hiện có 100% trường đều đạt chuẩn về cơ sở vật chất, trong đó có 63/69 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Các thầy cô Trường tiểu học Lạc Long Quân đến thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc)
Các thầy cô Trường tiểu học Lạc Long Quân đến thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc)

Trong những năm học qua, chất lượng đào tạo của các khối học không ngừng được nâng cao. Cụ thể năm học 2018-2019, tỷ lệ học sinh hoàn thành bậc tiểu học đạt xấp xỉ 100%; đối với THCS, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt gần 99,6%. Trong đó tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt gần 55%.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đó, huyện cũng còn một số học sinh khó khăn về điều kiện kinh tế, học lực yếu, bệnh tật… dẫn đến bỏ học. Cụ thể năm học 2018-2019, huyện có 75 trường hợp học sinh bỏ học, trong đó có đến 58 trường hợp học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số. Ban giám hiệu các trường học cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương, người uy tín tại các địa bàn đi đến từng nhà học sinh tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc các em bỏ học. Qua đó có các giải pháp hỗ trợ phù hợp nên đã vận động 34 em trở lại lớp học bình thường.

Bà Phí Thị Hợi, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Xuân Lộc cho hay, để khắc phục hiệu quả tình trạng học sinh bỏ học, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác huy động quỹ khuyến học, khuyến tài; kịp thời hỗ trợ các điều kiện cần thiết như: tặng học bổng, sách vở, dụng cụ học tập, xe đạp, kể cả việc xây nhà khuyến học cho những em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Bên cạnh đó, theo Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Xuân Lộc Vũ Thị Lan, đối với các em học sinh vùng dân tộc thiểu số, các giáo viên sẽ phổ cập thêm bộ môn tiếng Việt để các em có thể theo kịp với các học sinh khác. Ngoài ra, đối với học sinh ở địa bàn vùng sâu, vùng xa như ở núi Chứa Chan hay khu vực ấp Bằng Lăng (xã Xuân Tâm), các trường sẽ bố trí chỗ ăn, chỗ nghỉ trưa để các em có điều kiện học tập tốt nhất.

Hải Đình

Tin xem nhiều