Báo Đồng Nai điện tử
En

Vui buồn của một hòa giải viên cơ sở

10:08, 07/08/2019

Mỗi khi người dân trong ấp 6, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) có chuyện khúc mắc, xích mích lại tìm đến nhờ ông Trần Hữu Tài (67 tuổi, Trưởng ấp 6, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp 6) giải quyết. Nhiều vụ việc đã được ông Tài cùng Tổ hòa giải ấp 6 hòa giải thành công, góp phần giảm căng thẳng, bức xúc kéo dài cho người dân địa phương.

Mỗi khi người dân trong ấp 6, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) có chuyện khúc mắc, xích mích lại tìm đến nhờ ông Trần Hữu Tài (67 tuổi, Trưởng ấp 6, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp 6) giải quyết. Nhiều vụ việc đã được ông Tài cùng Tổ hòa giải ấp 6 hòa giải thành công, góp phần giảm căng thẳng, bức xúc kéo dài cho người dân địa phương.

Ông Trần Hữu Tài (cầm lái), Trưởng ấp 6, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp 6, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) cùng thành viên tổ hòa giải của ấp sẵn sàng có mặt giúp dân khi có tin báo tranh chấp, xích mích xảy ra.
Ông Trần Hữu Tài (cầm lái), Trưởng ấp 6, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp 6, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) cùng thành viên tổ hòa giải của ấp sẵn sàng có mặt giúp dân khi có tin báo tranh chấp, xích mích xảy ra.

Mới đây, ông Trần Hữu Tài đã vinh dự là một trong 14 tổ trưởng tổ hòa giải cơ sở được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải cơ sở giai đoạn 2014-2018.

* Hòa giải thành nhiều vụ việc phức tạp

Ông Tài cho biết, phần lớn các vụ việc ông tham gia hòa giải liên quan đến tranh chấp đất đai, ranh giới đất; xích mích, mâu thuẫn gia đình; vấn đề ô nhiễm môi trường... Trong số đó, phức tạp nhất là hòa giải các vụ tranh chấp đất đai hoặc tài sản trên đất vì đòi hỏi hòa giải viên không chỉ nắm chắc các quy định của pháp luật mà còn nắm được nguồn gốc sử dụng đất, có khả năng thuyết phục các bên xóa bỏ những bất hòa, xung đột về lợi ích.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp trao bằng khen của UBND tỉnh cho ông Trần Hữu Tài, Trưởng ấp 6, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp 6, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) vì có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải cơ sở

Gần nhất, vào cuối tháng 4-2019, ông Tài và các thành viên Tổ hòa giải ấp 6 đã hòa giải thành công một vụ việc tranh chấp cây trồng trên đất giữa 2 hộ gia đình ông N.V.D. và ông L.V.H. (ngụ ấp 6). Ông D. khiếu nại ông H. cho người vào cưa tràm trên đất của ông D. là sai. Vì nguồn gốc 1 hécta đất trồng tràm này do cha của ông D. cho ông H. thuê trồng tràm trong 5 năm (hợp đồng miệng). Khi hợp đồng cho thuê giữa đôi bên kết thúc, vào năm 2009, ông H. đã thu hoạch cây trồng và trả đất cho ông D. (do cha ông D. đã chết).

Sau đó, ông D. cho ông M. thuê đất nhưng ông M. không sản xuất gì trên đất này và 1 năm sau cũng trả lại đất cho ông D. Từ đó, những gốc tràm mà ông H. thu hoạch còn lại nay đã nảy nhánh và lớn thành cây, ông H. cho rằng, số tràm đó là của ông nên cho người vào thu hoạch tiếp lần 2.

Qua tìm hiểu, ông Tài và Tổ hòa giải ấp 6 nhận thấy nội dung trình bày của ông D. là đúng và ông H. cùng nhiều nhân chứng sản xuất lân cận cũng thừa nhận đó là sự thật. Tuy vậy, ông H. vẫn đưa ra lý lẽ là do sau khi trả đất, ông D. và ông M. không tác động gì đến khu đất này một thời gian dài và để chồi tràm cứ vậy lớn lên thành cây thì cây đó phải là của ông. Trước thắc mắc của ông H., ông Tài đã cặn kẽ phân tích, ông H. đã hết hợp đồng thuê đất và trả lại đất cho ông D. Đất này thuộc quyền sử dụng của ông D. nên ông H. không còn quyền lợi gì liên quan đến tài sản trên thửa đất này. Sau đó ông H. hiểu ra sự việc, không đòi lấy số cây trên mà đồng ý giao lại cho ông D. và ông M.

Ông Tài cho biết, không phải vụ khiếu nại nào tổ hòa giải cũng xử lý nhanh gọn như vụ tranh chấp cây trồng nói trên. Có một số vụ ông cùng tổ hòa giải phải kiên trì giải thích, vận động, thuyết phục, tiến hành hòa giải 3 lần mới “êm xuôi”.

Điển hình như vụ tranh chấp lối đi chung giữa bà K. và ông L. (ngụ tổ 5, ấp 6). Ông L. trình bày, lý do ông rào lối đi của bà K. vì trước đó ông có bán đường đi chung cho 6 hộ dân ở phía trong với giá 30 triệu đồng. Do bà K. không góp tiền mua nên ông rào phần đất giáp ranh giữa nhà ông với nhà bà K. chứ không làm ảnh hưởng gì việc đi lại 6 hộ dân kia. Trong khi đó, bà K. thì trình bày, dù bà không góp tiền mua lối đi chung nhưng 6 hộ dân kia đều đồng ý cho bà sử dụng lối đi chung này. Nếu ông L. rào lối đi này thì bà mất đường đi.

Qua tìm hiểu rõ vụ việc, ông Tài và các thành viên tổ hòa giải nhận thấy, sự việc rào lối đi của ông L. tuy đúng về lý nhưng thiếu về tình. Ông Tài còn biết được nguyên nhân sâu xa khiến ông L. rào lối đi vì trước đó ông có mâu thuẫn với người thân của bà K. Khi biết được chuyện này, ông Tài đã vận động, thuyết phục ông L. Sau 3 lần hòa giải, ông L. mới chịu nhượng bộ, mở lại lối đi cho bà K.

* Nhiệt tình với công việc hòa giải

Ông Tài chia sẻ, trong công tác hòa giải, khó khăn nhất chính là do hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, hiểu vấn đề không đúng nên ai cũng bảo thủ cho rằng mình đúng; ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng cộng đồng của vài người dân còn hạn chế nên phát sinh mâu thuẫn tranh chấp. Vì vậy, khi hòa giải các bên không chịu nhường nhịn nhau và lắng nghe nhau để tìm ra giải pháp chung.

Trong 5 năm (2014-2018), Tổ hòa giải ấp 6, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) thụ lý 15 vụ việc theo đơn yêu cầu hòa giải của người dân, trong đó đã hòa giải thành công 15 vụ việc.
Trong 5 năm (2014-2018), Tổ hòa giải ấp 6, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) thụ lý 15 vụ việc theo đơn yêu cầu hòa giải của người dân, trong đó đã hòa giải thành công 15 vụ việc.

“Làm hòa giải viên cơ sở như “làm dâu” cho ấp nên vui có, buồn có. Vui nhất là khi hòa giải thành công những vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn của người dân. Buồn nhất là một số người nghi ngờ tổ hòa giải còn thiên vị” - ông Tài nói.

Để đạt được tỷ lệ hòa giải thành cao, theo ông Tài, khi người dân tranh chấp với nhau đều cho mình là đúng và nói rõ nguyên nhân vì sao lại xảy ra tranh chấp. Khi biết rõ nguyên nhân rồi, các thành viên trong tổ hòa giải đưa ra nhiều phương án để đôi bên thỏa thuận, lựa chọn. Tất cả các phương án đều dựa vào tình làng nghĩa xóm, căn cứ pháp luật hiện hành chứ không phải dựa vào quan điểm nhận định chủ quan của các thành viên tổ hòa giải.

“Bí quyết để hòa giải thành phải dựa trên cơ sở pháp luật cho phép và tình làng nghĩa xóm, lắng nghe ý kiến từng bên, đi sát thực tế vụ việc để phân tích, giải thích và thuyết phục cho đôi bên tường tận; đồng thời giải quyết vụ việc phải dựa trên cơ sở tôn trọng tập thể và ý kiến đồng thuận của đôi bên” - ông Tài tâm sự.

Ông Mai Văn Bồi (ngụ tổ 7, ấp 6, xã Thạnh Phú) bộc bạch, điều ông quý nhất ở ông Tài chính là sự nhiệt tình, việc gì dân cần là đi ngay không nề hà gì. Ngoài hòa giải theo đơn của các đương sự, ông và các thành viên trong tổ hòa giải còn tham gia nhiều cuộc hòa giải tại chỗ khi người dân báo tin để kịp thời can thiệp, ngăn ngừa tình trạng bức xúc không đáng có, nhằm giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.         

Đoàn Phú

Tin xem nhiều