Báo Đồng Nai điện tử
En

Tấm lòng vì mọi người của ''Già làng Đồi Cá''

05:10, 03/10/2019

Tại khu Đồi Cá (xã La Ngà, huyện Định Quán), ông Lê Thí là người có công lớn trong việc khai phá vùng đất mới, sau đó dìu dắt người dân từ quê Thừa Thiên - Huế vào lập nghiệp và giúp đỡ bà con cùng làm ăn...

Đến khu Đồi Cá (thuộc ấp Vĩnh An, xã La Ngà, huyện Định Quán) hỏi thăm ông Lê Thí thì ai cũng biết và bày tỏ sự kính trọng. Chính ông là người có công lớn trong việc khai phá vùng đất mới, sau đó dìu dắt người dân từ quê Thừa Thiên - Huế vào lập nghiệp và giúp đỡ bà con cùng làm ăn vươn lên trong cuộc sống.

“Già làng” Lê Thí (bìa trái) thường xuyên đến thăm hỏi, động viên bà con ngư dân Đồi Cá (xã La Ngà, huyện Định Quán)
“Già làng” Lê Thí (bìa trái) thường xuyên đến thăm hỏi, động viên bà con ngư dân Đồi Cá (xã La Ngà, huyện Định Quán). Ảnh: N.An

Ở tuổi 80, trông ông vẫn còn khỏe khoắn, minh mẫn. Hiện ông không còn trực tiếp vươn khơi đánh bắt thủy sản, không tham gia làm công tác xã hội, nhưng uy tín của ông đối với người dân vùng Đồi Cá vẫn được xem trọng. Mỗi khi Đồi Cá tổ chức cuộc họp thì bà con đều mời ông Thí đến dự để lắng nghe đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm. 

* “Chinh phục” vùng đất mới

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hữu Phước nhận xét: “Ở khu vực lòng hồ Trị An, nơi nào cũng giống như ở Đồi Cá thì chúng tôi khỏe. Bởi ngư dân ở Đồi Cá chấp hành rất tốt những quy định về khai thác thủy sản, bà con đánh bắt thủy sản bằng những dụng cụ được cơ quan chức năng cho phép chứ không lén lút sử dụng các dụng cụ đánh bắt bị nghiêm cấm... Để Đồi Cá có được như vậy thì vai trò của những người như “Già làng” Lê Thí rất quan trọng”.

Mới đây, chúng tôi ghé thăm “Già làng” Lê Thí và một số bà con ngư dân ở Đồi Cá. Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt, ngoài trời mưa tầm tã khiến cuộc trò chuyện của chúng tôi cứ kéo dài thêm. Ngồi quây quần bên nhau cùng uống nước trà, ông Thí bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời và hành trình đi lập nghiệp mưu sinh của ông.

“Già làng” Lê Thí sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sau năm 1975, công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh khiến cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Năm 1987, ông quyết định dẫn vợ và các con nhỏ rời xứ nghèo vào Đồng Nai (chỗ ở hiện nay) lập nghiệp với hy vọng về một tương lai tươi sáng.

Đặt chân đến khu vực Đồi Cá, ông Lê Thí lo lắng, hoang mang vì khung cảnh nơi đây còn hoang sơ, trống vắng bóng người và thay vào đó là cây cỏ mọc rậm rạp, rắn rết rất nhiều. Thế rồi, ông vẫn quyết tâm bám trụ để  “chinh phục” miền đất mới. Ông đi vớt những cây tre trôi trên sông La Ngà về dựng nhà để ở và hằng ngày chèo xuồng ra sông, hồ đánh bắt tôm, cá nuôi cả gia đình.

Lúc bấy giờ, cá dưới lòng hồ Trị An nhiều vô kể, thậm chí có những con cá to nặng từ 5-10kg. Ông Thí nghĩ đến chuyện chia sẻ công việc làm ăn với các gia đình đang gặp khó khăn ở ngoài quê. Ban đầu, ông về quê dẫn vài gia đình vào cùng làm chung, sau đó nhiều người biết rồi lần lượt tìm đến Đồi Cá sinh sống ngày một đông và hình thành “làng người Huế”. “Hiện có 140 hộ với trên 500 nhân khẩu đang sinh sống ổn định tại Đồi Cá” - ông Thí cho hay.

Trước đây, người dân dựng nhà tạm ở sát mé sông để hằng ngày chèo xuồng ra sông đánh bắt cá cho tiện. Thế nhưng, khi hồ thủy điện Trị An đưa vào hoạt động thì mực nước ở lòng hồ dâng cao và gây ngập nhiều nơi, nên người dân phải di chuyển lên đỉnh đồi.

“Lúc bấy giờ, vùng đất đồi thuộc quyền sở hữu của một hộ dân khác. Tôi mới tìm đến nhà chủ đất năn nỉ sang nhượng lại để có chỗ cho bà con ở. Mỗi hộ mua 1 nền đất với giá 10 ngàn đồng, nhưng cũng có gia đình quá khó khăn nên không đủ tiền để mua. Tôi phải đứng ra bảo lãnh cho bà con mua đất nợ rồi họ đi làm kiếm tiền trả sau” - ông Thí kể lại.

Năm 1989, ông Thí được chính quyền địa phương và người dân tin tưởng bầu làm Tổ trưởng Tổ ngư dân Đồi Cá. Từ đây, ông Thí dành nhiều thời gian để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Chẳng hạn, ai gặp khó khăn về vốn, ông giới thiệu nơi cho vay tiền với lãi suất thấp để bà con mua sắm ngư cụ làm ăn. Nhờ vậy, nhiều gia đình đã có công ăn việc làm ổn định và điều kiện kinh tế gia đình ngày càng khá lên.

Ngư dân Lê Văn Phúc cho biết, năm 1989, gia đình ông rời quê Thừa Thiên - Huế để đến Đồi Cá lập nghiệp cho đến nay đã 30 năm. Thời gian đầu, gia đình ông gặp nhiều khó khăn vì không có vốn và không biết phải bắt đầu từ đâu. Thế rồi, ông được “Già làng” Lê Thí giới thiệu nơi vay vốn để mua sắm ngư cụ, phương tiện, đồng thời hướng dẫn cách đánh bắt thủy sản sao cho hiệu quả. Nhờ nghề đánh bắt cá, vợ chồng ông ngày càng ăn nên làm ra và có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, sắm sửa tiện nghi trong gia đình và lo cho 4 người con ăn học đàng hoàng. Người con trai đầu của ông đã học xong đại học và hiện đi làm với mức lương trên 15 triệu đồng/tháng.

* Đùm bọc nhau trong cuộc sống

Với nghề đánh bắt cá, ông Lê Thí đã nuôi 10 người con ăn học nên người. Hiện các con ông đều lập gia đình và có công việc ổn định.

Ngoài việc tận tình giúp đỡ bà con trong công việc làm ăn, “Già làng” Lê Thí còn tích cực làm công tác xã hội. Lúc trước, Đồi Cá thường bị cô lập với đất liền, vì nước lòng hồ Trị An dâng cao và gây ngập xung quanh. Người dân muốn vào đất liền phải chèo thuyền nhưng mất nhiều thời gian. Từ đó, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn trong mùa mưa bão, nhất là học sinh đi học.

Năm 1993, ông Thí đi nhiều nơi vận động mạnh thường quân về hỗ trợ kinh phí để đắp con đập dài 100m nối liền từ Đồi Cá vào đất liền. Từ ngày con đập đưa vào sử dụng đã giúp cho bà con đi lại thuận tiện hơn, bến cá hoạt động nhộn nhịp hơn khi tiểu thương tìm đến thu mua cá ngày càng đông.

Lúc bấy giờ, số lượng trẻ em ở độ tuổi đi học ở khu Đồi Cá ngày càng đông. Trong khi, các em muốn đến trường học chữ phải vượt chặng đường xa xôi, cách trở vào trong đất liền. Cuối năm 1993, ông đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ tiền xây dựng trường tiểu học để trẻ em Đồi Cá không bị “mù chữ”.

Nghề đánh bắt thủy sản đã giúp ngư dân Đồi Cá (xã La Ngà, huyện Định Quán) có cuộc sống ổn định. Ảnh: N.An
Nghề đánh bắt thủy sản đã giúp ngư dân Đồi Cá (xã La Ngà, huyện Định Quán) có cuộc sống ổn định. Ảnh: N.An

Năm 2007, ông Thí còn làm đơn đi “gõ cửa” các cơ quan chức năng xin cấp điện chiếu sáng cho Đồi Cá. Một lần nữa, ông tìm nguồn vay vốn với lãi suất thấp, rồi đứng ra bảo lãnh cho người dân vay tiền nộp để kéo điện về. Nhờ đó, ngư dân Đồi Cá có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, đời sống ngày càng nâng lên.

Năm 68 tuổi, “Già làng” Lê Thí xin chính quyền địa phương cho nghỉ nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ ngư dân Đồi Cá để bầu lớp trẻ lên làm. Tuy vậy, người dân vùng Đồi Cá vẫn xem ông như một “quân sư”. Mỗi khi Đồi Cá tổ chức cuộc họp thì ông đều đến dự để tham gia đóng góp ý kiến. Ông thường khuyên nhủ bà con phải cố gắng làm ăn chân chính, chỉ sử dụng các loại ngư cụ đánh bắt thủy sản mà Nhà nước cho phép, không được làm những việc bị cấm như: kích điện, sử dụng lưới mùng bắt cá lớn lẫn cá bé… để các loài thủy sản không bị hủy diệt, các đời con đời cháu sẽ còn cá để đánh bắt.

Khi đời sống đã ổn định, bà con tích cực chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng của khu Đồi Cá theo chương trình nông thôn mới. Nhờ vậy, bộ mặt khu vực Đồi Cá hôm nay đã có nhiều đổi thay, những căn nhà tranh vách đất xập xệ ngày nào đã được thay bằng những ngôi nhà tường gạch kiên cố với đầy đủ tiện nghi. Hầu hết các tuyến đường xương cá và trục đường chính đã được tráng bê tông sạch sẽ, giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và đi học của con em được thuận tiện hơn...

 “Tôi rất vui mừng khi chứng kiến Đồi Cá đổi thay từng ngày, bà con có cuộc sống ổn định, con em có điều kiện ăn học đàng hoàng để có một tương lai tốt đẹp” - ông Thí bày tỏ.

Nhân An

Tin xem nhiều