Báo Đồng Nai điện tử
En

Lái ca nô trên tuyến đầu chữa cháy, cứu nạn

09:11, 26/11/2020

Với đặc thù địa hình, môi trường làm việc đặc biệt nên lực lượng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông mỗi khi tiếp cận hiện trường, xử lý sự cố gặp khá nhiều khó khăn. Trong đó, những cán bộ - chiến sĩ (CB-CS) làm nhiệm vụ điều khiển ca nô chữa cháy trên sông đóng vai trò mũi nhọn xung kích, đảm bảo cho lực lượng chữa cháy hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa người và phương tiện trở về an toàn.

Với đặc thù địa hình, môi trường làm việc đặc biệt nên lực lượng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông mỗi khi tiếp cận hiện trường, xử lý sự cố gặp khá nhiều khó khăn. Trong đó, những cán bộ - chiến sĩ (CB-CS) làm nhiệm vụ điều khiển ca nô chữa cháy trên sông đóng vai trò mũi nhọn xung kích, đảm bảo cho lực lượng chữa cháy hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa người và phương tiện trở về an toàn.

Những cán bộ - chiến sĩ lái ca nô của Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh luôn có mặt trên tuyến đầu chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Ảnh: Đăng Tùng
Những cán bộ - chiến sĩ lái ca nô của Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh luôn có mặt trên tuyến đầu chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Ảnh: Đăng Tùng

Toàn tỉnh hiện có 13 sông và kênh với tổng chiều dài hơn 2,3 ngàn km, cùng nhiều hồ chứa nước lớn như: hồ Sông Mây (H.Trảng Bom), hồ Gia Ui (H.Xuân Lộc), hồ Đa Tôn (H.Tân Phú)... Vì vậy, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ trên các hệ thống sông, hồ toàn tỉnh là một nhiệm vụ khó khăn, vất vả của Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên sông - Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, đặc biệt là những người trực tiếp cầm lái ca nô.

* Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ

Về nhận nhiệm vụ tại lực lượng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông từ năm 2015, trung úy Nguyễn Văn Hiền, cán bộ lái ca nô Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên sông - Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho biết, hiện nay đội có nhiều loại ca nô với kích thước và mục đích sử dụng khác nhau. Do đó, để có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, các CB-CS trực tiếp lái ca nô phải thường xuyên luyện tập với tất cả các loại phương tiện đang trong biên chế tại 2 điểm đóng quân của đội tại khu vực cầu Đồng Nai (TP.Biên Hòa) và Khu công nghiệp Ông Kèo (H.Nhơn Trạch).

Hằng ngày, trung úy Nguyễn Văn Hiền phải kiểm tra các ca nô neo tại cầu cảng Tổ trực cầu Đồng Nai thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh. Ảnh: Đăng Tùng
Hằng ngày, trung úy Nguyễn Văn Hiền phải kiểm tra các ca nô neo tại cầu cảng Tổ trực cầu Đồng Nai thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh. Ảnh: Đăng Tùng

Trung úy Nguyễn Văn Hiền nói thêm: “Khác với xe chữa cháy, ca nô chịu sự tác động khá nhiều từ môi trường bên ngoài như: dòng chảy, địa hình sông, thời tiết... nên người điều khiển phải làm chủ được phương tiện mới có thể thực hiện nhiệm vụ. Khi đưa ca nô đi chữa cháy, cứu nạn, phương tiện không thể neo lại vì sẽ bị dòng chảy tác động mạnh mà phải di chuyển liên tục. Chúng tôi phải điều khiển sao cho ca nô vừa tiếp cận được mục tiêu, vừa đảm bảo an toàn, thuận lợi cho CB-CS dùng vòi chữa cháy hoặc lặn tìm nạn nhân”.

Để đảm bảo ca nô, trang thiết bị đi kèm luôn sẵn sàng hoạt động, hằng ngày, các CB-CS được giao nhiệm vụ lái ca nô đều tiến hành kiểm tra các phương tiện, nổ máy rồi chạy quanh khu vực sông đóng quân. Một số CB-CS chia sẻ, công việc này đòi hỏi phải nắm rõ địa hình kênh, rạch tại địa bàn và giữ tỉnh táo khi lái để chân vịt không vướng phải bèo, rác trên sông. Do đó, quá trình khởi động, chạy ca nô mỗi sáng không chỉ giúp người cầm lái làm chủ phương tiện mà còn quen với các dòng chảy, biến động của thời tiết, dị vật trên sông trong ngày.

Do đặc thù của phương tiện cũng như nhiệm vụ, hiện nay các CB-CS lái ca nô của Đội đều có bằng cấp điều khiển phương tiện đường thủy nội địa, thậm chí có thể điều khiển các loại tàu đường thủy lớn. Vừa qua, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cũng cử nhiều cán bộ khác đi học thêm về cách điều khiển ca nô để tăng cường cho lực lượng trên sông này.

Trung úy Đỗ Lê Hòa, cán bộ lái ca nô Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên sông bộc bạch: “Ngoài bằng cấp, chúng tôi còn phải thường xuyên lái hoặc tham gia huấn luyện ở các khúc sông khác nhau để tích lũy kinh nghiệm. Đồng thời, chúng tôi cũng tìm hiểu, mày mò để khắc phục một số hỏng hóc cơ bản khi gặp phải”.

* Nghề nguy hiểm

Với những CB-CS làm nhiệm vụ lái ca nô cứu hỏa trên sông, mỗi lần thực hiện nhiệm vụ là bước vào “cuộc chiến” giữa bản thân và dòng nước chảy xiết, nguy hiểm nhất là trong đêm tối. Vì đa số các vụ cháy trên sông xảy ra vào ban đêm khiến tầm nhìn bị hạn chế, nhưng người lái ca nô vẫn phải di chuyển nhanh chóng đến hiện trường nên khá áp lực. Nếu không lái ca nô chuyên nghiệp và không thông thạo địa bàn sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hằng ngày, trung úy Nguyễn Văn Hiền phải kiểm tra các ca nô neo tại cầu cảng Tổ trực cầu Đồng Nai thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh. Ảnh: Đăng Tùng
Hằng ngày, trung úy Nguyễn Văn Hiền phải kiểm tra các ca nô neo tại cầu cảng Tổ trực cầu Đồng Nai thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh. Ảnh: Đăng Tùng

Trung úy Nguyễn Văn Hiền tâm sự: “Khi đi cứu nạn, ca nô sẽ chở khoảng 3 CB-CS, còn chữa cháy thì chở nhiều người hơn. Nhưng mỗi nhiệm vụ đòi hỏi người lái ca nô phải điều khiển ca nô theo những cách khác nhau. Cụ thể như khi chữa cháy dù tận dụng được nguồn nước dưới sông nhưng ca nô vẫn phải di chuyển liên tục để vòi nước xịt trúng ngọn lửa, vừa đảm bảo an toàn. Còn khi cứu nạn, cứu hộ ngay giữa sông thì người lái phải đảm bảo cho người lặn trồi lên ở vị trí hông, mũi ca nô chứ không phải đuôi để tránh chân vịt đang chạy”.

Theo nhiều CB-CS có thâm niên lái ca nô, khó khăn nhất trong quá trình công tác là phải phụ thuộc nhiều vào dòng chảy của sông, thủy triều, thỉnh thoảng còn là các dị vật trôi gần mặt nước sẽ va vào mạn ca nô. Nguy hiểm nhất là lục bình, lưới cá vì dễ quấn vào chân vịt, ảnh hưởng đến quá trình vận hành ca nô, nên người lái phải quan sát tốt, phản ứng nhanh để tránh các vật cản này.

Ngoài ra, có những khó khăn đến với người lái ca nô từ những hoạt động tưởng chừng đơn giản như: vận hành máy bơm. Do máy bơm trên ca nô có công suất rất lớn nên cả người lính chữa cháy và người điều khiển ca nô phải thật tập trung để đứng vững, không để sơ suất cho nước tràn ngược vào làm chìm ca nô. Ngoài ra, một khó khăn khác đến từ các phương tiện tàu, thuyền (nhiều tàu lớn chở dầu, hàng hóa) liên tục ra vào cảng thuộc địa phận TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương nên quá trình điều khiển ca nô phải cẩn thận, tránh xung đột với sóng lớn từ các phương tiện này tạo ra. 

Trung úy Đỗ Lê Hòa chia sẻ: “Bên cạnh việc tự mình vượt khó, chúng tôi còn xây dựng các “cánh tay nối dài” là những người đánh cá, lái xuồng ven sông. Họ sẽ giúp chúng tôi trong việc cứu nạn, cảnh báo nguy hiểm về dòng nước vì họ mưu sinh trên dòng sông hằng ngày sẽ hiểu rõ về con nước nhất. Nhờ đó, mọi nhiệm vụ được giao, chúng tôi đều hoàn thành tốt, đặc biệt là những lần cứu được người đuối nước trên sông. Khi đó, dù mệt, nhưng anh em ai cũng vui vì đã có mặt kịp thời, đưa các nạn nhân từ lằn ranh sống chết trở về”.

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) đánh giá, những CB-CS điều khiển ca nô là “mũi nhọn” trong nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên khu vực sông nước. Họ giúp lực lượng trực tiếp chữa cháy, cứu nạn đến hiện trường nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình làm nhiệm vụ và đảm bảo an toàn cho tất cả những người có mặt trên ca nô.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều