Báo Đồng Nai điện tử
En

Thợ đá Bửu Long vẫn say nghề

08:03, 03/03/2022

Làng đá mỹ nghệ Bửu Long (TP.Biên Hòa) với trên 300 năm tồn tại. Dù nay chỉ còn lại vài cơ sở, mấy chục người thợ nhưng hằng ngày vẫn không dứt tiếng máy, tiếng đục đá.

Làng đá mỹ nghệ Bửu Long (TP.Biên Hòa) với trên 300 năm tồn tại. Dù nay chỉ còn lại vài cơ sở, mấy chục người thợ nhưng hằng ngày vẫn không dứt tiếng máy, tiếng đục đá.

Tại làng nghề đá mỹ nghệ Bửu Long, đối với một số sản phẩm vẫn còn dùng tới đục, búa trong quá trình chế tác đá. Ảnh: Đoàn Phú
Tại làng nghề đá mỹ nghệ Bửu Long, đối với một số sản phẩm vẫn còn dùng tới đục, búa trong quá trình chế tác đá. Ảnh: Đoàn Phú

Thợ đá Hai Phương (45 tuổi, ngụ P.Bửu Long) đầm đìa mồ hôi khi làm việc dưới nắng trưa oi bức tỏ bày, làm cái nghề này mà sợ nắng, mưa, bụi thì thôi đừng làm…

* Bám nghề

Công việc của thợ đá Hai Phương (làm thuê cho Cơ sở đá mỹ nghệ Tân Phát Hưng) là thổi chữ, phun cát. Thu nhập trung bình của ông cũng được 400 ngàn đồng/8 tiếng làm việc. Nguồn thu nhập này đủ cho ông trang trải cuộc sống bản thân và gia đình.

Cầm cái máy thổi nặng gần chục ký, lia qua lia lại suốt nhiều giờ trên những phiến đá để tạo ra những đường viền tấm bia mộ, với người thợ lành nghề như ông Hai Phương thì nó đơn giản như anh thợ mộc bào gỗ, thợ hồ xây tường. Còn chúng tôi thì trố mắt thán phục sự khéo léo của đôi tay thợ đá Hai Phương khi điều khiển chiếc máy nặng trĩu thực hiện vẽ trên đá theo ý mình một cách rất nhẹ nhàng, uyển chuyển.

Nghỉ tay quẹt mồ hôi đang chảy từ trán xuống mắt, thợ đá Hai Phương cho hay, nghề này chịu khó học và thực hành dưới sự hướng dẫn tận tình của người đi trước thì chưa tới 1 năm sẽ thạo việc. Tuy nhiên, do ngày xưa ông bà hay giấu nghề, chỉ truyền nghề cho con cháu nên người ngoài muốn thạo việc thường lâu hơn. Riêng ông được người chú ruột dạy nghề và kèm cặp tận tình nên chưa tới 1 năm là rành rọt các bước cơ bản của nghề. Từ đó, ông tự do bươn chải cuộc sống.

Còn theo thợ đá Ngọc Lâm (63 tuổi, có trên 45 năm làm nghề), xưa sản phẩm điêu khắc từ làng nghề đá mỹ nghệ Bửu Long rất phong phú, từ vật dụng, đồ dùng sinh hoạt gia đình như: cối đá, ly, chén, bình đựng, bộ cờ đến các kết cấu kiến trúc trong nhà ở, chùa chiền, đình miếu (tán cột, kèo ngang….) hoặc các mảng trang trí, đồ thờ cúng (bát nhang, lư hương, đèn, mảng hoa văn, tượng linh thú, bia mộ…). Nay làng nghề bị thu hẹp, ít người còn giữ nghề nên các sản phẩm của làng nghề chủ yếu phục vụ trang trí và tín ngưỡng như: tượng, bia mộ, tán cột…

 Ông Ngọc Lâm “bật mí”, những người thợ tìm đá nguyên liệu được gọi là thợ làm “đá sống”. Còn người thợ chế tác sản phẩm gọi là thợ làm “đá chín”. Nay thợ “đá sống” không còn vì việc khai thác đá tự nhiên ở khu vực núi Bửu Long bị cấm. Để có nguồn nguyên liệu làm, các chủ cơ sở mua nguyên liệu từ mỏ đá Hóa An hoặc từ tỉnh Bình Dương. “Một khối đá sống muốn thành một sản phẩm cần qua 4 công đoạn tạo tác bao gồm: vạt mảng tạo dáng, vẽ chi tiết trên đá đã tạo dáng, đục hoàn chỉnh và tạo hình, đánh bóng sản phẩm. Ngày xưa dùng thủ công nhiều nên người thợ còn phải sử dụng nhiều thủ thuật với nhiều loại công cụ khác nhau như: đục nhảy, đục phá, đục láng, đục rãnh, đục khớp, đục vòng… để làm cho khối đá trở nên sinh động và có hồn. Khó nhất là công đoạn tạo hình và đánh bóng. Nay tất cả đều dùng máy móc nên công việc đơn giản và nhanh hơn, sắc nét hơn” - ông Ngọc Lâm bộc bạch.

* Còn việc làm là còn gắn bó

Mặc dù làng nghề đá mỹ nghệ Bửu Long chỉ còn vài cơ sở, trên 40 thợ làm nghề nhưng tiếng tăm làng nghề và sản phẩm đá mỹ nghệ Bửu Long vẫn còn đó, tay nghề của lớp thợ trẻ vẫn không thua kém cha anh.

Những khối đá thô được cẩu từ xe xuống, từ đó tùy theo kích cỡ sản phẩm mà cắt nhỏ ra từng khối, phiến. Ảnh: Đoàn Phú
Những khối đá thô được cẩu từ xe xuống, từ đó tùy theo kích cỡ sản phẩm mà cắt nhỏ ra từng khối, phiến. Ảnh: Đoàn Phú

Ông Phạm Duy Linh, chủ Cơ sở đá mỹ nghệ Tân Phát Hưng cho biết, sản phẩm của cơ sở ông nói riêng và sản phẩm của làng đá mỹ nghệ Bửu Long nói chung hiện có mặt khắp từ Nam đến Bắc, vươn xa đến tận Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản… Do đó, nếu nói làng nghề mai một là chưa hoàn toàn đúng. Bởi vì, hiện tại vẫn còn nhiều thợ lành nghề, việc sử dụng máy móc thay thế các công việc thủ công ngày càng chuyên nghiệp nên có thể làm được số lượng lớn sản phẩm trong thời gian ngắn theo yêu cầu của khách hàng với tính đồng bộ cao. Hiện nay, khách hàng từ các tỉnh tìm tới làng nghề để đặt hàng vẫn còn khá nhiều.

Nhìn bộ đồ lao động cũ kỹ ướt đẫm mồ hôi bám chặt cơ thể gầy ốm, thật khó biết thợ chạm Hai Hồng (49 tuổi, ngụ P.Bửu Long) có bằng cao đẳng mỹ thuật tại một trường ở TP.HCM và được các cơ sở đá mỹ nghệ trong và ngoài tỉnh săn đón.

Đặt cái máy chạm nặng trĩu xuống chân, rồi ngồi bệt lên tảng đá nghỉ lấy sức một lúc lâu, thợ chạm Hai Hồng mới thỏ thẻ diễn giải cho chúng tôi biết, đá Bửu Long là loại đá xanh, rất mịn, cứng, không bị phai mờ, hoen ố theo thời gian... Vì vậy, việc chạm trổ cũng khó hơn đá ở mỏ đá Hóa An và tỉnh Bình Dương. “Nghề này cần phải biết khiêm tốn, tự khoe mình giỏi nghĩa là tự chôn tay nghề. Ngoài học từ trường lớp và những người đi trước, muốn giỏi nghề, bắt nhịp với thị hiếu khách hàng, thị trường, người thợ phải tìm tòi học hỏi thêm trên mạng, từ các mẫu mới đang được thị trường ưa chuộng” - thợ chạm Hai Hồng nói.

3 giờ chiều, nắng tháng 3 vẫn không dịu oi bức để cơ thể người thợ đá bớt tứa mồ hôi. Thợ đá già Chín Ngọc (65 tuổi) cất giọng rổn rảng giữa tiếng máy chạm vào đá inh tai nói: “Khi nào tay không cầm nổi chiếc máy, tai không nghe được tiếng búa va vào đá thì tôi mới giải nghệ. Riêng việc làng nghề đá mỹ nghệ Bửu Long khi nào vắng tiếng máy, tiếng búa thì mới hết người làm nghề”.

 Dông dài thêm ít phút khi nghỉ ngơi, thợ đá Chín Ngọc giãi bày, ngày xưa, người thợ tạo nét bằng các dụng cụ thô sơ như: đục, mài bằng tay. Nay nhờ có máy móc nên ít dùng đến tay đục, mài nữa. Do đó, tiếng ồn từ máy móc va chạm với đá nay to và chát chúa hơn. Nói xong, ông lại bắt tay vào công việc thường ngày mà 50 năm qua ông quen thuộc với nó là tạo những phiến đá thành những sản phẩm mỹ thuật như: bia, trụ cột, tượng thú…

Trước khi chia tay tôi, thợ đá Chín Ngọc còn tâm tư thêm, mỗi nghề đều có cái khó nhọc của nó. Nghề chạm khắc đá ở Bửu Long cũng vậy. Dù là thợ giỏi, lành nghề hay người mới vào nghề đều phải vắt sức, tâm trí cho công việc. Phải như vậy thì những phiến đá vô tri, vô giác kia mới trở thành tác phẩm mỹ thuật, đồ mỹ nghệ được.

Thợ chạm Hai Hồng cho hay, có 2 phương pháp điêu khắc đá chính gồm: điêu khắc trực tiếp và điêu khắc gián tiếp. Điêu khắc trực tiếp là đục trực tiếp trên viên đá được chọn dựa vào tính chất, hình dáng tự nhiên của viên đá và các phác thảo hoặc bản vẽ để điêu khắc thành tượng. Điêu khắc gián tiếp là sử dụng mẫu chi tiết theo tỷ lệ thu nhỏ hoặc bằng kích thước thật để chép qua chất liệu đá.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều