Báo Đồng Nai điện tử
En

Rủ nhau đi làm 'cò' đất

08:05, 13/05/2022

Cứ sau mỗi 'cơn sốt' đất, nhiều người lại đổ xô đi làm môi giới bất động sản ('cò' đất). Kéo theo đó là tình trạng người dân từ các nơi cũng đi mua đất với hy vọng mua đi bán lại kiếm lời. Tuy nhiên, không phải ai đi làm 'cò' đất và đầu tư vào đất cũng thành công.

Cứ sau mỗi ‘cơn sốt’ đất, nhiều người lại đổ xô đi làm môi giới bất động sản (‘cò’ đất). Kéo theo đó là tình trạng người dân từ các nơi cũng đi mua đất với hy vọng mua đi bán lại kiếm lời. Tuy nhiên, không phải ai đi làm ‘cò’ đất và đầu tư vào đất cũng thành công.

“Cò” đất tung chiêu giới thiệu cho khách tại một dự án bất động sản trên địa bàn xã Lộc An, H.Long Thành. Ảnh: Thanh Hải
“Cò” đất tung chiêu giới thiệu cho khách tại một dự án bất động sản trên địa bàn xã Lộc An, H.Long Thành. Ảnh: Thanh Hải

Tại H.Long Thành, địa phương đang triển khai xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành hay các huyện lân cận, “cò” đất hoạt động sôi nổi.

* Chạy theo “cơn sốt” đất

Những năm gần đây, thị trường bất động sản ở Đồng Nai chứng kiến nhiều “cơn sốt”, đặc biệt khi sân bay Long Thành được triển khai xây dựng thì nhu cầu về mua, bán đất tại các địa phương trong tỉnh cũng tăng lên. Nghề môi giới bất động sản vì thế mà trở thành nghề “hot” khi có thể mang về nguồn thu nhập cao. Người nọ rủ rê người kia gây ra cảnh người người, nhà nhà đổ xô đi làm “cò” đất.

Ngày 8-5, qua số điện thoại in sẵn trên các tấm giấy treo ở một số tuyến đường của TP.Biên Hòa, chúng tôi đi theo hướng dẫn của một “cò” đất. Địa điểm mà anh T. (“cò” đất) giới thiệu cho khách hàng là một cánh rừng cao su nằm sát trục đường tỉnh 769 (đoạn qua xã Lộc An, H.Long Thành). Tại đây có nhiều bãi đất trống với đủ loại máy móc đang đào xới để làm đường, xây dựng hệ thống thoát nước, đường điện…

Theo lời giới thiệu của người này, đây là dự án được một tập đoàn bất động sản đầu tư, đang được nhiều người săn lùng. Do nằm ở vị trí đắc địa nên thời gian qua, anh T. đã chốt được rất nhiều nền đất cho khách. Nhờ đó, anh đã mua ô tô để thuận tiện cho công việc làm “cò” đất. Anh T. cũng như nhiều người khác, khi thị trường “nóng”, buôn bán bất động sản được cho là nghề hái ra tiền. Nhiều người sẵn sàng bỏ việc để đi làm “cò” đất.

Dọc tuyến đường 769 đoạn từ ngã tư Lộc An đi về hướng sân bay Long Thành có khá nhiều tấm bảng ghi “Bán đất gần sân bay”, “Bán đất lô, sào”. Tại các quán cà phê, câu chuyện rao bán, sang nhượng hoặc tìm mua những vị trí đất đắc địa, đất theo nhu cầu khách hàng trở thành chủ đề bàn tán của nhiều người. Có người làm “cò” đất với kinh nghiệm lâu năm nhưng cũng không ít người mới chập chững vào nghề vài ba tháng.

Dọc tuyến đường tỉnh 769 (hướng vào khu vực xây dựng sân bay Long Thành), các biển quảng cáo giới thiệu mua bán đất mọc lên dày đặc, người mua bán vào ra nhộn nhịp. Ảnh: Thanh Hải
Dọc tuyến đường tỉnh 769 (hướng vào khu vực xây dựng sân bay Long Thành), các biển quảng cáo giới thiệu mua bán đất mọc lên dày đặc, người mua bán vào ra nhộn nhịp. Ảnh: Thanh Hải

Ông L.V.H. (ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành) từ nhiều năm nay kinh doanh quán cà phê tại một con đường trung tâm, nhưng thời gian gần đây ông chuyển sang làm bất động sản. Công việc tại quán cà phê được ông giao lại cho nhân viên, người thân quản lý. Đến với nghề này qua một lần đầu tư đất thấy có lãi nhanh, nghĩ có duyên nên ông chuyển hẳn sang làm “cò” đất.

Theo ông H., ban đầu ông đi cùng với những người từng có nhiều thời gian làm trong lĩnh vực này nên quen việc khá nhanh, đồng thời tích cực tham gia vào các hội, nhóm để trao đổi chuyện mua bán. Ông đi “săn” lùng những lô đất có tiềm năng, nếu có đủ vốn sẽ mua ngay, không thì cùng góp tiền mua. Sau khi mua đất, ông rao bán lại kiếm lời. Ngoài ra, ông cũng tìm khách có nhu cầu mua rồi giới thiệu cho các gia đình có đất bán để lấy tiền công.

So với trước đây, nghề làm “cò” đất bây giờ hễ có thông tin là đăng ngay lên mạng xã hội, thậm chí chạy quảng cáo nhằm kiếm khách. Vì thế, có khi chỉ trong một ngày mà một mảnh đất có thể sang nhượng qua lại nhiều lần; qua đó, tạo nên sức hút. Thị trường bất động sản càng “sốt”, người mua nhà, đất càng nhiều thì “cò” đất càng có cơ hội kiếm được nhiều tiền.

“Ngoài tiền phần trăm thu từ bên bán lẫn bên mua, người làm nghề này dễ dàng khống chế, nâng mức giá bán để ăn tiền chênh lệch. Chỉ cần mỗi tháng chốt được 2-3 đơn hoặc 1 đơn thôi là cò “đất” cũng có thể sống khỏe so với làm nghề khác” - ông H. bộc bạch.

* “Né” luật để hoạt động…

Không chỉ ở các xã gần sân bay Long Thành như: Bình Sơn, Lộc An, Long An, Long Đức của H.Long Thành mà giờ đây cơn “sốt” đất cũng lan ra các khu vực lân cận. Tại H.Cẩm Mỹ, thời gian qua, người dân rất quan tâm đến chuyện mua bán đất. Vào những ngày cuối tuần, nhiều người từ các nơi nườm nượp đổ về hỏi mua đất. Chưa bao giờ, các ngả đường dẫn vào khu vực này lại nhộn nhịp xe cộ biển số trong và ngoài tỉnh nhiều như thế.

Chị H.N.L., một “cò” đất có tiếng ở xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) cho hay muốn làm tốt nghề này phải nắm khá rõ thông tin về các hộ gia đình có nhu cầu bán đất trên địa bàn, chỉ cần khách có nhu cầu là họ lập tức dẫn đi xem. Từ cuối tháng 10-2021 đến nay (khi dịch Covid-19 tại Đồng Nai được kiểm soát), lượng khách quan tâm đến đất đai tại H.Cẩm Mỹ khá lớn. Khách hàng chủ yếu đến từ TP.HCM, tỉnh Bình Dương, thậm chí cả các tỉnh phía Bắc.

Một dự án “ma” tại xã Long Đức, H.Long Thành sau khi “chủ đầu tư” rút đi, khu vực bỏ hoang hóa nhiều năm qua khiến nhiều người ôm nợ vì mua đất. Ảnh: Thanh Hải
Một dự án “ma” tại xã Long Đức, H.Long Thành sau khi “chủ đầu tư” rút đi, khu vực bỏ hoang hóa nhiều năm qua khiến nhiều người ôm nợ vì mua đất. Ảnh: Thanh Hải

Theo chị L., có tháng chị bán cho khách được 5-6 mảnh đất, tiền hoa hồng bằng cả mấy năm đi làm cộng lại. Đây là số tiền lớn mà nếu làm công nhân không biết đến bao giờ mới tích góp được. Ngoài môi giới nhà đất, chị còn tranh thủ bỏ vốn đầu tư, mua đi bán lại. Tuy nhiên, gần đây khi địa phương “siết” chặt hoạt động mua bán bất động sản nhằm ngăn ngừa tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp khiến “cò” đất gặp khó khăn.

“Chưa kể, theo quy định, muốn làm nghề này phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Hiện nhiều người làm “cò” đất hiếm ai có loại giấy này vì chủ yếu làm tự do, ai có nhu cầu thì dẫn khách đi xem” - chị L. nói.

Lợi dụng các dự án lớn đang triển khai trên địa bàn tỉnh, thị trường bất động sản cũng trở nên phức tạp, người dân đổ xô mua bán đất cũng gặp nhiều rủi ro. Trong đó, tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp là trái pháp luật, người dân cần thận trọng để tránh việc bị “cò” lừa gạt, tránh trường hợp “tiền mất, tật mang”.

Bà Trần Thị Thương (ngụ xã Long Đức, H.Long Thành) cho hay, cách đây mấy năm, khu vực rừng cao su ở gần nhà, người ta còn ngang nhiên dựng bảng quảng cáo chuẩn bị xây dựng một trường đại học lớn. Sau đó, tiến hành làm đường, dựng cột điện, xây hệ thống thoát nước tại các mảnh đất trống nên nhiều người từ các địa phương khác kéo về hỏi mua. Khi khách hàng mua đất thành công thì chỉ trong một đêm bảng quảng cáo biến mất. Nhiều người bị lừa vì bỏ ra số tiền lớn chỉ để mua một lô đất nông nghiệp rộng vài chục mét vuông.

“Đến nay, khu đất đó bỏ không, cây cối mọc lên um tùm, không thấy ai xây dựng nhà cửa. Để xảy ra tình trạng này, một phần còn do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Người dân phải thực sự tỉnh táo, tìm hiểu kỹ khi mua đất tại các địa phương được “cò” đất quảng cáo là đang sốt” - bà Thương chia sẻ.

Điều 62, Luật Kinh doanh bất động sản quy định rất rõ về điều kiện kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản. Theo đó, tổ chức, cá nhân khi làm môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp và có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Nếu cá nhân muốn kinh doanh độc lập thì phải có chứng chỉ hành nghề, và đăng ký nộp thuế theo quy định. Việc cá nhân thực hiện môi giới bất động sản mà không đáp ứng các điều kiện trên rõ ràng là vi phạm quy định pháp luật.

Thanh Hải

Tin xem nhiều