Báo Đồng Nai điện tử
En

Huấn luyện viên Trần Bình Sự: Bóng đá Đồng Nai không thể mãi là “con nhà nghèo học giỏi”

09:09, 13/09/2013

Có duyên với Đồng Nai, cách đây 10 năm, vào năm 2003, sau khi đưa Bình Dương từ hạng nhất lên V.League, huấn luyện viên (HLV) Trần Bình Sự nhận được lời mời từ Đồng Nai khi đó đang chơi ở giải hạng nhì, với mục tiêu giúp cho Đồng Nai thăng hạng lên giải hạng nhất.

Có duyên với Đồng Nai, cách đây 10 năm, vào năm 2003, sau khi đưa Bình Dương từ hạng nhất lên V.League, huấn luyện viên (HLV) Trần Bình Sự nhận được lời mời từ Đồng Nai khi đó đang chơi ở giải hạng nhì, với mục tiêu giúp cho Đồng Nai thăng hạng lên giải hạng nhất. Ông nhận lời và đã làm được. Xong rồi lại ra đi và trở lại...

* Điều gì khiến ông nhận lời trở thành người dẫn dắt đội Đồng Nai - một đội bóng trước đó hầu như chưa có dấu ấn nào về chuyên môn lẫn sự đầu tư về vật chất?

- 6 năm sau khi Đồng Nai lên hạng nhất, năm 2010 trong khi đang làm Giám đốc kỹ thuật tại CLB Hòa Phát Hà Nội thì tôi nhận được điện thoại của lãnh đạo Công ty cổ phần bóng đá Đồng Nai nhờ vào giúp “giải cứu” cho đội đang có nguy cơ bị xuống hạng. Năm đó, đội đã trụ hạng thành công nhờ đánh bại Tiền Giang với 2 bàn cách biệt và những năm tiếp theo, ngày càng có thứ hạng cao hơn. Năm 2013 đội được đặc cách lên chơi ở V.League, dư luận nghi ngờ về khả năng trụ hạng của đội, nhưng khi kết thúc mùa giải, đội đã vượt chỉ tiêu, xếp hạng 7/11 đội, đồng thời đoạt Huy chương đồng Cúp Quốc gia 2013.

* Nhiều người nói ông “liều”. Ông có thấy thế không?

- Nhiều người nói tôi “liều”, nhưng tôi nghĩ mình không liều vì cách đây trên 10 năm, trong khi đang  làm việc tại Bình Dương, tôi thường mở ti vi xem các giải trẻ thiếu niên, nhi đồng tại Đồng Nai và thấy tiềm năng của vùng đất này. Suy nghĩ của tôi đã trở thành hiện thực khi trong 10 năm,  các lứa  U.15, U.19, U.21 đã lần lượt bước lên bục cao nhất của bóng đá Việt Nam và hiện nay các cầu thủ trẻ đó đang trở thành những trụ cột của đội Đồng Nai tham gia V.League. Đây chính là tiềm năng không phải địa phương nào cũng có.

* Ông là HLV đầu tiên đưa Đồng Nai lên hạng. Ông cho rằng điều này là do may mắn hay do sự nỗ lực của mình?

- Theo tôi thì là cả hai.

* Những gì ở các cầu thủ của Đồng Nai làm ông hài lòng và chưa hài lòng? Mục tiêu của ông là gì? Liệu rằng sự đầu tư cho đội bóng tỉnh nhà của Đồng Nai đã thỏa đáng chưa? Còn thiếu gì và được gì?

- Đã làm việc ở Đồng Nai 5 mùa giải, chiếm 1/6 trong quãng đời làm HLV của tôi, điều làm cho tôi hài lòng là đội luôn giữ được bản sắc của địa phương, rất đoàn kết và đã vượt qua nhiều thử thách gay go trong chặng đường đầy khó khăn khi lần đầu tiên được góp mặt ở giải đấu cao nhất trong toàn quốc.  Nhưng các cầu thủ Đồng Nai còn “nai” quá, tôi muốn biến họ luôn dũng mãnh như những chú “sư tử”, không bao giờ biết đầu hàng và khuất phục khi trọng tài chưa kết thúc trận đấu. Và mong muốn của tôi là làm cho bóng đá Đồng Nai tỏa sáng hơn nữa.

Năm vừa qua, do chưa có sự chuẩn bị tham gia giải từ trước nên bị động về kinh phí, nhưng lãnh đạo tỉnh đã tạo mọi điều kiện tháo gỡ khó khăn để đội thi đấu thành công. Mùa giải 2014 sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hy vọng sân vận động Đồng Nai có thể từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đối với các đội bóng chuyên nghiệp.

* Tình trạng “chảy máu” cầu thủ đang diễn ra ở đội Đồng Nai. Ông có lo lắng không?

- Phải chấp nhận rằng, đội giàu sẽ lấy đi cầu thủ giỏi vì chế độ lương thưởng, tiền lót tay của họ nhiều hơn. Đó là thực tế. Đồng Nai đã và đang mất đi những cầu thủ giỏi mà chúng ta đã có, như: Đặng Văn Thành, Đình Hiệp, Thành Trung, Minh Phong... và đó là khó khăn phải đối mặt. Chúng tôi sẽ cố gắng “liệu cơm gắp mắm”. Trên đấu trường V.League, Đồng Nai được đánh giá là một đội bóng “con nhà nghèo học giỏi”, nhưng điều này không thể là mãi mãi, nếu muốn thăng hạng, trụ hạng, chúng ta phải đầu tư xứng đáng hơn.

* Ông là một “lão tướng” đã có hàng chục năm trong nghề HLV. Điều gì khiến ông ấn tượng nhất? Điều gì khiến ông tiếc nuối nhất trong sự nghiệp?

- Tôi đã có 30 năm làm công tác huấn luyện, điều mừng nhất là những cầu thủ trong đội tuyển quốc gia năm 1992-1993 do tôi huấn luyện, nay đã trở thành đồng nghiệp và đang gặt hái thành công hơn tôi, như: Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức, Hoàng Anh Tuấn, Lại Hồng Vân , Nguyễn Văn Sĩ, Lư Đình Tuấn, Nguyễn Hồng Sơn... Còn điều khiến tôi tiếc nuối nhất là chưa một lần chạm tay vào chiếc Cúp vô địch quốc gia, tuy đã có nhiều thành tích khác được ghi nhận.

* Theo ông, bóng đá Việt Nam đang thiếu gì để trở nên chuyên nghiệp hơn? Liệu có phải sự lệ thuộc quá lớn vào các ông bầu đã khiến bóng đá Việt Nam thiếu đi sự độc lập cần thiết để trở nên chuyên nghiệp và hấp dẫn hơn chăng?

- Bóng đá Việt Nam đã trải qua 13 năm làm chuyên nghiệp, trong đó có 10 năm thử nghiệm bán chuyên nghiệp và 3 năm chuyên nghiệp nhưng thực tế, việc định hướng chưa rõ ràng. Các ông bầu “nhảy” vào làm bóng đá trong thập niên vừa qua đều xuất phát từ niềm đam mê đóng góp cho bóng đá nước nhà , đồng thời quảng bá thương hiệu của mình nên đã gây tiếng vang trong khu vực. Nhưng cũng có những ông chủ chạy theo mốt hoặc toan tính các lợi ích riêng nên thích thì chơi, không thích thì sẵn sàng giải tán.

* Lương và thu nhập của HLV và cầu thủ Việt Nam hiện tại có xứng đáng chưa? Ông nghĩ gì khi nhiều cầu thủ trẻ “chơi ngông” với xe tiền tỷ hay những bữa tiệc đốt tiền? Bên cạnh năng khiếu và thể lực, họ còn cần gì thêm để trở thành những cầu thủ xứng đáng được vinh danh?

- Hiện nay, lương và thu nhập của HLV và cầu thủ Việt Nam so với mặt bằng xã hội là tương đối cao, và tôi nghĩ họ xứng đáng được hưởng điều đó vì thời gian cống hiến của họ chỉ kéo dài khoảng 10 năm, chưa kể rủi ro gặp phải trong thi đấu.

Tôi nghĩ VFF cần có quy chế chặt chẽ, có sự ràng buộc về kinh tế cũng như pháp lý của địa phương, nơi đội bóng đó đăng ký thi đấu để bớt rơi vào bị động khi ông bầu “bỏ của chạy lấy người”.

Tôi biết nhiều cầu thủ còn trẻ, có chút năng lực và có thu nhập cao, chứng tỏ mình bằng cách mua xe bạc tỷ, tiệc tùng thâu đêm, dùng hàng xa xỉ… Tôi tôn trọng cuộc sống cá nhân, song tôi vẫn thường nói với các học trò: các em chỉ có 10 năm, hãy biết quý trọng từng đồng thu nhập mà các em có được, đừng lãng phí. May mắn là những học trò Đồng Nai mà tôi đang huấn luyện không có ai như thế.

* Người ta nói, nghề cầu thủ rất bạc. Ông thấy sao về điều này? Và HLV có phải là một nghề cũng “bạc” không kém?

- Điều đó theo tôi là đúng, vì ranh giới giữa vinh quang và tội đồ chỉ là vạch vôi 12cm trong khung cầu môn, và nghề cầu thủ chỉ có thể kéo dài khoảng 10 năm. Khi đã ngoài 30 tuổi thì họ lại phải chuẩn bị cho kế sinh nhai tiếp theo, vì không phải ai cũng trở thành HLV được. Nghề HLV cũng vậy, phải chấp nhận rằng khi thắng, cầu thủ được vinh danh, song khi thua, bao nhiêu “tội lỗi” đều đổ lên đầu HLV. Tôi biết và chấp nhận điều đó, vẫn làm việc với tất cả niềm đam mê và trách nhiệm.

* Ông đã gần 70 tuổi vẫn đeo đuổi trên sân, vui buồn với những trận đấu. Nghề HLV đã cho ông những gì, và có lấy mất điều gì của ông không?

- Hơn 50 năm ăn, ngủ, hít thở với không khí bóng đá, tôi đã có nhiều vui buồn. Bóng đá đã mang lại cho tôi rất nhiều: kiến thức, sức khỏe, niềm vui và nhất là tinh thần trung thực, cao thượng. Nhưng bóng đá cũng đã lấy mất của tôi nhiều thời gian bên gia đình, con cháu.     

* Ông sẽ còn gắn bó với đội Đồng Nai bao lâu nữa? Cuộc sống và con người nơi đây có để lại ấn tượng gì với ông không?

- Việc gắn bó với Đồng Nai bao lâu phụ thuộc vào nhiều thứ. Nhưng tôi luôn mong muốn có sức khỏe, sự minh mẫn để mỗi chiều cuối tuần được ra sân cùng các cầu thủ Đồng Nai, cùng thi đấu và được nghe 2 tiếng “Đồng Nai, Đồng Nai” cất lên từ hàng vạn khán giả - đó chính là tài sản vô giá mà chúng ta đang có, cũng là điều làm tôi hạnh phúc nhất.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều