Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai là một trong những "miền đất hứa" của các nhà đầu tư Thái Lan

09:09, 30/09/2016

Mới đến nhậm chức, bà Ureeat Ratanaprukse, Tổng lãnh sự Vương quốc Thái Lan tại TP.Hồ Chí Minh, đã đến thăm, làm việc với tỉnh Đồng Nai và các doanh nghiệp Thái Lan đang đầu tư tại đây.

Mới đến nhậm chức, bà Ureeat Ratanaprukse, Tổng lãnh sự Vương quốc Thái Lan tại TP.Hồ Chí Minh, đã đến thăm, làm việc với tỉnh Đồng Nai và các doanh nghiệp Thái Lan đang đầu tư tại đây. Theo bà Ureeat Ratanaprukse, Việt Nam là quốc gia trong khối ASEAN được cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan rất chú ý. Với những lợi thế sẵn có, tới đây không chỉ doanh nghiệp Thái Lan mà doanh nghiệp của các quốc gia khác cũng muốn đầu tư vào tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái tặng quà cho bà Ureeat Ratanaprukse, Tổng lãnh sự Vương quốc Thái Lan tại TP.Hồ Chí Minh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái tặng quà cho bà Ureeat Ratanaprukse, Tổng lãnh sự Vương quốc Thái Lan tại TP.Hồ Chí Minh.

Thái Lan hiện đang xếp thứ 5 trong hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai. Đồng thời, đây cũng là quốc gia xếp thứ 2 trong khối ASEAN đầu tư vào Đồng Nai với tổng vốn hơn 1,4 tỷ USD. Các doanh nghiệp Thái Lan đến Đồng Nai từ rất sớm và có nhiều tập đoàn đã rất thành công, không ngừng lớn mạnh, như: Amata, CP... hấp dẫn doanh nghiệp Thái Lan

 Theo đánh giá của bà, những ưu điểm nào ở Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng hấp dẫn doanh nghiệp Thái Lan?

- Trước khi chọn đầu tư vào quốc gia nào, doanh nghiệp đều tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ về thị trường, chính sách thu hút đầu tư. Nếu thị trường có nhiều tiềm năng, chính sách thông thoáng, ổn định thì doanh nghiệp sẽ chọn. Thị trường Việt Nam khá rộng mở và có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nên nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã chọn để đầu tư trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Từ đầu năm 2016, Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập, cũng là lợi thế cho các nước trong khu vực mở rộng đầu tư sang những quốc gia trong khối, tạo sự liên kết để cùng phát triển bền vững. Đồng Nai là tỉnh tập trung đầu mối giao thông của khu vực phía Nam, các khu công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, thủ tục đầu tư giải quyết nhanh gọn là những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp Thái Lan, cũng như các nước khác muốn chọn Đồng Nai để đầu tư. Đặc biệt, khi Sân bay quốc tế Long Thành xây dựng, các đường cao tốc hoàn thành tạo nên kết nối vùng thuận lợi, vốn của doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào Đồng Nai sẽ còn tăng cao.

 Các chuyên gia kinh tế thế giới đánh giá Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ mở ra cơ hội lớn cho 10 nước trong khối, song đi kèm cũng có không ít thách thức. Vậy đâu là thuận lợi và đâu là thách thức trong quan sát riêng của bà?

- Cộng đồng kinh tế ASEAN mở ra cơ hội chung cho cả 10 nước trong khu vực. Bởi đang dần hình thành một thị trường chung, có không gian sản xuất thống nhất, các nước cùng liên kết, hỗ trợ nhau để kinh tế phát triển đồng đều, tăng tính cạnh tranh để hội nhập sâu với nền kinh tế của thế giới. Thị trường ASEAN có trên 600 triệu dân, GDP hơn 3 ngàn tỷ USD/năm sẽ là nơi hấp dẫn nhiều nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và các quốc gia phát triển khác. Mục tiêu của Cộng đồng kinh tế ASEAN là liên kết để tăng sức mạnh cạnh tranh với những đối tác lớn và thu hút đầu tư nước ngoài. Do đó, đây là cơ hội lớn để các nước thu hút đầu tư từ nước ngoài, vì các nhà đầu tư sẽ không dễ dàng bỏ qua một thị trường còn nhiều tiềm năng với hơn 600 triệu dân.

Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội cũng đan xen không ít thách thức, vì đòi hỏi các nước trong khu vực phải thống nhất và kịp thời đưa ra những giải pháp phù hợp để phát triển. Việt Nam là nước hội nhập nhanh nên tận dụng khá tốt những lợi thế từ Cộng đồng kinh tế ASEAN. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao, ngay các nước trong khối ASEAN cũng mở rộng đầu tư vào Việt Nam, như: Thái Lan, Singapore, Malaysia...

* Muốn đầu tư nhiều lĩnh vực

 Một số tập đoàn của Thái Lan đã khởi nghiệp từ Đồng Nai và rất thành công, hiện đang mở rộng đầu tư ra cả nước. Có phải vì thế mà doanh nghiệp Thái Lan muốn đầu tư vào Đồng Nai ngày càng tăng?

- Như tôi đã nói, Đồng Nai hội tụ những lợi thế mà các nhà đầu tư cần. Do đó, doanh nghiệp Thái Lan đã đến tỉnh đầu tư rất sớm, từ cách đây hơn 20 năm, như: Tập đoàn CP, Amata... Hai tập đoàn trên đều chọn Đồng Nai là điểm đến đầu tiên tại Việt Nam. Tập đoàn Amata chọn đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Amata và khu công nghiệp này trở thành một trong những khu công nghiệp kiểu mẫu của cả nước. Sau khi thành công tại Đồng Nai, Tập đoàn Amata mới mở rộng đầu tư ra các tỉnh  phía Bắc. Gần đây, Amata cũng tiếp tục mở rộng đầu tư tại Đồng Nai với 3 dự án lớn khác ở huyện Long Thành; còn Tập đoàn CP chọn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Từ một nhà máy tại Đồng Nai, hiện Tập đoàn CP đã xây dựng chuỗi nhà máy ở nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam.

Ngay sau khi nhậm chức, tôi đã đến thăm và làm việc với một số tập đoàn, doanh nghiệp của Thái Lan đang hoạt động tại Đồng Nai để tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn. Hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết họ hoạt động tại tỉnh tương đối thuận lợi, chính quyền luôn đồng hành và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc. Tôi nghĩ đây cũng là một trong những cách quảng bá tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư Thái Lan đang muốn đầu tư vào Việt Nam. Vì khi họ đầu tư vào nơi nào cũng sẽ tìm hiểu qua những doanh nghiệp Thái Lan đã đầu tư vào tỉnh.

 Lĩnh vực nào doanh nghiệp Thái Lan đang muốn đầu tư vào Đồng Nai nhất?

- Việt Nam được đánh giá là một trong những nước dẫn đầu trong khối ASEAN về thu hút đầu tư nước ngoài. Do đó, doanh nghiệp Thái Lan trên các lĩnh vực bán lẻ, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư, nông nghiệp đã và đang mở rộng đầu tư vào Việt Nam, trong đó có Đồng Nai. Tôi nghĩ thời gian tới, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp của tỉnh sẽ tiếp tục thu hút được nhiều doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào. Chuyến làm việc của tôi tại Đồng Nai là nhằm tìm hiểu thêm các chính sách, môi trường đầu tư của tỉnh để hỗ trợ thêm thông tin và làm cầu nối cho doanh nghiệp Thái Lan đang dự tính đầu tư vào tỉnh.

 Tuy có nhiều ưu thế, song theo bà, Đồng Nai nên tiếp tục làm gì để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài hơn?

- Tôi đã có nghiên cứu, tìm hiểu về Đồng Nai. Trong đó, tôi đánh giá rất cao việc tỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, xem trọng vấn đề bảo vệ môi trường. Điểm khiến tôi khá hài lòng là các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào Đồng Nai luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và những lĩnh vực khác. Tôi cũng theo dõi và thấy bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2015 tăng 5 bậc. Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư của tỉnh đang được cải thiện theo hướng tốt hơn. Tuy nhiên, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào tỉnh nhiều hơn, bên cạnh việc hoàn thiện hạ tầng giao thông nên tiếp tục đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.  Mở rộng xúc tiến đầu tư, quảng bá những lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên mời gọi đầu tư.

 Thái Lan là đất nước làm du lịch khá tốt, đây là lĩnh vực Đồng Nai có nhiều tiềm năng và đang mời gọi đầu tư. Thời gian tới, bà có thể là cầu nối giới thiệu các doanh nghiệp trên lĩnh vực này vào Đồng Nai?

- Chúng tôi đến thăm và làm việc tại Đồng Nai là để tìm hiểu các chính sách, lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên mời gọi đầu tư để chuyển tải cho các doanh nghiệp đang có ý định đầu tư vào Việt Nam. Vì thế, không chỉ du lịch mà các lĩnh vực khác cũng vậy, khi có doanh nghiệp Thái Lan muốn đầu tư vào Việt Nam, Tổng lãnh sự quán sẽ làm cầu nối để doanh nghiệp tìm hiểu và chọn địa điểm phù hợp nhất để đầu tư. Với nhiều tiềm năng về rừng, hồ, thác, sông và đông dân cư, trong tương lai tỉnh sẽ là nơi hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

 Xin cảm ơn bà!

Khánh Minh (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều