Báo Đồng Nai điện tử
En

Tôi hy vọng sẽ tìm được thêm liệt sĩ đang nằm đâu đó trên quê hương

11:07, 21/07/2017

Ở tuổi 70, người thương binh Chế Trung Hiếu, sinh sống tại quận Lê Chân, TP.Hải Phòng có một thú vui là đi khắp nơi với chiếc máy ảnh để sưu tầm những bức ảnh đẹp và ghi chép lại những nơi đã đi qua để đưa lên trang mạng dành cho những người yêu thích nhiếp ảnh...

Ông Chế Chung Hiếu
Ông Chế Chung Hiếu

Ở tuổi 70, người thương binh Chế Trung Hiếu, sinh sống tại quận Lê Chân, TP.Hải Phòng có một thú vui là đi khắp nơi với chiếc máy ảnh để sưu tầm những bức ảnh đẹp và ghi chép lại những nơi đã đi qua để đưa lên trang mạng dành cho những người yêu thích nhiếp ảnh. Cũng từ đây, một bức ảnh lịch sử đã kết nối các nhân chứng của cả 2 đầu chiến tuyến năm xưa để tìm ra ngôi mộ tập thể chôn các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào Sân bay Biên Hòa mùa xuân năm 1968 của quân đội ta.

Sinh ra, lớn lên tại Quảng Ngãi, năm 16 tuổi ông Hiếu tham gia cách mạng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau 8 năm cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương, ông bị thương trong một trận đánh và mất đi một chân trái. ông trở về và đi học đại học ngành điện khí hóa tại tỉnh Bắc Ninh. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông về Hải Phòng làm việc, công tác tại Sở Xây dựng TP.Hải Phòng. Đây cũng là quê hương thứ 2 của ông khi ông lập gia đình và sinh sống cho đến nay.

* Từ một bức ảnh trên mạng xã hội

* Cơ duyên nào giúp ông có những thông tin về ngôi mộ tập thể ở Sân bay Biên Hòa?

- Tôi có người bạn là kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng ở TP.Hồ Chí Minh rất đam mê ảnh, đặc biệt là những bức không ảnh (ảnh chụp từ trên cao). Anh Thắng sưu tầm được một bức ảnh về Sân bay Biên Hòa và đưa lên trang mạng panoramio (một trang mạng lưu trữ ảnh có vị trí địa lý xác định). Mãi 10 năm sau, một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Sân bay Biên Hòa năm xưa đã viết bình luận phía dưới bức ảnh và chỉ ra một ngôi mộ tập thể chôn các chiến sĩ của ta. Sau khi đọc những thông tin trong lời bình luận của ông ta, tôi liên lạc với người cựu binh Mỹ ngay trong đêm đó. Những ngày sau đó những cuộc trao đổi qua email đã giúp chúng tôi có những thông tin về vị trí ngôi mộ.

Khi các thông tin đã được xác định, tôi cùng anh Thắng liên lạc với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai và cuộc tìm kiếm được thúc đẩy rất nhanh.

* Quá trình kết nối tìm mộ liệt sĩ ông gặp khó khăn, thuận lợi gì?

- Ngày 17-3-2017, 2 cựu binh Mỹ được mời sang Việt Nam và trở lại Sân bay Biên Hòa để hỗ trợ cho cuộc tìm kiếm. Tuy nhiên, đã 50 năm trôi qua, cảnh vật đã khác rất nhiều nên việc xác định vị trí chính xác không hề đơn giản. Trong suốt những ngày tìm kiếm, tôi cũng như các đồng chí trong Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh khá căng thẳng. Bản thân tôi là một trong những người tiếp nhận thông tin và là cầu nối cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các cựu binh Mỹ gặp nhau để nắm bắt thông tin về ngôi mộ nên mỗi ngày trôi qua chưa thấy mộ các anh là tôi ăn ngủ không yên.

Điều khiến tôi vững dạ là quyết tâm tìm kiếm đồng đội của các đồng chí trong Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh luôn mạnh mẽ dù đã trải qua hàng chục ngày đào bới không kết quả. Cũng với tinh thần này Đại tá Mai Xuân Chiến, Phó chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, quyết định di dời địa điểm tìm kiếm chứ không ngừng nghỉ khi bên không quân có lịch tập bay. Quyết định này đã giúp họ tìm thấy các anh, cách vị trí đang tìm suốt 26 ngày qua khoảng 150m.

 * Cảm xúc của ông khi tìm được hố chôn các liệt sĩ?

- Hôm đó là 9 giờ 15 ngày 13-4-2017, tôi đang ở Lào và nhận được điện thoại của Đại tá Mai Xuân Chiến báo tin đã tìm thấy mộ các liệt sĩ. Nước mắt tôi cứ thế tuôn rơi. Bên kia đầu dây, anh Chiến cũng bật khóc vì xúc động. Tôi lập tức báo tin cho 2 cựu binh Mỹ đã giúp sức, 2 anh cũng vô cùng nhẹ nhõm và xúc động.

Các liệt sĩ cũng như tôi ngày xưa, ra chiến trận khi còn lứa tuổi mười tám, đôi mươi với tinh thần chiến đấu rất kiên cường, không sợ hy sinh gian khó. Thậm chí không một ai nghĩ đến chết chóc chia ly, chỉ chung một ý chí là đấu tranh giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Các anh đã nằm lại đấy gần 50 năm mới được trở về cùng gia đình, đồng đội.

*Điều gì thôi thúc ông đi tìm đồng đội những ngày qua?

- Trong chiến tranh, tôi là một người lính đặc công, bạn bè tôi cũng hy sinh rất nhiều. Tất cả chúng tôi cùng trang lứa như nhau. Dù bị thương và mất một chân trái nhưng tôi vẫn may mắn hơn các đồng đội đã hy sinh. Đặc biệt là, những chiến sĩ hy sinh trên chiến trường miền Nam phần lớn là các thanh niên miền Bắc. Họ xa gia đình khi tuổi đời còn rất trẻ, ra đi vì quê hương đất nước và rất nhiều người đã nằm lại chiến trường này. Ngày ấy không ai sợ chết, trong lòng họ chỉ duy nhất một ý chí là chiến đấu vì quê hương. Do đó, khi nghe tin tức về đồng đội mình, tôi không ngần ngại tìm hiểu và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng đi tìm kiếm các anh.

* Sẽ tiếp tục góp công tìm mộ liệt sĩ

* Ông sẽ tiếp tục cuộc tìm kiếm của mình chứ?

- Sau khi tìm thấy các liệt sĩ ở Sân bay Biên Hòa, có thông tin của các cựu binh Mỹ là vẫn còn rất nhiều liệt sĩ đang nằm ở các vị trí như: Sân bay Tân Sơn Nhất, Sân bay quân sự Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước). Hiện khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất đang được tiến hành tìm kiếm. Trong 2 ngày 13, 14-7 vừa qua chúng tôi đã về Sân bay Lộc Ninh chụp ảnh, xác định vị trí hiện tại để gửi cho các cựu binh Mỹ xác định vị trí khu mộ tập thể của chiến sĩ giải phóng đã ngã xuống trong một trận đánh vào tháng 11-1967, được chôn dọc theo đường băng của sân bay. Tôi hy vọng sẽ có nhiều liệt sĩ được trở về với gia đình. Tôi sẽ tiếp tục công việc là cầu nối tìm hiểu và cung cấp thông tin của mình.

* Hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp người tham gia kháng chiến chưa được hưởng chế độ. ông nghĩ gì về điều này?

- Trong chiến tranh, các chiến sĩ hy sinh rất nhiều. Hòa bình lập lại, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách đặc biệt để chăm sóc, hỗ trợ với những người đã từng tham gia kháng chiến. Tuy nhiên, trong thời kỳ chiến tranh do sự khốc liệt nên có nhiều trường hợp liệt sĩ chưa biết tên, vẫn còn những gia đình có người thân tham gia kháng chiến nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ, Theo tôi điều đó một phần do còn nhiều thiếu sót, một phần hoàn cảnh khách quan của đất nước.

Nhà nước vẫn đang có những cuộc tìm kiếm, xác minh thông tin về những trường hợp tham gia kháng chiến nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách để bù dắp. Tôi tin rằng những trường hợp chưa được xác nhận chế độ sẽ được xem xét, có những chính sách hỗ trợ sớm nhất.

* Điều gì khiến ông trăn trở nhất về công tác thương binh  - liệt sĩ hiện nay?

- Theo tôi biết, hiện nay trên khắp đất nước ta còn 200 ngàn liệt sĩ chưa tìm thấy. Đảng, Chính phủ và nhân dân vẫn đang tìm kiếm các anh, có thể cuộc tìm kiếm này không thể đưa hết các anh trở về bởi có những người hy sinh trong rừng sâu, đầm lầy hoặc những nơi hẻo lánh nào đó trên đất nước. Tôi hy vọng rằng công tác tìm kiếm liệt sĩ được các địa phương thúc đẩy nhanh chóng và hiệu quả để các anh sớm trở về với gia đình, nằm cùng đồng đội trong các nghĩa trang liệt sĩ. Chỉ khoảng 10 năm nữa, những nhân chứng lịch sử như chúng tôi sẽ không còn đủ minh mẫn, sức khỏe giảm sút sẽ không giúp gì được cho cuộc tìm kiếm nên tôi sẽ gắng hết sức mình khi có thể.

Các ngành chức năng nên có những cải tiến về lưu trữ hồ sơ các thân nhân liệt sĩ để phục vụ cho công tác tìm kiếm trong việc xác định thân nhân.

* Ông muốn chia sẻ điều gì cùng thế hệ trẻ hôm nay?

- Việt Nam đang ngày càng có nhiều bạn trẻ có trình độ học vấn cao, có tính ham học hỏi và đặc biệt có nhiều bạn trẻ thành đạt từ rất sớm. Trong điều kiện đất nước ngày một đổi mới, sự hội nhập kinh tế ngày càng mạnh, tôi hy vọng rằng, ngoài những giá trị về năng lực, trí thức thì thế hệ hôm nay cần phải giữ gìn những truyền thống văn hóa, tinh thần yêu nước của dân tộc mình. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng đối với lớp trẻ hiện nay trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* Xin cảm ơn ông!

Minh Quân (thực hiện)

Tin xem nhiều