Báo Đồng Nai điện tử
En

Phải có được lòng tin của người tiêu dùng

11:09, 01/09/2017

Trong ngành sản xuất găng tay cao su Việt Nam, thương hiệu Nam Long khá nổi tiếng và được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn.

Trong ngành sản xuất găng tay cao su Việt Nam, thương hiệu Nam Long khá nổi tiếng và được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn. Công ty TNHH Nam Long (huyện Long Thành) là một trong số ít doanh nghiệp (DN) thuần Việt tại Đồng Nai được người tiêu dùng cả nước bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao 5 năm liền. Theo ông Long, yếu tố để thành công là xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng.

Sau 20 năm kiên trì, ông Long đã đưa cơ sở sản xuất dây cao su nhỏ của gia đình tại huyện Long Thành trở thành một DN có tên tuổi tại Việt Nam trong ngành sản xuất găng tay cao su với công suất 24 triệu đôi/năm. Thương hiệu găng tay cao su Nam Long không chỉ chiếm lĩnh được thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang gần 10 quốc gia trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao và mẫu mã đẹp, như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

* Chọn lĩnh vực đầu tư ít

Cơ duyên nào khiến ông chọn đầu tư vào sản xuất găng tay cao su?

- Gia đình của tôi có nghề sản xuất dây cao su thủ công từ ông của tôi truyền lại nên từ bé tôi đã học được nghề này. Ngay từ nhỏ tôi đã ấp ủ ước mơ khi lớn lên sẽ đưa cơ sở sản xuất nhỏ của gia đình trở thành một DN có tên tuổi. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học bách khoa (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh), tôi bắt đầu nghiên cứu thị trường. Tôi phát hiện ra Việt Nam sản xuất thủy, hải sản sử dụng găng tay cao su rất nhiều nhưng chủ yếu phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Malaysia. Do đó, tôi nảy sinh ý tưởng sản xuất găng tay cao su cung cấp cho các DN và người tiêu dùng trong nước. Tôi lựa chọn đầu tư làm găng tay cao su là vì có rất ít DN trong nước và nước ngoài đầu tư sản xuất mặt hàng này nên cơ hội thành công cũng sẽ nhiều hơn.

Năm 2017, Đồng Nai có 32 DN đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, trong đó có đến 24 DN có vốn đầu tư nước ngoài nhưng sản xuất hàng hóa tại Đồng Nai. Công ty TNHH Nam Long (huyện Long Thành) là một trong 9 DN thuần Việt năm 2017 đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. Đây là danh hiệu do người tiêu dùng trong cả nước bình chọn thông qua phiếu đánh giá của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao khảo sát.

Bí quyết nào giúp ông từ một chủ cơ sở sản xuất nhỏ trở thành một DN có tên tuổi và được người tiêu dùng trong nước tin tưởng lựa chọn sản phẩm?

- Khi bắt tay vào sản xuất găng tay cao su, tôi đặt ra 3 tiêu chí cơ bản và buộc mình phải làm được là: chất lượng sản phẩm phải đảm bảo; mẫu mã đa dạng, tiện lợi, đẹp để khách hàng có nhiều sự lựa chọn; giá sản phẩm cạnh tranh so với hàng nhập khẩu từ các nước về.

Để làm được điều này với một DN nhỏ mới thành lập là không dễ, ngoài sự đam mê còn đòi hỏi lòng kiên trì và thêm một chút “liều”. Thời gian trôi qua đã khẳng định 3 mục tiêu tôi đặt ra là đúng và đây cũng là tiền đề để công ty từng bước khẳng định được vị trí của mình trên thị trường.

Đơn hàng đến với công ty tăng dần theo từng năm, người tiêu dùng trong nước ngày càng tin tưởng và sử dụng găng tay cao su mang nhãn hiệu Nam Long nhiều hơn. Tôi cũng mang theo một niềm tự hào nho nhỏ là thị trường găng tay cao su Việt Nam có sự đóng góp của công ty mình đã bớt lệ thuộc vào hàng nhập khẩu. Sau khi có được những đơn đặt hàng lớn, ổn định ở trong nước, tôi đã mở rộng thị trường sang xuất khẩu. Đến nay, tôi đã xuất khẩu sản phẩm qua gần 10 nước trên thế giới.

Thương hiệu găng tay cao su Nam Long 5 năm liền được bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao đã giúp ích gì cho DN?

- Được công nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao là mong muốn của nhiều DN sản xuất hàng hóa trong cả nước, vì đây là thước đo sự tín nhiệm, tin tưởng của người tiêu dùng Việt Nam với sản phẩm. DN đạt danh hiệu trên được gắn logo Hàng Việt Nam chất lượng cao trên sản phẩm nên sẽ dễ dàng vào được các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị trong cả nước và người tiêu dùng cũng lựa chọn nhiều hơn. Danh hiệu này được xét hàng năm nên những DN đã đạt rồi vẫn phải tìm cách vươn lên, hoàn thiện sản phẩm, xây dựng tốt thương hiệu để tăng niềm tin của người tiêu dùng và duy trì tiếp danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao.

* Tiếp tục mở rộng thị trường

Hiện nay, thị trường trong nước đã mở cửa. Thuế nhiều mặt hàng xuất, nhập khẩu từ các nước ASEAN và những nước có ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam đã và đang về 0%. Điều này khiến hàng hóa sản xuất trong nước phải chịu sự cạnh tranh gay gắt. Làm thế nào để DN của ông vẫn đứng vững và phát triển?

- Hội nhập luôn mang lại cho các DN trong nước cơ hội đi kèm với thách thức. Cơ hội là nếu trụ vững, giữ được thị phần trong nước DN còn có thể hợp tác xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài để hưởng các ưu đãi về thuế quan với những nước Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do. Như vậy, DN sẽ có khả năng mở rộng sản xuất, xuất khẩu. Khi đã vào được các thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, sản phẩm sẽ dễ dàng xuất khẩu sang những nước khác.

DN của tôi vẫn đứng vững và phát triển được trước sự cạnh tranh của hàng ngoại nhập là vì ngành sản xuất găng tay cao su có lợi thế là nguyên liệu sản xuất hầu hết có ngay trong nước, giá nhân công, điện khá rẻ. Về công nghệ, tôi nhập khẩu máy móc hiện đại để sản phẩm có chất lượng cao và có thể đáp ứng được những đơn hàng lớn khi khách có yêu cầu.

Găng tay cao su Nam Long sản xuất ra 70% tiêu thụ ở thị trường trong nước và 30% dành cho xuất khẩu. Hướng đi sắp tới của DN là sẽ mở rộng thị trường trong nước hay xuất khẩu?

- Năm nay, công ty dự tính sẽ sản xuất khoảng 24 triệu đôi găng cao su, tăng khoảng 2 triệu đôi so với năm 2016. Việc mở rộng thị trường tôi sẽ làm song song cả trong nước lẫn xuất khẩu do công suất của nhà máy có thể đạt đến 30 triệu đôi/năm. Khi nâng được công suất lên 30 triệu đôi/năm, giá thành của sản phẩm sẽ hạ xuống thấp hơn, sức cạnh tranh cũng tăng.

Ngoài những thị trường truyền thống, tôi dự tính sẽ mở rộng xuất khẩu vào Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Vì qua tìm hiểu, tôi thấy sản phẩm của Nam Long có thể cạnh tranh được cả về chất lượng lẫn giá cả với nhiều nước khác cùng sản xuất mặt hàng này.

Bên cạnh đó, tôi cũng rất chú trọng thị trường trong nước vì nhu cầu còn rất lớn. Ở các nước phát triển, họ sử dụng găng tay cao su từ 7-15 đôi/người/năm, song ở Việt Nam mới đạt khoảng 1,5 đôi/người/năm. Đặc biệt là miền Trung, miền Bắc nước ta hàng năm có mùa đông lạnh và khi kinh tế phát triển, thu nhập tăng, lượng người dùng găng tay cao su sẽ nhiều hơn. Tôi đang tiến hành quảng bá, tìm các điểm mở thêm đại lý tiêu thụ tại miền Trung và miền Bắc.

Theo ông, các DN thuần Việt tham gia vào sản xuất hàng hóa có những điểm yếu gì? Kinh nghiệm của riêng ông khi vượt qua những khó khăn ấy?

- Theo tôi, DN thuần Việt lớn không nhiều, đa số là DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ cho nên sức cạnh tranh trong sản xuất không cao. Các DN thuần Việt phần lớn đều có xuất phát điểm từ các hộ gia đình nên khi phát triển lớn đều gặp khó khăn về quản trị, vốn, lao động... Tuy nhiên, tôi vượt qua được những khó khăn ấy bằng cách phải vừa làm vừa học để quản trị DN tốt hơn. Tìm nguồn nguyên liệu chất lượng, giá rẻ để sản xuất và áp dụng các công nghệ hiện đại nhằm giảm giá thành sản phẩm; đồng thời tận dụng tốt các hỗ trợ của Nhà nước cho chương trình hàng Việt để quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước, mở rộng thị trường tiêu thụ.

DN muốn tồn tại và phát triển phải luôn giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng hàng hóa và khâu chăm sóc khách hàng. Người Việt Nam hiện nay rất ưu ái trong việc lựa chọn hàng Việt, vì thế sản phẩm đạt chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá cạnh tranh sẽ được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều