Báo Đồng Nai điện tử
En

Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ

10:09, 25/09/2017

Để chủ động nguyên liệu sản xuất, tăng giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp, Đồng Nai đã có những chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về tình hình thu hút và phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.

Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương
Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương

Để chủ động nguyên liệu sản xuất, tăng giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp, Đồng Nai đã có những chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về tình hình thu hút và phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Ông cho biết:

- Đồng Nai có 570 doanh nghiệp (DN) hỗ trợ, các DN này đóng góp khoảng 28% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, thu hút trên 134 ngàn lao động, chiếm 22% tổng lao động công nghiệp.

* Ông có thể đánh giá về tình hình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh?

- Công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển ngành công nghiệp, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp. UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2020.

Những năm qua, công nghiệp Đồng Nai tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ. Đến năm 2016, ngành công nghiệp hỗ trợ đã hình thành với khoảng 570 DN sản xuất, cung cấp các loại nguyên vật liệu, linh kiện phụ tùng kim loại, điện - điện tử, nhựa, cao su, hóa chất, bao bì... cho các ngành công nghiệp trong tỉnh và các tỉnh bạn, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa một số sản phẩm như: xe máy, ô tô, máy móc thiết bị điện, cơ khí, điện tử, sản phẩm may mặc, giày dép...

Bên cạnh đố, sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ đã bước đầu hình thành sự liên kết sản xuất giữa các DN trong nước và các DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tạo điều kiện cho các DN trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp.

 * Có nhiều DN nhỏ sản xuất trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Đồng Nai than phiền là đang gặp khó khăn trong việc thiếu vốn, mặt bằng sản xuất và ít tiếp cận được những chính sách ưu đãi của Chính phủ. Sở Công thương có giải pháp nào để hỗ trợ DN?

- Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước thiếu vốn để đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ và nhân lực để nâng cao năng lực cạnh tranh. Thời gian qua, lãi suất vốn vay có giảm nhưng vẫn còn khá cao so với các nước trong khối ASEAN nên DN trong nước rất khó cạnh tranh với các DN đầu tư nước ngoài.

Theo đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh có kiến nghị giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, cụ thể: xem xét bổ sung Quỹ đầu tư phát triển tỉnh dành phần vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vay với lãi suất thấp nhằm thúc đẩy DN trên lĩnh vực này phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Về mặt bằng sản xuất, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập 3 phân khu công nghiệp hỗ trợ nhằm phục vụ cho các DN. Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa vào đầu năm 2018 sẽ có hiệu lực, Sở Công thương sẽ căn cứ vào đó tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận tín dụng và hỗ trợ mặt bằng sản xuất, tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp cận được các chính sách ưu đãi của Chính phủ đã ban hành.

*So với mặt bằng chung trong cả nước thì phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Đồng Nai đang xếp ở mức nào?

- Đồng Nai nằm trong tốp đầu cả nước về phát triển  công nghiệp hỗ trợ, gồm: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Bắc Ninh.

Sản xuất thiết bị cho chiếu sáng tại một công ty ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch).Ảnh: H.GIANG
Sản xuất thiết bị cho chiếu sáng tại một công ty ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch).Ảnh: H.GIANG

Tuy nhiên, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Đồng Nai hiện nay chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất. Công nghiệp hỗ trợ khu vực DN trong nước có thể nói phát triển còn khá chậm, quy mô nhỏ, năng lực vốn, công nghệ, sản xuất còn rất hạn chế, chỉ có khả năng tham gia vào một số lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ không đòi hỏi cao về kỹ thuật công nghệ và kỹ năng sản xuất.

Phần lớn các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Sự liên kết giữa các DN công nghiệp chủ yếu vẫn diễn ra giữa các DN FDI với nhau. Các DN trong nước chưa tham gia sâu được vào chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cơ khí, điện - điện tử, dệt may, giày dép...

Sự liên kết sản xuất giữa các DN trong nước và đầu tư nước ngoài còn rất hạn chế do DN trong nước chưa đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, giá cả và thời gian giao hàng của các doanh nghiệp nước ngoài.

 * Các DN lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đăng ký vào cụm công nghiệp sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi gì?

- Các DN công nghiệp hỗ trợ khi đầu tư vào cụm công nghiệp sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 189/2015/NQ-HĐND ngày 11-12-2015 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, các DN sẽ được giảm chi phí sử dụng hạ tầng khi thuê lại đất trong các cụm công nghiệp được ngân sách tỉnh hỗ trợ. Đối với DN nhỏ và vừa khi thực hiện dự án di dời vào cụm công nghiệp sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ chi phí tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển di dời, hỗ trợ xây dựng cơ sở và phí sử dụng hạ tầng là 30 ngàn đồng/m2 tính theo diện tích thuê lại của chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Mức hỗ trợ không quá 10 ngàn m2 đối với DN có quy mô vừa nhưng không quá 300 triệu đồng/DN vừa. DN nhỏ hỗ trợ tối đa là 5 ngàn m2/DN nhưng không quá 150 triệu đồng/DN. DN siêu nhỏ mức hỗ trợ cao nhất 2 ngàn đồng/m2 và không quá 60 triệu đồng/DN.

* Xin cảm ơn ông!

Quốc hội vừa ban hành Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực từ đầu năm 2018. Do đó, trong thời gian tới trên cơ sở Nghị định 111 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ và Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã được ban hành, Sở Công thương sẽ tham mưu cho tỉnh ban hành một số chính sách của địa phương nhằm hỗ trợ cho các DN công nghiệp hỗ trợ phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp.

Hương Giang (thực hiện)


 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích